Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

Làm Gì Trong Cơn Giông Tố

Chưa bao giờ người Mỹ nói nhiều đến Đức Chúa Trời và cầu nguyện với Ngài nhiều như lúc nầy. Một biến cố đau thương chưa từng có đã đổ ập xuống nước Mỹ cách bất ngờ trong ngày 11 tháng 9 năm 2001 vừa qua, một ngày không ai ở Mỹ có thể quên. Trong suốt mấy ngày liên tiếp tôi ngồi dán mắt vào máy truyền hình để theo dõi chương trình đặc biệt "Attack On America" chiếu đi chiếu lại hình ảnh hai chiếc máy bay chỡ hành khách do bọn khủng bố cướp được lái đâm thẳng vào hai toà nhà cao lớn của World Trade Center ở Nữu Ước, một nơi mà hàng ngày có khoảng 50 ngàn người đang làm việc tại đó. Cũng trong ngày này một chiếc máy bay khác đâm vào Ngũ Giác Đài, trụ sở của Bộ Quốc Phòng Mỹ; một chiếc máy bay khác cũng bị cướp nhưng không bay tới đích. Tất cả 266 người trên các máy bay đó đều chết. Hàng ngàn người chết dưới đống đổ nát, hàng ngàn người bị thương...ở Nữu Ước. Nước Mỹ rúng động, thế giới rúng động. Người ta nhắc đến biến cố Trân Châu Cảng mới đã xảy ra ngay trên đất Mỹ, và một cuộc chiến tranh mới của thế kỷ 21 đang xảy ra ngay trên đất nước thanh bình to lớn nầy. Đời sống nước Mỹ và người Mỹ không còn như trước nữa.


Tôi nghe Tổng Thống George W. Bush kêu gọi cầu nguyện cho nạn nhân và gia đình của họ và ông trưng dẫn lời khích lệ của Thi Thiên 23 trong Thánh Kinh, "Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào vì Chúa ở cùng tôi." Tôi đã nghe cả Quốc Hội Mỹ đứng chung nhau hát bài "God Bless Ameria" và cả Quốc Hội họp lại để cùng cúi đầu cầu nguyện dưới sự hướng dẫn của Mục sư Tuyên úy Quốc Hội. Tổng Thống Bush cũng công bố ngày Thứ Sáu 14 tháng 9 là ngày Cầu Nguyện Toàn Quốc và kêu gọi toàn thể dân Mỹ tham gia. Tôi có tham dự buổi cầu nguyện chung của các Hội Thánh Báp-tít Mỹ nhóm lại tại Park Cities Baptist Church of Dallas để cầu nguyện đặc biệt cho nước Mỹ, và dân Mỹ trong biến cố nầy.

Câu hỏi được đặt ra là chúng ta sẽ làm gì trong cơn bão tố, chúng ta sẽ có thái độ nào trước những cơn thử thách bất ngờ xảy đến trong cuộc đời chúng ta?

Có nhiều người nghĩ rằng tin Chúa, theo Chúa nghĩa là đương nhiên sẽ có đời sống vui tươi, thịnh vượng, bình an, sung sướng, bốn mùa chỉ có mùa xuân...an nhàn. Đức Chúa Trời không hứa với chúng ta như vậy. Chúng ta đang sống trong một thế giới đã bị ô nhiểm của tội lỗi. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi thứ phước thiêng liêng từ trên trời (ê-phê-sô 1:3), Ngài hứa ở cùng chúng ta luôn cho đến tận thế và Ngài cũng hứa cung cấp mọi nhu cầu vật chất cho chúng ta (Phi-líp 4:19). Nhưng Ngài không hứa với chúng ta là tin Chúa và theo Chúa sẽ không gặp khổ nạn, khó khăn, sóng gió. Kinh nghiệm bình thường của con cái Chúa là khổ nạn, là khó khăn, là sóng gió. Đây là điều mà Sứ đồ Phao-lô ngụ ý đến khi ông nói rằng là tín đồ của Chúa chúng ta có thể gặp khổ nạn: "Vì cớ Chúa chúng tôi bị giết cả ngày, chúng tôi bị coi như chiên được đem đến lò sát sinh" (Rô-ma 8:36; xem 1 Phê-rơ 1:6-7). Dĩ nhiên, chúng ta không phải không trông mong và cảm tạ Chúa về những giờ phút thỏa mái sung sướng...nhưng đừng vội nghĩ rằng hoạn nạn, khó khăn là do mình thiếu ơn của Chúa, hoặc Chúa đã bỏ rơi mình. Nếu vậy thì chúng ta buộc phải kết luận rằng Sứ đồ Phao-lô đã bước ra khỏi ý Chúa khi ông gặp thiếu, đói, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo (Phi-líp 4:12).

