Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Vài nhận biết về Tin Lành Mỹ

Đỗ Quang Hưng
GS. TS. Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2003

I - Nước Mỹ, Người Mỹ và tôn giáo
Nước Mỹ gần như một lục địa: rộng ngót 10 triệu Km2 (trên 30 lần nước ta) với 250 triệu dân đến từ mọi miền: Âu, á, Phi cùng với thiểu số người da đỏ. Đại bộ phận dân di cư đến từ Châu Âu, trong hai đợt di dân lớn cuối XIX và giữa XX: hàng chục triệu người Anh, Ailen, Bắc Âu, Đức, rồi đến Nam Âu, Đông Âu. Tính cách không thuần nhất của lịch sử, và cũng không có một “dân tộc chủ lưu” được diễn tả qua chính tên của Quốc gia này là “Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ” - gồm 51 bang, một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hoá nhất thế giới.


Lịch sử lập quốc hơn 200 năm của Mỹ thực khác lạ, C. R. Fridrich viết câu này từ 1935: “Người Mỹ sinh ra là một lí tưởng, người Pháp sinh ra là một sự kiện” (To be an American is an ideal; While to be a Frenchman is a fact).
Đến miền đất mới xa lạ, phần lớn các nhóm cư dân Mỹ tự làm ra các bản khế ước, đại thể có những nội dung: Trung thành với vua nước Anh; Tôn giáo không ép buộc; Khi có tranh chấp sẽ biểu quyết theo số đông.
Nước Mỹ sinh ra từ một “thoả thuận”, thoả thuận giữa dân chúng với nhau lập ra chính quyền, căn bản quyền lực Mỹ là sự thoả thuận. Nhưng cũng cần lưu ý một yếu tố khác: trong khi Châu Âu đi từng bước đến giữa chủ nghĩa tư bản thì người Mỹ
vừa sinh ra đã rơi tõm vào guồng máy của chủ nghĩa tư bản. Chính vì thế, đa số người Mỹ tự cho rằng lối sống Mỹ (American Way of life) là lòng ái quốc Mỹ gắn với giá trị, mà trước hết Tự do - Dân chủ trở thành tôn giáo của người Mỹ.
Nhưng rõ ràng người Mỹ cũng có mâu thuẫn ở chỗ này: Người Mỹ yêu lí tưởng về một nền dân chủ tự do, coi luật pháp như một đặc trưng văn hoá để cố kết cộng đồng, nhưng chính họ lại bị các tập đoàn tư bản lợi dụng, trao lí tưởng dân chủ ấy vào những chính sách đế quốc, bành trướng. Xã hội Mỹ là "Xã hội tự do" (khuôn khổ xã hội tư sản), nhưng cũng là một “Xã hội tuân thuận” (Société Conformisté).
ít ai hiểu người Mỹ như De Tocqueville, ông này viết từ năm 1834: "Trên thế giới có hai dân tộc lớn: đó là dân tộc Nga và Mỹ... Cả hai Quốc gia này đều lớn từ bóng tối, khi mọi người đều nhìn vào chỗ khác. Bỗng nhiên, họ nhẩy vọt lên hàng đầu.
Để đạt được mục đích, người Mỹ giao phó sứ mạng cho lợi ích cá nhân, để mặc sức mạnh, lí trí họ điều khiển. Còn người Nga lại tập trung sức mạnh xã hội vào một người. Một bên, phương tiện hành động căn bản là tự do, bên kia, phương tiện hành động căn bản là nô lệ. Tuy vậy, mỗi dân tộc dường như đều được nhận một ý muốn bí ẩn nào đó của Thượng Đế... “(1).
Điều đáng chú ý: Lịch sử lập quốc như thế đã tạo cho người Mỹ một tâm thức tôn giáo sâu đậm, như một trong những nhân vật tiêu biểu của nước Mỹ, Wilson nói từ lâu: "Nước Mỹ sinh ra để chỉ cho mọi người thấy, bằng kinh nghiệm của mình, sự sùng thiện bắt nguồn từ Kinh Thánh(2). Hoặc như W. Donglas tuyên bố năm 1952: “Chúng ta là một dân tộc tôn giáo”.
Nhắc lại rằng, những thuộc địa ở Đông Bắc như Nouvelle - Angleterre và Pensylvania, đã được thành lập vì tiền bạc và lí do tôn giáo. Các cha hành hương Thanh giáo và dòng Quaker đã lập cơ nghiệp bằng vốn của các nhà đầu tư cho họ để có thể được kính Chúa theo lối của mình. Do đó, kinh doanh và tôn giáo luôn hoà quyện với nhau. Từ khi lập quốc với người Mỹ bao giờ họ cũng cũng xác định vị trí của mình so với tiền bạc và so với tôn giáo.
Mặt khác, chính đạo Tin Lành chứ không phải Do Thái giáo hay Công giáo thu hút tâm trí đa số người Mỹ. Đạo Tin Lành mềm dẻo và dễ thích nghi hơn, cũng như thái độ không lên án tiền bạc và sự thành đạt vật chất, đã thực sự góp phần tạo nên tính cách người Mỹ.
