Thứ Tư, 10 tháng 6, 2009

Chúng ta đã thực sự hiểu nước Nga?

Mặc dù rất yêu mến, nhưng chúng ta còn hiểu biết hời hợt và lệch lạc về nền văn hoá ấy, cho nên không thể nói rằng văn hoá Nga đã bắt rễ sâu vào Việt Nam như văn hoá Pháp, mặc dù về mặt chính trị, trong thời kì dài ta và Pháp là thù mà ta với Nga lại là anh em chí thân chí cốt.
Được sự đồng ý của PGS - TS Phạm Vĩnh Cư, Tuần Việt Nam xin đăng nguyên văn bài viết mang tiêu đề "Mấy suy nghĩ về giao lưu văn hóa Việt - Nga"* được đăng trên Tạp chí Văn Học số 6 năm 1994. Ông đã viết bài này với tất cả sự hiểu biết về nước Nga và tình yêu, như nó vốn có đối với nước Nga. Đã hơn 10 năm kể từ ngày bài viết được đăng tải, nhưng đến nay, bài viết vẫn còn giữ nguyên giá trị.



Từ sau Cách Mạng Tháng Tám đến những năm gần đây, rõ ràng không có nước nào trên thế giới lại giao lưu văn hoá với nước ta một cách mạnh mẽ, liên tục và trên nhiều bình diện như nước Nga. Có điều trước đây, chúng ta bang giao với Nga không phải như một quốc gia độc lập, có chủ quyền, mà chỉ như một bộ phận cấu thành, tuy là bộ phận lớn nhất, quan trọng nhất trong Liên Bang Xô Viết. Giờ đây, Liên Xô không còn nữa.


Trên vũ đài lịch sử, tái hiện nước Nga như một cường quốc văn hoá, một dân tộc có một nền văn hiến vĩ đại đã trải qua nhiều bước phát triển thăng trầm, đột biến hết sức phức tạp, chúng ta đứng trước sự tất yếu phải tiếp tục và đổi mới những mối quan hệ văn hoá với Nga và các nước trước kia là thành viên của Liên Bang Xô Viết.


Muốn thành công trong việc hệ trọng này, thiết tưởng cần nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá khách quan và công bằng kết quả của gần nửa thế kỷ giao lưu văn hoá với Nga trong khuôn khổ Liên Bang Xô Viết, rút ra những bài học thiết thực, từ đó đề ra những đường hướng chủ trương xác đáng, phù hợp với những nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá nước nhà trong giai đoạn mới.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập hết sức hời hợt, tới một khía cạnh của bản tổng kết cần được xây dựng ấy: đó là đánh giá mức độ và tính chất của sự hiểu biết lẫn nhau và làm giàu thêm cho nhau đã đạt được giữa nước ta và Nga trong lĩnh vực văn hoá. Do số trang có hạn, xin chỉ nói về tác động văn hoá Nga ở Việt Nam. Nó đã vào nước ta như thế nào và đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của nền văn hóa nước ta trong những năm qua?

Văn hóa Xô Viết là hiện tượng lịch sử không thể hồ nghi...



Trước tiên cần nói rằng khái niệm "văn hoá Nga" ở Liên Xô trước kia cũng như ở nước ta gần đây vẫn thường được hiểu theo nghĩa hẹp. Khi nói đến văn hoá Nga, người ta thường quan niệm đó là văn hoá của nước Nga, của dân tộc Nga trong quá khứ lịch sử, trước Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa Tháng Mười.


Còn những gì mà người Nga và các dân tộc khác trong Liên Bang Xô Viết làm nên trong lĩnh vực văn hoá từ sau Cách Mạng Tháng Mười thì được hợp nhất vào một phạm trù bao trùm "Văn Hoá Xô Viết", phạm trù này đã mau chóng trội vượt lên hàng đầu trong nền tuyên truyền, giáo dục, khoa học xã hội Xô Viết, đẩy lùi xuống hậu cảnh, vào trong chỗ râm tối quan niệm truyền thông về văn hoá như một thực thể tinh thần mang dấu ấn, bản sắc của từng dân tộc riêng biệt, trong trường hợp cụ thể này là của dân tộc Nga, Ucraina, Litva, Grudia, v.v...


