Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Cái thiêng tôn giáo (1)

Hồ Liên
Tạp chí Thông tin lý luận
Ý tưởng về sự thiêng liêng đã xuất hiện khá sớm trong bước chuyển từ con người động vật thành con người xã hội. Ý tưởng ấy là sản phẩm của đời sống xã hội, khi nhu cầu gắn kết các thành viên của cộng đồng đòi hỏi một đức tín về nguồn gốc thánh thần và ý nghĩa cao quý của cuộc sống con người.

Sự thiêng liêng trước hết là đặc tính của thế giới tự nhiên bao quanh con người. Đó là sự thiêng liêng của nguồn ánh sáng mặt trời, của nguồn nước, của chiếc rìu hay cây lúa, nghĩa là những gì cụ thể và thiết thực, bảo lãnh cho sự sống. Những năng lượng thiêng của một con sông, dù là sông Nin hay sông Hằng của một ngọn núi, dù là núi Olympe hay núi Tản Viên cũng chỉ đủ phát sáng cho từng nhóm cư dân ở những vùng lãnh thổ riêng biệt. Khi nhu cầu liên kết cộng đồng càng mở rộng, người ta cần đến một nguồn thiêng toàn năng và bao quát hơn. Giống như những vệ tinh viễn thông thời hiện đại, biên độ phủ sóng tỷ lệ thuận vơi khoảng cách bay xa, lên cao khỏi mặt đất, ý tưởng về sự thiêng liêng cũng phát triển từ đặc tính của thế giới tự nhiên hữu hình đến ý niệm về một bản thể siêu nhiên vô hình là biểu tượng cao nhất là Đức Chúa trời hiện hữu khắp thế gian và chi phối mọi giống loài. Sự vận động của từ “Sacré" trong ngôn ngữ phương Tây cũng thề hiện quá trình hình thành khái niệm “thiêng” một khái niệm cốt lõi của tư duy tôn giáo.

Từ "Saere" tìm thấy trên tảng đá xanh “Lapis Niger” tại Rome gần Comitium, trước Khải Hoàn Môn của hoàng đế La Mã Septime Sévere. Đó là vùng mộ Romulus, vị vua đầu tiên của Rome, thiết lập nên thành Rôme vào năm 753 trước Công nguyên.

“Sacré" có gốc là từ “Sakros” từ này về sau chi phối toàn bộ hệ thống thuật ngữ về cái thiêng trong ngôn ngừ gốc Latin. "Sakros" có quan hệ với từ "Sakan" tiếng Đức, "Saklai" (tiếng của tộc người Hittite ở thế kỷ 13-14 trước Công nguyên) và từ “Hagios" tiếng Hy Lạp. Sự phát triển nghĩa cửa nhóm từ gốc "Sak" và gốc "Hag" phản ánh quá trình hình thành quan niệm về sư thiêng liêng của các dân tộc thuộc ngữ hệ Ấn, Âu. Không đi sâu vào những vấn đề ngôn ngữ học lịch sử nhưng ở đây chúng ta có thể rút ra một vài nhận xét cần thiết.

Trước hết, quan niệm về sự thiêng liêng liên quan đến những hiện tượng cơ bản của thế giới tự nhiên, cấu trúc cơ bản của sự vật, không gian và thời gian. Mặt khác là lòng tôn kính trộn lẫn với cảm giác sợ hãi trạng thái tình cảm mà con người chìm đắm ngay từ khi ban đầu giao cảm với thế giới tự nhiên, với tư cách là một chủ thể tâm lí hữu thức, từ sự thiêng liêng của vạn vật hữu linh đến sự thiêng liêng như một bản thể siêu nhiên toàn năng và vĩnh hằng. Trong tiếng Hittite, ngôn ngữ cổ thời Đế chế, tương ứng với khái niệm “Chúa" là khái niệm về sự khôn ngoan, về trí thông minh, sự toàn thiện tri thức và tâm hồn liên quan đến khái niệm ánh sáng. Cụm “Saklai" là một thể từ vừa có một nghĩa thông tục là "thói quen" vừa có một nghĩa thiêng liêng là "nghi lễ", sự dâng hiến của con người dành cho đấng tối thượng, sự trong sạch tuyệt đối, sức mạnh tràn trề, đầy ắp quyền lực và hiệu quả. Từ đây dẫn đến hai thái độ sóng đôi của con người đối với cái thiêng:

Thứ nhất, là sự tôn kính và biết ơn. Với đối tượng được tôn kính và biết ơn là cụ thể thì hành vi đền ơn đáp nghĩa cũng cụ thể và thiết thực. Đây là chuyện của đời thường. Chúng ta xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng tuổi già, tặng quà cho những người mẹ anh hùng, nhừng người có công với cách mạng. Chúng ta cũng lại có những hành vi ứng xử cụ thể, thích hợp để bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn đối với các nhà giáo, các thầy thuốc "lương y như từ mẫu”. Nhưng đối với những gì trở nên xa cách, trừu tượng hư ảo, người ta cần đến những nghi lễ có tính chất tượng trưng “lễ bạc lòng thành". Chẳng hạn, đó là thờ cúng tổ tiên, các vị gia thần, rồi đến các vị cao hơn, xa hơn... Đối tượng được tôn thờ, chịu ơn càng cụ thể, gần gũi thì tình cảm càng sâu sắc, hành vi ứng xử càng thiết thực. Về phương diện này con người có xu hướng hiện thực hóa cái thiêng. Phân tích xu hướng nhân thần hóa, lịch sử hóa các vị thần tự nhiên trong tín ngưỡng của người Việt sẽ làm sáng tỏ nhận xét này. Từ đó dẫn đến một hệ quả quan trọng là khi đối với cái thiêng, thái độ tôn kính, biết ơn chiếm ưu thế thì hành vi ứng xử mang đậm chất nhân văn hình thành những phong tục giầu sắc thái văn hóa tộc người. Kho tàng folklore của nhân loại là cứ liệu đầy sức thuyết phục.

Thứ hai, là thái độ sợ hãi trước sức mạnh đầy bí ẩn. Sự sợ hãi nào cũng đòi hỏi con người phải tìm giải đáp chế ngự, triệt tiêu hay né tránh, nghĩa là một thái độ chủ động chống trả trực tiếp. Nhưng sợ rắn độc, sợ chó đại khác hẳn với sợ ma quỷ. Trái với lòng tôn kính và biết ơn, sự sợ hãi càng gia tăng khi đối tượng càng mù mờ bí ẩn. Cái thiêng càng trừu tượng siêu hình bao nhiêu, quyền năng chế ngự con người của nó càng lớn bấy nhiêu. Hệ quả tất yếu của giải đáp chế ngự là hành vi phù phép, dẫn đến những hủ tục mê tín dị đoan.

Khi cái thiêng đặt con người vào một hình thế nước đôi, vừa tôn kính hàm ơn, lại vừa sợ hãi thì con người không tránh khỏi hành vi ứng xử mang tính chất thụ động. Người ta cầu khấn và chỉ còn biết khấn nguyện mà thôi bởi không thể triệt tiêu hoặc né tránh. Đây là nét đặc trưng của hành vi tôn giáo. Cần phải nhận xét rằng trong thái độ của người bình dân đối với cái thiện tôn giáo thì sự sợ hãi chiếm ưu thế, nó quy định tính chất thụ động của hành vi ứng xử. Gia dĩ sự ám ảnh của quỷ dữ, mặc cảm tội lỗi và sự trừng phạt nặng nề hơn rất nhiều so với chút, hy vọng chập chờn về điềm lành và cõi cực lạc. Vì vậy con người cầu khẩn sự ban ơn, làm phúc nhưng chủ yếu là cầu khẩn sự che chở, sự tha thứ. Ở đây cái thiêng càng siêu nhiên, trừu tượng quyền năng của nó lại càng vô biên. Từ đó dẫn đến ranh giới tuyệt đối giữa cái thiêng và cái tục.