Nhưng tính cách sùng đạo của người Mỹ cũngcó đặc điểm riêng. Trong cuốn Văn minh Hoa Kỳ, J. P. Fichou có nhận xét rất tinh tế, việc người Mỹ ưa chuộng đạo Tin Lành vì nó còn lí do thuần tuý tôn giáo ở chỗ: “Khác với đạo Công giáo mang tính đồng nhất, ở đây cùng một đạo mà có muôn ngàn giáo phái và tín ngưỡng khác nhau. Do không có kẻ thù duy nhất, kẻ thù nguy hiểm, tối thượng. Việc có nhiều nhóm tôn giáo khác nhau như thế dẫn đến hiệu quả là không có đối tượng để chống lại Giáo hội. Ngược lại với những gì xảy ra ở Pháp, ở đây người ngoại đạo cũng sẵn lòng dính vào việc đạo”(3).
Trở lại ý kiến của Wilson, tư tưởng trên của ông ta rất quan trọng với chính phủ Mỹ. Trên cơ sở phân tích mặc cảm Mỹ "tiếng nói của họ chính là phán xử cuối cùng", Wilson đã thổi luồng gió cải đạo - phát triển đạo Tin Lành ra toàn cầu - vào lồng ngực nền ngoại giao Mỹ. Nước Mỹ có nhiệm vụ đem chân lí (ở đâu có Tin Lành ở đó có tự do) đến toàn cầu. Louis Hartz đã diễn tả rất hay khuynh hướng truyền giáo của Wilson bằng cụm từ “all solutism liberal”, có thể dịch là “Tự do chuyên chế chủ nghĩa”(4).
Nhiều nhà nghiên cứu Châu Âu đã nhận xét về những đặc điểm đáng chú ý của đời sống tôn giáo Mỹ:
“Điều đáng ngạc nhiên là, nhu cầu tâm linh tôn giáo lớn ấy của người Mỹ lại được khẳng định sau 2 thế kỉ cuộc cách mạng của thế kỉ ánh sáng Châu Âu và khi mà Châu Âu đã nói đến cái chết của tôn giáo. Người Mỹ sinh ra đúng vào thời của Thế kỉ ánh sáng, có nghĩa là một thời đại của xã hội công dân, đời sống tôn giáo suy yếu và các xã hội thế tục chỉ sống với tôn giáo qua các “thoả ước” mà thôi...”, M.E. Marty nhận xét rất thú vị như thế(5).
Chính M. Marty khi nghiên cứu tôn giáo Mỹ cho ta 3 kết luận đáng chú ý:
1. Tôn giáo ở Mỹ là thứ tôn giáo “khoan dung phi thường” (La fameuse tolérance).
Nhiều người phân tích rằng, từ thế kỉ XVIII, cùng với làn sóng nhập cư, ở Mỹ có mọi thứ tôn giáo trên đời này. Dù Kitô giáo (Tin Lành và Công giáo, Anh giáo) mạnh, nhưng chưa bao giờ dân chúng Mỹ coi nó như thứ “tôn giáo chủ lưu” như ở Âu Châu. GS. D. Papke, Đại học Indiana (Mỹ) trong một Hội thảo với Đại học Quốc gia Hà Nội 1997 cho rằng, dù số lớn người Mỹ hiện nay thuộc các cộng đồng Tin Lành, nhưng họ có thể chung sống với mọi thứ tôn giáo: Công giáo, Chính Thống giáo, Phật giáo (kể cả Phật giáo Lạt Ma), Do Thái giáo và cả Hồi giáo nữa. Gần nửa thế kỉ nay, lại thêm tình hình “các giáo phái tôn giáo mới” rất đa dạng, càng làm cho cái siêu thị tôn giáo ở Mỹ thêm phong phú, phức tạp.
Còn De Tocqueville người được coi là có hiểu biết sâu sắc về hệ tư tưởng Mỹ, tác giả cuốn sách nổi tiếng Nền dân chủ Mỹ (Democracy in America) ngay năm 1831 đã phát hiện nghịch lí: Người Mỹ mềm dẻo về tôn giáo nhất, nhưng khi họ đã tham gia vào một giáo phái (démonniation) nào đó và trước các vấn đề có tính toàn cầu, ắt họ đi vào đua tranh. Đặc điểm này rất nên chú ý ở chỗ: Chủ nghĩa thực dụng ảnh hưởng cả đến tâm lí tôn giáo của người Mỹ, đó cũng là một nguồn lực của xu hướng cực đoan tôn giáo Mỹ.
De Tocqueville còn cho rằng, Giáo hội là một nhân tố xã hội Mỹ, một mắt xích của chế độ và nó còn có khả năng sử dụng các “bản năng dân chủ” và ông viết: “Các giáo sĩ Hoa Kỳ không hề muốn con chiên của mình chỉ chú mục vào kiếp sau; họ sẵn lòng dành phần trái tim để lo phần hiện tại; có vẻ như họ coi của cải trên trần thế này là những thứ tuy thứ yếu, nhưng rất quan trọng”(6).
2. Người Mỹ đã khai thác triệt để chủ nghĩa Sôvanh chống Công giáo (Chanvinisme anticatholique) và ở những thời điểm khác nhau, họ còn chống cả chủ nghĩa Tây á, Bắc Phi (l’antisemitisme) ý chỉ Hồi giáo, Do Thái giáo.
3. “Tín ngưỡng tôn giáo là nội dung tâm linh của chính dân tộc này” và sự “chung thuỷ tôn giáo” là đường dây nối họ với cộng đồng: Đó là “thứ tôn giáo mang hình thức chủ nghĩa Quốc gia” (Cette “religion” prend parfois la forme d’un nationalisme).
