Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2009

Nicolas Gogol - thử cảm nhận một thế giới nghệ thuật

Thật tình cờ và may mắn tôi lại có được những tư liệu và tác phẩm của Nicolas Gogol. Đầu tiên là mua được quyển “Dead Souls” (Những linh hồn chết), bản dịch tiếng Anh gồm Volume I&II. Rồi đến một quyển tạp chí Văn học nước ngoài với chủ đề chính là kỉ niệm 150 năm ngày mất của Gogol. Trong đó có đăng một vài tác phẩm tiêu biểu và tư liệu về Gogol gồm: 2 truyện ngắn (Vii, Ivan Ivanovich đã cãi nhau với Ivan Nikiphorovich như thế nào?), 1 tiểu luận (Ngày phục sinh Xán lạn), những bức thư qua lại giữa Gogol và Belinski (các bức thư thể hiện sự bất đồng giữa hai nhà văn), và Gogol - thử cảm nhận một thế giới nghệ thuật của Phạm Vĩnh Cư.

Lần đầu tiên đọc Gogol, những cảm nhận ban đầu thật đặc biệt, một số phận khác thường, vừa ngời sáng vinh quang không thể dập tắt, vừa chứa nhiều uẩn khúc khó giải toả. Và biết rằng quyển Dead Souls là một trong những tác phẩm xuất sắc của Gogol mà dường như vẫn chưa được hoàn thiện vì ý đồ của Gogol là sẽ có 3 Volume.Trong các tác phẩm của Gogol, tiếng cười, hình tượng con người, cái thật và cái ảo và những cảm thức tôn giáo là khía cạnh được tác giả đề cập đến nhiều nhất và cũng là khó hiểu nhất.

Tôi cũng chưa đọc được nhiều những tác phẩm của Gogol, nhưng qua những gì đọc được trong 2 cuốn sách này, một phần nào cũng hiểu thêm một nhà văn thiên tài mà chưa mấy được tri ngộ (câu này là lấy của bác Phạm Vĩnh Cư).

Cũng để mọi người tham khảo, tôi sẽ post lên đây một số tác phẩm của Gogol để mọi người cùng tham khảo và cho thêm những cảm nhận về nhà văn này.

