Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

Quan điểm siêu hình của Darwin

Vào năm 1859, Charles Darwin cho xuất bản cuốn sách Nguồn Gốc Các Loài (NGCL) [1]. Trong cuốn sách này, ông đặt nền tảng đầu tiên cho thuyết tiến hóa, nói rằng, thế giới sinh học hiện nay tiến hoá một cách tiệm tiến từ một hay một số ít loài đơn giản hơn lên loài phức tạp hơn. Darwin bắt đầu bàn về thuyết tiến hoá (TTH) dựa vào quan sát thực nghiệm trong sự thuần hoá (domestication) thú rừng thành gia súc. Lấy tỉ dụ là chó nhà. Theo ông, sở dĩ có loài chó nhà là vì con người gia hóa chó hoang.

Sau khi thú hoang đã trở thành gia súc rồi, con người tiếp tục cấy giống (breeding) theo sở thích riêng của mỗi người để từ một loài thú hoang, có được nhiều giống chó nhà như hiện nay (tỉ dụ như chó săn, chó Nhật, chó xù, chó cụt đuôi, chó mực, v.v.). Theo ông quá trình này bắt đầu từ một thay đổi nhỏ trong đặc tính của một loài thú (tỉ dụ như lông màu đen) - gọi là biến dị, rồi do con người chọn giống, cố kết đặc tính đó lâu ngày nên có loài cho mực. Trong quá trình thuần hóa và cấy giống, thiên nhiên tạo ra những biến dị, còn con người là yếu tố chính, chọn và cố kết một biến dị nào đó của con thú mà họ thích. Do ý thích của mỗi người, thực phẩm, nhiệt độ, môi trường, v.v. khác nhau, nên bắt đầu từ một loài chó hoang, nhiều người khác nhau đã gây giống được nhiều giống chó nhà hiện nay.


Dựa trên kết luận này, Darwin tiếp tục đi xa hơn nữa đưa ra lý thuyết Chọn Lọc Tự Nhiên (CLTN) (Natural Selection) để giải thích nguồn gốc các loài trong thiên nhiên. Theo ông, tất cả các loài hiện nay bắt nguồn từ một số ít loài đơn giản hơn, gọi là loài cha mẹ. Trong loài cha mẹ này có một số biến dị nào đó do thiên nhiên tạo ra. Nếu biến dị đó có lợi cho sự sinh tồn của loài đó, thì biến dị đó cứ được củng cố, và theo thời gian, loài đó phát triển thành loài mới và sinh tồn mạnh mẽ. Ngược lại, nếu biến dị đó có hại cho loài, thì nó sẽ bị diệt chủng. Trong khi yếu tố chính trong quá trình gia hóa và cấy giống là con người, yếu tố chính trong quá trình CLTN là thiên nhiên. Chính thiên nhiên cung cấp biến dị, tạo điều kiện cho quá trình tiến hóa; cũng chính thiên nhiên "chọn" cho loài nào sống vì nó thuận với điều kiện sống của môi trường, và tiêu diệt loài nào đó vì nó có những biến dị nghịch với môi trường.


Trong cuốn Nguồn Gốc Các Loài, Darwin chỉ bàn về những nguyên tắc căn bản của TTH. Vào năm 1871, ông cho xuất bản cuốn sách nữa, Sự Ra Đời Của Con Người (The Descent of Man), trong đó nguồn gốc con người mới được bàn đến một cách cụ thể. Trong cuốn sách này, Darwin cho rằng con người có thể xuất thân từ những động vật thấp hơn như khỉ, từ nhận xét rằng cấu trúc cơ thể và sự phát triển bào thai của các loài này có nhiều điểm tương đồng. Do các công trình này, Darwin được nhiều người xem là cha đẻ của TTH. Tiếp theo Darwin, khoa học gia người Nga Oparin đề ra thuyết tạo sinh vô cơ (abiogenesis) để bổ xung thêm cho thuyết tiến hoá Darwin. Thuyết tạo sinh vô cơ là một chủ thuyết cho rằng sự sống bắt đầu bằng sự kết hợp ngẫu nhiên của các chất vô cơ (như Oxigen, Hydrogen, Nitrogen, Carbon) do sấm sét làm xúc tác. Từ đó, TTH Darwin-Oparin được xem như nền tảng khoa học cho các chủ nghĩa duy vật, trong đó có chủ nghĩa cộng sản (CNCS). Cơ sở lý thuyết của CNCS là duy vật biện chứng lịch sữ quan, cũng là một kiểu tiến hóa, theo đó, xã hội con người tiến hóa từ tổ chức thấp lên cao, nhờ vào giai cấp đấu tranh, cũng như sự tiến hóa của các loài từ mức thấp lên mức cao vậy, do quá trình chọn lọc tự nhiên vậy. TTH cũng được một số người cổ xúy như là đồng minh cho Phật giáo, vì về bản chất, triết lý tôn giáo á Đông này cũng là một kiểu tiến hóa của "tâm thức" nhờ vào tu hành.