Trước khi giành được độc lập, ở Mỹ có khái niệm Tôn giáo công cộng (religion publique), hay còn gọi là tôn giáo dân sự (religion civile). Thứ tôn giáo này dựa trên 3 yếu tố: Nhà nước, Gia đình và Tư tưởng công dân. Vì thế, nó thường chứa đựng các yếu tính:
- (Tôn giáo) như một hành động đạo đức.
- Một phẩm hạnh công dân.
- Một yếu tố của sự thoả thuận (facteur de consensus).
- Một “Dân tộc tôn giáo” bị chia tách trong sự thống nhất quốc gia.

Để làm rõ các nhận định trên, xin giới thiệu Bảng điều tra Hệ giá trị Châu Âu và Mỹ năm 1990, để chúng ta thấy rõ hơn tôn giáo có vị trí lớn thế nào với người Mỹ và xã hội Mỹ hiện nay:
Toàn bộ sự trình bày trên đây có thể đưa tới một nhận xét: Tôn giáo có vị trí lớn trong đời sống xã hội Mỹ và chắc hẳn, trong lịch sử hình thành và phát triển của một quốc gia hiện đang được coi là siêu cường số 1 của thế giới, có yếu tố này vì nó đã là “một căn tính” của người Mỹ. Hơn thế nữa khi thực hiện chính sách bành trướng, người Mỹ sử dụng vũ khí tôn giáo không chỉ như là một “kinh nghiệm” của các thế lực thực dân xưa kia mà hơn thế, nó còn vì, tôn giáo là một “căn tính” của họ!
Dưới đây, chúng ta sẽ đi sâu vào một số đặc trưng cơ bản của Tin Lành Mỹ. Trước khi đi vào các đặc trưng cụ thể của nó, chúng tôi xin dừng lại nói rõ thêm một số đặc điểm tôn giáo liên quan đến sự hình thành cộng đồng Tin Lành Mỹ:
Nước Mỹ là một cơ cấu xã hội trẻ. Như đã nói ở trên, trong các làn sóng di dân, đa số người Mỹ không chỉ cần một tôn giáo cho thoả nỗi nhớ cố hương, phủ lấp khoảng trống tinh thần khi họ từ bỏ cội rễ văn hoá Châu Âu và các châu lục khác, mà còn cần một thứ tôn giáo mới đủ sức cạnh tranh với Châu Âu và do đó tôn giáo thành một yếu tố trung tâm trong sự tạo dựng các đô thị trẻ mới xuất hiện ở Mỹ.
Trước thế kỉ XIX, đa số dân ngoại kiều Mỹ đến từ Châu Âu, họ thường thuộc về một tôn giáo chính thức được nhà nước thừa nhận. Nước Mỹ, một xã hội “thoả thuận” và về tôn giáo, từ đầu đã phải tách biệt khỏi nhà nước một cách đương nhiên trong luật pháp. Nhu cầu lựa chọn tôn giáo và cải đạo rất lớn với họ. Vì thế, người Mỹ ngay từ thế hệ đầu tiên đã tự mình sát nhập vào một mô hình giáo hội “tình nguyện” về đời sống tôn giáo.
Những cư dân ấy đã thoả sức lập ra các giáo hội, nhà thờ, kể cả thánh đường Do Thái giáo như những trung tâm lợi ích công cộng (centrales utiles) cho đời sống tâm linh công chúng, cũng như đời sống kinh tế, văn hoá cộng đồng. Thậm chí, những người nô lệ da đen (đến Mỹ từ 1614) còn tìm thấy ở các giáo hội ấy sự nâng đỡ an ủi về tôn giáo, hơn thế, còn là sự che chở của giáo luật như chính sự bảo hộ của luật pháp xã hội.
Bên cạnh cái sinh khí (vitalité) đặc biệt ấy của đời sống tôn giáo Mỹ ban đầu, vẫn song hành khuynh hướng đối nghịch tôn giáo (diversité): Ngay từ đầu, người Mỹ đã sớm giải quyết bằng thứ chủ nghĩa đa nguyên (pluralism) vốn được coi như một yếu tố quan trọng của hệ tư tưởng triết học Mỹ. Nó sẽ chi phối mọi nhóm tôn giáo và các chế độ bảo đảm nó bằng pháp luật.
Trong Hiến pháp đầu tiên của nước Mỹ 1791, tuy chưa có điều khoản riêng về tôn giáo, nhưng đã khẳng định chế độ đa nguyên (régime pluraliste) như hệ quả của một “hợp chủng quốc”.
Những điều này ít nhất đã có lợi cho Tin Lành trước Công giáo: Họ vốn là thiểu số bị Giáo hội Rôma đàn áp và bị coi như thứ thệ phản, phản bội, đến Mỹ họ được pháp luật bảo hộ, khuyến khích cạnh tranh theo đúng luật!
II - Tin Lành Mỹ có nguồn gốc từ Châu Âu, đậm nét Anh giáo và phát triển theo những quy luật mới xa nguyên mẫu
Giáo hội tại nước Anh vào thế kỉ XVIII là một Giáo hội Tin Lành về mặt thần học, nhưng lại gần Công giáo về mặt giáo hội. Một trào lưu Thanh giáo, nhất là phái Thanh giáo cực đoan (Ultra puritanisme) muốn đi xa hơn trong việc “Tin Lành hoá”. Nửa sau thế kỉ XVII, với phương châm “Đạo Tin Lành và các quyền tự do của nước Anh” đã làm cho nước Anh có chế độ Nghị viện, sự khoan dung tôn giáo nào đó, lòng nhiệt thành tôn giáo và công cuộc thế tục hoà trộn nhau, nhưng cũng đã khiến nước Anh bắt đầu bành trướng xâm lược Ailen...