Trong những hoàn cảnh khó khăn xảy đến cho đời sống chúng ta, đó là lúc chúng ta biết Chúa rõ hơn, kinh nghiệm về Chúa nhiều hơn và đức tin chúng ta trưởng thành hơn. Đây chính là kinh nghiệm của các môn đồ vào một đêm kia khi họ vượt qua hồ Ga-li-lê cùng với Chúa trên một chiếc thuyền nhỏ. Trong khi Chúa đang nằm ngủ đàng sau lái, sóng to gió lớn nỗi lên, các môn đồ hoảng sợ kêu cứu, Ngài thức dậy khiến biển yên sóng lặn và qua phép lạ nầy, các môn đồ Chúa đã học được những bài học quí báu về Chúa. Đây cũng là những bài học thực tế trong đời sống đức tin theo Chúa hôm nay.

Đức Chúa Giê-xu Christ là bậc thầy giáo dục. Sau khi dạy lý thuyết về đời sống đức tin, tin Chúa, theo Chúa, làm con của Chúa, Ngài đem ra áp dụng vào thực tế cuộc sống. Theo Chúa là một từng trải thực tế trong đời thường, là một cuộc hành trình có mục đích đi lên núi cao dù có đôi khi đi xuống thung lũng. Theo Chúa là một đời sống sống bởi đức tin dựa trên lời hứa Chúa, không dựa trên cảm giác hay trên những điều tai nghe mắt thấy. Bởi vì Chúa là thật, Ngài hiện thực nhưng vô hình, Ngài phán nhưng không nghe tiếng nói, Ngài ở bên cạnh nhưng ta không rờ đụng được. Ngày nay chúng ta cũng phải vận dụng đức tin để sống và đó là đặc điểm của những người tin cậy Chúa để tiếp tục theo Ngài.

Qua phép lạ nầy, chúng ta có thể biết chắc rằng sóng gió có thể xảy đến với đời sống chúng ta nhưng chúng ta cũng có thể biết chắc ít nhất có ba nguyên tắc để làm yên sóng gió.

1. Nhìn xem gương của Chúa

Chúa Giê-xu đã nêu cho chúng ta hai gương thật quí khi từng trải sóng gió trong đời. Thứ nhất, khi ở trên đất, Ngài cũng từng trải kinh nghiệm yếu mệt y như chúng ta thường từng trải. Chúa Giê-xu tận dụng hết thời gian Ngài có trên đất để hoàn thành công tác và chương trình một ngày làm việc của Chúa rất bận rộn. Ngài giảng dạy và phục vụ dân chúng suốt ngày (Mác 4:1) và Ngài mệt mỏi đến mức ngủ vùi trên khoang thuyền trong lúc nước biển dập dồi giữa trời đêm sóng gió.

Chúa Giê-xu là Trời thật và là Người thật. Ngài vào đời như một em bé nằm trong máng cỏ, Ngài lớn lên như một thiếu niên học giỏi Kinh Thánh và tò mò khám phá thế giới chung quanh khi người ta thấy Ngài trong đền thờ đặt câu hỏi và trả lời. Ngài mệt và khát nước khi người ta thấy Ngài ngồi nghỉ trưa bên bờ giếng và xin một người đàn bà Sa-ma-ri cho uống nước. Người ta cũng thấy Ngài khóc bên ngôi mộ của một người bạn thân mới chết và trên biển hồ Ga-li-lê đêm nay, ngay ở đây Ngài đang ngủ đàng sau thuyền vì mệt mỏi sau một ngày dài làm việc.