Văn hoá Xô Viết, như những lý luận gia và những người lãnh đạo, quản lý nó quan niệm, là một nền văn hoá có tính chất quốc tế, nó do tất cả các dân tộc trong Liên Bang Xô Viết tạo nên và là tài sản tinh thần chung của họ, do đó nó không mang dấu ấn đặc thù của một dân tộc nào riêng biệt.


Như chúng ta dễ thấy, ngay cái tên nhà nước: "Liên Bang Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết" cũng không mang dấu hiệu về một quốc gia hoặc dân tộc cụ thể nào đã từng tồn tại trong lịch sử và điều đó không phải là ngẫu nhiên.

Thay vì cho cái đế chế Nga, "nhà tù của các dân tộc" trước đây, những người kiến tạo Liên Bang Xô Viết chủ trương xây dựng một nhà nước mà trong đó hàng trăm dân tộc lớn nhỏ sẽ hoà đồng hợp thành một "Cộng đồng lịch sử mới - nhân dân Xô Viết" (Hiến pháp Liên Xô 1977).

Cơ sở hợp nhất có sức mạnh vượt lên trên mọi sự khác biệt dân tộc, sắc tộc ấy là chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt, là chủ nghĩa Mác-Lê-nin, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, đỉnh cao của trí tuệ loài người, là lý tưởng cộng sản chủ nghĩa ngày càng phát huy sức hấp dẫn, sức thu phục nhân tâm.

Cảm hứng chủ đạo của nền văn hoá Xô Viết chính là cảm hứng sáng tạo thế giới mới, một thế giới tốt đẹp, huy hoàng chưa từng có trong lịch sử mà so với nó, tất cả các giai đoạn trước phải được xem như đêm trường tăm tối (chúng ta hãy nhớ lại những câu thơ của Việt Nam từng truyền đạt cái cảm hứng ấy: "Thuở anh chửa ra đời, Trái đất còn nức nở, Nhân loại chửa thành người, Đêm ngàn năm man rợ ..." - Tố Hữu).


Văn hoá Xô Viết, cũng như Liên Bang Xô Viết, là một hiện tượng lịch sử không thể hồ nghi. Nó đã tạo nên nhiều giá trị chân chính, đạt được những thành tựu xuất sắc, được cả thế giới khâm phục, thiếu chúng không thể hình dung được diện mạo văn hoá thế kỷ XX.


Chiến Hạm Pôtiômkim và Tsapaep, Sông Đông Êm Đềm, và Vaxili Chiôrkin, Người Công Nhân Và Người Nữ Công Trang Viên, và tượng đài kỉ niệm người chiến sĩ Xô Viết ở Berlin, nhạc của Prôkophiev và Sôxtakôvitch cùng nhiều tác phẩm xuất sắc khác của văn học nghệ thuật Nga-Xô-Viết đã chinh phục trái tim của độc giả, khán giả, thính giả khắp năm châu, trong đó có người Việt Nam chúng ta.


Hôm nay, khi những thành tựu, những giá trị văn hoá ấy đang có xu hướng bị phủ định ở ngay quê hương của chúng, chúng ta, những người bạn của nhân dân Nga và các dân tộc khác trong Liên Bang Xô Viết trước đây, có trách nhiệm góp tiếng nói bảo vệ và khẳng định chúng.


Nhưng cũng tồn tại những sai lầm không thể phủ nhận

Nhưng đồng thời cũng không thể không thừa nhận một sự thật rõ như ban ngày: trong quá trình xây dựng nền văn hoá Xô Viết cũng như trong tất cả các lĩnh vực khác, những người lãnh đạo Liên Bang Xô Viết đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng và có hệ thống, chính những sai lầm ấy là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ Liên Bang Xô Viết.