Đây cũng là lúc tại “Châu Mỹ của Anh”, những người di dân vốn theo Thanh giáo - ra đi có cả lí tưởng tôn giáo: Sợ đạo Công giáo quay trở lại nước Anh - đó là động cơ tâm lí tạo ra những thứ tôn giáo mới thích hợp với một xã hội một thể chế quốc gia mới ở Mỹ. Các giáo đoàn trở thành trung tâm đời sống xã hội của nước Mỹ trẻ tuổi.
Những nhân tố tích cực, tiêu cực bắt đầu đan xen nhau rất phức tạp trong cộng đồng Tin Lành Mỹ: Có phái sử dụng chính quyền can thiệp vào đời sống tôn giáo, có phái Thanh giáo lại góp phần bảo vệ các quyền về đất đai và tôn giáo của người da đỏ như trường hợp Roger Williams. Ông này đã đặt nền móng cho phái Baptít Mỹ, một trong những tổ chức nỗ lực đầu tiên tách Giáo hội khỏi nhà nước. William Perm, một tín đồ Quaker lập ra bang New Pensylvany, nơi trú ngụ của mọi thành phần li khai từ Châu Âu...
Về phương diện tôn giáo, đáng chú ý, cuối thế kỉ XVII, có phong trào Đại thức tỉnh: Các nhà thần học Tin Lành Mỹ tìm cách tương đối hoá sự khác biệt về giáo hội và khuyến khích sự pha trộn chủng tộc, qua đó tạo nên một bản sắc Tin Lành Mỹ khác Châu Âu, và cũng là một yếu tố khác của bản sắc Mỹ.
Giới lãnh đạo của nước Mỹ đã nhanh chóng khai thác thực tế ấy của “Tin Lành Mỹ” đưa nó thực sự vào đời sống chính trị xã hội. Ông Bauberot nhận định: “Nhiều nhân vật của các nhà truyền giáo thuộc phong trào Đại thức tỉnh” sẽ trở thành những người phát ngôn của cuộc cách mạng Mỹ. Họ thường là những người đã chịu ảnh hưởng của thời kì ánh sáng ở Châu Âu. Hai ảnh hưởng ấy (đạo Tin Lành và thời kì ánh sáng) được biểu hiện rõ trong các Tuyên ngôn của nước Mỹ về quyền con người, trước cả Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp”(7).
Tin Lành phát triển còn gắn với làn sóng truyền giáo Tin Lành thực sự cuối thế kỉ XVIII và XIX: cuộc cách mạng Công nghiệp có những thành quả lớn, làn sóng thứ hai của những di dân Châu Âu sang Mỹ và phong trào Thức tỉnh tôn giáo đang lan rộng trong nhiều giáo hội Tin Lành.
Chính ở Mỹ, Tin Lành mới có điều kiện cải cách liên tục như J. Bauberot viết trong Lịch sử Kitô giáo từ nguồn cội đến ngày nay (tập 12, 1914 - 1958): “tính phản kháng chỉ có thể dẫn dắt sự phát triển của Tin Lành hoá mới ở chính trong lòng phong trào Tin Lành hoá sự thệ phản”. Từ thế kỉ XIX ở Mỹ còn lộ rõ tính cải cách và bất tuân phục của nó.
Ban đầu, từ 1620, khi các cha Péberains đến Bắc Mỹ, đó cũng chỉ là thứ Tin Lành bảo thủ được du nhập vào Tân thế giới rất lâu trước khi Anh giáo nhập vào và có vị trí chủ lưu (2 cha Anh giáo đầu tiên đến Atlantique là Wesley và John).
Cùng với sự hình thành và phát triển Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, như đã nói ở trên, đến thế kỉ XIX - đầu XX, trong khi ở Châu Âu vẫn là thứ Tin Lành cổ điển, nền nếp (protestantisme etabli) thì ở Mỹ bắt đầu nẩy sinh ra Tin Lành “Phúc Âm” (Evangéliques) và Tin Lành Ngũ Tuần (Pentécotisme) đại diện cho những khuynh hướng của một xã hội tư sản phát triển “đột biến”, tràn ngập những thang giá trị mới, phân tầng xã hội gay gắt và cá nhân cực đoan. Riêng Tin Lành Phúc Âm đã được nuôi dưỡng từ thế kỉ XVII, XVIII. Từ nhiều nhóm Tin Lành Châu Âu nhập cư đã sinh ra các giáo phái mới đầu tiên: Các giáo phái Anabaptistes (Tái thánh tẩy, chỉ rửa tội cho người lớn), Méthodisme, các phong trào Unitarisme (chủ nghĩa Hợp nhất), Congrégationalisme (chủ nghĩa Cộng đoàn) và các phong trào Thức tỉnh...
Một phong trào quan trọng cho sự hình thành khuynh hướng Phúc Âm của Tin Lành Mỹ là phong trào Đức tin và Hiến định (Foi et constitutions) do C. Braut, một cha dòng Episcopalien cuối thế kỉ XIX. Người Mỹ rất ưa chuộng nó, vì lúc đó “nước Mỹ đang như một đất nước trung tính (pays neutre)”(8).