Tác giả thư Hê-bơ-rơ đã khẳng định: "Chúng ta không phải có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội" (Hê-bơ-rơ 4:15).

Thứ hai, Chúa đã nêu gương sống đức tin phó thác cho chúng ta. Khi các môn đồ chèo thuyền có Chúa đi cùng băng qua hồ Ga-li-lê thì sóng gió nỗi lên. Đây là cơn gió mạnh thường thổi qua hồ và các môn đồ vốn là ngư phủ đã từng quen thuộc. Nhưng đêm hôm đó, cơn gió nầy quá lớn và sóng thật to ngập tràn chiếc thuyền nhỏ bé đến nỗi các môn đồ lo sợ không an toàn mạng sống.

Hình ảnh nầy khiến tôi nhớ đến cuốn phim Thirteen Days nói về vụ khủng hoảng quốc tế năm 1962 khi Nga đem hoả tiển nguyên tử đặt ở Cu-ba chỉa mũi hướng đến Hoa Kỳ. Lúc đó Tổng thống J. F. Kennedy và cả nội các đã thức trắng đêm để giải quyết. May thay sự việc đã chấm dứt trong 13 ngày và Nga đã cho rút hoả tiễn về nước. Nhưng với hình ảnh sau đó trong văn phòng của vị cố vấn chính trị cho Tổng thống, tôi thấy ông thẫn thờ cầm tấm gỗ có khắc dòng chữ: "Oh God, thy sea is so great but my boat is so small!" (Lạy Chúa, đại dương của Chúa mênh mông quá, còn chiếc thuyền của con thì thật mong manh).

Tôi tin rằng ai trong chúng ta cũng có những giờ phút thốt lên như thế khi đứng trước những sóng to gió lớn của cuộc đời. Đó cũng là lý do Chúa cho phép sóng gió nỗi lên trong đời sống để chúng ta biết mình là ai và Chúa là ai. Đó cũng là thời điểm chúng ta ý thức được ý nghĩa của sự thái an, ý nghĩa của một đời sống có Chúa, cần Chúa.

Ngay trong lúc bão tố sóng gió như thế mà Chúa Giê-xu vẫn bình an ngon giấc. Ngài dạy về đức tin và Ngài sống thực đời sống đức tin. Đây là loại đức tin yên tâm phó thác, loại đức tin yên tâm tin rằng Đức Chúa Trời vẫn ở cùng chúng ta, không bỏ chúng ta, Ngài là Đấng Toàn Năng, không việc gì Chúa không làm được, và Ngài là Đấng khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ngài. Vấn đề quan trọng hôm nay là trên chiếc thuyền đời của mình chúng ta phải bảo đảm có Chúa đi cùng. Nếu bạn chưa mời Chúa đi cùng, ở cùng, hãy làm điều đó ngay hôm nay.

2. Tin tưởng quyền năng của Chúa

Trong cơn bão tố cuộc đời chúng ta có gương an tâm của Chúa nhưng chúng ta cũng có gương khích lệ về quyền năng của Chúa. Chính trong những bão tố cuộc đời chúng ta mới thường kinh nghiệm quyền phép của Chúa. Đó là thứ quyền phép quan tâm chăm sóc cho chúng ta. Đó là thứ quyền phép xảy đến khi chúng ta "tận nhân lực mới tri thiên mệnh" nghĩa là khi chúng ta hoàn toàn bất lực không nhờ cậy sức riêng được nữa thì Chúa ra tay.

