Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Giải mã “Mật mã DaVinci”

Đăng Thư
Khám Phá
Phát hành tháng 4/2003, chỉ sau một tuần lễ Mật mã Da Vinci đã đứng đầu danh sách best-seller và tính đến tháng 8/2005, nguyên tác tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết này đã bán được 36 triệu bản in. Và được dịch sang gần 50 thứ tiếng khác. (Ở Việt Nam, Mật mã DaVinci đang trở thành điểm nóng vì vấn đề dịch thuật. Tuy nhiên, trong bài viết, chúng tôi không đề cập đến vấn đề này).

Một bộ phần chuyển thể từ Mật mã Da Vinci sắp được Hollywood phát hành. Và một làn sóng phản ứng gay gắt từ Vatican đã liên tiếp tạo thêm dư chấn từ cơn động đất tôn giáo mà tác phẩm hư cấu ấy đã gây ra.

Khiêu khích Vatican

Án mạng - Mưu đồ - Tình cảm - Bí mật tôn giáo- Thâm cung bí sử- Tất cả những nguyên liệu ấy trộn trung thành một một hỗn hợp rùng rợn đủ biến một cuốn tiếu thuyết trinh thám giã sử thành một hiện tượng.

Khi đang công tác ở Paris, chuyên gia biểu tượng học Robert Langdon của Đại học Harvard nhận một cuộc điện khẩn giữa đêm: người quản lý lão thành của Bảo tàng Louvre đã bị ám sát ngay nơi làm việc. Gần thi thể, cảnh sát phát hiện ra những mật mã bí hiểm. Tìm cách giải nghĩa những mật mã ấy, Langdon khám phá ra các manh mối ẩn giấu trong các tác phẩm của danh hoạ Da Vinci và phơi bày những bí mật đã bị Giáo hội Công giáo giấu kín suốt 2.000 năm qua: Chúa Jesus đã chung sống với Thánh nữ Mary Magdalene và có con cái. Chính Mary Magdalene mới là vị tông đồ đứng đầu chứ không phải Thánh Peter. Chính Chúa Jesus cũng không phải thần thánh mà chỉ là một người tốt được Hoàng đế Constantine phong thần năm 325 sau Công nguyên. Bằng bạo lực và khủng bố, Giáo hội Công giáo bao đời qua đã bưng bít những "sự thật" này.

Qua tưởng tượng của tác giả 41 tuổi Dan Brown, Langdon và nữ chuyên gia trẻ chuyên về mã hoá (cháu ngoại người quản lý Bảo tàng Louvre bị sát hại), qua việc giải mã những biểu tượng và ký hiệu ẩn chứa trong các bức tranh nổi tiếng của Leonardo Da Vinci – từ bức La Joconde với nụ cười bí ẩn của Mona Lisa tới bức Bữa tiệc ly về bữa ăn cuối cùng của Đấng Ki-tô cùng 12 vị tông đồ - đã khám phá “những bí mật động trời" của Giáo hội Công giáo bắt nguồn tử biểu tượng Chén Thánh (Holy Grail) thiêng liêng.

Tử chiếc cốc đựng rượu nho ("này là máu ta") mà Jesus đã dùng để uống cùng các tông đồ trước khi bị quân La Mã bắt và hành hình trên thập giá vì sự phản bội của Judas, Chén Thánh trở thành hình tượng của sự cứu chuộc. Nhưng các nhân vật của Dan Brown trong Mật mã Da Vinci lại khám phá ra Chén Thánh chỉ là một cách ví von, một biểu tượng của thân thể người đàn bà. Chén Thánh chính là Mary Magdalene, là bình chứa giọt máu của Jesus - những đứa con ruột thịt của Đấng Cứu thế. Những giả thuyết tương tự như thế đã là chủ đề của nhiều khảo cứu cũng như đề tài của nhiều tác phẩm nghệ thuật không gây được tiếng vang. Nhưng khi những tình tiết gay cấn, dồn dập của Mật mã Da Vinci thu hút hàng triệu người đọc toàn thế giới phải theo dõi đến tận trang cuối cùng và liên tục đứng đầu danh sách best-seller ngay khi phát hành lần đầu tiên thì Dan Brown vô tình đã cho nổ một trái bom nguyên tử ngay giữa Vatican.