Chính trên cơ sở của tư duy Tin Lành Mỹ ấy (coi chỉ có nhân vị là trung tâm (seul personnalité), mà Tin Lành Mỹ còn đi trước cả Giáo hội Rôma sau này về phong trào Đại kết (Oecuménique). Có thể nói khuynh hướng Tin Lành Phúc Âm có vị trí lớn trong đời sống tôn giáo Mỹ. Ngoài ra, chính nó đã phát triển mạnh sang Phi Châu, á Châu và Mỹ Latinh.
Tin Lành Ngũ Tuần, xuất hiện đầu XX, còn là thứ Tin Lành đặc sản Mỹ hơn: đó là thứ tôn giáo cá thể, cực đoan như có người nhận định là “Hiện tượng siêu tôn giáo” (A. Corten), hiện đang phát triển nhanh ở Mỹ Latinh, Châu á, và cũng là một khuynh hướng đe dọa ngay cả Tin Lành Châu Âu.
Tất nhiên, đây là hai khuynh hướng chính trong sự phát triển của Tin Lành Mỹ.
Chúng ta có thể so sánh:
Nước Pháp là một trong những nơi sinh ra đạo Tin Lành trong cuộc cải cách tôn giáo ở Châu Âu từ thế kỉ XVI. Nhưng kể từ khi ban bố Luật Phân li nổi tiếng (1906), Liên đoàn Tin lành Pháp được thành lập cho đến nay, cũng chỉ có 15 thành viên là các Giáo hội, giáo phái như: Giáo hội Luther Alsace, Loiraine; Giáo hội Phúc Âm Luther Pháp, Giáo hội Tây đồ, Giáo hội Cải cách Phúc Âm độc lập, Giáo hội cải cách Pháp, Liên đoàn Giáo hội Baptít Pháp, Giáo phái Đội quân Cứu rỗi ... với con số tín đồ rất ít ỏi.
Trong khi đó theo Niên giám các Giáo hội Mỹ và Canada xuất bản 1986 (The Year-book of American and Canadian Churches, 1986) cho biết Mỹ có 219 giáo phái các tôn giáo, với 142.172.138 tín đồ, thuộc 344.150 nhóm địa phương.
Trong Bách khoa thư tôn giáo Mỹ (Encyclopedia of American religions) của J. Gorbon Melton thì nước Mỹ có tới 1.200 giáo phái tôn giáo mà nhiều giáo phái ấy chỉ có tính "phù du" (éphémères). Lí do có sự chênh lệch của hai con số giáo phái nói trên vì số liệu thứ nhất chủ yếu dựa vào số liệu các giáo phái có đăng kí còn số thứ hai là cả các “giáo hội ngầm”.
Còn theo cuốn Chỉ nam các giáo phái ở Mỹ (của F. Mead và S. Hill) xuất bản 1998 thì riêng các Giáo hội và Giáo phái Tin Lành Mỹ có pháp nhân (không kể các “Giáo hội ngầm”) đã có hơn 200 Giáo phái Tin Lành ở Mỹ rất lạ, rất rắc rối vì nó “không theo quy luật” Châu Âu!
Tác giả sách này cho rằng, dù đã có tên hàng trăm giáo phái (nhất là Tin Lành) nhưng nó mới chỉ là những đầu mối để bạn đọc gỡ tiếp (còn hàng trăm giáo phái dưới 200 tín đồ, các giáo đoàn bí mật và ở thôn quê ...) nếu người đọc muốn hiểu về các giáo phái ở Mỹ.
Sự đa dạng của lối tổ chức “giáo phái” phản ánh ngay trong tên gọi. Giáo phái Baptiste có dòng “chính hiệu”, “riêng biệt” hoặc “nguyên thuỷ”. Có những giáo phái lớn như Trưởng Lão (Presbytériens) hoặc Giám Lí (Méthodistes) chung sống với các giáo phái nhỏ hơn như Unitarieus, Giáo hội Luther Hoa Kỳ hoặc Môn đệ của Chúa. Những giáo phái như Oneides (1847), Reppistes (1825) hoặc Shakers (1787) càng chứng tỏ tính đa dạng lạ lùng của các hệ phái Tin Lành Mỹ.
J. P. Fichou có nhận xét riêng về Mormons: “Giáo phái này gây nhiều sự chú ý đặc biệt vì họ đề xuất một cách hiểu mới về Kinh Thánh và đặt cơ sở cho đức tin Kitô giáo của Mỹ. Phần lớn tín đồ của họ sống ở bang Utah, ở đó họ đưa thuỷ lợi vào sa mạc, lập ra thành phố Salt Lake City, nơi trú ngụ cuối cùng của họ trong cuộc chạy trốn về phía Tây. Giáo phái này có uy thế lớn, giàu vô kể, có kỉ luật hà khắc chặt chẽ, buộc tín đồ phải đóng tô tức và cử các giáo sĩ trẻ tuổi đi khắp thế giới tìm những tổ tiên đã chết (để làm lễ rửa tội) và thu nạp những tín đồ mới”(9).
Tin Lành Mỹ hết sức chú trọng truyền giáo. Hàng loạt các tổ chức truyền giáo lớn ra đời: Hội truyền giáo Baptít London (1794), Hội truyền giáo London (1795), Hội truyền giáo Hà Lan (1796), Hội truyền giáo Bâle (1815), Hội truyền giáo Mỹ (1810), Hội truyền giáo Phúc Âm Paris (1822), Hội truyền giáo Berlin (1824)...