Chúng đã gây nên những tổn thất nặng nề, không thể đền bồi cho văn hoá Nga và các dân tộc khác, hạn chế rất nhiều những thành quả mà đáng lẽ Liên Xô (cũ) có thể đạt được trong lĩnh vực văn hoá, rút ngắn sự tồn tại, thu giảm ảnh hưởng, sức tỏa sáng của văn hoá Xô Viết ngay trong nước và trên thế giới, thậm chí còn tạo ra những hình ảnh méo mó về dân tộc Nga và con người Nga, nhân dân Xô Viết và con người Xô Viết.


Sai lầm cơ bản, tai hại hơn cả là những người lãnh đạo, quản lý văn hoá ở Liên Xô (cũ) thiếu ý thức văn hoá thực thụ nhưng lại nắm quyền lực tuyệt đối.


Theo chúng tôi, sai lầm cơ bản, tai hại hơn cả là những người lãnh đạo, quản lý văn hoá ở Liên Xô (cũ) thiếu ý thức văn hoá thực thụ nhưng lại nắm quyền lực tuyệt đối. Trong suốt hơn 70 năm cầm quyền, họ đã không biết giải quyết đúng đắn quan hệ giữ chính trị với văn hoá và trong văn hoá, mối quan hệ giữa cái giai cấp, cái dân tộc, cái nhân loại phổ biến.


Một đặc điểm đầy kịch tính của lịch sử Nga đó là một cuộc cách mạng, một cuộc đảo lộn xã hội triệt để nhất, khốc liệt nhất đã nổ ra ở đó đúng vào lúc nền văn hoá Nga đương phát triển rực rỡ và toàn diện, khi mà theo lời một nhà văn hoá Nga hiện đại, đất nước Nga đang nở những thiên tài.

Trong cuộc đấu tranh ấy, những người chiến thắng, trái ngược với những tuyên bố chính thức của họ, rất nhiều khi đã đưa vào lĩnh vực vắn hoá - lĩnh vực lưu giữ, phát tỏa ánh sáng vĩnh hằng của những mục tiêu cao nhất của nhân sinh - những quy luật, những phép ứng xử của cuộc chiến tranh giai cấp nhất thời.


"Ai không đi với chúng ta tức là người ấy chống lại chúng ta" - phương châm ấy được áp dụng với một sự nhất quán đáng sợ với những tinh hoa của dân tộc Nga và các dân tộc khác trong Liên Bang Xô Viết.


Nếu năm 1922, thời Lê-Nin, nhà đương cục đã trục xuất ra khỏi đất nước hơn 200 trí thức lớn, bất đồng chính kiến - chính những người này về sau đã tạo nên vinh quang cho nền văn học, triết học, khoa học nhân văn Nga thế kỷ XX ở Châu Âu và Châu Mỹ - thì đến thời Xtalin hàng ngàn trí thức như thế đã bị vùi dập, đọa đầy, giam hãm và thủ tiêu, trong đó có không ít văn nghệ sĩ và nhà khoa học đại tài.


Nhiều người Việt Nam chúng ta đã đọc thiên phóng sự tuyệt vời Nguyễn Ái Quốc "Đến Thăm Một Chiến Sĩ Quốc Tế Cộng Sản" của ông Mandelstam đăng trên tạp chí Ngọn Lửa Nhỏ cuối năm 1923, nhưng không mấy người Việt Nam biết rằng Mandelstam là một nhà thơ rất lớn, một trong những nhà thơ lớn nhất thế kỷ này.

Khi Mandelstam viết bài phóng sự trên, thiên tài của ông đã được nhiều đồng nghiệp thừa nhận. Thế nhưng năm 1938, Mandelstam đã phải chết trong nhà tù khổ sai Sibia, khi chưa đầy 40 tuổi; đến những năm 60 ông mới được minh oan chính trị, còn sáng tác của ông thì mãi đến thời kỳ "cải tổ" mới được xuất bản rộng rãi và đánh giá đúng đắn. (Theo chúng tôi thì chỉ vì một bài báo ấy về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước ta cũng nên in một tuyển tập thơ văn Mandelstam ở Việt Nam, đấy sẽ là một hành động có giá trị văn hoá).