Ngày phục sinh Xán lạn

Trong con người Nga có một tình cảm đặc biệt đối với ngày lễ Phục sinh Xán lạn. Anh ta cảm thấy điều đó xâu sắc hơn nếu có dịp ở nơi đất khách quê người. Khi thấy khắp nơi ở các nước khác ngày ấy hầu như không khác gì những ngày thường, -vẫn những công việc mọi khi, vẫn cuộc sống hàng ngày, vẫn cái vẻ thường nhật trên những khuôn mặt,- anh ta cảm thấy buồn và bất giác hướng về nước Nga. Anh ta có cảm giác dường như ở đó ngày lễ này được đón mừng tốt hơn và ngay con người cũng vui tươi hơn, tốt đẹp hơn những ngày khác, và cuộc sống dường như cũng khác, không như mọi ngày. Anh ta bỗng hình dung thấy- lễ thánh trang nghiêm lúc nửa đêm, tiếng chuông rền vang khắp nơi như hoà cả trái đất vào một nhịp, tiếng reo vui: ‘Chúa Kitô đã sống lại!” thay thế tất cả mọi lời chào hỏi trong ngày hôm ấy, và những nụ hôn chỉ có thể thấy hôm ấy ở nước mình, - và anh ta gần như sẵn sàng thốt lên” Chỉ có đất nước Nga ngày lễ này mới được đón mừng như nó đáng được đón mừng!” Dĩ nhiên tất cả chỉ là mơ mộng; nó biến mất ngay lập tức chỉ cần anh ta thực sự trở về nước Nga, hoặc thậm chí chỉ cần anh ta nhớ ra rằng đó là ngày lăng xăng chạy ngược chạy xuôi trong trạng thái ngái ngủ, ngày của những cuộc viếng thăm vô nghĩa, những sự tránh mặt nhau, thay cho những cuộc gặp mặt vui vẻ, - mà nếu có gặp mặt, thì vì những tính toán vụ lợi nhất; rằng trong ngày đó thói háo danh sôi sục trong chúng ta hơn hẳn những ngày khác, và người ta nói chuyện không phải vì sự phục sinh của Chúa Kitô, mà về việc ai sẽ được thưởng cái gì, ai sẽ nhận cái gì; rằng thậm chí ngay dân chúng - được ca ngợi là biết vui sướng hơn cả trong ngày ấy – cũng say sưa ngật ngưỡng ngoài đường ngay sau khi lễ misa long trọng vừa kết thúc và bình minh còn chưa kịp soi sáng trái đất. Con người Nga tội nghiệp sẽ chỉ thở dài, nếu anh ta chợt nhớ lại tất cả những điều đó, và thấy rằng không lẽ đó chỉ là bức tranh biếm họa và sự nhạo báng ngày hội, còn bản thân ngày hội thì không có. Chỉ là lấy lệ thôi một quan chức hôn chùn chụt vào má một người tàn tật, muốn chứng tỏ cho những kẻ dưới quyền càn phải yêu thương người anh em mình như thế nào, hoặc một nhà ái quốc cổ hủ nào đó, bực bội vì bọn trẻ dám thoá mạ phong tục Nga cổ kính, dám khẳng định chúng ta chẳng có gì hết - tức giận hét tướng lên: “ Chúng ta có tất cả - cả cuộc sống gia đình, cả đạo đức gia phong, và mọi tục lệ được chúng ta gìn giữ nghiêm cẩn, mọi bổn phận chúng ta làm tròn hơn hẳn bất cứ nơi nào ở Châu âu, và dân tộc đáng được các dân tộc khác cảm phục.

Không, vấn đề không phải ở những biểu hiện nhìn thấy được, không phải trong những lời hô hào yêu nước, hay trong cái hôn dành cho người tàn tật, mà ở chỗ trong ngày này con người phải thực sự nhìn con người như báu vật quý nhất của mình, phải ôm chầm và siết chặt lấy nhau như những người anh em ruột thịt, phải vui mừng như những người bạn tốt, mấy năm rồi chưa gặp lại, nay bất chợt đến thăm nhau. Phải mạnh hơn! Phải nhiều hơn thế! Bởi vì những mối quan hệ liên kết chúng ta có chung huyết thống bởi Cha trên trời tuyệt vời của chúng ta, Người còn gần gũi chúng ta gấp mấy lần cha trần thế, và trong ngày này chúng ta được ở trong gia đình đích thực của mình, trong nhà của chính Người. Ngày này là ngày thiêng, khi mà toàn nhân loại, không trừ một ai, đồng lòng mừng tình anh em thiêng liêng trên trời của mình.

