Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU - BÀ HOÀNG CÔ ĐƠN

TRONG NHỮNG NĂM THÁNG TỒN TẠI CUỐI CÙNG CỦA TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN, NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU ĐÃ ĐỂ LẠI DẤU ẤN ĐẶC BIỆT CỦA MÌNH. TÊN TUỔI CỦA BÀ ĐÃ PHAI LẠT DẦN THEO THỜI GIAN, NHƯNG THỜI ẤY CÓ LẼ KHÔNG AI KHÔNG BIẾT ĐẾN BẬC MẪU NGHI THIÊN HẠ CÓ VẺ ĐẸP KỲ LẠ VÀ ĐỨC HẠNH NÀY.

Khuê danh của bà là Nguyễn Hữu Thị Lan, tên thánh là Marie Thérèse (có tài liệu ghi là Jeanne Mariette), quê gốc ở Gò Công. Bà sinh trưởng trong một gia đình thiên chúa giáo giàu có nhất nhì miềm Nam thời bấy giờ (gia đình của bà vẫn được so sánh với gia đình Bạch công tử ở Bạc Liêu), và được đưa sang Pháp du học từ khi còn rất nhỏ. Có lẽ số phận đã chọn người con gái đất Nam Bộ này làm hoàng hậu An Nam theo một cách mà không có gì có thể cưỡng lại được. Ở Pháp, bà thụ hưởng một nền giáo dục không thể tốt hơn, được đào tạo một cách hoàn hảo. Từ cách đi đứng, nói năng, cho đến phép tắc lễ nghi - tất cả đều toát lên vẻ kiều diễm mặn mà và sang trọng của một người phụ nữ ý thức được rất rõ là mình đẹp. Vẻ đẹp ấy sắc sảo đến mức độ bà đã đoạt giải hoa hậu Đông Dương suốt ba năm liền Có nhiều giai thoại được dựng lên về cuộc tình giữa bà và hoàng tử Vĩnh Thụy, (tức vua Bảo Đại sau này). Năm 19 tuổi, như một hệ quả tất yếu của bao toan tính lắt léo được sắp đặt bởi những vị quan triều Nguyễn và gia đình bà, nàng thiếu nữ Marie Thérèse xinh đẹp kết hôn với vua Bảo Đại, khi ấy 21 tuổi. Hôn lễ này được tổ chức với những điều kiện chưa hề tồn tại trước đó, như: Bà Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu Chánh cung ngay trong ngày cưới (đây là một điều trước đây chưa từng có, vì 12 đời vua Nguyễn trước, các bà vợ vua chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu). Bà được giữ nguyên đạo Công giáo, và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo luật công giáo và giữ đạo. Hôn lễ của hai người phải được Tòa thánh La Mã đặc cách cho phép, và hai người vẫn giữ hai tôn giáo khác nhau. Chừng đó thôi cũng đủ thấy Bảo Đại sung ái hoàng hậu của mình đến mức nào. Thời hai người còn mặn nồng, ông luôn dành cho bà những lời mỹ miều nhất có thể:”Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê”. Về tên hiệu Nam Phương Hoàng Hậu, Bảo Đại cũng giải thích trong cuốn sách Con rồng An Nam của mình như sau:”Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng”.

