Theo quan niệm triết học Đông phương, đặc biệt là triết lý Lão giáo (Taoism) và Phật giáo (Budhism), thì vũ trụ này không nhất thiết phải có buổi ban đầu. Theo nguyên lý Đạo của Lão giáo, Đạo sinh ra âm dương, khí, trời, đất, và muôn vật; muôn vật phồn thịnh sẽ trở về Đạo. Cứ như vậy muôn vật biến chuyển theo một chu kỳ tuần hoàn biến cải thiên nhiên, không có khởi thủy cũng không có chung kết. Quan điểm này làm nền tảng cho triềt lý thời đại mới (New Age) của Tây phương trong những thập niên gần đây.
Lý thuyết này cho rằng con người là một phần của vũ trụ, và ngược lại. Cả hai có thể kết hiệp làm một tạo nên một thể hòa hợp thống nhất (the One), tồn tại mãi mãi. Phật giáo cũng phủ nhận buổi ban đầu của vũ trụ. Theo quan điểm của Phật giáo, thế giới là một thể sinh động, thay đổi không ngừng, không có buổi đầu, cũng không có kết thúc. Mọi sự xảy ra trên đời luân chuyển theo những chu kỳ nối tiếp (luân hồi). Sống chết của vạn vật xảy ra trong khoảng lục đạo xoay vần, từ Thiên đạo (cõi trời), đến Nhân đạo (cõi người), Atula đạo (cõi Thần Phật), Quỷ đạo (cõi quỷ), súc sinh đạo (cõi loài vật), và địa ngục đạo (cõi địa ngục). Nếu vượt qua được vòng luân hồi nhờ tu luyện, sẽ trở thành Phật trong cõi niết bàn, tức cõi hư vô, nơi mà mọi hoạt động kể cả đau khổ và sự chết đều sẽ chấm dứt vĩnh viễn.
Thật sự muôn vật có buổi ban đầu không? Tục ngữ Việt nam có câu "Gieo gió gặt bão", "Không có lửa sao có khói?" cho thấy người xưa tin rằng mọi sự xảy ra trên đời đều có nguyên nhân và hậu quả, có khởi thủy, có chung cuộc. Đó là nguyên lý nhân quả của Đông phương. Khoa học Tây phương cũng cho biết mọi biến thái sinh hóa trong vũ trụ đều có liên quan mật thiết với nhau. Ngay cả những hành tinh xa xôi nhất cũng có thể ảnh hưởng sự sống trên mặt địa cầu này qua các lực tương tác khác nhau. Xét như thế có lẽ thế giới này cũng không ngoại lệ, nếu có tính liên đới như một thể thống nhất, có thể cũng có điểm khởi đầu phát sinh. Tuy nhiên chứng minh được điều này không phải là chuyện dễ.
Sáng thế ký, sách đầu tiên của Thánh kinh, bắt đầu với lời tuyên ngôn: "Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất..." Những dòng chữ khẳng định này rất quan trọng vì làm nền tảng căn bản đức tin của những người tin vào Thượng đế tạo dựng và cai quản vũ trụ muôn vật. Đây cũng là một trong những câu Kinh thánh được chú ý nhiều nhất trong giới nghiên cứu khoa học. Đặc biệt trong những năm gần đây, với nhiều khám phá vượt bực trong ngành thiên văn giúp con người lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại có thể đi ngược dòng thời gian, trở lại quá khứ để tìm hiểu cội nguồn của vũ trụ và con người; câu Kinh thánh này lại càng được quan tâm nhiều hơn.