Ngay đầu cuốn tiểu thuyết, Dan Brown đã ngỏ lời rất nhiều cơ quan văn hóa, bảo tàng, mỹ thuật, lịch sử, thần học… vốn có uy tín không thể phủ nhận đã hỗ trợ tác giả trong quá trình nghiên cứu tìm tư liệu để viết Mật mã Da vinci. Liền đó là một trang “cứ liệu” (fact) cam đoan những tổ chức bí mật có liên quan đến giáo hội Công giáo được nêu trong truyện như Priory of Sion hay giáo đoàn Opus Dei là tổ chức có thật. Kết trang này, Dan Brown viết: “Mọi mô tả về các tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, tài liệu và các nghi lễ bí mật trong tiểu thuyết này đều chính xác”. Chính cái tài kể chuyện tuyệt khéo của Dan Brown dựa trên những tư liệu này, đã tạo ra không khí hư ảo đủ sức làm xao xuyến đức tin của tín đồ Công giáo yếu căn cơ và khiến Vatican nổi giận.

Người châm ngòi nổ

Những trang trinh thám công nghệ cao (hitech thriller) đó đã ra đời hàng ngày vào lúc 4 giờ sáng trong căn phòng làm việc nhỏ ở Exeter, bang New Hampshire heo hút của nước Mỹ. Trên bàn viết của Dan Brown là một chiếc đồng hồ cát, cứ 60 phút là cát từ ngăn trên chảy hết xuống ngăn dưới. Cứ sau 60 phút viết liên tục trên máy tính, Dan Brown lại đứng dậy làm vài động tác thể dục để sảng khoái đầu óc rồi viết tiếp. Những lúc thư giãn như thế, Dan Brown đôi khi thích trồng chuối ngược, anh bảo tư thế ấy "giúp tôi giải quyết nhiều thách thức về cốt truyện khi tầm nhìn thay đổi hoàn toàn". Những động tác thể dục ấy không biết có góp phần cho thành công của Mật mã Da Vinci không, nhưng chắc chắn Da Vinci đã giúp Dan Brown từ một nhà văn trinh thám bình thường thành một hiện tượng toàn cầu ngang ngửa với hiện tượng Harry Potter.

Dan Brown lần đầu biết đến những nghiên cứu về các thông điệp ẩn giấu trong tranh Da Vinci khi theo học ngành lịch sử mỹ thuật ở ĐH Seville (Tây Ban Nha). Nhiều năm sau, khi nghiên cứu tư liệu để viết cuốn tiểu thuyết thứ hai Thiên thần và Ác quỷ (Angels and Demons, xuất bản năm 2000) và tham khảo Tàng thư mật Vatican, Dan Brown lại đụng tới những vấn đề bí hiểm trong tranh Da Vinci. Dan Brown thu xếp đến Paris thăm Bảo tàng Louvre, nơi lưu giữ nhiều nguyên bản tác phẩm nổi tiếng nhất của danh hoạ này và thảo luận các vấn đề anh chưa thấu hiểu với một sử gia mỹ thuật. Từ đó, anh say mê đề tài này và bỏ ra một năm sưu tầm, nghiên cứu tài liệu cũng như tham quan các địa điểm lịch sử ở Pháp, Ý và Anh trước khi bắt tay viết Mật mã Da Vinci vào 4 giờ sáng mỗi ngày.

Cho đến năm 1996, Dan Brown vẫn là một thầy giáo dạy văn ở trường trung học quê nhà Exter. Ngoài những tác phẩm văn học kinh điển bắt buộc phải đọc suốt thời gian sinh viên, anh rất ít đọc văn học mà chỉ thích đọc sách khảo cứu. Cuốn tiểu thuyết thương mại đầu tiên anh giáo viên tỉnh lẻ đọc trong đời mình là một truyện trinh thám của Shidney Shendon trong chuyến nghỉ hè ở Hawai năm ấy. "Truyện thế này thì mình cũng viết được!" - Dan Brown nghĩ thế sau khi đọc xong. Nghĩ là làm. Một năm sau, anh xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Pháo đài kỹ thuật số (Digital foltress - 1997). Cuốn sách bán khá chạy và thế là Dan Brown bỏ nghề dạy học để chuyên viết tiểu thuyết. Các tổ chức bí mật, những mưu đồ toàn cầu, mật mã, ký hiệu và công nghệ chính là những đề tài Dan Brown say mê và các tư liệu khảo cứu liên quan luôn là xương sống cho các cốt truyện của anh từ cuốn đầu tay. Pháo đài kỹ thuật số cho đến Thiên thần và Ác quỷ - nhân vật Robert Langdon ra đời từ cuốn này - và đỉnh điểm dối trá (Deceprton Potnt - 2001).

