"Đạo" là một danh từ Việt phổ quát thường được dùng thay thế cho chữ "tôn giáo". Khi nói đến "đạo Chúa", "đạo Phật", "đạo ông bà", người Việt ám chỉ Thiên Chúa giáo, Phật giáo, và tôn giáo thờ lạy ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên chữ "Đạo" (Tao) theo nguyên văn tiếng Hán Việt còn có nghĩa là đường đi, lẽ thật (the Way). Nói rộng hơn trong văn hóa Trung quốc và khái niệm triết học Đông phương, chữ "Đạo" được dùng để diễn tả ý niệm về cội nguồn, nguyên lý của vạn vật trên thế gian. Như thế "Đạo" theo nghĩa sau này không thể dùng lẫn lộn đồng nghĩa với "tôn giáo", nhưng chỉ để ám chỉ căn nguyên của thế giới vật chất.
Có thể nói các nền triết học và tôn giáo lớn trên thế giới, đa số xuất phát từ Đông phương: Ấn Độ giáo (Hinduism), Phật giáo (Buddhism), Khổng giáo (Confucianism), và Lão giáo (Taoism), là nổ lực của con người đi tìm kiếm "Đạo", tức căn nguyên của vũ trụ. Riêng Cơ đốc giáo (Christianity) là tôn giáo duy nhất cho rằng Chúa Cứu thế Giê xu là "Đạo", là Thượng đế, đã tìm đến và nối kết với con người. Trong Thánh kinh, Chúa Giê xu tuyên bố Ngài là đường đi, lẽ thật, và sự sống (Giăng 14:6). Sách Tin lành Giăng mở đầu với lời giới thiệu về thân vị của Chúa Giê xu là cội nguồn của thế gian: "Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài" (Giăng 1:1-3). Chữ "Ngôi Lời", nguyên văn tiếng Hy lạp là "Logos", theo nghĩa siêu hình diễn tả một quyền lực siêu phàm tạo dựng và điều khiển vũ trụ. Như vậy Thánh kinh khẳng định Chúa Giê xu là "Đạo", là căn nguyên của vạn vật. Triết học Đông phương và Cơ Đốc Giáo đều đem "Đạo" làm trọng tâm, nhưng trong triết học Đông phương "Đạo" được tìm kiếm, ngược lại trong Cơ Đốc giáo, "Đạo" là câu giải đáp.
Các nền tôn giáo và triết học Đông phương tìm kiếm "Đạo" qua tín lý (doctrine) và qua thiền định (meditation). Hầu hết các giáo chủ của các tôn giáo Đông phương là những người dốc lòng tìm kiếm "Đạo" qua phương pháp tu thiền để được giải thoát (liberation), và đã sáng lập những phương pháp tu thiền cùng với giáo nghi hoặc kết hợp các tín lý đương thời để giúp người đi sau đạt đến kinh nghiệm giải thoát tương tự. Các tôn giáo Đông phương xuất phát từ bốn tôn giáo lớn sau đây:
1. Ấn Độ giáo (Hinduism): một trong những tôn giáo Đông phương lâu đời nhất bắt nguồn từ Ấn Độ cách đây khoảng 3500 năm. Căn bản của Ấn Độ giáo dựa vào bốn bộ kinh Vệ Đà (Vedas), nghĩa là "kiến thức", do nhiều triết gia và tu sĩ viết lại bằng tiếng Phạn (Sanskrit) trong khoảng 1500-500 năm trước công nguyên. Quan trọng nhất trong kinh Vệ Đà là kinh Upanishads, gồm những triết lý, thơ văn, và tín lý tu thiền. Theo Ấn Độ giáo, cả thế gian được mô tả như là một quả cầu vĩ đại bao gồm nhiều tầng lớp - biển cả, lục địa, thiên đàng, và địa ngục. Căn nguyên của thế giới và con người là Brahman, là một quyền lực siêu nhiên bao trùm không gian vũ trụ và không thể diễn tả được. Thế giới và con người là một phần biểu lộ của vị thần Brahman. Vị thần thứ nhì là Vishnu, Đấng bảo tồn thế giới (preserver), có liên hệ mật thiết với con người và cũng là biểu hiện của tình yêu. Vishnu khi nhập thể làm người được gọi là ffice:smarttags" />lace w:st="on">Krishnalace>. Sau Brahman và Vishnu, là hai Đấng thần linh tối cao, còn có Shiva là vị thần của sáng tạo và hủy phá (creation and destruction), cũng là biểu hiện của nguồn năng lực trong vũ trụ. Ngoài ba vị thần chính, tín hữu Ấn Độ giáo còn thờ hàng ngàn vị thần thánh khác.
