Thứ Tư, 10 tháng 6, 2009

Thư của Einstein được bán với giá hơn 400.000USD

14:45' 23/05/2008 (GMT+7)
Mới đây, một bức thư do Albert Einstein viết bằng tiếng Đức gửi cho nhà triết học Eric Gutkind vào tháng 1/1954 đã được bán đấu giá . Kết quả là một nhà sưu tập tư nhân đã mua lại bức thư này với giá cao kỷ lục là 404.000 USD.


Một bức thư “đặc biệt” của nhà vật lý học thiên tài Albert Eisntein đã đổi chủ sau 33 năm kể từ khi nó được bán đấu giá lần thứ nhất vào năm 1955.

Bức thư do Albert Einstein viết bằng tiếng Đức gửi cho nhà triết học Eric Gutkind vào tháng 1/1954 – một năm trước khi Einstein qua đời – đã được Công ty Bloomsbury Auctions ở London bán đấu giá . Kết quả là một nhà sưu tập tư nhân đã mua lại bức thư này với giá cao kỷ lục là 404.000 USD, trong khi giá khởi điểm chỉ là 8.000 USD.

Albert Einstein (14/3/1879 – 18/4/1955) là nhà vật lý người Mỹ gốc Đức – Do Thái. Ông là cha đẻ của Thuyết tương đối nổi tiếng và là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Ngoài Thuyết tương đối, ông cũng có các đóng góp lớn cho việc xây dựng cơ học lượng tử và cơ học thống kê. Đã từ lâu, quan niệm của Einstein về tôn giáo là chủ đề cho sự suy đoán của cả những người tin vào Đức Chúa Trời lẫn những người theo chủ nghĩa hoài nghi”.



Ông Rupert Powell, giám đốc điều hành Bloomsbury, cho biết: “Giá này phá kỷ lục thế giới về giá bán một bức thư của Einstein đến khoảng 4 lần”. Lúc ban đầu, người ta dự kiến bán được bức thư này với giá trong khoảng 12.000 - 16.000 USD mà thôi.

Nhận xét về cuộc đấu giá được xem là “cuồng tín” này, ông nói: “Bức thư khác thường này có lẽ đã đánh trúng vào tâm lý của người mua, vì nó giúp tìm hiểu thêm về Einstein, một trong những “bộ não” vĩ đại nhất của thế kỷ 20”. Theo các chuyên gia, bức thư này đích thực 100% là của Albert Einstein và nó đã được bán đấu giá lần đầu tiên cho một nhà sưu tập tư nhân vào năm 1955.

Trong bức thư, Einstein đã bày tỏ thẳng thừng với Gutkind quan điểm của ông: “Đối với tôi, Đức Chúa Trời không là gì khác ngoài sự biểu hiện cũng như kết quả của tính yếu đuối của con người. Còn Kinh Thánh là một tập hợp những truyền thuyết xa xưa đáng tôn trọng nhưng cũng khá là ngây ngô. Đối với tôi, tôn giáo của người Do Thái, cũng như tất cả những tôn giáo khác, là hiện thân của sự mê tín mang tính trẻ con nhất”.

Einstein cũng nói về người Do Thái như sau: “Tôi sung sướng được là người gốc Do Thái, nhưng những đặc điểm mà tôi có giống họ không tạo cho tôi một phẩm chất khác biệt so với những người khác. Theo kinh nghiệm của tôi, người Do Thái không tốt hơn những dân tộc khác…. Nói cách khác, tôi nhận thấy không có điều gì “nổi bật” ở họ cả”.


Theo các nhà nghiên cứu, Einstein có những quan điểm bất khả tri phức tạp về tôn giáo, bởi lẽ ông không tin vào Đức Chúa Trời, nhưng cũng cảm thấy khó chịu khi bị gọi là một kẻ vô thần. Dẫu vậy, ông vẫn tin rằng con người có đức tin trong một chừng mực nào đó; ông cũng thừa nhận có một thế lực tinh thần nào đó có thể chịu trách nhiệm cho sự khai sinh của vạn vật trong vũ trụ.

Ông John Brooke, giáo sư khoa học danh dự của trường Đại học Oxford, nhận xét: “Giống như nhiều nhà khoa học vĩ đại trong quá khứ, Einstein có những quan điểm không rõ ràng về tôn giáo, và những quan điểm đó cũng không luôn luôn nhất quán qua từng giai đoạn trong cuộc đời”.

Trong những ngày cuối đời, Einstein được cho là bắt đầu tự hỏi về những bí ẩn của vũ trụ, những bí ẩn mà ông cho là “cảm xúc tôn giáo về vũ trụ”. Lúc bấy giờ, Einstein nói: “Khoa học mà không có tôn giáo thì què quặt, tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng”.

Tuy nhiên, điều đó đã không làm thay đổi tận gốc quan niệm về tôn giáo của Eisntein. Ông nói: “Tôi không tin vào thuyết thần học cho rằng Đức Chúa Trời thưởng công người tốt và trừng phạt kẻ xấu. “Chúa” của tôi tạo các quy tắc để kiểm soát việc đó. Chúa đó không cai quản vạn vật bằng sự mơ tưởng mà bằng những quy luật bất biến. Có một dạng trí tuệ đang chi phối thế giới tự nhiên, nhưng không phải là một dạng theo quy ước của Thiên Chúa giáo hay Do Thái giáo”.

Trúc Thịnh (New York Times, Softpedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!