1- Khoa học khẳng định vũ trụ có khởi thủy
Với những kỹ thuật hiện đại tinh vi và với những viễn vọng kính khổng lồ, con người ngày nay đã quan sát được những cụm thiên hà (galaxy clusters) xa xôi nhất, ở tận đầu cùng của thế giới, nơi mà chỉ có vận tốc ánh sáng mới có thể xuyên tới. Những kính viễn vọng này đã cho phép các nhà khoa học đi ngược dòng thời gian để tìm hiểu lịch sử của vũ trụ. Kết quả của những công trình khảo sát nghiên cứu cho thấy vũ trụ khi xưa cực kỳ đơn giản. Cấu trúc của vật chất và thiên thể ở hai cực đầu cùng của thế giới lại giống hệt nhau, như thể đều xuất phát từ một nguồn mà ra. Những khám phá mới đây cho thấy rằng thiên hà ở càng xa càng văng xa khỏi nhau với tốc độ khủng khiếp. Nếu đi ngược dòng thời gian thì tất cả dường như hội tụ lại một điểm chung. Những tính toán dựa vào nhiệt độ của các hạt quang tử tạo nên background radiation trong không gian cũng cho biết nhiệt độ khủng khiếp của điểm hội tụ này. Đây là điểm mà các nhà khoa học ngày nay gọi là điểm thời gian = 0 và không gian = 0. Như vậy vũ trụ mà chúng ta đang ở có điểm khởi đầu.
Sự sống trên trái đất cũng không thể do ngẫu nhiên mà hình thành. Những hiểu biết về DNA, RNA, và protein cho thấy để kết hợp tạo nên sự sống cả ba phải cùng đồng thời xuất hiện. DNA giống như thiết kế họa đồ (blue print) xây một căn nhà, RNA là kỹ sư và thợ lắp ráp, còn protein là vật liệu xây cất. Để có được một tòa nhà đồ sộ như tế bào sống đa dạng phong phú, riêng biệt, cần có một bản thiết kế tinh vi, phức tạp và người thợ vẻ kiểu tài giỏi. Rồi đến sự hiện diện của con người biết ý thức, tư duy, tình cảm, không thể là kết quả của một sự kết hợp tình cờ.
Thoạt tiên khi khám phá ra vũ trụ có khởi thủy, nhiều nhà khoa học rất bối rối, kinh ngạc, thậm chí có người lấy làm khó chịu, không thể chấp nhận được khám phá này. Ngay cả nhà bác học Einstein, người đã khám phá ra thuyết tương đối, đã hoài nghi không tin. Chính ông sau đó đã tự động thêm vào phương trình nổi tiếng của ông một hằng số, bởi vì phương trình này trước đó ám chỉ một thế giới thay đổi, có khởi đầu và kết thúc. Về sau khi tất cả những khám phá đã cho thấy một thế giới có điểm khởi đầu, Einstein đã công khai nhìn nhận sự sai lầm của mình, và cho rằng đó là sự lầm lẫn lớn nhất trong cuộc đời ông. Không riêng gì trong giới khoa học, ngay cả các triết gia, các chính khách cũng chống đối mãnh liệt ý tưởng vũ trụ có một buổi ban đầu. Lãnh tụ Mao Trạch Đông đã có lần ra lệnh bắt giam những nhà khoa học dám công khai nhìn nhận thế giới có khởi thủy.
Nếu như thế giới này có buổi ban đầu, thì ai là người tạo ra, với mục đích gì? Hay là chỉ do ngẫu nhiên mà hình thành? Càng khám phá về vũ trụ, các nhà khoa học càng bị thuyết phục rằng có một sự xếp đặt lạ lùng trong vũ trụ. Những hiểu biết về supenovas, black holes, quarks, big bang, cho biết không thể do ngẫu nhiên mà có được một thế giới bền vững, sinh động, phong phú cho đến ngày nay. Những quy luật vật lý vô cùng chính xác đã khuôn đúc một thế giới sống động, bền vững, mà nếu như thiếu đi những quy luật này, thế giới này đã sụp đổ ngay sau khi vừa mới bắt đầu. Einstein đã thốt lên rằng điều không thể hiểu được về thế giới này là tính cách hợp lý của nó (The incomprehensible of this world is its comprehensibility). Nếu như do ngẫu nhiên, thì vũ trụ này chỉ như một bức tranh hỗn độn, không có hình dung, không theo quy luật nào cả. Với những nét chấm phá của một người họa sĩ khéo léo những đường nét khác nhau có thể kết hợp thành một bức chân dung sống động, có giá trị, như thế giới đang có.
