Đệ nhị Thế chiến không chỉ là cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại với tổng số nạn nhân lên tới chừng 62 triệu người, mà còn để lại những biểu tượng kinh hoàng của chết chóc, hủy diệt, của sự sụp đổ của nền văn minh và văn hóa Châu Âu hiện đại, như holocaust và Auschwitz, mà ý nghĩa và những bài học của chúng, cho đến nay, vẫn còn nguyên tính thời sự.
Để hiểu được sự hình thành của những khái niệm được coi là “sự nhục nhã và tàn phá không bút nào tả xiết của nhân loại”, cần ngược dòng thời gian trở về những năm đầu thập niên 30 thế kỷ trước.
Năm 1933, ngay từ khi lên nắm quyền, lãnh tụ Đảng Quốc Xã Adolf Hitler đã tuyên bố rằng ông ta tìm ra một lý tưởng mới cho nước Đức: một dân tộc “thượng đẳng” không thể chấp nhận sự tồn tại của các sắc dân “hạ đẳng” và “đáng ghét” như Do Thái, Tzigane, Nga, Ba Lan và nhiều chủng tộc Slav khác, hay những người khuyết tật, bị bệnh tâm thần, đồng tính luyến ái hoặc những nhóm phản kháng chính trị và tôn giáo (những người cộng sản, xã hội hoặc Nhân chứng Jehovah...).
Đồng thời, tham vọng bành trướng vô độ để giành “không gian sinh tồn” cho nước Đức Quốc Xã cũng đã khiến việc tàn sát hàng loạt người dân ở những vùng bị Đức chiếm đóng trở thành một nền tảng của ý thức hệ phát-xít.
Để thực hiện ý tưởng diệt chủng ấy, Đế chế Thứ ba đã vận động cả một bộ máy hành chính, tuyên truyền và quân sự khổng lồ, khởi đầu từ trước Đệ nhị Thế chiến. Từ đầu những năm 30, người Do Thái đã dần dần bị phân biệt đối xử, bị cấm đoán, loại trừ khỏi đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, giới trí thức Do Thái bị xua đuổi và trục xuất hàng loạt khỏi nước Đức.
Năm 1935, bộ luật Nuremberg ra đời tước bỏ quyền công dân và tất cả các quyền dân sự của người Do Thái ở Đức - thủ lĩnh Hitler cho rằng đây là một giải pháp khả dĩ để xử lý “vấn nạn Do Thái”, tuy nhiên, nhà độc tài khét tiếng này cũng đã đặt vấn đề phải tuyệt diệt sắc dân này như một “giải pháp tối hậu” (Endlösung) khi cần thiết.
Những vụ bách hại dân Do Thái khởi đầu vào cuối năm 1938 trong biến cố bạo động Đêm Kính vỡ (Kristallnacht), khi trên toàn nước Đức và nhiều nơi ở Áo, dân Do Thái bị tấn công, cướp bóc và tước đoạt tài sản, nhà cửa, cửa hiệu của họ bị đập phá hoặc tiêu hủy, hàng vạn người bị đưa đi các trại tập trung. Khái niệm holocaust ra đời như sự thảm sát, diệt chủng trên tầm nhà nước của Đức Quốc xã, được thực hiện ở quy mô công nghiệp, mà người Do Thái là những nạn nhân hàng đầu.
Khi Thế chiến nổ ra vào đầu tháng 9-1939, tại nhiều vùng đất bị quân đội Đức chiếm đóng ở phía Đông, những đơn vị đặc biệt (Einsatzgruppen - đội hành quyết) của phát-xít Đức được trao nhiệm vụ tàn sát hàng loạt người Do Thái và các đối thủ chính trị của nước Đức Quốc Xã.
Tại nhiều quốc gia Châu Âu, dân Do Thái bị gom lại trong các khu biệt cư (ghetto) rồi bị chở đi các trại lao động khổ sai để phục vụ cho công nghiệp chiến tranh Đức. Làm việc cực nhọc 12-14 tiếng mỗi ngày trong những điều kiện vệ sinh, ăn ở hết sức tệ hại, thường xuyên bị bạc đãi, đánh đập, không ít người đã thiệt mạng trong thời gian lao động cưỡng bức.
Người già, yếu, phụ nữ và trẻ em thường được chở hàng loạt tới các “trại tử thần”: những ai sống sót qua chặng đường dài vài trăm cây số, trong những hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt và tàn nhẫn, thì đa phần cũng bỏ mạng trong các phòng hơi độc, thi thể họ bị thiêu hủy trong các lò thiêu.
