Vào lúc 8 giờ 45 phút sáng Thứ Ba, 11 Tháng Chín, năm 2001, một chiếc máy bay hành khách của Mỹ đã bị bọn không tặc cướp lái đâm vào một trong hai tòa cao ốc 110 tầng của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại thành phố New York. Chẳng bao lâu một chiếc máy bay khác bay đâm ngang vào toà nhà còn lại, làm bốc cháy và làm sụp tòa nhà to lớn nầy. Tòa nhà kia cũng sụp xuống hoàn toàn ngay sau đó. Một thời gian sau, một chiếc máy bay khác cũng bị bọn không tặc cướp vào Trụ sở Ngũ Giáo Đài ở thủ đô Washington D.C.làm sụp một góc trong năm góc của toà nhà kiên cố nầy.
Cũng trong buổi sáng nầy, một chiếc khác cũng bị cướp nhưng đã rơi xuống một vùng không người ở tại Pittsburgh, Tiểu Bang Pennsylvania. Tất cả các hành khách gồm 266 người trên những chiếc máy bay nói trên đều tử nạn. Ở Nữu Ước và ở Washington D.C. gần sáu ngàn người chết, mất tích và nhiều người khác bị thương. Những người lính chữa lửa, những người cảnh sát, những bác sĩ y tá ra sức làm việc để tìm cách cứu giúp các nạn nhân. Những tiếng kêu Cứu, những cuộc phỏng vấn, những cuộc tìm kiếm, những thông tin của giới truyền thông vang lên và lan ra nhanh chóng. Tất cả các phi trường khắp nước đều đồng loạt đóng cửa. Thị trường chứng khoán đình trệ. Toà Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài và tất cả các cơ quan chính phủ tại Washington D.C được lệnh tạm thời đưa các nhân viên ra khỏi văn phòng. Các nhà thờ tổ chức những buổi cầu nguyện. Mọi người đang ngước mắt lên trời kêu Cứu và tìm kiếm niềm hy vọng.
Biến cố bi thương chưa từng có nầy đã làm cho cả nước Mỹ hùng cường, an ninh bật nhất bị thương tổn trầm trọng và làm cho nhân dân Mỹ cùng nhân loại bàng hoàng sững sốt. Hình ảnh của những chiếc máy bay đâm vào những tòa cao ốc được chiếu đi chiếu lại trong nhiều khía cạnh, chẳng những làm cho người ta sững sốt, buồn bã, phẫn nộ nhưng cũng làm cho người ta lo âu về tình trạng an ninh trong thời đại tân tiến nầy. Tiền bạc giàu có, khoa học tiến bộ, khí giới tối tân, tri thức vượt bực đã lúng túng thấy rõ trước biến cố mới và không làm cho người ta yên tâm. Thời gian trôi qua...Trên màn ảnh truyền hình, tôi thấy lần lượt hiện lên những dòng chữ: AMERICA ATTACKED, AMERICA WOUNDED, AMERICA PRAY AND REMEMBER, AMERICA UNITED, AMERICA RISING... Nhân dân Mỹ ra sức cầu nguyện và ủng hộ chính phủ đối phó với tình trạng chiến tranh khủng bố. Nhiều người tự nguyện hiến máu, ủng hộ tài chánh cho các cơ quan thiện nguyện. Ai nấy đều muốn đóng góp một chút gì cho đất nước đã từng cưu mạng và bảo vệ tự do cho họ. Bây giờ người ta đang nói đến sự tự do phải trả giá đắc. Nước Mỹ đang phục hồi dần. Nước Mỹ đã đoàn kết lại và đã mạnh mẽ hơn.
Tôi tự hỏi, "Điều gì đã làm cho nước Mỹ vĩ đại?"
Câu trả lời không phải là tiền bạc, vũ khí, kỹ thuật cao... Câu trả lời nằm ở những giá trị thiêng liêng nhất mà những nhà sáng lập nên nước Mỹ đã trân trọng và gìn giữ. Những giá trị nầy được gói ghém trong mấy chữ "IN GOD WE TRUST."