Tưởng chừng ngày hội ấy thích hợp biết bao với thể kỷ mười chín của chúng ta, khi mà ý nghĩ về hạnh phúc của nhân loại gần như trở thành ý nghĩa yêu thích của tất cả mọi người; khi việc ôm hôn cả nhân loại như anh em trở thành ước mơ yêu thích của thế hệ trẻ; khi rất nhiều người chỉ mộng tưởng làm thế nào để cải tạo nhân loại, làm thế nào để đề cao phẩm giá bên trong của con người; khi gần như một nửa loài người đã chính thức công nhận rằng chỉ có đạo Kitô mới có đủ sức làm được điều đó; khi mọi người khẳng định cần đưa luật của Kitô sâu hơn nữa vào đời sống gia đình cũng như quốc gia; khi thậm chí người ta đã nói đến việc sao cho tất cả đều là chung - cả nhà cửa lẫn đất đai; khi những kì công của lòng từ thiện và việc giúp đỡ người bất hạnh đã trở thành câu chuyện trong cả những phòng khách thời thượng; và cuối cùng, khi mà mọi nơi trở nên chật trội do đủ các loại cơ quan nhân đạo, những nhà tiếp đón lữ khách và tế bần. Tưởng chừng thế kỉ mười chín phải hân hoan đón mừng ngày này, nó thật gần gũi với những trào lưu khoan dung và nhân ái của thời đại. Nhưng chính ngày lễ này như một hòn đá thử vàng cho bạn thấy những ý nghĩa mang tinh thần Kitô giáo còn nhợt nhạt làm sao, chúng mới chỉ là mơ ước và ý tưởng, chứ chưa là hiện thực. Và nếu thực sự trong ngày này con người phải ôm hôn một đồng loại của mình theo đúng nghĩa người anh em - anh ta sẽ không ôm. Anh ta sẵn sàng ôm hôn cả nhân loại như những người anh em, nhưng không ôm hôn một đồng loại Cứ thử tách khỏi cái nhân loại mà anh ta dành cho vòng tay rộng lượng ấy một kẻ đã xúc phạm anh ta, kẻ mà Chúa Kitô ra lệnh anh tha thứ ngay trong giây phút ấy – anh ta sẽ không ôm hôn hắn. Cứ thử tách khỏi nhân loại ấy một kẻ bất đồng với anh ta trong những ý kiến đời thường vặt vãnh nào đó – anh ta cũng sẽ không ôm hôn hắn. Cứ thử tách khỏi nhân loại ấy một kẻ hơn hết thảy mang những vết lở loét của những tật nguyền tâm hồn, vì thế mà hơn hết thảy những người khác nào đòi hỏi sự đồng cảm – anh ta sẽ cự tuyệt và không khi nào ôm hôn hắn. Và vòng tay của anh ta sẽ chỉ dành cho những ai chưa bao giờ xúc phạm anh, chưa có dịp va chạm với anh, những người anh ta chưa bao giờ biết và thậm chí chẳng bào giờ gặp. Đấy, con người thế kỉ chúng ta dành cho toàn thể nhân loại vòng tay kiểu ấy, và thường thì chính con người ấy luôn nghĩ về mình rằng anh ta là một người bác ái, một con chiên hoàn thiện của Chúa Kitô! Con chiên của Chúa Kitô! Họ đã đuổi Chúa ra ngoài đường, xua vào các trại tế bần và bệnh viện, thay cho việc mời Người vào nhà mình, dưới mái nhà thân yêu của mình, và họ nghĩ rằng họ là những con chiên của Chúa.

Không, thế kỉ chúng ta không đón mừng được ngày hội Sáng tươi như cần phải đón mừng. Có một trở ngại khủng khiếp, một trở ngại bất khả chiến thắng, tên nó là lòng kiêu hãnh. Nó đã được biết đến ngay từ những thế kỉ trước, nhưng xưa kia đó còn là lòng kiêu hãnh nhiều phần trẻ thơ, kiêu hãnh vì sức mạnh thể lực của mình, kiêu hãnh về tài sản, về dòng tộc va tước hiệu, nhưng phẩm chất ấy còn chưa đạt mức phát triển tinh thần đáng sợ như bây giờ. Bây giờ nó xuất hiện ở hai dạng. Dạng thứ nhất – kiêu hãnh về sự trong sạch của mình.