Tại Việt Nam, TTH có môi trường để phát triển. TTH không còn là một bộ môn khoa học trong trường nữa mà một chính sách của nhà nước để đào tạo nên công dân xã hội chủ nghĩa. Điều kỳ lạ là có một phó tiến sĩ người Việt trong nước, sinh ra và lớn lên tại miền Bắc, tốt nghiệp hậu đại học từ Đông âu cũ (cộng sản), chấp nhận TTH như là một hiện thực và dùng nó để chỉ trích các chính sách của nhà nước CSVN [2]. Có một người Việt Nam khoa bảng khác tại hải ngoại có trình độ tiến sĩ khoa học, có khuynh hướng thân cộng sản cũng khẳng định TTH là một dữ kiện (fact) [3], và dùng nó để chống báng Đức Chúa Trời. Trong khi đó, có tiến sĩ Phan Như Ngọc [4], cũng đã từng lớn lên trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa tại miền Bắc Việt Nam, từng giảng dạy các bộ môn duy vật tại các trường đại học Hà Nội, đã từ bỏ chủ nghĩa duy vật mà trở thành Cơ Đốc nhân. Trên thế giới cũng có rất nhiều khoa học gia duy vật, nhưng cũng có các khoa học gia khác như tiến sĩ vũ trụ học, Hugh Ross trở nên Cơ Đốc nhân vì không thể chứng minh được là vũ trụ tự nhiên mà có [5]. Do đó, chúng ta thấy rằng, mặc dù trên bề mặt con người rất khác nhau về tuổi tác, địa vị, giai cấp, học vấn, giống phái, chủng tộc, kinh nghiệm đời, quan điểm chính trị, v.v., cả nhân loại chỉ ở một trong hai phe: Một phe cho rằng có Đấng Tạo Hoá tạo ra vũ trụ trong đó có con người; một phe cho rằng vũ trụ tự nhiên mà có. Trong cả hai phe, có đủ các chuyên gia khoa học có nhiều năm nghiên cứu trong các ngành khoa học liên đới. Như vậy vấn đề TTH không chỉ nằm trong mặt phẳng vật chất, và tâm trí mà nằm trong mặt phẳng tâm linh, trên đó con người phải tự hỏi và phải trả lời cho chính mình: Có Đấng Tạo Hóa hay không?


Trong bài này chúng tôi không trình bày quan điểm chủ quan của chúng tôi về khía cạnh khoa học của TTH, mà bàn về đặc tính tâm lý và tâm linh của những người ủng hộ cho thuyết tiến hóa, đặc biệt là người Việt Nam, và xin hoãn bàn về khía cạnh khoa học trong những bài sau. ý tưởng chúng tôi trong bài này dựa vào các sự kiện quan sát khi tiếp xúc với những người ủng hộ thuyết tiến hoá trong cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại. Theo nhận xét của chúng tôi, các người ủng hộ TTH có các điểm chung sau đây:


1- Nói nhiều về Darwin, nhưng không đọc sách của Darwin:

Các tác phẩm của Darwin được rất nhiều người đề cao tới như là một công trình khoa học, là nền tảng cho chủ nghĩa duy vật. Người ủng hộ TTH nhắc tới Darwin như là người vô thần đầu tiên đánh bại Thánh Kinh, vì Thánh Kinh dạy rằng chính Đức Chúa Trời tạo dựng ra vũ trụ trong đó có loài người. Họ biểu lộ sự ngưỡng mộ Darwin trong các bài viết của họ, với các tựa đề giựt gân như "Thượng Đế đã chết," "Thượng Đế hấp hối," v.v. nhại theo kiểu triết gia Friedrich Nietzsche. Nhưng nếu họ đọc sách Darwin thì sẽ biết ông không phải là người vô thần như họ muốn. Nếu chúng ta muốn thật sự biết quan điểm siêu hình (metaphysical) của Darwin thì chúng ta phải đọc NGCL. Trong đoạn kết của cuốn sách này, Darwin đã viết như sau:


"Quan niệm về sự sống này [tức là TTH] có vài điểm mạnh. Đầu tiên được Đấng Tạo Hóa truyền hơi thở vào để thành một hay vài thể sống đơn giản nhất. Từ một sự bắt đầu đơn giản đó đã và đang tiến hóa ra vô số những sinh thể đẹp và kỳ diệu nhất trong khi hành tinh này vẫn xoay vần theo đinh luật hấp dẫn cố định."