Cùng với Mandelstam, Xvêtaêva và Êxênin, Akhmatôva và Pasternak, Platônôv và Bulgacôv, Philônôv và Malêvitch, Tairôv và Nitxun, Tarkôvxki và Rôxtrôpôvitch, Xidur và Mêiêrkhola, Bakhtin và Lôxev, và sau này Brôdxki và Xolgiê - Nêizvêstnui (chúng tôi chỉ nêu một số tên tuổi lớn nhất, hiện nay lừng lẫy khắp thế giới) - tất cả những văn nghệ sĩ và những nhà khoa học này đều phải chịu đựng những số phận bi kịch chỉ vì họ không thể gò ép mình sáng tác theo đúng những quan niệm, tiêu chí, khuôn mẫu hẹp hòi, cứng nhắc, thiển cận về tính Đảng, tính nhân dân, về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mà những người lãnh đạo, quản lý văn hoá Xô Viết đã vạch ra.


Thế nhưng cũng có không ít văn nghệ sĩ và học giả khác đã lựa chọn con đường thực hiện đúng đơn đặt hàng của những người cầm quyền, mặc dù chúng nhiều khi mâu thuẫn với chủ kiến của họ và con đường ấy đã đem lại cho họ danh vọng, địa vị, giàu sang ...


"Hoa hồng" không nở trên những mảnh đất giả dối, gượng ép

Xưa nay, dưới mọi chế độ, sự giả dối, sự không thật lòng, sự gượng ép hoặc cưỡng bức không bao giờ đẻ ra được những sản phẩm văn hoá thực thụ.


Xưa nay, dưới mọi chế độ, sự giả dối, sự không thật lòng, sự gượng ép hoặc cưỡng bức không bao giờ đẻ ra được những sản phẩm văn hoá thực thụ, nhưng nhờ vào tài năng, chúng có thể đã sản sinh ra hằng hà sa số văn hoá rởm cao cấp, bề ngoài giống hệt văn chương, nghệ thuật khoa học chính hiệu.

Thứ hàng rởm cao cấp này nhiều khi rất khó nhận ra, chúng đã đánh lừa những người đặt hàng vốn không tinh tường và cả một bộ phận công chúng, và người ta tưởng rằng đã có được khoa học, văn học, nghệ thuật thực thụ (Con Đường Đau Khổ của Alêcxây Tôlxtôi và các tiểu thuyết của Bônđarev là những ví dụ điển hình), và lại càng khích lệ sự làm đồ rởm cao cấp này.


Sự khích lệ ấy cám dỗ ghê gớm những người kém văn hoá, lôi cuốn họ vào đường mòn dễ đi, khiến cái ngụy văn chương, ngụy nghệ thuật, ngụy khoa học ngày càng lấn át văn học, nghệ thuật, khoa học chân chính, đưa đến sự suy thoái và lạm phát giá trị, hạ thấp và thậm chí nhiều phen nhấn chìm xuống bùn đen uy tín của văn hoá xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước trong cộng đồng anh em cũ.


Nếu Brêgiơnev là nhà văn được giải thưởng Lê-nin, nếu Markov và Bondarev là những cây bút đại thụ, nếu V. Serôv và A. Ghêraximov là những họa sĩ lỗi lạc thì một nền văn nghệ với những nhân vật đầu đàn như thế có lớn thật không?

Bởi vì quả thật, nếu Brêgiơnev là nhà văn được giải thưởng Lê-nin, nếu Markov và Bondarev là những cây bút đại thụ, nếu V. Serôv và A. Ghêraximov là những họa sĩ lỗi lạc thì một nền văn nghệ với những nhân vật đầu đàn như thế có lớn thật không?