Các nhà sử học, dân tộc học và xã hội học nghiên cứu về tôn giáo hàng thế kỷ nay đã quan tâm đến “cái thiêng". Đề cập đến hiện tượng trung tâm này của các học thuyết tôn giáo trên nhiều khía cạnh. Trường phái xã hội học của Durkheim và Mauss đã đặt cái thiêng vào nguồn gốc xã hội, xem đó là một phạm trù tập hợp có nguồn gốc từ xã hội. Nó đối lập với cái phàm tục. Nó là một dạng sức mạnh tập thể có từ xã hội, được thêm vào hiện thực để trở thành một nhân tố chủ chốt trong cơ cấu xã hội. Durkheim viết: “Tất cả các tín ngưỡng tôn giáo đã được biết tới, dù đơn giản hay phức tạp đều có cùng một tính chất chung: Chúng giả định một sự phân loại về các sự vật hiện thực hay tâm tưởng mà con người hình dung được thành hai loại đối lập nhau, nói chung được gọi bằng những từ ngữ khác nhau, thể hiện khá chính xác ở hai từ “cái thế tục” (Frofane) và "cái thiêng liêng" (Sacré). Sự phân chia thế giới thành hai lĩnh vực: lĩnh vực này bao gồm tất cả những thế tục, là nét khu biệt của tư duy tôn giáo tín ngưỡng, huyền thoại, chuyện ma quỷ,truyền thuyết. là những biểu tượng hay hệ thống biểu tượng thể hiện bản chất của các sự vật thiêng liêng, các tính năng và quyền năng được gán cho chúng, lịch sử của chúng, các quan hệ của chúng với nhau hoặc với các sự vật thế tục…”(1)

Giữa cái thế tục và cái thiêng là mối qua hệ không đồng cấp. Cái thiêng và những gì đặc biệt, đầy quyển năng và phẩm chất cao cả trong khi thế giới phàm tục và bản thân con người tự coi mình chiếm một vi trí thấp hơn và phụ thuộc vào các sự vật thiêng. Hơn nữa, giữa hai thế giới là một. ranh giới tuyệt đối bởi tính không đồn chất giữa chúng. Trong lịch sử tư duy của loài người chúng ta biết đến nhưng cặp phạm trù phản ánh hai mặt đối lập trong tính thống nhất biện chứng của các sự vật, hiện tượng mà trong quá trình vận động của chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau. Đó là sự đối lập giữa cái thiện và cái ác của hiện tượng đạo đức sự đối lập giữa cái đẹp và cái xấu của hiện tượng thẩm mỹ. Nhưng sự đối lập giữa cái thiêng và cái tục hoàn toàn khác. Đó là hai thế giới khác nhau về chất, không cố sự chuyển hóa qua lại trong quá trình vận động, tinh lực của cái này không phải là tinh lực của cái kia. Dukheim. E viết: "Tùy theo mỗi tôn giáo, sự đối lập ấy được nhận thức một cách khác nhau. Ở tôn giáo này, để tách riêng hai loại sự vật ấy chỉ cần khu trú chúng vào những khu vực khác nhau trong vũ trụ vật chất, ở tôn giáo kia, những sự vật này được đưa vào một môi trường ý tưởng và siêu việt. Còn thế giới vật chất thì để cho những sự vật khác chiếm làm sở hữu. Nhưng nếu như hình thức tương phản có khác nhau, thì sự tương phản là phổ biến”.