Theo Ấn Độ giáo, cuộc sống con người là một chuỗi tuần hoàn. Sau khi chết đi, tùy theo nghiệp chướng (karma) của kiếp trước, linh hồn được chuyển tiếp (đầu thai) qua một thân xác mới của loài người hoặc loài vật (reincarnation). Nghiệp chướng gây ra do vô minh (ignorance), bởi vì loài người quên đi thân vị của mình là một phần của Brahman, tẻ ra đi theo ý riêng và bị rơi vào vòng nghiệp chướng không thể hòa hợp làm một với Brahman. Để được giải thoát khỏi nghiệp chướng (enlightenment), người ta cần thấu hiểu và tuân hành theo giáo nghi thờ phượng (ritual) và tập luyện tu thiền (meditation) theo phương pháp yoga (joining with Brahman). Tín hữu Ấn Độ giáo thường ăn chay và tuyệt đối không ăn thịt bò bởi vì bò là biểu hiện của vũ trụ và là tặng phẩm cho loài người, chỉ được dùng trong sinh tế và thờ phượng. Mục đích tối thượng của Ấn Độ giáo là hòa hợp làm một (unity) với Brahman, có nghĩa là "Đạo", tức căn nguyên của vạn vật trong thế gian.
2. Phật giáo (Buddhism): sáng lập tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên bởi Phật Thích Ca, tên thật là Cỗ Đàm Tất Đạt Đa (Siddharth Gautama). Theo truyền thuyết, cha của hoàng tử Tất Đạt Đa là một vương công (rajah), vì nghe lời tiên tri cho rằng con mình sau này có thể trở thành một nhà lãnh đạo đại tài hay trở nên một người vô gia cư, đã cấm không cho hoàng tử giao tiếp với thế giới bên ngoài cung điện. Một ngày nọ Tất Đạt Đa rời cung điện và chứng kiến đủ mọi thứ đau khổ trên đời ở ngoài xã hội, đã quyết định rời bỏ cung đình để đi tìm hiểu nguồn gốc và tìm cách cất bỏ khổ đau. Ban đầu Tất Đạt Đa luyện tập thiền yoga và khổ tu trên núi Bắc Ấn độ trong vòng sáu năm nhưng không thành công. Sau đó hoàng tử Tất Đạt Đa quay sang tu thiền. Tại thành phố lace w:st="on">Gayalace> dưới gốc cây Bồ đề, hoàng tử quyết định sẽ không rời cho đến khi được giác ngộ (enlightenment). Sau một thời gian Tất Đạt Đa được giác ngộ và trở thành Phật (Buddha). Giáo lý Phật giáo được tóm gọn trong Tứ Diệu Đế (noble truths). Đệ nhất đế cho rằng đau khổ là tình trạng căn bản của con người do nghiệp chướng gây nên. Đệ nhị đế giải thích nguyên nhân của đau khổ là do lòng tham muốn bám víu vào một thế giới vật chất tạm bợ, thay đổi không ngừng. Vì bám víu vào thế giới luôn thay đổi, con người cứ bị rơi vào vòng sanh lão bệnh tử của kiếp luân hồi do nghiệp chướng định đoạt. Trong đệ tam đế, đau khổ có thể được loại bỏ bằng diệt dục. Đệ tứ đế đưa ra phương pháp diệt dục để loại trừ đau khổ qua Đạo Bát Chánh (noble eightfold path). Đạo Bát Chánh gồm có chính kiến (knowledge), chính tư duy (thought), chính ngữ (speech), chính nghiệp (action), chính mệnh (livelihood), chính tịnh tiến (effort), chính niệm (awareness), và chính định (mediation). Mục đích cao cả nhất của Phật giáo là được thoát khỏi đau khổ và được vào cõi Niết bàn (nirvana). Theo Phật giáo, qua tu thiền con người có thể được giác ngộ và kinh nghiệm được Niết bàn trước khi qua đời.