Kính của tù nhân tại Trại tử thần Auschwitz - Ảnh tư liệu
Một hệ thống khổng lồ các trại tập trung, giam giữ, cấm cố, lao động khổ sai và hủy diệt được hình thành trên nhiều khu vực bị chiếm đóng để đáp ứng nhu cầu “xử lý” sắc dân Do Thái và các nhóm thiểu số khác, trong số đó, được biết đến nhiều nhất là khu trại chính (thường được gọi là “trại mẹ”) mang tên Auschwitz - Birkenau, tại ngoại ô thành phố nhỏ Oswiecim, cách cố đô Cracow (Ba Lan) chừng 60 cây số về phía Tây.
Trong gần 5 năm hoạt động (từ ngày 14/6/1940 đến 27/1/1945 khi được các đạo quân Liên Xô giải phóng), đã có hơn 1,5 triệu người bị thiệt mạng tại Auschwitz - hơn 90% số này là dân Do Thái. Cái tên Auschwitz đã đọng lại trong lịch sử như biểu tượng của holocaust, của khủng bố và hủy diệt, cũng như của sự chà đạp thô bạo những quyền con người căn bản nhất.
Những cuộc thảm sát holocaust đã khiến ít nhất 6 triệu người Do Thái thiệt mạng, trong tổng số 11 triệu mà Ban lãnh đạo Quốc xã đã trù liệu, theo một dự kiến hiện còn lưu lại trong văn bản (1). Nhưng con số toàn bộ các nạn nhân thì lớn hơn thế nhiều: 9-11 triệu, thậm chí có ước đoán còn lên tới 26 triệu!
*
Trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của holocaust, Hungary là một trường hợp đặc biệt, ở chỗ tại đây, sự đày ải và diệt chủng sắc dân Do Thái đã diễn ra với sự “hợp tác” và ủng hộ hết sức nhiệt tình của chính quyền và lực lượng hiến binh (csendőrség) nước này.
Ngay sau khi bị Đức Quốc Xã chiếm đóng vào ngày 19/3/1944, chính phủ bù nhìn thân Đức của Hungary đã ban hành hàng trăm sắc lệnh có nội dung bài Do Thái, trước tiên buộc sắc dân này phải “cống nạp” các vật dụng được coi là quý thời đó, như xe hơi, điện thoại, đài điện... , để rồi sau đó, mọi tài sản của họ đều bị “phong tỏa”.
Không chỉ bị cấm hành nghề bác sĩ, ký giả, trạng sư, diễn viên, không được kinh doanh và có cửa hiệu, không được làm trong bộ máy hành chính, dân Do Thái tại Hungary còn bị cấm bén mảng tới những nơi vui chơi giải trí công cộng, rạp phim, nhà hát, bị hạn chế lượng thực phẩm hàng ngày, v.v…
Thậm chí, một học viện còn được thành lập để “nghiên cứu khoa học” về “tính chất chủng tộc” của sắc dân Do Thái. Ngôi sao vàng sáu cánh mà người Do Thái buộc phải đeo trên vạt áo – như một dấu hiệu nhục nhã - đã vĩnh viễn biến họ trở thành những tử tù tiềm ẩn.
Ít tuần sau, ngày 16/4/1944, một sắc lệnh đã được phê chuẩn nhằm “sung công” toàn bộ nhà cửa của dân Do Thái trên toàn quốc và người Do Thái thì bị ép buộc phải vào những biệt khu. Sau đó một tháng, ngày 15/5/1944, holocaust khởi đầu tại Hungary với cường độ chóng mặt ở mức độc nhất vô nhị: hàng ngày, có 4 đoàn tàu chật kín dân Do Thái chuyển bánh từ Hungary tới thẳng trại tử thần Auschwitz!
Những đôi giày bên bờ Dunube - tượng đài tưởng nhớ các nạn nhân của holocaust tại Hungary của hai tác giả Pauer Gyula và Can Togay
Chỉ với vỏn vẹn vài chục nhân viên Đức thuộc Đơn vị Trực chiến Đặc biệt (Sondereinsatz-kommando), nhưng Trung tá Quốc xã Adolf Eichmann - một trong những đao phủ chính yếu của holocaust - đã nhận được sự tiếp tay rất “hiệu quả” từ bộ máy hành chính và hiến binh Hungary, mà ông ta phải khâm phục thừa nhận là “chính xác và tỉ mỉ khủng khiếp, không kém gì của người Đức”. Trong vòng một tháng rưỡi, hầu như tất cả dân Do Thái ở các tỉnh và các miền quê ở Hungary đã bị đưa đến những trại tập trung và hủy diệt.