Nàng Marie Thérèse đã trở thành hoàng hậu như vậy đó. Cùng với bà Từ Dũ, Nam Phương Hoàng Hậu là bậc mẫu nghi triều Nguyễn được nhiều người vô cùng yêu mến, kính trọng. “Công việc” của một bà hoàng hậu có lẽ là rất bận rộn và đầy cô đơn, nhất là khi làm hoàng hậu của ông vua thích chơi bời, đam mê săn bắn ca nhạc hơn việc triều chính như Bảo Đại. Một tay bà chăm nom, dạy dỗ cho năm đứa con, (bà sinh cho Bảo Đại hai hoàng tử và ba công chúa trong vòng có 8 năm). Ngoài ra, bà cũng thường xuyên xuất hiện bên Bảo Đại trong các nghi lễ ngoại giao đón tiếp lãnh tụ nước ngoài. Hoàng hậu Nam Phương cũng được xem là người đem lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Thiên Chúa ở Việt Nam với hoàng tộc nhà Nguyễn, nhờ xuất thân công giáo của mình. Người ta không thể đòi hỏi gì hơn ở một bà hoàng hậu như vậy được.
Sau này, khi chế độ phong kiến ở Việt Nam bị bãi bỏ, bà vẫn chứng tỏ mình là người nhạy cảm với thời cuộc. Bảo Đại nhận chức cố vấn tối cao trong chính phủ sau khi thoái vị, và đã bỏ nước ra đi nhân một chuyến sang thăm Trung Quốc. Còn hoàng hậu Nam Phương, giờ là bà Vĩnh Thụy, vẫn giữ được hình ảnh một phụ nữ có học thức và thiết tha với vận mệnh đất nước. Bà đã viết thư cho bạn bè ở Á châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với những lời lẽ đanh thép và đầy sức thuyết phục. Bà cùng là một trong những mệnh phụ hăng hái tham gia phong trào: “Tuần lễ Vàng” do Việt Minh phát động tại Huế.
Tuy vậy, sự trống trải và nỗi cô đơn quạnh quẽ vẫn là bầu bạn thân thiết nhất của cuộc đời bà. Năm 1947, bà rời Việt Nam. Trong số tất cả những dinh cơ, biệt thự mà gia đình đã mua cho bà ở Pháp, bà chon một trang trại thuộc vùng Chabrignac để làm nơi ở cho mình và các con. Bà nuôi hàng trăm con bò sữa và trồng cả một vườn hoa hồng rất lớn - hẳn là để xoa dịu nỗi cô đơn trong lòng mình. Theo người dân trong vùng, trong suốt bấy nhiêu năm chỉ thấy cựu hoàng Bảo Đại nghé thăm mẹ con bà được vài lần. Lần về thăm mà người ta nhớ nhất của ông là dịp lễ cưới của công chúaPhương Liên với một người Pháp tên là Bernard Soulain - đây được xem như là một sự kiện đình đám của vùng làng quê Chabrignac nhỏ bé. Suốt ngần ấy năm, bà sống trong trang trại rộng rãi thênh thanh của mình cùng với vài người làm, họa hoằn lắm mới lên Paris đôi lần. Các con bà sau này đều đi học hoặc đi làm ở Paris, chỉ có dịp nghỉ hè mới nghe về Chabrignac thăm mẹ.


Bà qua đời vào tháng 9 năm 1963, sau một cơn đau tim đột ngột. Lúc bà mất, ngoài hai gia nhân giúp việc trong nhà, không có một người thân thích nào có mặt ở bên cạnh bà. Các con bà đều đang ở Paris, trong khi Bảo Đại vẫn sống ở vùng miền Nam nước Pháp. Thậm chí, Bảo Đại cũng không có mặt trong tang lễ của bà, người vợ hiền đã cùng ông một thời đầu gối tay ấp. Đám tang của bà được tổ chức một cách hết sức sơ sài và lặng lẽ. Đi bên quan tài của bà chỉ có năm người con và vài chức sắc đại phương.

Nam Phương Hoàng Hậu, nàng Marie Thérèse hiền thục mặn mà của đất Gò Công, hoàng hậu cuối cùng của nước Nam, đã ra đi trong sự đìu hiu nơi đất khách quê người lúc mới 49 tuổi. Cái chết của bà xảy ra lặng lẽ đến mức mấy chục năm sau báo chí Việt Nam vẫn không hề hay biết bà còn sống hay đã mất. Tất cả những gì còn lại của bà hoàng nước Nam lừng lẫy một thời này chỉ còn là một nấm mồ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ bằng hai thứ tiếng khác nhau, mặt trước bia viết chữ Hán, mặt sau được viết bằng tiếng Pháp:
Bia chữ Hán: ĐẠI NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ (Mộ phần của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam)
Bia chữ Pháp: ICI REPOSE LIMPÉRATRICE DANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN (Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam Maria Têrêsa Nguyễn Thị Hữu Lan).

Theo Minh Vân (Báo Phụ nữ Thời đại, số 03.08).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!