3. Khổng giáo (Confucianism): thiết lập tại Trung hoa vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên bởi Khổng Phu Tử (Confucius). Khổng Tử chủ trương phát huy nền Nho học của thánh hiền đời trước để lại trong những sách: Dịch, Thư, Thi, Lễ, Nhạc. Sau khi tra cứu Nho học, Khổng Tử minh giải và xếp đặt lại thành một học thuyết có hệ thống phân minh, tông chỉ rõ ràng qua bộ lục Kinh: Dịch, Thư, Thi, Lễ, Nhạc, và Xuân thu, trong đó Kinh Dịch (I Ching) là bộ sách quan trọng nhất đặt nền tảng cho Khổng giáo và triết học của Trung hoa sau này.
Theo Kinh Dịch, vũ trụ và tất cả mọi sự trên đời được bắt nguồn từ một thực thể vô hình tuyệt đối gọi là Thái cực (Tai chi). Thái cực còn được mệnh danh là Sinh Hóa Độc Tôn (One Life), Tự Hữu (One Self-Existence), Hằng Hữu (Eternal and Infinite), Tuyệt Đối (Absolute All-in-All). Từ Thái cực sinh ra vạn vật, và vạn vật chung kết trở về với Thái cực. Thái cực có hai lực lượng Âm và Dương (Yin and Yang), luôn biến hóa không ngừng, kết hợp tạo nên sự vận chuyển của vũ trụ. Âm và Dương thường được so sánh với tĩnh và động, sáng và tối, nam và nữ, trời và đất, vật chất và tinh thần, lành và dữ. Khi dương đạt đến cực điểm thì âm đã tìm ẩn trong dương sẽ bắt đầu xuất hiện, và ngược lại, khi âm phát triển đầy trọn thì dương bắt đầu hình thành, và một chu kỳ mới được tiếp diễn. Nguyên lý âm dương được áp dụng vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống và ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn hóa Trung hoa, từ canh nông cho đến y khoa, dưỡng sinh, nghệ thuật, khoa học, chính trị. Một ví dụ điển hình là khoa châm cứu Trung hoa dựa trên nền tảng quân bình Âm Dương và điều hòa khí huyết trong thân thể con người. Những bộ phận trong cơ thể được chia ra hai loại Âm Dương, gắn liền với các huyệt đạo (meridians, acupuncture points). Khi luồng chân khí (chi) chạy trong các huyệt đạo bị tắc nghẽn, cơ thể sẽ sinh bệnh. Y sĩ có thể chữa bệnh bằng cách châm kim kích thích các huyệt đạo và điều hòa chân khí trong cơ thể bệnh nhân.
Theo Khổng học, con người có một địa vị rất quan trọng trong vũ trụ, bởi vì loài người sinh ra do sự giao hợp của Âm Dương, ơn đức của Trời Đất, hội tụ của Thần Thánh, và nguyên khí của vũ trụ. Chỉ có con người mới hấp thụ được tinh thần và khí chất của Trời Đất nên là loài linh diệu hơn tất cả vạn vật trong vũ trụ. Sự sáng suốt trong tâm con người gọi là minh đức, lương tri, hoặc trực giác. Nhờ có thần minh trong tâm do Trời ban, con người mới nhận thức được sự hiện hữu của mình và của Trời, từ đó con người cần phải cố gắng theo đạo Trời mà đạt đến Chân, Thiện, Mỹ. Đạo Trời có bốn đức: nguyên (thiện), hanh (lễ, mỹ), lợi (nghĩa), trinh (trí), từ đó ra bốn đức của đạo người: nhân, nghĩa, lễ, trí. Khi chết, thể xác con người tan nát, nhưng tinh anh trở về Trời, là nguồn của sự sáng. Mục đích quan hệ nhất của con người là đạt được sự hòa hợp trọn vẹn, thống nhất với Trời và với người.