Mừng vui vì họ đã trở nên tốt hơn nhiều so với tổ tiên mình, nhân loại thế kỉ chúng ta mê đắm sự trong sạch và vẻ đẹp của mình. Không một ai ngượng ngùng khoe khoang công khai vẻ đẹp tâm hồn của mình và coi mình tốt đẹp hơn những người khác. Chỉ cần để tâm quan sát xem bất kỳ ai trong số chúng ta cũng thích sắm vai hiệp sĩ cao quý như thế nào, cũng phán xét thẳng tay và không thương tiếc kẻ khác như thế nào. Chỉ cần lắng nghe những lời biện hộ anh ta dùng để biện minh cho việc đã không ôm hôn người anh em thậm chí cả trong ngày Phục sinh Sáng tươi. Chẳng ngượng ngùng và rung động tâm hồn, anh ta nói: “Tôi không thể ôm hôn con người này được: hắn là một tên đê tiện, hắn đểu cáng về tâm tính, hắn đã tự vấy bẩn mình bằng những hành vi gian dối nhất; tôi sẽ không cho hắn bước vào thậm chí chỉ phòng ngoài nhà tôi, thậm chí không muốn hít chung với hắn một bầu không khí; tôi sẽ đi vòng để tránh xa hắn và không chạm mặt hắn. Tôi không thể sống chung với những kẻ để tiện và đáng khinh – làm sao tôi có thể ôm hôn con người đó như anh em?” Chao ơi! Con người đáng thương của thế kỉ thứ mười chín quên mất rằng trong ngày đó không có kẻ đê tiện, không có người nào đáng khinh, mà tất cả đều là anh em trong một gia đình, và bất kì người nào cũng đáng gọi là anh em ta, chứ không phải bằng một cái tên nào khác. Con người ấy bất chợt cùng lúc đã quên hết đi thảy: quên rằng, có thể, những kẻ đê tiện và đáng khinh đang vây quanh ta chính là để khi nhìn họ anh ta nhìn lại mình, và biết đâu tìm được trong mình chính cái mà anh ta khiếp sợ ở những con người khác; quên rằng, chính anh ta lúc nào cũng có thể tham gia vào cái việc đê tiện ấy, mà bản thân thậm chí không nhận ra, vì sự để tiện xuất hiện dưới dạng khác rồi – cái dạng không bị phỉ nhổ công khai, nhưng, tuy nhiên, như một câu tục ngữ đã nói, đó vẫn là cái bánh xèo ấy, có điều đã đặt trên đãi khác. Tất cả đã bị quên hết, đã lãng quên cả việc, có thể, vì bị những người đức hạnh tuyệt vời xua đuổi qúa khắt khe và tàn nhẫn, cho nên những kẻ đê tiện và đáng khinh mới sinh ra lắm thế, và càng ngày càng trở nên độc ác hơn. Bởi lẽ đâu có dễ chịu đựng sự khinh bỉ đối với mình. Ai mà biết được, có thể, tâm hồn đáng thương của hắn đang bất lực chống chọi với cám dỗ. Hắn cầu khẩn, van xin giúp đỡ và sẵn sàng hôn tay hôn chân người nào động lòng trắc ẩn giữ hắn lại ngay bên bờ vực thẳm. Có thể chỉ một giọt yêu thương là đã đủ để hắn quay đầu lại con đương thẳng ngay. Lẽ nào bằng con đường tình yêu khó đến với trái tim con người ấy! Lẽ nào bản tính con người trong hắn đã hoá đến mức trong y không còn một tình cảm sống động nào, trong khi ngay cả một tên cướp cũng biết ơn tình yêu thương, một con vật cũng nhớ tới bàn tay từng âu yếm nó! Con người của thế kỉ mười chín đã quên đi hết thảy, anh ta cự tuyệt với người anh em mình, như tên nhà giàu xua đuổi kẻ ăn mày đầy lở loét ra khỏi bậc thềm ngôi nhà tráng lệ của mình. Anh ta chẳng muốn can hệ gì đến những đau thương của hắn; anh ta chỉ mong sao không nhìn thấy những vết thương mưng mủ. Anh ta thậm chí không muốn nghe những lời sám hối của hắn, sợ hơi thở hôi hám từ miệng kử bất hạnh làm lay bệnh cho khứu giác anh ta, người rất tự hào về sự trong sạch thơm tho của mình. Con người như thế có đón mừng được không ngày hội tình yêu của Thiên Chúa?