Trên tất cả những tờ đô-la Mỹ, từ 1 đô-la cho tới 100 đô-la, mọi người đều thấy dòng chữ IN GOD WE TRUST (Chúng tôi tin cậy Đức Chúa Trời). Trong những lúc bình yên, thịnh vượng có nhiều người chỉ nghĩ đến việc làm ra thật nhiều tiền, hoặc tích lũy thật nhiều tiền và không để ý đến dòng chữ nầy in trên đồng đô-la mình đang sử dụng mỗi ngày. Chính trong những lúc gặp sóng gió, thử thách và khổ nạn người ta mới ngước lên để tìm kiếm Chúa và thấy giá trị của sự tin cậy Chúa thay vì tin cậy chính mình. Chưa bao giờ người Mỹ thức tỉnh, kính sợ và kêu cầu Đức Chúa Trời nhiều cho bằng trong lúc nầy. Cũng chưa bao giờ người Mỹ nghĩ nhiều đến sự an ninh của bản thân, của gia đình và của đất nước cho bằng trong lúc nầy. Người Mỹ đang tỏ ra sự tin cậy Chúa là Đấng mà tổ phụ của họ đã tin cậy từ ngày lập quốc đến nay. Đây chính là điều đã làm nên sức mạnh của người Mỹ và nước Mỹ.
Tôi có nhận được một email của một Mục sư người Mỹ, trong đó ông nhắc đến mấy điều dường như trùng hợp. Biến cố ở New York và Washington D.C xảy ra vào đúng ngày 9 tháng 11 (người Mỹ thường để tháng trước ngày là 9/11), vào khoảng 9 giờ 11 phút. Con số 911 là số điện thoại kêu Cứu khắp nước Mỹ. Và ông kêu gọi mọi người hãy mở Thi Thiên 91 câu 1 để đọc Lời Chúa và tìm được an ủi. Thi Thiên 91 câu 1 chép rằng, "Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng. Tôi thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Ngài là nơi nương náu của tôi và là đồn lũy tôi, Ngài cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy nơi Ngài."
Hai ngày sau đó, tôi được mời đến tham dự buổi lễ Cầu Nguyện cho quốc thái dân an tại một nhà thờ lớn của người Mỹ tại Dallas. Nhà thờ Park Cities Baptist Church. Hiện diện có lãnh đạo của 11 giáo phái Tin Lành và Công Giáo cùng hàng ngàn tín hữu nhóm lại để cầu nguyện. Tất cả cùng nghe và cùng đọc những đoạn Kinh Thánh nói đến sức mạnh của Chúa (The strength of God), công lý của Chúa (The justice of God), sự bảo đảm của Chúa (The assurance of God), những lời hứa của Chúa (The promise of God) và sự tiếp trợ của Chúa (The provision of God). Rồi tất cả những người tham dự đều chia ra thành những nhóm nhỏ và lần lượt cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo (praying for our leaders), cho những nạn nhân và gia đình của họ (praying for victims and their families), cho những người đang phục vụ như lính chữa lửa, cảnh sát, bác sĩ, y tá, nhân viên... (praying for those who minister), cho sự bảo vệ đất nước bình an (praying for the protection of our nation) và cho những kẻ thù của đất nước chúng ta (praying for the enemies of our nation). Tôi còn nhớ vị Mục sư hướng dẫn đọc đến câu Kinh Thánh nhắc lại lời dạy của Chúa Cứu Thế, "Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác" (Ma-thi-ơ 5:44-45). Ai nấy cùng đồng lòng cầu nguyện cho kẻ thù nhưng rồi không biết cầu nguyện gì, cầu nguyện như thể nào. Một người Mỹ trong nhóm của chúng tôi cất tiếng, "Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cách cầu nguyện cho kẻ thù như thế nào..." và anh yên lặng. Tôi lướt qua trong trí những ý nghĩ về những người tội lỗi, làm việc tội lỗi, họ là nạn nhân của hận thù, họ cố tình và chủ ý gây ra sự ác, giết hại người khác. Tôi cầu nguyện để xin Chúa xét xử công bình những người làm ác, mở mắt mở lòng những người đang âm mưu làm ác sẽ ăn năn, từ bỏ ý định làm ác của mình. Tôi cầu nguyện xin Chúa thương xót những người thù nghịch và nhớ lại Chúa Giê-xu cũng đã bị chính những kẻ thù nghịch cố tình giết chết Ngài. Đức Chúa Trời vẫn là Đấng tể trị mọi sự, Ngài đã biến ý định xấu xa của kẻ thù trở thành điều ích lợi của nhiều người. Đức Chúa Trời cũng đang biến mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ngài. Ngài đang gióng những tiếng chuông lớn làm chúng ta tỉnh thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!