4. Lão giáo (Taoism): Lão giáo, còn gọi là Đạo giáo, được sáng lập tại Trung hoa bởi Lão Tử (Lao Tzu) vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, đồng thời với Khổng giáo và Phật giáo. Lão Tử viết Đạo Đức Kinh (Tao Te Ching) để truyền bá Đạo Giáo, sau được Liệt Tử và Trang Tử phát huy và quảng bá rộng rãi. Khác với Khổng giáo thiên về luân thường đạo lý xã hội và cấu trúc văn hóa, giáo dục, Lão giáo chú trọng vào việc quan sát diễn biến trong thế giới tự nhiên để khám phá Đạo (Tao), tức Đường Đi (the Way). Con người chỉ thỏa mãn khi vâng theo trật tự thiên nhiên, hành động tự phát không gò bó, và tin tưởng vào trực giác.
Theo quan điểm của Lão giáo, "Đạo", tức "Đường Đi", là một thực thể tuyệt đối thống nhất và làm nền tảng cho vạn vật trong vũ trụ. "Đạo" của Lão giáo có nghĩa tương tự như "Brahman" của Ấn Độ giáo, hoặc quan niệm "Trời" của Khổng giáo và "Thái cực" của triết học cổ Trung hoa. "Đạo" là căn nguyên của vũ trụ, là một thể thống nhất (the whole), trọn vẹn, bao trùm vạn vật (all-embracing), và là một thực tại duy nhất (the One). Do "Đạo" vũ trụ được nảy sinh và biến đổi không ngừng. Tuy nhiên sự dịch chuyển và thay đổi của vũ trụ có hình thái nhất định có thể quan sát được bằng trực giác. Một khi khám phá được những khuôn mẫu trong tự nhiên và hành động hòa hợp với khuôn mẫu này, con người có thể hiệp nhất với "Đạo" (one with Tao). Theo Lão giáo, khi tâm trí hoàn toàn yên tịnh, không còn bị chi phối bởi ảnh hưởng và cuốn hút của thế giới vật chất bên ngoài, con người có thể phát hiện nguyên lý "Đạo" trong vũ trụ, và có thể hòa hợp làm một với "Đạo". Vì vậy Lão giáo không chú trọng vào đời sống thực tế hay giải quyết những nan đề trong xã hội, nhưng tập trung mọi nổ lực tìm kiếm những phương pháp có thể làm cho tâm trí được trống vắng, tĩnh mịch, để khám phá, liên lạc và hòa hợp với "Đạo". Những phương pháp tĩnh tâm của Lão giáo kết hợp giữa tâm lý, sinh lý và vật lý như thiền định, thể dục, luyện thở, vệ sinh, ngay cả giao hợp luyến ái và xử dụng thuốc kích thích. Giáo lý của Lão giáo chú trọng vào tính cách cao siêu huyền bí của thế giới tự nhiên, do đó trong giới bình dân theo Lão giáo ngày nay đã nảy sinh nhiều tệ nạn trong xã hội và đã để lại nhiều tập tục mê tín dị đoan như bói toán, thuật số, bùa chú, phù thủy, đồng cốt.