Đầu tháng 7/1944, sự phản đối của các nhân sĩ trong và ngoài nước - cùng những thất bại của quân đội Đức và cuộc đổ bộ Normandy của Đồng minh - đã khiến chính phủ Hungary buộc phải ngừng các cuộc đày ải. Bằng quyết định đó, chừng 200 ngàn người Do Thái đang bị giam giữ trong biệt khu Budapest được thoát chết, nhưng chỉ hai tháng của đại nạn holocaust cũng đã khiến chừng 500 ngàn dân Do Thái Hungary thiệt mạng tại các trại tập trung và lò thiêu người.
Tính ra, cứ 10 người Do Thái bị sát hại bởi bộ máy chiến tranh của Đức Quốc xã trong những năm của Đệ nhị Thế chiến, thì có một là người Do Thái Hungary!
*
Holocaust không kết thúc với sự chấm dứt của Đệ nhị Thế chiến: đa phần những người sống sót mang trong mình suốt đời vết thương âm ỉ cả về thể xác lẫn tinh thần, nỗi kinh hoàng thường trực và dai dẳng trong những năm tháng ấy đã khiến họ không sao hòa nhập được với cuộc sống đời thường.
Tuy nhiên, trong số đó, vẫn có những cá thể vượt lên được bi kịch cá nhân, biến trải nghiệm khổ đau của mình thành bài học lịch sử cho nhân loại. Đó là trường hợp Kertész Imre, nhà văn Hungary gốc Do Thái, giải Nobel Văn chương đầu tiên và đến giờ là duy nhất của xứ sở này, người được Ủy ban Giải thưởng Nobel vinh danh “vì một sự nghiệp văn học nói lên trải nghiệm mỏng manh của cá nhân, đối lập với sự độc đoán tàn bạo của lịch sử”.
Kertész Imre, người sống sót Auschwitz và Buchenwald, phát biểu tại Bảo tàng Do Thái Berlin (CHLB Đức)
Sinh tại Budapest năm 1929 trong một gia đình gốc Do Thái, vào năm 15 tuổi (hè 1944), Kertész Imre bị đưa đến Auschwitz, rồi Buchenwald. May mắn thoát chết và được quân đội Mỹ giải phóng vào ngày 11/4/1945, ông hồi hương và làm nhiều nghề (viết báo, công nhân trong phân xưởng, v.v...) để kiếm sống.
Từ năm 1953, ông trở thành một dịch giả văn học Đức và chuyển ngữ nhiều tác gia quan trọng như Sigmund Freud, Friedrich Nietzsche, Friedrich Dürrenmatt... Cũng trong những năm tháng đó, trải nghiệm Lò thiêu được ông nung nấu, và quyết định biến thành đề tài chủ đạo trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác sau này.
Tác phẩm đầu tay của Kertész - “Không số phận” (Sorstalanság) - mà bạn đọc đang cầm bản dịch Việt ngữ trong tay được tác giả thai nghén trong vòng 13 năm, từ 1960 tới 1973, giữa những điều kiện sống khó khăn cơ cực về vật chất, nhưng đặc biệt là o ép về tinh thần. Bởi lẽ, trên cương vị người cầm bút, Kertész không được sự thừa nhận của chính quyền và văn giới, và như một kẻ sống sót sau thảm cảnh holocaust, đề tài đó “không bao giờ trở thành quá khứ” đối với ông, theo một chia sẻ sau này (2).
Được ấn hành lần đầu năm 1975 sau nhiều lần bị từ chối, “Không số phận” không có ngay được vị trí xứng đáng trong dòng văn học holocaust nói chung, và giữa những tác phẩm lớn giàu tính nhân bản nói chung: về căn bản, độc giả Hungary cũng chỉ biết đến tác phẩm này một cách rộng rãi sau khi Kertész được trao giải Nobel Văn chương năm 2002. Cho dù, trước đó, sách đã được dịch ra tiếng Anh, Đức và Pháp, và tác giả đã được nhận nhiều giải thưởng văn học cao quý trong nước và quốc tế, trong đó có Giải thưởng lớn tại Hội chợ sách Leipzich (Đức, 1997), cho chính “Không số phận”.
Mang những nét tự sự, sách kể về số phận của Köves Gyuri, một cậu bé Do Thái ở Hungary. Năm 15 tuổi, cha cậu bị bắt đi lao động cưỡng bức, cậu sinh sống với mẹ kế và làm việc trong một binh xưởng. Một ngày nọ, cùng các đồng bạn, Köves bị dẫn độ tới một biệt khu dành cho dân Do Thái, rồi bị chở tới khu trại tử thần Auschwitz trong toa tàu bịt kín.