(There is grandeur in this view of life, with its several powers, having been originally breathed by the Creator into a few forms or into one; and that, whilst this planet has gone cycling on according to the fixed law of gravity, from so simple a beginning endless forms most beautiful and most wonderful have been, and are being, evolved.) [6]


Chúng ta thấy rằng sau khi bàn về TTH trong hơn 600 trang sách, cuối cùng Darwin mới bày tỏ quan điểm siêu hình của ông trong một câu ngắn ngủi trong phần kết luận. Quan điểm của ông là có Đấng Tạo Hóa; Ngài đã tạo dựng ra một số sinh thể đơn giản đầu tiên; và sau đó Ngài đã để cho các sinh thể này tự do tiến hóa mà không can dự vào. Nổ lực của ông không nhằm vào việc trả lời câu hỏi là có Đấng Tạo Hóa hay không mà là sự liên hệ của Ngài với thế gian là bao nhiêu. Quan điểm này "có công" bảo vệ Đấng Tạo Hóa khỏi bị thế gian trách móc vì những đau khổ ở đời (vì Đấng Tạo Hóa không có trách nhiệm gì với thế gian nữa sau khi đã tạo dựng đầu tiên lên vũ tru.) Thật không may cho Darwin, công trình của ông được nhiều người nhận quàng là cơ sở khoa học cho chủ nghĩa vô thần (atheism), là chủ nghĩa không tin có Đấng Tạo Hóa.


Nhưng có bao nhiêu người trên đời này đúng nghĩa là vô thần? Người Mỹ có câu châm ngôn: "Ở dưới hầm trú cá nhân không có ai là vô thần cả." Khi còn được sống, con người thích làm theo sở thích của mình. Những điều mình thích có thể trái ý với Đức Chúa Trời. Nhưng khi đối diện với sự chết con người mới biết là mình sẽ không còn dịp làm những điều mình thích nữa. Khi đó bản ngã của con người mới có dịp hạ xuống để giúp con người nhận biết Đức Chúa Trời. Như vậy sự chết không phải là hoàn toàn vô ích cho con người, là loài có lý trí mạnh. Có sự chết con người mới biết mình nhỏ nhoi trước vũ trụ. Trước sự chết niềm tin con người mới thật sự được chứng nghiệm hay không. Chỉ có sự chết mới có đủ sức mạnh để thách thức lý trí con người một cách tối hậu mà thôi.


Như vậy cái mà chúng ta gọi là "vô thần" thật sự là "chối bỏ Đức Chúa Trời." Khi chối bỏ Ngài, con người cần một cái cớ "hữu lý." Cái cớ đó chính là TTH. Vì họ chỉ cần một cái cớ, nên không cần tìm hiểu xem Darwin tin điều gì, viết điều gì, làm sao đi tới cái kết luận của ông. Họ lười biếng tư duy, chỉ mù quáng chụp lấy công trình của ông, thêm thắt chút đỉnh tùy tiện, rồi gọi đó là siêu hình học của mình. Mỗi khi tâm linh đã có khuynh hướng chống báng Đức Chúa Trời, thì cả tâm linh lẫn não bộ không cần phải động nữa. Họ chụp vội lấy Darwin như "thấy người sang bắt quàn làm họ" mà không buồn cho tác giả một chút ít kính trọng bằng cách bỏ chút thì giờ đọc qua tác phẩm của ông ta.


2- "Thuyết tiến hoá là một dữ kiện (fact)":



Tiến hóa nhân lập đi lập lại câu nói này với một âm điệu rất "khoa học." Nhưng không may nó phơi bày ra ánh sáng một khủng hoảng trong hệ thống tư duy của họ: Nếu đã là "thuyết" thì không thể là "dữ kiện" được. Dữ kiện là một cái gì sáng tỏ, hoàn chỉnh, "đụng chạm" được, "thấy" được, "sờ" được, v.v. Thuyết là một "câu chuyện" được diễn dịch theo ý riêng dựa vào một số dữ kiện. TTH dựa trên một số dữ kiện quan sát của Darwin về sự giống nhau của các loài, từ đó Darwin diễn dịch ra là loài nào giống nhau ắt phải có chung một nguồn gốc. Có thể mọi người đồng ý với Darwin về sự giống nhau của một số loài, nhưng không phải mọi người đều đồng ý với ông rằng nếu chúng đã giống nhau, ắt hẵn phải có chung nguồn gốc. Do vậy, TTH vẫn còn là một lý thuyết chứ không thể là một dữ kiện được. Ngay cả như thuyết Big Bang - là lý thuyết về nguồn gốc của vũ trụ, chặc chẽ hơn nhiều lần về mặt lý thuyết lẫn thực nghiệm so với thuyết tiến hóa, vẫn được gọi là thuyết chứ vẫn không được xem là dữ kiện. Nếu một điều đã là dữ kiện, thì chúng ta không cần nghiên cứu thêm để hoàn chỉnh nó. Nhưng ngày nay, các khoa học gia tiến hóa vẫn tiếp tục tìm tòi trong lãnh vực này; có thành quả khoa học củng cố thuyết tiến hoá, có thành quả chống lại.