Các nỗ lực truyền giáo Tin Lành này lại chủ yếu là Mỹ và ngoài Châu Âu, nơi đạo Tin Lành thực ra đã bị thất bại ở thế kỉ XVI, XVII.
Tin Lành Mỹ bỗng nhiên trở thành chủ lực: từ 1914 - 1960, họ đã cung cấp tới 2/3 nguồn nhân lực và tài chính truyền giáo(10). Lí do ? Cũng giống như với đạo Công giáo với chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trong thế kỉ XVII, XVIII; đạo Tin Lành ở thế kỉ XIX và XX lại liên quan đến một công cuộc thực dân hoá khác, đó là chủ nghĩa thực dân Mới của Mỹ, đặc biệt từ đầu thế kỉ XX.
III - Tin Lành Mỹ thực sự là một cơ cấu đa nguyên về giáo lí và tổ chức, cả ở 2 cực: trào lưu “Phúc Âm” (évangelique) và “Ngũ tuần” (pentécôtisme).
Chúng ta biết rằng, nguyên tắc “Cujus regio - ejus religio” (miền nào, đạo ấy) vốn nhằm vào việc phủ định vai trò độc tôn của Giáo hội Rôma. Nhưng dù sao, khi còn ở Châu Âu, Tin Lành cũng vẫn tồn tại chủ yếu với hai hình thức: Giáo hội (Eglise) và Giáo phái (Secte) như M. Weber và E. Troelsch đã chỉ ra.
Khác với Công giáo, Tin Lành tuy thừa nhận có Giáo hội hữu hình (Eglise visible) và Giáo hội vô hình (Eglise invisible), nhưng lại nhấn mạnh tính tương đối của tất cả các giáo hội hiện có. Cũng vậy, không một nhân vật trong Kinh Thánh, trừ Jésus, có thể là đối tượng thờ phụng hay cầu nguyện, kể cả Đức Bà Maria lẫn các thánh.
Chức vụ trong Giáo hội Tin Lành vốn không có tính cách thiêng liêng vì không thể có một trung gian nào giữa Thiên Chúa và con người. Anh giáo còn có quan niệm phức tạp hơn: Mục sư và giáo hữu chỉ khác nhau ở chức năng chuyên biệt mà thôi, không độc quyền (có Giáo hội Tin Lành còn xoá cả chức năng thừa tác vụ của Mục sư).
Tuy vậy, ở Châu Âu người ta vẫn có thể nhận ra dễ dàng các giáo hội chính, chẳng hạn:
- Giáo hội Luther (Luthéranisme) ra đời với Tuyên tín Augsobourg (1530), dựa vào nguyên tắc uỷ thác cho các quốc vương tổ chức các giáo hội và giữ vai trò giám sát (chế độ “hai vương triều”). Trên thế giới có trên 70 triệu người theo Giáo hội này, chủ yếu người Đức và Bắc Âu (Mỹ: 8 triệu). Năm 1947, họ lập ra Liên hiệp thế giới các giáo hội Luther.
- Giáo hội Trưởng Lão (le Presbytérianisme): đó là thuật ngữ Anglo-Saxon, còn gốc là giáo hội cải cách của Calvin. Khuynh hướng này ủng hộ kinh doanh, lao động, khuyến khích việc phát triển các chế độ dân chủ. Cũng ước tính có khoảng 80 triệu tín đồ (1/2 ở các nước thứ ba). Liên minh các Giáo hội Calvin lập năm 1875 ở Anh.
- Giáo hội Baptít: cũng ra đời ở Anh, do J. Smyth lập ra đầu thế kỉ XVI. Các Giáo hội Baptít thường tổ chức theo lối hiệp hội.
- Giáo hội Menonít: Vốn do một mục sư Hà Lan theo xu hướng cải cách lập ra, chống rửa tội cho trẻ em, từ chối mọi sự tuyên thệ...
Nói chung, dù là với Tin Lành, người Châu Âu có xu hướng phân biệt rạch ròi Giáo hội với Giáo phái và luôn cảnh giác với “giáo phái”.
Đến lượt mình, người Mỹ sáng tạo từ Denomination thay cho từ Sect. Cấu trúc tổ chức của các Giáo hội, Giáo phái ở Mỹ ngày càng phức tạp.
Chẳng hạn, ở Châu Âu, Methodisme (Giám Lí) vốn thoát thai từ Giáo hội Anh, như một “giáo phái”, một thứ “tôn giáo của trái tim”. Qua Mỹ, Methodisme vừa là Giáo hội vừa là Giáo phái, vừa là Hiệp hội: United methodisme Church, African Methodisme Episcopal church, Christan Methodisme Episcopal church... trong đó có cả những giáo phái bí mật(11).