Các môn đồ của Chúa là những ngư phủ dạn dày kinh nghiệm, trước đây họ đã gặp bão, họ biết rõ hồ Ga-li-lê, họ đánh cá hằng ngày tại đó, họ có nhiều kinh nghiệm đi biển, nhưng lúc nầy tất cả những kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ không giúp gì cho họ được. Trong lúc lâm nguy họ có cảm tưởng Chúa không chăm lo cho họ, họ phát biểu, "Chúa không lo gì chúng tôi sao?" Thực ra Chúa đang làm chủ hoàn cảnh, Ngài lo cho họ, họ đang có Chúa ở bên cạnh, sự hiện diện của Ngài là một đảm bảo yên tâm cho mọi thử thách. Sứ đồ Phi-e-rơ đã kinh nghiệm sâu sắc sự chăm lo của Chúa đến nỗi sau nầy ông viết lời khích lệ trong thư tín của ông gởi các tín hữu, "Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Chúa vì Ngài luôn chăm sóc anh em" (1 Phê-rô 5:7). Chữ chăm sóc nầy giống y như chữ chăm lo mà các môn đồ đặt ra với Chúa trong cơn bão biển.

Điều quan trọng nhất trong khi gặp bão là ý thức sự hiện diện chăm sóc của Chúa bên cạnh chúng ta. Có lẽ chúng ta sẽ có cảm tưởng như Ngài ngủ hoặc Ngài không quan tâm, nhưng Chúa Giê-xu không thay đổi, Ngài chẳng lìa chúng ta, chẳng bỏ chúng ta. Dù người đàn bà quên cho con mình bú, Chúa không quên chúng ta.

Các môn đồ chẳng những kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa ngay lúc có cần, họ còn kinh nghiệm nhìn thấy quyền năng của Chúa thi thố trên sóng biển và gió bão. Họ đã thấy Chúa có quyền trên bệnh tật, trên quĩ dữ, nhưng họ chưa hề biết Chúa có quyền trên thiên nhiên. Ngài là Chúa của Hoàn vũ đang ở giữa họ mà họ không biết. Chúa đứng dậy phán cũng gió và biển rằng, "Hãy yên đi, lặng đi." Tức thì gió yên sóng lặng. Có người nhận xét thật ra có hai phép lạ xảy ra ở đây cùng một lúc: 1. phép lạ làm cho gió yên; 2. phép lạ làm cho biển lặng tức thì.

Tôi kinh nghiệm phép lạ nầy khi tôi ở trong tù và nghe được tiếng Chúa phán qua lời Kinh Thánh, "Việc ta làm bây giờ con chưa biết nhưng về sau con sẽ biết." Ngay khi đọc được lời nầy, tôi sung sướng đến đổ nước mắt ra và một sự bình an "vượt quá mọi sự hiểu biết" tràn ngập tâm tư tôi, từ đó cho đến hôm nay.

3. Lắng nghe lời chỉ dạy của Chúa
Sau khi nghe Chúa Giê-xu quở trách: "Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?" Kinh Thánh chép, "Các môn đồ kinh hãi lắm nói với nhau rằng: Vậy thì người nầy là ai mà gió và biển cũng đều vâng lịnh người?"

Chữ kinh hãi ở đây có nghĩa gì? Có phải là các môn đồ cứng lòng không chịu nghe lời khuyên dạy vừa rồi của Chúa không? Không phải vậy!

Chữ kinh hãi ở đây đồng nghĩa với chữ kính sợ Chúa và kinh ngạc trước sự hiện diện và quyền phép của Ngài. Đây là kết quả của một nhận thức mới khi một người nhìn thấy việc Chúa làm, và biết Chúa là ai. Đây là kết quả của một thái độ tôn sùng kính sợ khi đụng chạm đến quyền năng của Chúa. Sự kính sợ nầy phát xuất từ chỗ thật lòng và liên tục nhận biết Chúa là ai đồng thời sống kỉnh kiền trong sự hiện diện của Ngài trong từng giây phút của đời sống mình. Một sự kính sợ như thế không đẩy chúng ta xa khỏi Chúa, trái lại nó giữ chúng ta khỏi tình trạng quen lờn "gần chùa kêu bụt bằng anh" hoặc "quen quá hóa lờn." Sự kính sợ nầy giúp chúng ta cảnh giác, tỉnh thức, tích cực trước sự hiện diện vô hình nhưng có thật và luôn luôn thường trực trong đời sống chúng ta. Đức Chúa Trời muốn chúng ta có sự kính sợ đó. Tác giả Thi Thiên luôn ca ngợi sự kính sợ nầy (Thi Thiên 111:10; 112:1-2; 128:1-4).