Nhờ có sức lao động, cậu và nhiều người bạn không bị giết ngay, mà được chuyển sang trại lao động cầm cố Buchenwald để làm việc khổ sai từ sáng sớm đến tối mịt trong một công binh xưởng cạnh trại. Một thời gian ngắn sau, cậu sang một trại nhỏ khác và tại đây, suy nhược sau những ngày tháng làm việc quá sức và ăn uống kham khổ, Köves đổ bệnh và được các bạn tù đưa đi bác sĩ.
Dù được nghỉ việc và điều trị, song các vết thương ngày càng nặng, Köves bị chở hết viện này qua viện khác, rồi lại về trại Buchenwald, nằm tại một bệnh xá dành cho tù nhân và chờ chết ở đó. Tuy nhiên, điều kỳ diệu không ai ngờ đã xảy ra: cậu hồi phục dần và đúng vào thời điểm ấy, khu trại Buchenwald được quân Đồng minh giải phóng vào mùa xuân 1945.
Được trở về nhà, nhưng Köves nhận ra tất cả mọi thứ đã đổi khác: cha cậu chết trong trại lao động khổ sai, mẹ kế đã lấy chồng khác, căn nhà của gia đình cậu những người khác đã tới ở..., nhưng cái chính là bản thân cậu đã thay đổi. Những trải nghiệm Auschwitz khiến cậu không thể tái hội nhập cuộc sống cũ và cuộc sống mới thì không dành cho cậu, một kẻ bơ vơ và mang trong lòng tâm cảm lưu đày ngay tại quê hương mình.
Bìa ấn bản Việt ngữ của “Không số phận”
Khác với nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh trong dòng sáng tác về holocaust, “Không số phận” không nhằm đặc tả những nỗi kinh hoàng, những thảm cảnh mà các nhân vật phải trải qua khi cận kề với cái chết hàng ngày. Tác phẩm tập trung khắc họa bản năng sinh tồn, khả năng thích ứng của con người với thế giới xung quanh để giành giật sự sống trước tử thần thường trực rình rập.
Köves không chống lại số phận, không ngạc nhiên và không nổi loạn trước tình thế, cậu chấp nhận nó một cách bình thản và không tìm lối thoát. Đối với cậu, thực tế của các trại tập trung là một cái gì đó hoàn toàn tự nhiên, thường nhật, và cho dù những điều kiện sống có tệ hại đến mấy đi nữa, cậu vẫn có những khoảnh khắc hạnh phúc.
Köves nhìn nhận các sự kiện dưới con mắt trẻ thơ, không cảm thấy có gì phản tự nhiên hay đáng bất bình ở đó và đây là điều - như Ủy ban Giải thưởng Nobel nhận định - khiến cuốn sách trở nên xác tín ở mức độ gây sốc, vì cậu bé không thể hiện sự phẫn nộ đạo đức hoặc phản kháng siêu hình mà chúng ta hay thấy ở đề tài này.
Như thế, “Không số phận” đã xem xét thảm cảnh holocaust và Lò thiêu Auschwitz - “sự thật tận cùng về tha hóa của con người trong đời sống hiện đại” - theo một cách mới và khác so với nhiều tên tuổi lớn như Primo Lévi, Elie Wiesel, Claude Lanzmann, hoặc Spielberg và Polanski. Tác phẩm đã nhìn nhận khả năng để “cá nhân có thể sống và tư duy trong một thời đại mà con người ngày càng tự phụ thuộc vào chính thể xã hội”.
Khả năng đó, như thông điệp của Kertész, chính là thích ứng để tồn tại. Như nhà văn, nhà phê bình Hungary Spiró György nhận xét trong một nghiên cứu về cuốn tiểu thuyết, “chúng ta nhận được ở đây một điều gì đó khác với những gì chúng ta có thể chờ đợi từ một tiểu thuyết thông thường, hoặc giả một tiểu thuyết về tù ngục: đó là triết lý sinh tồn, gần như làm nổ tung những giới hạn của văn học”. (3)
Triết lý sinh tồn đó được thể hiện bàng bạc qua giọng kể dung dị và bình thản đến lạnh lùng của nhân vật tôi - người kể chuyện - trong suốt tiểu thuyết, và đọng lại ở những dòng cuối sách: “Ngay cả ở bên đó, bên cạnh những ống khói lò thiêu, giữa những đau đớn vẫn có một thứ gì đó giống như hạnh phúc. Ai cũng chỉ hỏi về những khổ ải, về “những nỗi kinh hoàng”: trong khi ấn tượng này có lẽ lưu lại đáng nhớ nhất. Đúng, phải nói về điều này, gần nhất tôi sẽ nói cho họ nghe về hạnh phúc của các trại tập trung, nếu sau này họ hỏi. Nếu như họ hỏi. Và chỉ nếu chính tôi cũng không quên điều đó”.