Các giáo phái “Tin Lành Phúc Âm” Châu Âu qua Mỹ có những đổi thay về giáo lí và nghi lễ:
Một đặc điểm của đạo Tin Lành thế giới nói chung là: Khi xu hướng thần học tự do, tập trung phê phán Kinh Thánh (tương đối hoá diễn giải học thuyết; hoài nghi thể chế, mở cửa đón nhận văn hoá, dành vị trí ưu tiên cho tình cảm tôn giáo và hệ quả đạo đức...), cũng như sự phát triển của chủ nghĩa hiện đại thì lại xuất hiện chủ nghĩa toàn thống (ở Mỹ vào năm 1919 do mục sư 3 giáo phái Trưởng Lão, Baptít và Giám lí lập ra Hội Kitô giáo thế giới bảo vệ các tín điều cơ bản (World’s Christian Fundamentals Association) dựa trên từng câu chữ của Thánh kinh). Chẳng hạn, họ khăng khăng duy trì thuyết sáng thế trong 6 ngày; hiện nay ở Mỹ một số bang vẫn cấm dạy thuyết Dawin. Thậm chí có chính khách dựa vào một câu trong Cựu ước về kích thước cột đền thờ Salomon để ra dự luật quy định số π (số Pi) là 3 (chẵn) chứ không phải là 3,14... như cách hiểu chung của toán học.
Khuynh hướng bảo thủ, cực đoan này là một mặt.
Mặt khác, chính trong cộng đồng Tin Lành Mỹ khối Phúc Âm nói trên đã rạn nứt, do những điều kiện đặc biệt của xã hội nước này, làm nảy sinh hàng loạt các giáo mới, thực sự xoá bỏ “thể chế” của Giáo hội Công giáo, coi trọng thứ tôn giáo cá thể: Đó là lúc ra đời từ giữa thế kỉ XIX đầu XX các giáo phái như Mormons, Nhân chứng Jehovah, Chủ giáo (épiscopalienne) và đặc biệt Giáo phái Ngũ Tuần (Pentecotisme) như đã nói ở trên.
Những giáo phái này đã làm rung chuyển các Giáo hội Tin Lành truyền thống (như Giáo hội Luther, Calvin... ), lay chuyển cả Giáo hội Công giáo. Họ đòi Đổi mới ân huệ (Renouveu Charismatique) về thần học, tín lí. Từ thập kỉ 60 trở lại đây, họ thích tự biểu hiện theo nhóm nhỏ (cầu nguyện và truyền giáo Phúc Âm). Họ sử dụng truyền hình, khoa học kĩ thuật, dành thời gian cho đào tạo và nghiên cứu cách đọc Kinh Thánh theo kiểu “gốc rễ”, dùng Thánh kinh biện minh việc bác bỏ phá thai, đồng tính luyến ái... Họ tôn sùng thứ trí tuệ thần thánh và những ân huệ của nó và lao vào chữa bệnh, thậm chí cả phép phù thuỷ...
Đây là nét đáng chú ý của Tin Lành Mỹ: Trung tâm của thứ Tin Lành cực đoan hiện đại, với rất nhiều tổ chức giáo phái, hiệp hội.
Tin Lành cơ bản Bắc Mỹ(12), nghịch lí thay, ở nước công nghiệp phát triển bậc nhất thế giới, lại vẫn khăng khăng chống lại 4 vấn đề hiện đại: Thuyết Tiến hoá; Thần học Tin Lành Tự do; Phương pháp chú giải Kinh Thánh và vấn đề vô ngộ của bản văn Kinh Thánh (Vô ngộ trong từng nét chữ).
Trong những năm gần đây, Ngũ Tuần phát triển đột biến ở Mỹ Latinh, Hàn Quốc, Phi Châu... trong các tầng lớp dưới, trung gian, kể cả dân da đỏ... Hiện đã tới trên 60 triệu tín đồ, thực sự là hiện tượng tôn giáo đáng lưu ý.
Đây là khuynh hướng cực đoan nhất, hoàn toàn thuộc về ý chí cá nhân trong sự thực hiện một nguyên lí của Tin Lành: “chỉ có Kinh Thánh”.
Đến đây, chúng ta có thể rút ra hai hệ quả:
a) Tin Lành Mỹ năng động, thích ứng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn cao, đặc biệt những nước sớm chuyển vào xã hội hậu công nghiệp. Nó có khả năng giành những “không gian tôn giáo” ngay ở vị trí vốn của Công giáo.
b) Sự phát triển đa dạng của Tin Lành Mỹ khiến nước Mỹ trở thành địa bàn chủ yếu nảy sinh ra các phong trào tôn giáo mới, rồi lan ra Châu Âu và các châu lục khác, với không ít các giáo phái nguy hiểm đến an sinh xã hội và sự ổn định của các quốc gia: Từ các giáo phái như Thời đại mới, Cổng Thiên đường đến giáo phái Khoa học luận (Scientologie) có mặt hiện nay tại nhiều nước trên thế giới.
IV - Về phương diện tư tưởng thần học
Nếu như đạo Tin Lành đa nguyên về mặt tổ chức Giáo hội thì nó lại tỏ ra cứng rắn, chặt chẽ về hệ tư tưởng.
Nếu như ở Châu Âu quê gốc của Tin Lành, khuynh hướng cổ điển của Luther và Calvin in đậm, “cải cách” là để đối trọng với Công giáo La Mã thì ở Bắc Mỹ, Tin Lành lại là thứ tôn giáo có sức mạnh độc lập thực sự và có khuynh hướng giữ thể chế, một thứ Tin Lành của cá thể mà giai cấp tư sản Mỹ trẻ tuổi rất cần, đã tìm đến những nguồn lực thần học mới.
Trước hết là, Tin Lành Mỹ khai thác triệt để những gì có ở Marx Weber (1864 - 1920), nhà xã hội học của thế giới hiện đại.