2- Văn hóa các dân tộc nói vũ trụ có khởi thủy
Nói về buổi ban đầu, không phải chỉ giới khoa học mới quan tâm đến chi tiết thế giới vật chất và sự sống muôn loài kể cả con người được hình thành như thế nào. Các nền văn hóa cổ trong đó có văn hóa Trung hoa và Việt nam cũng nhắc đến một Thượng đế sáng lập nên vũ trụ và con người. Chẳng hạn như dân tộc thiểu số thượng du Việt nam như người Mèo đã lưu truyền những bài ca làm ra cách đây trên mười lăm ngàn năm, nhắc đến chữ Làu ban đầu dựng nên trời đất muôn vật trong bảy ngày. Chữ Làu dựng nên con người bằng bụi đất, hà sanh khí vào miệng, cho hồn vào bụng và tiếng nói ở cổ họng. Sau đó con người phản nghịch nên chữ Làu cho nạn hồng thủy xảy ra để tinh lọc loài người. Những tình tiết trong những câu chuyện thần thoại của người Mèo rất giống của Thánh kinh. Đó là những sản phẩm thiêng liêng của người miền núi, do vị trí cách biệt của địa dư, nên vẫn còn giữ tính cách nguyên thủy của nó, nay được liệt vào những áng văn chương cổ nhất trên thế giới. Đặc biệt người miền núi đã dùng chữ Làu để nói về Đấng sáng tạo, phù hợp với Thánh kinh cho biết Ngôi Lời là Đức Chúa Trời đã sáng lập vũ trụ và muôn vật (Giăng 1:1, Hê bơ rơ 11:3).
Nếu như những bài ca theo vần điệu của người Mèo làm rõ nghĩa hơn câu chuyện sáng tạo, thì chữ viết cổ của người Trung hoa cho thấy hình ảnh sống động của bức tranh sáng tạo. Chữ viết cổ Trung quốc theo lối tượng hình, nghĩa là người xưa thấy thể nào thì viết lại thể ấy, tạo nên những hình ảnh trung thực và đầy tính nghệ thuật. Chẳng hạn như, để nói lên chữ sáng tạo, người Trung quốc đã kết hợp giữa chữ bụi đất, miệng, sống động và bước đi:
sáng tạo = bụi đất + miệng + sống động + bước đi
(tạo:造) (thổ:土) (khẩu口) (phiệt) (sước 辶)
Hoặc chữ cám dỗ gồm có vườn cây, ma quỷ, và che đậy:
cám dỗ = ma quỷ + vườn cây + che đậy
(ma lực) (quỉ) (lâm) (nghiễm)
Chữ thèm muốn bao gồm người đàn bà và vườn cây (chiết tự: hai cây):
thèm muốn = người đàn bà + hai cây
(lam) (nữ) (lâm)
Chữ trục xuất kết hợp một tội phạm với ra đi (chiết tự: hai người ra đi)
trục xuất = một tội phạm + hai người đi
(cản xuất) (can) (tẩu)
Khi nói đến chiếc tàu, người cổ Trung hoa dùng số tám, miệng (người), và chiếc thuyền:
chiếc tàu = số tám + miệng + chiếc thuyền
(chuan) (bát) (khẩu) (chu)
Những hình ảnh này hoàn toàn phù hợp với hình ảnh của công cuộc sáng tạo, sự sa ngã của loài người, và nạn hồng thủy chép trong Sáng thế ký. Đó là, Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người đầu tiên là A đam bằng bụi đất và sanh khí của Thiên Chúa. Trong vườn địa đàng có hai cây, một cây sự sống và một cây biết điều thiện và điều ác, ê va bị cám dỗ bởi loài rắn là ma quỷ ăn trái cây kiến thức về điều thiện và điều ác, nên cả A đam và ê va bị trục xuất khỏi vườn địa đàng. Sau khi loài người phạm tội và nạn hồng thủy xảy đến thì chỉ có tám người trong chiếc thuyền Nô ê còn sống sót.