Ở Việt Nam ta, ngay những năm quan hệ Việt Xô thắm thiết nhất, khi mọi thành tựu của Liên Xô (cũ) đều được báo chí ta ca ngợi hết lời, vẫn không thiếu những ý kiến chê bai, coi thường khoa học, văn nghệ của những ông Ivan cổ lỗ và tỉnh lẻ.

Đầu những năm 80, một người bạn Nga nói thì thầm với tôi sau ly rượu: "Chúng tôi làm gì có văn học, anh sang nghiên cứu văn học Xô Viết làm gì?"


Tất nhiên, anh bạn ấy không đúng, cực đoan, phiến diện, cũng như ở ta đã là không đúng, nông cạn và hồ đồ những ai bĩu môi chê bai văn học Nga-Xô Viết mà không nhớ tới Sôlôkhov và Tvarđôvxki, chưa đọc văn xuôi của Platônôv và Bitôv, thơ Xtêtaeve và Brôdxki ...


Văn hoá Nga vẫn tồn tại, vẫn đơm hoa kết trái trong một khí hậu mới, khắc nghiệt

Tám mươi năm về trước, chuẩn bị tư tưởng cho cuộc cách mạng long trời lở đất, Lê-nin đã đề ra học thuyết nổi tiếng về hai nền văn hoá trong một nền văn hoá dân tộc. Sự vận dụng giáo điều, máy móc luận điểm ấy của Lê-nin trái với tinh thần của những phát biểu về văn hoá của Lê-nin sau Cách Mạng Tháng Mười, đã đem lại những thiệt thòi, mất mát chưa lường hết được không riêng cho các dân tộc trong Liên Bang Xô Viết.


Thực ra, sự phân hoá văn hoá trong xã hội có giai cấp bao giờ cũng phức tạp, dích dắc hơn nhiều; ngay trong những thời kỳ đấu tranh giai cấp quyết liệt nhất, các nền văn hoá dân tộc cũng không bao giờ bị phân chia làm đôi triệt để mà không còn lại những lớp vỉa trung gian, những yếu tố hợp nhất.


Không bao giờ có thể triệt tiêu cái hạt nhân, cái bản sắc dân tộc của văn hoá để lấy đặc tính của một giai cấp nào đó thay vào đó.


Không bao giờ có thể triệt tiêu cái hạt nhân, cái bản sắc dân tộc của văn hoá để lấy đặc tính của một giai cấp nào đó thay vào đó, cũng như trong một cơ thể sống, không có một bộ phận nào thay thế được bộ phận khác, và lại càng không thay thế được cái chính thể.


Số phận của văn hoá Nga sau Cách Mạng Tháng Mười là một minh chứng. Mặc dù người ta hầu như không nói đến nó nữa, cứ như là nó đã hoà tan toàn bộ vào nền văn hoá Xô Viết quốc tế (chính sách phi dân tộc hoá không tuyên bố thể hiện ở chỗ, thí dụ trong suốt 70 năm, ở Liên Xô -cũ- không xuất hiện một công trình nghiên cứu nghiêm túc nào về bản sắc dân tộc của văn hoá Nga và văn hoá các dân tộc khác trong Liên Bang Xô Viết, người ta tránh né không nói đến tính cách Nga, tâm hồn Nga, tâm thức Nga, dường như để nhường điều đó cho người nước ngoài độc quyền nghiên cứu, suy nghĩ về đề tài này).


Mặc dù như thế, văn hoá Nga vẫn tồn tại, vẫn đơm hoa kết trái trong một khí hậu mới, khắc nghiệt.
Mặc dù như thế, văn hoá Nga vẫn tồn tại, vẫn đơm hoa kết trái trong một khí hậu mới, khắc nghiệt. Hơn thế nữa, mọi thành tựu cao nhất, có sức sống trường cửu nhất của văn hoá Xô Viết đều mang trong mình nhựa sống của văn hoá Nga và các dân tộc khác trong Liên Bang Xô Viết, khi chất dân tộc ở chúng rất dễ nhận thấy, còn những tác phẩm nào mà khí sắc dân tộc mờ nhạt, những tác phẩm chỉ thuần túy là Xô Viết, là xã hội chủ nghĩa thì dù chúng có được tán tụng, biểu dương đến đâu, tuổi sống của chúng vẫn rất ngắn ngủi.