Thứ tình cảm phi lý và nghịch dị ấy của con người - coi thế giới tù ngục, trại tập trung như nơi thân thuộc của mình - về sau còn được Kertész tập trung mổ xẻ và phát triển trong “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” (Kaddis a meg nem született gyermekért, 1990) (4), thường được coi là sự tiếp nối của “Không số phận”. Hai tác phẩm trên, cùng truyện vừa “Thất bại” (A kudarc, 1988) tạo thành một bộ ba, được giới nghiên cứu đánh giá là lời phê phán nghiêm khắc “tất cả các thể chế độc tài, đã bần cùng hóa những cơ chế xã hội được đặt cơ sở trên sự tôn trọng cá nhân” (5).
*
Hơn sáu thập niên đã trôi qua kể từ thảm cảnh holocaust, nhưng Lò thiêu vẫn là nỗi ám ảnh của văn minh nhân loại và vẫn không hề mất thời sự tính.
Tại các quốc gia Đông Âu, sau mấy chục năm bị coi là đề tài “nhạy cảm”, dễ “đụng chạm” và gây nguy hại tới sự “đồng thuận xã hội”, hiện tại, holocaust không còn là đề tài độc tôn của các nhà nghiên cứu mà đã đi sâu vào tâm thức xã hội như một trong những thảm kịch diệt chủng của lịch sử. Đa số các nước đã ban hành đạo luật lấy một ngày trong năm làm dịp tưởng nhớ các nạn nhân của độc tài phát-xít, của holocaust, để các thế hệ sau có được ý niệm về biến cố này.
Trong một phỏng vấn gần đây nhất (6), nói về sự nghiệp văn chương của mình, Kertész khẳng định sở dĩ ông viết về holocaust vì ông đã “phải sống và đã sống qua trải nghiệm độc nhất vô nhị này của thế kỷ XX”. Tuy nhiên, đối với ông, “thử nghiệm triệt tiêu sắc dân Do Thái cùng chủ nghĩa bài chủng tộc Do Thái không phải là một hiện tượng riêng lẻ, mà cần phải xem xét nó trong mối tương quan với một trải nghiệm lớn khác của thời đại: chủ nghĩa toàn trị”. Theo góc nhìn ấy, holocaust chưa chấm dứt với sự sụp đổ của chủ nghĩa Quốc Xã.
Đó cũng là lý do để độc giả Việt Nam rất nên làm quen với các tác phẩm của Kertész Imre, nhà văn tự coi mình là “người chuyển giao tinh thần Auschwitz” (7). Không chỉ để tìm hiểu và đồng cảm về “tấn thảm kịch lớn nhất của người châu Âu kể từ những cuộc thánh chiến” (8), mà còn để chiêm nghiệm, sao cho những bi kịch ấy không bao giờ lặp lại trong tương lai, dưới hình thức này hay hình thức khác...
Ghi chú:
(1) Theo biên bản Hội nghị Wannsee, họp tại ngày 20-1-1942 với sự tham gia của các quan chức Quốc xã, nhằm khởi thảo và thực hiện giải pháp tối hậu đối với sắc dân Do Thái trên toàn Châu Âu.
(2) Lời nói đầu tập tiểu luận “Ngôn ngữ lưu đày” (A száműzött nyelv, 2001).
(3) Trích “Non habent sua fata”, bài viết về “Không số phận” của Spiró György trên tạp chí “Cuộc sống và Văn học” (Élet és Irodalom, 1983).
(4) Nhã Nam sắp xuất bản.
(5) Bài giới thiệu “Không số phận” của Legeza Ilona.
(6) Kertész Imre trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Đức “Die Welt” nhân dịp ông bước vào tuổi 80, đúng vào kỷ niệm bức tường Berlin sụp đổ (9-11-2009).
(7), (8): Trích “Nhật ký Gálya” (Gálya napló, 1992).
(*) Một phần bài viết là “Lời bạt” của bản Việt ngữ tác phẩm “Không số phận” (Giáp Văn Chung dịch - Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam & NXB Lao Động ấn hành, tháng 10-2010).
Nguyễn Hoàng Linh, Budapest ngày 12/9/2010
http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2608
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!