Cũng như dân tộc thiểu số Việt nam, người Trung quốc thời thượng cổ chỉ thờ phụng một Thượng đế tối cao gọi là Shang Ti, là Đấng sinh thành vạn vật và con người. Họ rất gần gũi với Shang Ti, như là Cha, nhưng cũng rất cung kính với ShangTi. Cả nước chỉ có một vua, gọi là Thiên tử, tức con Trời, và chỉ một mình Thiên tử mới được quyền tế trời trong những nghi lễ đặc biệt. Khi tế trời, Thiên tử đọc lên:"Kính lạy Đấng Thần linh siêu việt, Ngài là Đấng dựng nên trời đất và con người...Ngài đã ban ân sủng cho chúng tôi, bởi vì Ngài là cha chúng tôi. Ngài là thợ gốm, là Đấng đã dựng nên muôn loài vạn vật có hơi thở...", tương tự như câu Thánh kinh ê sai 64:8. Tôn giáo độc thần của người cổ Trung hoa được bảo tồn mấy ngàn năm, sau khi các ngoại giáo du nhập đã bị phân hóa không còn giữ vẹn tính cách uy nghiêm như thời thượng cổ.
Không phải chỉ nền văn hóa cổ Trung quốc và thượng du Việt nam, nhưng rất nhiều di tích văn hóa cổ của các dân tộc Trung đông, các bộ lạc da đỏ (American Indian), các bộ lạc Samoan ở úc châu và Tân Tây lan, Polynesian ở các quần đảo của Thái bình dương vẫn còn giữ tích cách nguyên thủy, đều có chung những câu chuyện sáng tạo vũ trụ và con người tương tự như trong những đoạn đầu của sách Sáng thế ký. Không thể do ngẫu nhiên mà các dân tộc ở rải rác trên cả trái đất lại có cùng chung một câu chuyện sáng tạo. Đó chắc hẳn là những bằng chứng sống động cho thấy loài người và vạn vật có một nguồn gốc chung.
3- Kết luận
Trong khi Lão Giáo và Phật Giáo cho rằng vũ trụ này tự tồn tự tại, nghĩa là không có sự bắt đầu và do đó không có Đấng Tạo Hóa, khoa học hiện đại và những nền văn hóa cổ xưa của nhân loại hàm ý vũ trụ có một ban đầu. Điều này hoàn toàn phù hợp với mặc khải về sự tạo dựng vũ trụ bởi Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.
Thế giới và con người được dựng nên theo hoạch định của Thượng đế. Thiên Chúa trong thuở khai thiên lập địa đã cho con người có khả năng thông công trực tiếp với Ngài. Thế nhưng tội lỗi và sự tự do buông thả đã cướp đi của con người khả năng thiêng liêng đó. Khi tội lỗi bành trướng, con người khước từ chính Thượng đế là Đấng sinh thành ra mình. Để nối lại mối thông công này, chính Ngôi hai Thiên Chúa, tức Ngôi Lời, đã trở nên xác thịt để chết thế đền tội cho con người, hầu cho hễ ai tin nhận Ngài thì được sự sống đời đời, tức trở nên con cái Đức Chúa Trời và ở trong sự thông công mật thiết với Ngài.
ân-Điển Nguyễn, Ph.D.
Tài Liệu Tham Khảo
Hoàng Trọng Miên, "Việt nam Văn Học Toàn Thư"
Kang, C.H., Nelson, E., "The discovery of Genesis"
Nguyễn Hiến Lê, "Lão Tử - Đạo Đức Kinh"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!