Tóm lại, mặc dầu có nhiều nguồn gốc tín lý và giáo điều khác nhau, các tôn giáo và nền triết học Đông phương đều tập trung vào một nỗ lực duy nhất: tìm kiếm, thấu hiểu và tìm cách nối kết hòa hợp với "Đạo", căn nguyên của vạn vật trên thế gian, để được thực sự giải thoát và đạt được chân hạnh phúc. Qua thiền định trong tĩnh mịch, người theo triết học Đông phương tin tưởng có thể hiểu được thực tại của vũ trụ và tự do thoát khỏi sự ràng buộc của vòng nghiệp chướng. Tuy nhiên, ngay cả những giáo chủ và các nhà hiền triết đều không khẳng định hiệu quả của thiền định để được thật sự giải thoát và hiệp nhất tương thông với "Đạo". Ngược lại, nhiều tu sĩ, tăng lữ đã khuyến cáo về những tác hại nguy hiểm nếu bị chi phối trong lúc luyện tập tu thiền. Hơn nữa, khi người tu thiền đạt vào cõi linh giới rất dễ bị lôi cuốn đi theo sự mời gọi và chịu sự sai khiến của tà linh.
Trong bài viết của tiến sĩ Thomas In-Sing Leung trong tập san Radix magazine, volume 24, Number 1, tác giả đã thuật lại kinh nghiệm tu thiền theo phương pháp của Phật giáo và Lão giáo để được giải thoát và thấu hiểu những lẽ mầu nhiệm trong vũ trụ. Theo tiến sĩ Leung, thiền định có thể được chia ra làm sáu giai đoạn (trùng cảnh giới). Trong giai đoạn thứ nhất, người thiền sẽ phát hiện một luồng hơi nóng chạy xung quan cơ thể. Luồng hơi này (chi) tùy theo sự hướng dẫn của tâm trí mà chạy thông kinh mạch (meridian). Khi hơi xuất ra, thì người ngồi thiền sẽ thấy khỏe hơn và khí lực được tăng cường. Nếu thiền lâu hơn và lạm dụng khí công, có thể có nhiều phiền phức xảy ra. Linh hồn của người thiền sẽ xuất ra và dễ gặp phải tà linh trong linh giới. Khi tinh thần và linh giới gặp nhau, người luyện thiền sẽ thấy đủ mọi hình ảnh xuất hiện trước mặt mình, nhất là ánh sáng.
Trong giai đoạn thứ hai, người thiền được mở mắt tâm linh (heavenly eye) và cảm thấy như bay bổng trên không trung, thấy được những cảnh vật sông núi từ xa đến, hay những cảnh thiên nhiên. Vào giai đoạn thứ ba, người luyện thiền có thể thấy được những không gian trong vũ trụ mà tứ chi cảm nhận được hoặc không cảm nhận được. Trong những không gian mà mắt trần không nhìn thấy được có những sinh linh tồn tại gọi là linh giới. Người ngồi thiền có thể phân biệt được những sinh linh đó là ảo giác hay thật bằng cách trò chuyện với những tà linh này. Nếu nó trả lời thì đó là thật.
Sang giai đoạn thứ tư, người thiền bước vào một thế giới không linh mà Phật học thường nhắc đến. Trong thế giới này mọi vật thay đổi không ngừng và liên lạc chặt chẽ với nhau. Người thiền sẽ nhận được cảm giác bình an và dường như thật sự được giải thoát (enlightenment). Vào giai đoạn này người ngồi thiền sẽ phát hiện trong cơ thể một luồng thông đạo để đi đến thế giới vô hạn. Tuy nhiên thông đạo này chỉ đi xuống mà không đi lên. Đến lúc này người luyện thiền có thể bước vào giai đoạn thứ năm. Sang giai đoạn này, người luyện thiền sẽ có cảm giác "thiên nhân hiệp nhất", giống như vũ trụ và con người hiệp thành một thể, thường được mô tả trong Lão giáo. Người thiền có thể phát hiện được sau lưng vũ trụ dường như có một lực lượng sáng tạo vĩ đại tồn tại. Lúc này người tu thiền sẽ cư xử không còn như một người bình thường, nhưng như một tu sĩ, và luôn muốn tập thiền để kinh nghiệm nhiều hơn.