Trong tư duy con người khái niệm về cái thiêng ở một nơi và mọi lúc đều tách khỏi khái niệm về cái thế tục. Giữa chúng có một khoảng chân không lôgíc, bác bỏ mọi sự lẫn lộn hay là sự tiếp xúc giữa các sự vật tương ứng với hai khái niệm đó. Một sự vật thiêng liêng trước hết là cái mà trong quan hệ với nó, con người phàm tục phải chấp nhận một ranh giới tuyệt đối, được quy định bằng những cấm kỵ nghiêm ngặt. Những kiêng kỵ ấy đặt quan hệ giữa chúng thông qua những thao tác đặc biệt có tính ước lệ cao, đồng thời toàn thân cái thế tục cũng mất đi những tính chất riêng của nó, để tự trở thành thiêng liêng ớ một mức độ nhất định. Nếu không như thế sẽ không thực hiện được sự giao tiếp giữa cái thế tục và cái thiêng liêng. Đó là cách thức mà một cái bình vôi trở thành "ông bình vôi", một pho tượng gỗ trở thành ông Phật. Đó là tâm thế mà những người hành sự tế lễ phải nhập cuộc, là trạng huống nháp thần của người lên đồng. Ông bình vôi, ông Phật có những phẩm chất, những quyền năng mà tất cả những cái bình vôi, những pho tượng trước đó không thể có. Cũng như ông đồng, bà cốt không phải là sự biến hóa bất kỳ một người phàm tục nào cũng có thể trở thành, những phẩm chất thiêng liêng không phải đã nẩy sinh, đã phát triển từ những mầm mống có sẵn ở cái thế tục. Đây là sự hóa kiếp của cái này và sự sinh thành của cái kia. Chính vì vậy mà những đấu ấn của cái thế tục càng mờ nhạt, càng hóa trang biến đói, lạ hóa bao nhiêu cũng gần với cái thiêng liêng bấy nhiêu. Trong tình huống thần nhập, ông đồng là một sinh linh khác, tuyệt đối khác biệt với bản thân người lên đồng. Anh ta phải ra khỏi thế giới trần tục để thuộc về thế giới thiêng liêng. Giao tiếp với đồng hoàn toàn khác giao tiếp với người lên đồng. Đó là ranh giới tuyệt đối giữa một bên là cái thiêng liêng, những sự vật có những cấm đoán bảo vệ và cô lập, một bên là những sự vật thế tục bị áp dụng những cấm đoán ấy và phải cách xa những sự vật thiêng liêng, không thể có sự chung chạ hay gần gũi thân mật trái với trạng thái tách rời nhau của những khái niệm này trong ý thức. Chính ý thức về sự tách biệt hoàn toàn giữa hai thế giới ấy mà con người được khuyến khích rút ra khỏi thế giới trần tục để sống một cuộc sống dành cho tôn giáo. Từ đó mà cả lối sống tu sĩ, một lối sống phải tạo ra môi trường bất bình thường, khác hẳn với cuộc sống thế gian, dẫn đến lối sống khổ hạnh thần bí nhằm mục đích tước bỏ khỏi con người tất cả những gì gắn bó với thế giới trần tục. Lối sống ấy đòi hỏi từ cách ăn uống, trang phục, đi lại, sinh hoạt, môi trường sống phải được kiểm soát bằng hàng loạt kiêng kỵ nhằm chối bỏ những nhu cầu tự nhiên trần tục. Có như vậy, hình ảnh những tu sĩ sống biệt lập chay tịnh trong các thánh đường hay tu viện, những nhà sư khổ hạnh tọa thiền trong các ngôi chùa vắng lặng, biệt lập với thế giới bên ngoài mới tạo ra được ấn tượng đáng tin cậy về sứ mạng trung giới, thông dịch giữa cái trần tục và cái thiêng liêng.

Các hiện tượng tôn giáo được sắp xếp hoàn toàn tự nhiên thành hai phạm trù căn bản: Tín ngưỡng và nghi lễ. Cái thiêng là cất lõi của tín ngưỡng. Thiếu nó không thể có tín ngưỡng. Những từ tín ngưỡng đến tôn giáo còn một khoảng cách khá xa tùy thuộc vào thái độ cửa con người ứng xử với cái thiêng. Một sự vật, hiện tượng trong đời sống tín ngưỡng sở dĩ thiêng liêng không phải là vì những thuộc tính vật chất của nó mà là ở giá trị biểu trưng của nó. Nghi lễ là cách thức thực bành của con người không phải giao tiếp với cái sự vật hiện tượng cụ thể kia, mà là hành vi giao tiếp với cái thiêng liêng tiềm ẩn mà nó là biểu tượng.

Trong đời sống thường ngày, con người đã sáng tạo ra hàng loạt các hành vi ứng xử phù hợp với từng đối tượng giao tiếp, từng địa điểm không gian, thời gian và tình huống khác nhau, từ cách thức giản dị mộc mạc giữa những người bình dân đến cách thức thời thượng hoa mỹ của giới quý tộc nơi cung đình, từ cách thức thân thiết và kính trọng trong quan hệ thầy trò, cha con đến cách thức quan phương lịch lãm trong quan hệ với đồng sự và khách khứa… Nhưng không có một cách thức ứng xử nào trong số ấy được sử dụng trong quan hệ với cái thiêng liêng. Ở đây con người phải tạo ra một khuôn mẫu hành vi khác, một hệ thống ngôn ngữ khác phù hợp với đối tượng giao tiếp là cái thiêng liêng.

Đó chính là nghi lễ với chức năng giao tiếp đặc biệt, chức năng thông dịch giữa cái trần tục và cái thiêng liêng đồng thời cũng xác định ranh giới tách biệt giữa chúng. Có một khoảng cách từ tín ngưỡng đến tôn giáo thì cũng có một khoảng cách như vậy từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể hơn và thực tế hơn đến trừu tượng hơn và hư tưởng hơn của phong tục tín ngưỡng đến lễ nghi tôn giáo. Chỗ khác nhau đó xuất phát từ sự khác nhau trong quan niệm về cái thiêng liêng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!