Có một dạng khác của lòng kiêu hãnh, cong mãnh liệt hơn dạng thứ nhất, đó là kiêu hãnh về trí tuệ. Chưa bao giờ nó phát triển mạnh mẽ đến thế như trong thế kỉ mười chín. Ta nghe thấy nó ở từng người trong nỗi sợ hãi bị xem là kẻ ngu dốt. Con người của thế kỉ này có thể chịu đựng tất cả: danh hiệu kẻ tráo trở, tên đểu cáng, tên gì cũng được, anh ta chịu đựng tất - trừ tên kẻ ngu dốt. Anh ta cho phép cười nhạo báng tất cả - nhưng không cho phép cười nhạo trí tuệ mình. Trí tuệ đối với anh ta là một cùng thánh địa. Chỉ vì một sự nhạo báng nhỏ nhoi nhất đối với nó, anh ta sẵn sàngngay lập tức đặt người anh em vào một khoảng cách “quý phái” và, không hề run sợ, cho hắn một viên đạn vào trán. Anh ta không tin ai và bất cứ cái gì; chỉ tin mỗi trí tụê mình. Cái gì trí tuệ anh ta không nhìn thấy, cái đó không tồn tại. Anh ta thậm chí quên mất rằng trí tuệ chỉ thăng tiến, khi mà tất cả những sức mạnh tinh thần trong con người cũng tiến lên phía trước và nó giậm chân tại chỗ hoặc thậm chí thụt lùi, nếu những sức mạnh ấy suy vi. Anh ta cũng quên bẵng rằng không một người nào có thể có trí tuệ mọi mặt; rằng một người khác có thể nhìn thấy chính khía cạnh của sự vật mà anh ta không thể nhìn thấy và, đươngnhiên, sẽ biết được cái mà anh ta không thể biết. Anh ta không tin điều đó, tất cả những gì anh ta không tự nhìn thấy đối với anh ta đều là dối trá. Và bóng rợp của lòng khiêm nhường Kitô giáo không chạm đến được anh ta chỉ vì lòng kiêu hãnh trí tuệ. Anh ta sẵn sàng nghi ngờ hết thảy: tấm lòng người bạn quen biết lâu năm, sự thật, Chúa Trời, chỉ không nghi ngờ trí thông minh của mình. Đã bắt đầu những cuộc cãi vã và chưỉ bới lẫn nhau không phải vì những quyền lợi cơ bản nào đó, không phải vì những hận thù cá nhân – không phải những dục vọng của nhục thể, mà những dục vọng của trí tuệ đã bắt đầu: người ta căm thù nhau vì sự bất đồng ý kiến, vì những mâu thuẫn trong thế giới tư duy. Thật đáng kinh ngạc: trong lúc nhiều người bắt đầu nghĩ rằng nhờ học vấn người ta đã đẩy lùi được cái ác ra khỏi thế giới, thì cái ác, bằng con đưòng khác, từ đầu kia lại bước vào thế giới- bằng con đường của trí tuệ, trên đối cánh của báo chí, như nạn châu chấu nghiến ngấu tất cả, gặm mút traí tim con người ở khắp nơi. Và đã hầu như không thể nghe được tiếng nói của chính trí tuệ nữa. Những người thông minh đã bắt đầu nói dối, chống lại xác tín của chính mình, chỉ cốt làm sao không thua đảng đối lập, chỉ vì lòng kiêu hãnh không cho phép thú nhận sai lầm trước mọi người - một sự ác độc thuần tuý đã lên ngôi thay cho trí tuệ.