Sông Đông Êm Đềm khác với Thép Đã Tôi Thế Đấy, Vaxili Chiôrkin khác với Tốt Lắm! ở chỗ ấy. Đáng tiếc, trong những năm qua khi giới thiệu văn học, nghệ thuật Liên Xô (cũ), chúng ta thường sao chép một cách máy móc những định giá mang nặng lý do chính trị của bạn, đem lại cho công chúng nước ta những giá trị nhiều khi bị xếp lộn vị trí.


Những giá trị thực sự vẫn được thừa nhận

Tuy nhiên cần phải nói rằng độc giả, khán giả nước ta cũng rất có trình độ, rất mãn cảm, mặc dù từ ghế nhà trường, họ được dạy dỗ ái mộ Maiacôpxki, Ôxtrôvxki, Phađêev, Pôlêvôi ... nhưng họ vẫn chủ động tìm đến và dành tình yêu nồng cháy hơn nhiều cho Êxênin, Pasternak, Prisvin, Pauxtôvxki, A. Blôk, Paxputi, ... tức là những nhà văn đích thực đã thực sự làm giàu cho kho tàng giá trị văn hoá Nga, những giá trị ấy đồng thời cũng là những giá trị của văn hoá Xô Viết, văn hoá nhân loại.


Trong trái tim của độc giả Việt Nam có học hôm nay, các nhân vật Grigôri Mêlikhôv và Akxinhia, bác sĩ Givagô và Lara đã chiếm một góc vững chãi; còn Paven Coocsaghin và Oleg Kôsêvoi thì lại bị lãng quên mau chóng.


Khó mà đo hết được tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp nhân tính chân chính của các hình tượng văn học Nga cổ điển -một nền văn học "thánh thiện", như cả loài người văn minh thừa nhận.


Nhưng xán lạn và trường cửu hơn nhiều là trong tâm thức của người Việt chúng ta đã và sẽ sống mãi Andrêi Bônkônxki và công tước Mưskin, Tachiana Lărina và Natasa Rôxtôva. Khó mà đo hết được tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp nhân tính chân chính của các hình tượng văn học Nga cổ điển -một nền văn học "thánh thiện", như cả loài người văn minh thừa nhận.


Nửa thế kỷ là quãng thời gian không ngắn, đáng lẽ chúng ta có thể thu được nhiều thành quả hơn trong giao lưu văn hoá với Nga và những cường quốc văn hoá khác. Mọi sự giao lưu đích thực, ngoài tinh thần cởi mở còn đòi hỏi ở các chủ thể bản lĩnh và tính chủ động sáng tạo, đòi hỏi sự đối thoại và đối tác, nếu không đó chỉ là sự hấp thụ ảnh hưởng một chiều, dẫn đến sự bắt chước, vay mượn thô thiển.


Mọi sự giao lưu đều là sự thách thức lẫn nhau, sự đua sức thi tài giữa các nền văn hoá. Dân tộc nào, quốc gia nào biết phát huy các năng lực sáng tạo của mình, dân tộc ấy sẽ dành được nhiều kết quả trong bang giao với nước ngoài, và ngược lại, ở đâu những sức mạnh sáng tạo nội tại bị trói buộc, ở đấy sự giao lưu với ngoại bang dễ đem lại những hậu quả tiêu cực.


Thừa nhận và tiếp nhận văn hóa Nga, nhưng...