+ Với sự chứng minh: Tin Lành là nguyên nhân của tinh thần đạo đức tư bản (Về tôn giáo, M. Weber cho có 2 loại tôn giáo: loại thích nghi trần thế như Phật giáo, Khổng giáo. Loại hướng về sự giải thoát chốn trần thế như Kitô giáo, nhất là Tin Lành).
+ Tin Lành làm cho con người có óc thực dụng, tiết kiệm, hiệu quả trong kinh doanh phải tái sản xuất mở rộng, tiết kiệm hợp lí (tính duy lí của Tin Lành). Điều này đối nghịch với tư tưởng bất dịch của Trung Hoa Khổng giáo luôn coi “xưa hơn nay”, tiết kiệm nhưng lại theo hướng giảm hệ thống nhu cầu, không kích thích sản xuất.
- Đặc biệt, từ trong và sau chiến tranh Thế giới thứ nhất, nước Mỹ và Tin Lành Mỹ dựa vào các nhà thần học “thực chứng” mới nhập cư: Từ K. Barth, K. Reimert đến P. Tillich. Chính họ đã góp vào “hệ tư tưởng Mỹ”: Tin Lành là tôn giáo của Tự do, ở đâu có Tin Lành ở đó có Tự do ! Đó là sự khai thác các luận đề của các nhà thần học như P. Tillch:
+ Tôn giáo là bản chất của văn hoá và là biểu hiện bên ngoài của văn hoá.
+ Sống ở thế gian, nhưng không thuộc về thế gian.
+ Đức tin vượt trước Hiện đại (chống Chủ nghĩa hiện đại).
Các quan điểm thần học - xã hội học như thế quả thực rất có lợi cho chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ và gần đây trong xu thế toàn cầu hoá, với lợi thế về kinh tế - kĩ thuật, người Mỹ có thể “đưa sứ mệnh Tin Lành” đến mọi hang cùng ngõ hẻm trên trái đất.
Tin Lành Mỹ, dù thuộc các Giáo phái của “Tin Lành cơ bản” hay “Ngũ Tuần”, cổ điển hay cực đoan, đều có một thực lực kinh tế, chính trị, xã hội và tự nó cấu thành trong hệ thống quyền lực Mỹ, không chỉ ở địa hạt tôn giáo.
V- Lời kết
Những phác hoạ trên đây về đạo Tin Lành Mỹ phải chăng có thể gói lại một
vài nhận định sau đây:
a) Đạo Tin Lành nẩy sinh và phát triển ở Tây Âu từ thế kỉ XVI, nhưng phải đợi đến khi Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ hình thành và lớn mạnh, đạo này mới thực sự có vị trí xã hội và tôn giáo, nói cách khác nước Mỹ và khu vực Bắc Mỹ là Trung tâm lớn nhất của đạo Tin Lành thế giới.
b) Đạo Tin Lành cũng như tôn giáo nói chung là một căn tính của văn hoá, văn minh Mỹ. Mặc dù về mặt luật pháp có sự tách biệt tôn giáo khỏi quyền lực chính trị của Nhà nước, nhưng đạo Tin Lành, do đặc tính trên, vẫn là một thành tố của quyền lực và thuộc hệ giá trị Mỹ.
c) Đạo Tin Lành Mỹ thực sự đậm tính đa nguyên, năng động, phát triển với nhiều biến thái phức tạp thuộc cả 2 cực: Tin Lành Phúc Âm và Tin Lành Ngũ Tuần.
d) Việc truyền giáo Tin Lành Mỹ có những hoạt động tôn giáo rất mạnh và đang có hiệu quả ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có những khu vực đã và đang tạo nên áp lực, cạnh tranh ảnh hưởng với cả những tôn giáo lớn vốn có vị trí như Công giáo (ở Châu Mỹ Latinh) chẳng hạn./.
Chú thích:
1. J. Chevallier. Les grandes oeuvres politiques de Machiavel à nos Jours, Armand Colin, 1996, P. 170.
2. International Affaires, Vol 37, N0 3, Juillet, 1961.
3. J.P. Fichou. Văn minh Hoa Kỳ. Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1998, tr. 43.
4. Xem: L. Hartz. The liberal tradition in America, New York, 1955.
5. Xem: Le grand atlas des religions, Ency. Universalis, Paris, 2001, P. 20-21.
6. Dẫn theo J. P. Fichou. Văn minh Hoa Kỳ. Sđd, tr. 96.
7. Xem: Le Fait religieux, J. Delumeau chủ biên, Payard, Paris 1994, P. 189.
8. Xem: J. Baubérot. Le Protestantisme. Trong: Le Fait religiex. J. Delumeau chủ biên. Fayard, Paris, 1993.

9. J. P. Fichou. Văn minh Hoa Kỳ. Sđd, tr. 94.

10. J. Bauberot. le Protestantisme. Sđd, tr. 190.

11. Xem: Hand Book of Denominations in the United States, Abingdon Press, Mỹ, 1995.

12. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam lập 1911 do các Giáo sĩ Hội truyền bá Phúc Âm Liên hiệp, vốn do các giáo sĩ Mỹ, Canada lập 1887 ở New York. Mục sư A.B. Simpson, thuộc phái Trưởng Lão, còn các giáo sĩ khác trong Hội đa số có khuynh hướng Thanh giáo (Puritarisme).
Xem thế, ta có thể thấy Hội Thánh Tin Lành Việt Nam nằm trong quỹ đạo Tin Lành cơ bản Bắc Mỹ.

1 nhận xét:

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!