Vậy liệu con người của một thế kỉ như thế có thể yêu thương và nhận tình yêu thương của Chúa đối với con người hay không! Liệu anh ta có thể thấm nhuần đức chất phác trong sáng và tính hồn nhiên thiên thần để quy tụ mọi người vào một gia đình hay không? Liệu anh ta có nghe thấy được những âm điệu kì diệu của tình huynh đệ của chúng ta nơi thiên giới. Liệu anh ta có mừng được ngày hội này? Ngay cả những biểu hiện đôn hậu bề ngoài của những thế kỷ thuần phác trước đây, tạo cho con người cảm tưởng gần gũi hơn với những người khác cũng biến mất. Trí thông minh kiêu căng của thế kỉ mười chín đã giết chết nó. Quỷ dữ đã bước vào thế giới mà không cần mặt nạ. Tinh thân tự kiêu đã thôi xuất hiện dưới những hình hài khác nhau và làm khiếp sợ mê tính dị đoan, giờ đây nó hiện ra với đúng diện mạo của nó. Đánh hơi thấy loài người thừa nhận sự thống trị của mình, nó liền thôi tử tế với họ, những kẻ công nhận nó; nó ban bố cho thế giới những luật lệ ngu xuẩn nhất chưa từng có từ trứơc tới nay, và thế giới trông thấy điều đó mà không dám cưỡng lại. Giải thích thế nào cái thói thời thượng vớ vẩn, vô lý, mà con người lúc đầu dung nạp như một điều vặt vãnh, vô hại, bây giờ thì nó như một bà chủ toàn quyền, đã bắt đầu ra lệnh trong nhà chúng ta, đuổi đi tất cả những gì là quan trọng nhất và tốt đẹp nhất trong con người? Không một ai sợ vị phạm mấy lần trong một ngày những luật lệ thiết yếu nhất và thiêng liêng nhất của Kitô, nhưng ai ai cũng sợ không chấp hành ngay cả những mệnh lệnh nhỏ nhặt nhất của nó, run sợ trước nó, như một đứa trẻ nhút nhát. Giải thích thế nào việc những người thậm chí cười nhạo nó mà vẫn múa may như những kẻ nông nổi theo hiệu còi của nó? Giải thích thế nào cái gọi là những phép xã giao hằng hà xa số, giờ đây lấn át tất cả những tục lệ lâu đời? Giải thích thế nào những quyền lực kì dị hình thành bên cạnh quyền lực hợp pháp - những ảnh hưởng bên ngoài, ngoại lai?Giải thích thế nào cái việc thế giới bây giờ do những thợ may, thợ khâu, thợ thủ công đủ loại cai quản, còn những sứ giả của Thượng đế thì bị hất ra ngoài lề? Những con người tăm tối, không ai biết đến, không có cả tư tưởng lẫn xác tín thành tâm, lại điều khiển ý kiến và tư duy của những người thông minh, và tờ báo, mà tất cả đều biết là dối trá, đã trở thành nhà lập pháp vô cảm của con người không hề tôn trọng nó, giải thích thế nào tất cả những pháp luật phi pháp kia, mà hiển nhiên, ngay trước mắt mọi người do một thế lực đen tối từ bên dưới chỉ vẽ, và cả thế giới nhìn thấy điều đó, nhưng như thể bị mê hoặc, không dám động đậy? Thật sự nhạo báng khủng khiếp loài người! Trong tình cảnh ấy còn giữ gìn làm gì nữa những phong tục thiêng liêng bề ngoài của Nhà thờ, khi mà chủ nhân trên trời không còn quyền lực với chúng nữa? Hay đó lại la trò nhạo báng mới của thần bóng tối? Cần gì cái ngày lễ đã mất hết ý nghĩa ấy? Tại sao nó cứ đến âm thầm và âm thầm tụ hợp vào một gia đình những con người đã tản mát, mỗi người một nẻo, rồi buồn rầu nhìn tất cả, bỏ đi như một kẻ không quen biết xa lạ? Có đúng nó không quen và xa lạ với tất cả mọi người không? Nhưng tại sao vẫn còn xót lại đâu đó những con người cảm thấy hình như mình trở nên trong sáng hơn ngày này và họ mừng ngày hội tuổi thơ của mình, cái tuổi thơ mà từ đó nụ hôn lên trán của Chúa trời, như nụ hôn của mùa xuân vĩnh cửu, đã tuôn chảy vào hồn ta, cái tuổi thơ tuyệt diệu mà kẻ kiêu căng ngày nay đã đánh mất. Tại sao con người không quên được vĩnh viễn tuổi thơ đó, và như lại hiện lên trong một giấc mơ xa xăm, nó vẫn lay động tâm hồn ta? Tại sao có điều đó và để làm gì? Đó là để cho dù chỉ một số người, những kẻ còn nghe được hơi thở mùa xuân của ngày lễ đó, bỗng cảm thấy buồn, thật buồn, như các thiên thần buồn nhớ Thiên Đường. Và sau khi đã gào khóc thống thiết, họ sẽ phủ phục xuống chân những người anh em mình, cầu xin dù chỉ một ngày được bứt ra khỏi loạt những người khác, dù chỉ một ngày được sống trong những tập tục không phải của thế kỉ mười chín, mà của thế kỉ Vĩnh Hằng, dù chỉ một ngày ôm chầm và siết chặt lấy một người nào đó, y như người bạn tội lỗi ôm hôn người bạn độ lượng đã tha thứ cho y tất cả, dù chỉ để ngày mai xua đuổi người bạn ấy đi và nói rằng chúng ta xa lạ và không hề quen biết anh ta. Dù chỉ để mong muốn như thế, dù chỉ để cố tình bắt buộc mình làm thế, chộp lấy ngày hội này như kẻ chết đuối vớ được cọc! Biết đâu, có thể, chỉ cần một ước muốn như thế thôi, thì từ trời cao chiếc thang đã sẵn sàng thả xuống cho chúng ta, và đã chìa ra bàn tay giúp ta leo lên đó.