Trước Cách Mạng Tháng Tám, người Việt Nam ta hầu như chưa biết gì về văn hoá Nga. Thế nhưng một nhà văn của chúng ta - Nam Cao - đã hấp thụ rất sáng tạo ảnh hưởng của văn học Nga, của Đôxtôievxki và Tsêkhôv và bằng Chí Phèo, Sống Mòn ông đã đáp lại xứng đáng lời thách thức của nền văn học vĩ đại ấy.


Đáng tiếc, sau Cách Mạng, tấm gương Nam Cao đã không được noi theo. Trong quan hệ văn hoá với Liên Xô (cũ) chúng ta đã quá thiếu tinh thần độc lập tự chủ (điều mà chúng ta một thời hết sức tự hào trong chính trị).


Không chăm lo xây dựng một đội ngũ chuyên gia giỏi về Nga, về Liên Xô (cũ), xây dựng một nền Xô Viết học, Nga học của Việt Nam (trong khi người Nga lại xây dựng được một nền Việt Nam học đã đạt được những thành tựu đáng kể); trong việc giới thiệu, truyền bá văn hoá Nga-Xô Viết, chúng ta đã hầu như hoàn toàn dựa vào ý kiến chỉ dẫn của các giới chính thống ở Liên Xô (cũ) xa lạ với văn hoá Nga đích thực.


Thậm chí ta cũng không tham khảo kinh nghiệm, cách làm của các nước khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa cũ, mà họ thông minh, khôn ngoan hơn ta nhiều trong việc này. Họ biết, vừa giới thiệu những tác phẩm chính thống để làm hài lòng "người anh cả", vừa khai thác cả những tinh hoa văn hoá, nhiều khi còn bị cấm đoán, bị giữ bí mật ở Liên Xô (cũ).


Trong khi ở Đông Âu, công chúng trầm trồ tán thưởng Platônôv và Bulgakôv, Babel và Pilliak thì ở ta vẫn tiếp tục cho ra hết cuốn sách này đến cuốn khác của Pôlêvôi và Marcôv, Kêtlinxkaia và Nicôlaeva.


Trong khi ở Đông Âu, công chúng trầm trồ tán thưởng Platônôv và Bulgakôv, Babel và Pilliak thì ở ta vẫn tiếp tục cho ra hết cuốn sách này đến cuốn khác của Pôlêvôi và Marcôv, Kêtlinxkaia và Nicôlaeva.


Trong khi các nhà khoa học nhân văn Châu Âu học tập Bakhtin, Lotman, Avrintxev, thì ở ta người ta kiên trì xào xáo lại Timôfeev, Pôspêlov, Khraptrêncô...

Theo tôi, sự phổ biến tràn lan và đề cao quá mức những sản phẩm xoàng xĩnh mờ nhạt của văn hoá Liên Xô (cũ) đã ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của nhiều ngành văn hoá nghệ thuật nước ta trong một thời gian khá dài.


Nó đã cổ vũ bệnh công thức, bệnh sơ lược, sáo mòn, lười suy nghĩ, ngại cái mới, là những khuyết tật mà chúng ta đang cố gắng khắc phục để tạo nên bước tiến mới cho nền văn hoá văn nghệ nước nhà.


Như vậy, bước vào giai đoạn mới, trong sự giao lưu văn hoá với Nga, chúng ta đang đứng trước nhiều nhiệm vụ nặng nề. Có thể nói, chúng ta phải khám phá lại nền văn hoá ấy, tiếp thu lại kho tàng tinh hoa của nó, hiểu nó đến tận gốc và thiết lập quan hệ đối thoại, đối tác với nó.


Góp phần bảo vệ và khẳng định những thành tựu thực thụ của nền văn hoá Nga-Xô Viết, chúng ta cởi mở tiếp nhận những giá trị chân chính của văn hoá Nga lưu vong. Quan tâm theo dõi và giới thiệu văn hoá, văn học Nga hôm nay, chúng ta đặc biệt chú trọng nghiên cứu, học tập và giới thiệu một cách có hệ thống di sản văn hoá Nga cổ điển - niềm tự hào lớn nhất của dân tộc Nga.


