Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Chiến thắng sa mạc

Thường tình người ta chỉ tính năng suất của đất đai theo diện tích, có nghĩa là mức sản xuất hàng năm được bao nhiêu mỗi héc-ta. Riêng tại Israël thì sự tính toán hơi lạ đời vì dân ở đây tính năng suất theo ... khối nước tưới ! Mỗi năm có bao nhiêu nước và mỗi khối nước sinh lợi được bao nhiêu. Bởi vậy, một mặt họ lo cách thức kiếm nước, một mặt họ tìm mọi cách hầu tránh chuyện nước bị hao hụt đi, chẳng hạn nước bị bốc hơi hay thấm vào lòng đất.

Phương pháp dẫn thủy nhập điền rất công phu tỉ mỉ ở Việt Nam hay ở Trung Quốc đã làm thế giới ngạc nhiên, song đem so với những nổ lực phi thường của dân tộc được Chúa chọn thì hãy còn kém xa.

Mỗi năm vùng sa mạc Neguev chỉ giữ được từ 2 đến 4 phân nước. Như vậy, muốn trồng trọt thì phải có nhiều nước, nhưng làm thế nào?
Vấn đề thiếu nước ở Israël là nguyên nhân sinh ra lắm thứ thuế oái oăm. Ví dụ: Trong giá tiền một chai bia được tiêu thụ, một nửa là thuế dành cho công cuộc tìm nước. Họ đã nghĩ đến việc đào giếng, dùng nước mưa và nước biển, nhưng lấy đâu cho đủ nước trong khi ở đây mưa chẳng mấy lúc; còn nước biển thì ngoài công dụng cho kỹ nghệ ra, súc vật còn chịu không nổi huống hồ cỏ cây. Cho nên họ bèn thăm dò những dòng nước ngầm dưới lòng đất nằm ven biển và đã khám phá ra những nơi nầy có một tầng đất không thấm nước, chứa lại khá nhiều nước ngọt, chẳng hạn trong khu Avedat.

Hiện nay số nước rút được từ các nơi đó là khoảng 140 triệu thước khối trong một năm. Những vùng có nước ngầm đã trở nên bồn nước thiên nhiên dành cho cả khu vực Yarkon – Neguev. Nhất là từ khi sử dụng được dòng sông lịch sử Jourdain, tổng lượng số nước rút được hàng năm lên tới 5 tỉ thước khối đủ dùng cho mọi nhà, mọi ngành kỹ nghệ và 4 triệu dounams đất khô cháy (10 dounams tương đương với 1 héc-ta).

Để tránh việc phí phạm nước, dân israéliens bơm xuống lòng đất hàng triệu thước khối nước - kể cả nước cống đã được lọc và khử trùng – cho khỏi bị bốc hơi. Thật chưa dân tộc nào cần"nước"như người Do Thái. Song xét ra phương pháp đặt ống dẫn nước vẫn hiệu nghiệm hơn cả. Ống dẫn nước ở Israël có lẽ là loại ống dẫn kỹ lục: dài từ 4 đến 170 cs, nặng không dưới 32 tấn, mỗi đoạn 5 thước đường kính và 3 thước bề dài, đặt ngay trên mặt đất, có khi phải xuyên núi, vượt đèo và thung lũng. Hệ thống dẫn nước của họ là cho nước chạy theo ống dẫn lớn, qua ống nhỏ, phân ra làm muôn ngàn nhánh mỗi lúc mỗi bé để rồi tung ra ruộng nương, vườn tược qua các máy nước chẳng khác gì các trận mưa nhân tạo.

Nước chảy đến đâu, người dân tìm theo đến đấy và sự canh tác tiến triển tùy nhịp nước lan mau hay chậm.

Thủ đô của sa mạc Neguev là thành phố Beersheva, tụ điểm của hầu hết những người Do Thái hồi hương từ khắp nơi trên thế giới. Chính Abraham đã đặt ra tên Beersheva (Giếng thề).

Dưới bầu trời sa mạc nóng cháy Neguev (trung bình 36° C), người ta thấy gồm đủ hạng người, từ anh kỹ sư, nhạc sĩ đến chị bán hàng, chú thợ máy; từ bác tiến sĩ, thím giáo sư đến cô y tá, em sinh viên, cậu cu li. Bấy giờ mọi dị biệt xã hội giữa họ đều được san bằng, tất cả chỉ còn là những đứa con của Israël chung vai sát cánh hồi sinh vùng Đất Hứa.

Nhờ những cố gắng, những hy sinh như thế mà ngày nay du khách ghé Israël sẽ thấy cả vùng sa mạc Neguev đã mơn mởn màu xanh của lúa và trổ đầy hoa trái. Các giống nho lừng danh của Pháp như Bordelais, Beaujolais, Bourgogne cũng đã"sống"được trên sa mạc, khai sinh ra một thứ rượu vang nổi tiếng trong vùng Darom. Mỗi độ thu về, các vườn cam, vườn quýt, vườn bưởi, vườn chanh, vườn chuối, vườn chà-là ... trổ bông hương thơm ngào ngạt đến tận châu thành Tel Aviv.

Và không thể không nhắc tới tiến sĩ Samuel Appelbaum (sinh năm 1942), giám đốc trung tâm Bengis thuộc đại học Ben Gourion (Beersheva), người đã thành công trong công trình nghiên cứu ứng dụng nước mặn và nóng dưới lòng sa mạc Neguev vào canh tác trồng trọt, đặc biệt như aquaculture và pisciculture (tạm dịch: Thủy canh và Bể canh). Trước thập niên 1990, ý nghĩ nuôi tôm cá trên sa mạc là điều không tưởng, là ý tưởng làm phịch cười giới khoa học, thế mà nay Samuel Appelbaum đã kiên trì và đã làm được, do đó được mệnh danh là nhà tiên tri thời hiện đại.
(St)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!