Nhưng con người thế kỉ thứ mười chín đến một ngày cũng không muốn sống thế! Và mặt đất đã đã cháy bùng lên nỗi u sầu khó hiểu; cuộc sống ngày càng trở nên lạnh lùng hơn, vô cảm hơn; mọi sự ngày càng nhỏ bé đi, nông cạn đi, và chỉ lớn mãi trước mắt mọi người hình ảnh một nỗi chán chường khổng lồ, ngày một đạt kích thước không thể đo nổi. Tất cả lặng câm, khắp nơi chỉ có những nấm mồ. Lạy chúa! Thật hoang vu và ghê sợ trong thế giới của Người!

Nhưng tại sao con người Nga vẫn cảm thấy chỉ ở xứ sở của anh ta ngày lễ này mới được đón mừng như nó đáng được đón mừng? Mơ mộng hoã huyền chăng? Nhưng tại sao mơ mộng ấy không đến với bất kì ai khác ngoài người Nga? Sự thể là thế nào, khi mà bản thân ngày hội đã không còn nữa, nhưng những dấu hiệu thấy được nó vẫn hiển hiện trên mặt đất của chúng ta, vang lên những lời: “Chúa Kitô đã sống lại!”. Và những nụ hôn, và lần nào cũng thế, lễ thánh nửa đêm long trọng bắt đầu, và tiếng ngân nga của tất cả các quả chuông rền vang đồng vọng khắp mặt đất, hệt như để đánh thức chúng ta. Ở đâu hiển hiện những bóng ma, nơi ấy chúng hiển hiện không phải vô ích; nơi nào có tiếng động đánh thức, ở đó con người sẽ thức tỉnh. Không thể chết được những phong tục đã được định đạot là vĩnh cửu. Chúng chết đi ở chữ nghĩa, nhung sống lại ở tinh thần. Chúng tạm thời nhạt nhoà, chết đi trong những đám đông trống rỗng và nông nổi, nhưng sống lại với sức sống mới ở những người đặc tuyển, để rồi từ họ toả đi khắp thế giới với ánh sáng mạnh mẽ nhất. Sẽ không chết được trong cổ lệ của chúng ta, hạt nhân của tất cả những gì đích thực Nga trong đó và được chính Chúa Kitô ban phước lành. Sẽ ngân vang cung đàn của các nhà thơ, từ của miệng ngát hương của các thánh nhân sẽ loan báo tin mừng, bóng tối sẽ bừng sáng, và ngày hội Phục sinh Sáng tươi sẽ được đón mừng xứng đáng ở đất nước ta sớm hơn các dân tộc khác! Dựa vào đâu, trên những cơ sở nào mà chúng ta có thể nói vậy? Chúng ta tốt hơn các dân tộc khác chăng? Đời sống chúng ta gần gũi Kitô hơn họ chăng? Chúng ta chẳng tốt hơn ai cả, và cuộc sống còn hỗn độn hơn và ít ổn thoả hơn tất cả họ. “Chúng ta kém hơn tất cả!” – Đó là đìều ta luôn phải nói với chính mình. Nhưng trong bản tính của chúng ta có cái để tiên đoán điều đó. Chính sự bất ổn của chúng ta tiên đoán cho chúng ta điều ấy. Chúng ta còn là thứ kim loại nóng chảy , chưa bị đổ vào khuôn