Bài học thứ hai Chúa dạy các môn đồ liên quan đến đức tin. Kinh Thánh không hề chép chỗ nào Chúa quở trách một người có quá nhiều đức tin. Chúa khen ngợi những người có đức tin lớn. Nhưng Ngài thường quở trách người thiếu đức tin, ít đức tin hay yếu đức tin. Cũng trong câu chuyện nầy, Sứ đồ Ma-thi-ơ chép lời Chúa trách, "Hỡi kẻ ít đức tin kia..." Chúa muốn chúng ta có đức tin lớn nơi một Đức Chúa Trời vĩ đại. Mác thì chép về thái độ kinh ngạc của các môn đồ, "Người nầy là ai?" Đây là loại đức tin thông minh sáng suốt ý thức đến đối tượng đức tin. Chúa muốn chúng ta biết Chúa là ai, Ngài đã làm gì cho chúng ta và Ngài muốn chúng ta làm gì. Bác sĩ Lu-ca thì chép lời Chúa quở trách, "Đức tin các ngươi ở đâu?" (Lu-ca 8:25). Điều nầy hàm ý đức tin chúng ta phải hiện thực, hiện tại, hiện nay. Chúng ta không thể sống với đức tin của quá khứ hay của tương lai. Đức tin có giá trị là đức tin trong hiện tại, đức tin vững vàng ngay trong cơn bão tố. Đức tin hiện thực phải đặt nơi Đức Chúa Trời hiện thực. Đây là loại đức tin của bản thân mỗi người ngay trong hiện tại nơi một Đức Chúa Trời hiện đang sống và hằng sống. Sự ác vẫn đang hoành hành nhưng Đức Chúa Trời vẫn hằng sống và đang kiểm soát thế giới. Thiện sẽ thắng ác, công bình thắng bất công, ánh sáng thắng bóng tôi và tình thương thắng hận thù. Đó là những điều chúng ta phải tin và sống theo đức tin đó. Chỉ có đức tin đặt đúng đối tượng, đúng giữa nơi nghịch cảnh và ngay trong khi gặp nghịch cảnh mới là loại đức tin Đức Chúa Trời tôn quí.

4. Kết luận

Nước Mỹ đang đối diện với cơn sóng gió chưa từng có. Đời sống chúng ta có thể đối diện với những thử thách bất ngờ xảy đến. Sự ác và người ác vẫn đang hiện diện. Ngày nay khi những khó khăn, thử thách, nghịch cảnh bao phủ ngập tràn hòng lập úp con thuyền đời chúng ta trong cơn bão tố, chúng ta phải làm gì?

Chúng ta hãy nhìn xem gương Chúa Giê-xu. Ngài đã chọn con đường thập giá, Ngài tự nhận thân phận một thống khổ nhân. Ngài sống trọn vẹn lý tưởng Cứu người. Khi chúng ta khổ là Chúa cùng chịu khổ với chúng ta. Ngài đang đi cùng chiếc thuyền của chúng ta.

Hãy lắng nghe tiếng nói mạnh mẽ nhưng dịu dàng quyền phép của Ngài, "Hãy yên đi, lặng đi." "Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời." Hãy sống có ý thức từng giờ từng phút trong sự hiện diện của Ngài và trong quyền phép vô biên của Ngài. Chúng ta cần tỉnh thức và cầu nguyện.

Hãy can đảm, tin cậy Chúa quyền năng và thành tín có thể làm trỗi hơn vô cùng mọi điều chúng ta cầu xin và suy tưởng. Những thái độ và niềm tin như thế chắc chắn làm yên lặng mọi cơn sóng gió của cuộc đời. Xin nhớ, sóng gió không phải bốn mùa liên tục xảy ra, sóng gió dù lớn đến đâu rồi cũng qua. Chúa vẫn còn nguyên, lời Chúa vẫn còn nguyên và đó là niềm hy vọng của chúng ta giữa thế gian đầy sóng gió nầy. A-men.

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!