Qua giai đoạn thứ sáu, thiền sư sẽ gặp nhiều linh vật xuất hiện giống như thiên sứ hoặc bồ tát kêu gọi thiền sư đi vào thế giới của họ. Những linh vật này có thể ban cho thiền sư nhiều quyền phép biết được quá khứ và tương lai, và nếu chịu sự sai khiến của những linh vật này, thiền sư có thể ảnh hưởng người khác và thu hồi nhiều đệ tử. Nhưng thiền sư cũng có thể từ khước những quyền lực này nếu muốn được giải phóng (liberated). Đặc biệt trong giai đoạn này thiền sư có thể chiêm nghiệm được sự hiện diện của một Đấng Sáng Tạo, là nguồn ánh sáng vĩ đại, nguồn của mọi sự tốt lành, và là căn nguyên của vũ trụ. Tuy nhiên có một khoảng cách khổng lồ không cho phép thiền sư đến gần với nguồn ánh sáng này. Và không có một chiếc cầu nào có thể bắc ngang vực thẳm để đem thiền sư đến được với nguồn sáng tạo vô song. Theo tiến sĩ Leung, nguồn sáng này chính là "Đạo", mà các tôn giáo nhắc đến và luôn tìm kiếm.
Thánh kinh cho biết Chúa Cứu thế Giê xu chính là "Đạo" mà các tôn giáo đang tìm kiếm. Giữa loài người và Thượng đế thánh khiết có một sự ngăn cách khổng lồ tạo ra bởi tội lỗi. Chính Chúa Giê xu, là "Đạo", đã trở thành người, chết trên thập giá, sống lại từ trong cõi chết, và trở nên chiếc cầu duy nhất để đem loài người nối kết lại với Thượng đế. Chúa Giê xu phán rằng không nhờ Ngài thì không ai có thể đến gần Thượng đế (Giăng 14:6). Thánh kinh xác nhận rằng chỉ có một Thượng đế, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Thượng đế và loài người, tức là Chúa Giê xu, là hiện thân của "Đạo" ở giữa loài người (I Timôthê 2:6). Như vậy ngay cả thiền định và sống khắc khổ, tu thân tích đức, cũng không đem loài người đến gần hòa hợp với Thượng đế. Phương pháp tu thiền chỉ tạm thời đem loài người đến tiếp xúc với thế giới tâm linh, nhưng không thực sự giải quyết được bản chất tội lỗi ngăn cách loài người và Thượng đế. Chỉ qua sự tiếp nhận Chúa Giê xu, con người mới thông công được với Thượng đế, hưởng được bình an, hạnh phúc thật, và sự sống vĩnh cữu. Những phương pháp ngoài Chúa Giê xu chỉ dẫn con người vào ngõ cụt (dead end) nguy hiểm. Nhận thức được Chúa Giê xu là "Đạo", căn nguyên của vũ trụ, đã trở thành người và hy sinh mạng sống để chuộc tội cho loài người là giải pháp duy nhất và cần thiết nhất để đem con người hòa hợp với Thượng đế và với nhau, cũng là mục đích tối hậu của mọi tôn giáo trên đời.
Nguyễn Ân-Điển
Tài liệu tham khảo
Blofeld, John, "I Ching"
Capra, Fritjof, "The Tao of Physics"
Jochim, Christian, "Chinese Religions"
Koo, Y. C., "Chinese Philosophy", vol. I & II
Le Guin, Ursula, "Lao Tzu Tao Te Ching"
Leung, Thomas In-Sing, "The Appeal of Buddhist Spirituality", Radix magazine, vol. 24, No. 1
Ngô Tất Tố, "Kinh Dịch"
Raju, P.T., "The Philosophical Traditions of lace w:st="on">Indialace>"
Trần Trong Kim, "Nho Giáo", tập I và II
http://songvui.net/forum/showthread.php?t=51
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!