dân tộc của mình; chúng ta vẫn còn có thể vứt đi, dứt bỏ khỏi mình những gì không thích hợp và đưa vào mình tất cả những gì mà các dân tộc khác, đã định hình và tôi luyện trong những khuôn mẫu của nó, không còn làm nổi. Trong bản tính nguyên sơ của chúng ta, mà ta đã lãng quên, có nhiều điểm gần gũi với luật của Kitô - bằng chứng là việc Kitô đã đếnn với chúng ta không gươm không giáo, và mảnh đất được chuẩn bị trong trái tim chúng ta tự nó đã kêu gọi lời của Người, tình anh em trong Kitô đã có khởi nguồn ngay trong bản tính Xlavơ của chúng ta, và tình anh em kết nghĩa ở ta còn thân thiết hơn tình anh em huyết thống, ở nước ta còn chưa đến nước không thể dung hoà nổi mối hận thù giữa các tầng lớp đối địch, và chưa có những đảng phái thù hằn nhau như ở Châu Âu, chúng tạo nên những cản trở bất khả chiến thắng cho việc đoàn kết mọi người và tình huynh đệ giữa họ; và cuối cùng, chúng ta có lòng quả cảm chẳng giống ai, nếu chúng ta phải làm một sự nghiệp nào đó, hoàn toàn quá sức đối với một dân tộc khác, dù chỉ là, ví dụ, dứt bỏ khỏi mình ngay lập tức tất cả những khuyết tật , những gì làm ô nhục bản chất cao quý của con người, thì dù đau đớn toàn thân, không thương tiếc chính mình, cũng như năm 1812 chúng ta đã không thương tiếc của cải, đốt hết nhà cửa và của cải trên mặt đất – y như thế, tất cả sẽ vùng lên, vứt bỏ hết khỏi mình những gì làm nhục và vấy bẩn chúng ta, không người nào chịu kém người nào, và trong những giây phút như thế, tất cả những xích mích, những căm ghét, những thù địch - tất cả đều quên hết, người anh em ôm chầm lấy người anh em, và cả nước Nga trở thành một con người. Đó, dựa trên những điều đó mà ta có thể nói rằng ngày hội Phục sinh của chúa Kitô sẽ được đón mừng ở nước ta sớm hơn ở các dân tộc khác. Tâm hồn tôi khẳng định với tôi điều đó; và đó không phải là ý nghĩ nặn ra trong đầu. Những ý nghĩ như vậy không nặn ra được. Nhờ sự khơi gợi của Chúa chúng cùng sinh ra trong tim rất nhiều người không quen biết nhau, sống ở những địa cực khác nhau, và đồng loạt như thể từ cùng một miệng, cất thành lời. Tôi biết chắc rằng hơn một người ở nước Nga, mặc dù tôi cũng không biết họ , tin tưởng vững chắc vào điều đó, và họ nói: “Ở xứ sở chúng ta, ngày Phục sinh Xán lạn của Kitô sẽ được dón mừng sớm hơn ở các xứ khác”

Bản dịch: Từ Thị Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!