Vì không đọc Darwin, nên tiến hoá nhân không biết Darwin đã dành ra ít nhất là một chương để bàn về các yếu điểm, trong đó có sự hiếm hoi về bằng chứng di tích, trong lý thuyết của ông (Chương Sáu: Difficulties of the Theory). Do sự hiếm hoi này, mà cho tới bây giờ sau gần 150 năm người ta vẫn còn đào xới để hy vọng tìm ra nhưng di tích về các loài chuyển tiếp (transitional species - sẽ bàn tới trong các bài sau) để chứng nghiệm cho lý thuyết Darwin. Do vậy, khi một người muốn trình bày cho đọc giả một lý thuyết khoa học một cách khách quan, người đó cần phải trình bày cả hai mặt, thuận và lợi. Nhất là người đó lại có học vị tiến sĩ khoa học, đã từng giảng dạy tại trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn, đã từng có các công trình nghiên cứu khoa học, thì sự đòi hỏi trong khi viết lách phải cao hơn người khác. Nhưng trong các bài viết của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Chung Ngọc, là xướng ngôn viên cho TTH người Việt Nam, đọc giả ít thấy ông trình bày dữ kiện khoa học mà hay nghe ông trích dẫn câu nói của các tiến hóa nhân khác về TTH. Như vậy niềm tin của tiến hóa nhân là niềm tin của kẻ khác, và chúng ta biết rằng không phải lúc nào người khác cũng đúng. Như vậy, mặc dù Tiến Sĩ Trần Chung Ngọc đã từng đi qua sự huấn luyện cam go của người làm khoa học: chứng, phản chứng, thu thập, tổng hợp, và phân tích dữ kiện, v.v.- đứng trước vấn đề tâm linh, ông cũng giống như đại đa số các người khác.


Trong khi đó, niềm tin của Cơ Đốc nhân là tiếng thét của chính linh hồn mình về sự Chúa Jesus là ai. Khi "Đức Chúa Jêsus đã vào địa phận thành Sê-sa-rê Phi-líp, bèn hỏi môn đồ, mà rằng: Theo lời người ta nói thì Con người là ai? Môn đồ thưa rằng: Người nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên tri nào đó. Ngài phán rằng: Còn các người thì xưng ta là ai? Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống." (Ma-thi-ơ 16:13-16) Đây là lần đầu tiên có một người thốt lên điều thú nhận về Chúa Jesus là Đấng Christ. Lời thú nhận này đã đóng dấu vào người đó dấu ấn của sự cứu rỗi đời đời trong Chúa Jesus Christ. Niềm tin của Cơ Đốc nhân không dựa trên điều kẻ khác nói về Đấng Christ, về Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, mà là sự thú nhận của chính mình về Ngài. Do vậy khi có một giáo hoàng hay "giám mục" hay "mục sư" nào đó nói khác đi về Chúa Jesus Christ, hay công nhận TTH là đúng, Cơ Đốc nhân thật vẫn là người thú nhận trước đám đông và trong sự riêng tư với Ngài, là chính Ngài là Đấng Christ, là chủ tể của vũ trụ này, trong đó có loài người chúng ta.


Lê Anh Huy



Tài liệu tham khảo:



1- Charles Darwin, The Origin of Species, Random House, p. 50 (1993)

2- Hà Sỹ Phu, "Đôi Điều Suy Nghĩ Của Một Công Dân," Tin, Paris, trang 32 (1993)

3- Trần Chung Ngọc, các bài trong www.giaodiem.com

4- Phan Như Ngọc, "Niềm Hạnh Phúc Tuyệt Vời," http://hoptinhhoply.net/read.asp?Article_ID=134

5- Hugh Ross, "My Search for Truth," http://www.reasons.org/resources/apologetics/mysearch.shtml

6- Charles Darwin, p. 649


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!