Chúng ta đã thực sự hiểu văn hóa Nga?


Mặc dù rất yêu mến, nhưng chúng ta còn hiểu biết hời hợt và lệch lạc về nền văn hoá ấy, cho nên không thể nói rằng văn hoá Nga đã bắt rễ sâu vào Việt Nam như văn hoá Pháp, mặc dù về mặt chính trị, trong thời kì dài ta và Pháp là thù mà ta với Nga lại là anh em chí thân chí cốt.


Lâu nay chúng ta chỉ tiếp cận với văn học Nga như nó đã dược ấn hành, nghiên cứu, lý giải ở Liên Xô (cũ), không đoái nhìn sang các nước khác. Mà ở Liên Xô (cũ) thì mặc dù tên tuổi của các đại văn hào Nga rất được đề cao, người ta vẫn xử lý với di sản của họ một cách tùy tiện, cũng theo tinh thần cái học thuyết bị giáo điều hoá về hai nền văn hoá dân tộc của Lê-nin.


Cho nên thực ra chúng ta mới chỉ có những văn bản của văn học cổ điển Nga được dịch rất chưa đầy đủ, với chất lượng khác nhau và chưa được chú giải. Liệu có thể hiểu biết văn học Pháp thế kỉ ánh sáng mà không nắm vững triết học Pháp thời kì ấy không? Có thể uyên thâm về Gơte và Sinle mà không biết gì về Kant và Hêgel?


Chúng ta không biết gì về những dòng tư tưởng xã hội, triết học, tôn giáo đã nuôi dưỡng sáng tác của các thiên tài Nga.


Đối với văn học Nga, chúng ta đang ở trong tình hình như vậy. Chúng ta không biết gì về những dòng tư tưởng xã hội, triết học, tôn giáo đã nuôi dưỡng sáng tác của các thiên tài Nga. Đây không phải là vấn đề học thuật, vấn đề kiến thức lịch sử thuần túy.


Như mọi người biết, nhiều tư tưởng minh triết chứa đựng trong các trước tác cổ xưa tưởng chừng đã bị lịch sử chôn vùi vĩnh viễn, nay lại hồi sinh để tham gia rất cập nhật vào đời sống của xã hội loài người hôm nay.


Xin đơn cử một ví dụ: Cả thế giới khâm phục chủ nghĩa nhân bản vô cùng sâu sắc của văn học Nga. Nhưng có nhiều chủ nghĩa nhân bản khác nhau, các nhà văn cổ điển Nga cổ vũ cho chủ nghĩa nhân bản hữu thần và cương quyết chống lại chủ nghĩa nhân bản vô thần.


Đôxtôievxki hơn một lần khẳng định bằng các kiệt tác của ông: Từ bỏ Thượng Đế, đặt mình lên vị trí tối thượng thì con người sẽ đánh mất nhân tính. Trong một loài người không có Thượng Đế, con người co thể cư xử với nhau thế nào cũng được, thậm chí ăn thịt nhau. Trong một xã hội không có Chúa Trời, các chúa đất sẽ biến mình thành những Chúa Trời, những siêu nhân - dã thú, còn dân chúng thì bị cải tạo thành những bầy gia súc.


Tư tưởng ấy của Đôxtôievxki tưởng chừng rất phản động, rất ngu dân, nhưng kinh nghiệm xây dựng một xã hội vô thần cực đoan, vô thần cuồng tín ở đất nước ông và không riêng chỉ ở đất nước ông, buộc ta phải băn khoăn suy nghĩ...


Chúng tôi nhắc đến tư tưởng cốt yếu của văn hoá Nga không phải để cổ súy cho nó mà chỉ mong cung cấp thêm tư liệu cho các cuộc thảo luận về vị trí của cái tâm linh, tín ngưỡng cho nền văn hoá Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhân bản và đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta chủ trương xây dựng.

Phạm Vĩnh Cư
theo Vietnamnet


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!