Đưa rất nhiều thông tin tư liệu vào, nhưng lại đẩy tình tiết lên tốc độ chóng mặt là biệt tài của Dan Brown. Bí quyết của anh là "tự do sử dụng phần Delete"!. Mỗi trang sách là kết quả của 10 trang khác đã bị vứt vào thùng rác của máy tính. Những tiểu huyết của Dan Brown đều ăn khách nhưng không ai có thể ngờ rằng Mật mã Da Vinci lại thành cơn địa chấn.

Dan Brown trả lời phỏng vấn tạp chí trực tuyến Bookreporter.com: “'Giả thuyết ấy hoàn toàn chẳng có gì mới, nhưng đây là lần đầu tiên nó được thể hiện dưới dạng tiểu thuyết trinh thám. Tôi thành thật hy vọng rằng Mật mã Da Vinci ngoài việc giải khuây cho độc giả, sẽ mở ra một cánh cửa cho những ai tò mò đi qua và bắt đầu cuộc thám hiểm của chính họ".

Trước làn sóng phản ứng gay gắt của Giáo hội Công giáo, Dan Brown vẫn im lặng viết tiếp tiểu thuyết mới - phần hai của Mật mã Da Vinci với tựa đề Chìa khóa Solomon (The Solomon key) dự kiến phát hành vào năm tới. Trong trường hợp này, im lặng đúng là vàng! Dư luận càng chấn động, càng có nhiều người tò mò muốn đọc. Và sách liên tục được tái bản và bán tác quyền dịch thuật. Tiếc rằng bản dịch tiếng Việt quá tệ làm phụ lòng mong đợi của độc giả.

Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Tổng giám mục thành phố Genoa (Ý), là nhân vật đầu tiên của Vatican phá vỡ sự im lặng chính thức của Giáo hội Công chúa La mã về những nội dung hư thực trong tiểu thuyết Mật mã Da Vinci. Từ khi phát hành tiểu thuyết, rất nhiều tín đồ Công giáo hoang mang với chính đức tin của mình. Dựa trẻn những cứ liệu có thật và các chi tiết chính xác, từ các bức tranh của Da Vinci cho tới vị trí và kích thước chính xác của các phòng triển lãm Bảo tàng Louvre, từ các sự kiện lịch sử quan trọng cho tới cuộc đời của các doanh nhân văn hóa nhân loại, từ các hiệp hội bí mật và công khai đã có lâu đời, Dan Brown khéo léo thêu dệt thành câu chuyện hấp dẫn, dày sức thuyết phục khiến nhiều người tự xét lại lịch sử Công giáo cũng như niềm tin của Đấng cứu thế trong những ánh sáng khác đầy nghi hoặc.

Những vấn đề tôn giáo đặt ra trong tiểu thuyết được Vatican xem là “báng bổ”, “xúc phạm” nặng nề nhưng mãi đến gần đây, sau khi hơn 10 cuốn sách dày và hàng trăm bài báo khảo cứu của các tác giả Công giáo và phi Công giáo được xuất bản để “vạch trần những luận cứ sai lầm về mặt học thuật” của Mật mã Da Vinci, thì Vatican mới có tiếng nói, Đức Hồng y Bertone vào tháng 3/2005 đã tổ chức Hội thảo đầu tiên mang tên Storia Senza Storia (câu chuyện không có lịch sử) để “lật tẩy những điều dối trá”. Các Hội thảo tương tự sau đó được Giáo hội Công giáo ở nhiều nước tổ chức liên tục và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Tuyên bố trên nhật báo Giomale của Ý, Đức Hồng y Bertone nói: “Có một nguy cơ rất thực là nhiều người đọc cuốn sách ấy sẽ tin rằng nhưng câu chuyện trong đó là sự thật”.
Theo Khám Phá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!