Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Trái Bình Bát

Trong số báo vừa qua, phần câu đố
Kinh Thánh, có câu:
Lời nói hợp lý, hợp tình,
Khác nào mâm bạc, táo vàng đi đôi.
lấy ý từ câu Châm Ngôn 25:11. Một độc giả đã
thắc mắc là chúng tôi diễn ý không sát với lời
trong bản Kinh Thánh “gốc” (thường gọi là bản
dịch Cadman) là: “Lời nói phải thì, Khác nào
trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc”. Chúng tôi
cảm ơn vị độc giả này đã cho chúng tôi có cơ
hội “đụng” tới bản dịch này, bản dịch mà nhiều
người xem rất “thiêng liêng” không dám sửa đổi,
không dám sai đi một nét (các vị này hay trưng
dẫn Khải Huyền 22:18-19).

Thực ra, khi đọc tới những câu Kinh
Thánh có trái bình bát trong bản dịch Cadman
như Nhã Ca 2:3; 7:8; 8:5; Châm Ngôn 25:11..
chúng tôi không khỏi không tức cười:
Ai người có óc hoạt kê,
Đem cây bình bát trồng về Trung Đông.
… vì tại Trung Đông không thể có bình bát.
Xem nguyên tác bằng tiếng Hêbơrơ thì
Câu Châm Ngôn 25:11 này so sánh lời nói như
trái tappu’ach. Trái tappu’ach được các bản
dịch Anh ngữ đều dịch ra là APPLE, các bản
dịch tiếng Pháp là POMME, các bản dịch Hoa
ngữ gọi là Tần (hay Bình) Qủa 苹果. Trong
website: www.mechonmamre.org/p/pt/pt2825.htm
chúng ta có thể tìm thấy câu Kinh Thánh này
bằng tiếng Hebrew và nhóm người Do Thái chủ
trương đã dịch ra Anh ngữ: “A word fitly
spoken is like apples of gold in settings of
silver” (Một lời nói thích nghi như táo bằng
vàng đặt trong bối cảnh bằng bạc). Bối cảnh đó
có thể là bức tranh, cái mâm, cái rổ, cái lưới, cái
đĩa…
Cây bình bát thường mọc hoang ở các
vùng đầm lầy. Ở Miền nam Việt Nam, người ta
thấy bình bát mọc nhiều tại các bờ kinh rạch
nhất là tại Cà Mau. Có tài liệu viết bình bát
cũng mọc nhiều tại Quảng Ninh... Bình bát
(Annona glabra), cùng họ hàng với mãng cầu
xiêm (Annona muricata), mãng cầu dai hay trái
na (Annona reticula). Nhiều vùng còn gọi trái
bình bát là quả NÊ (có lẽ vì họ hàng với NA).
Vào khoảng những năm 1960, 1970 có người
tháp nhánh mãng cầu xiêm vào gốc bình bát để
có trái nhanh. Ở Úc châu, người ta đang lo ngại
nạn bình bát, vì nó lan tràn quá nhanh và khó
diệt. Vùng đầm lầy Everglades thuộc tiểu bang
Florida cũng có nhiều bình bát. Lắm người
thuộc tiểu bang này, nhiều khi ra chợ tưởng mua
trái na, không ngờ về ăn mới biết là mua nhầm
nê vì mùi nó hăng hắc, lạt lẽo, không ngọt thơm
như na (Na thường có hình dạng thon tròn như
trái tim, còn nê thì dài và có khi méo). Khác với
mãng cầu, bình bát phẩm chất rất kém, không ai
trân quý nó bao giờ, nên không thể dùng nó để
so sánh với lời nói hợp nghi. Thêm vào đó, cây
bình bát chỉ mọc vùng có nhiều nước, nên không
thể mọc tại vùng Palestine được.
Nói về bản dịch cổ điển của Hội Thánh
Tin Lành là do Giáo sĩ William C. Cadman vào
năm 1921 thành lập một ban phiên dịch Kinh
Thánh ra Việt ngữ mà cụ Phan Khôi đóng góp
nhiều nhất. Cụ Phan Khôi (1887-1959): sanh tại
Điện Bàn, Quảng Nam. Cụ là nhà báo, nhà văn,
nhà thơ có bài Tình Già viết vào năm 1932, nổi
tiếng vì là bài thơ mới đầu tiên trong văn học
VN. Có người còn cho rằng cụ là tác giả bài ca
Lý Lạch rất phổ thông tại Quảng Nam:
Không đi thì nhớ thì thương,
Đi thì lại mắc cái mương cái cầu.
Không đi thì thảm thì sầu,
Đi thì lại mắc cái cầu cái mương.
Không đi thì nhớ thì thương...
Cụ là một nhà ái quốc, có tinh thần quật
cường bất khuất, thích cải cách, canh tân, luôn
tranh đấu cho dân quyền, đã ngồi tù dưới thời
Pháp thuộc vì chống thuế và bị trù dập trong vụ
án Nhân Văn - Giai Phẩm dưới chế độ Cộng
Sản. Cụ thông thạo chữ Hán và chữ Pháp nên cụ
căn cứ vào các bản dịch Hán và Pháp ngữ để
dịch Kinh Thánh. Bản dịch Việt ngữ này hoàn
tất và in năm 1926 tại Thượng Hải. Không phủ
nhận là bản dịch này có giá trị về lịch sử, về văn
học. Nó là nền tảng, là “gốc” cho niềm tin của
nhiều tín hữu Tin Lành VN từ nhiều thế hệ qua.
Xem xét một cách kỹ lưỡng và khách quan, thì
ngoài những câu dịch rất hay, chúng ta bắt gặp
không ít những câu dịch rất trúc trắc không êm
tai, những chữ Hán Việt không thông dụng,
những chữ xưa hay những từ địa phương của cụ
Phan Khôi mà ngày nay ít người hiểu, những
chỗ sai chính tả như chữ “điều” viết thành
“đều”… Trong khi dịch, gặp chữ Pomme trong
tiếng Pháp, cụ đều dịch là trái bình bát. Có thể
vào thời kỳ này, trái táo tây không phổ thông
nên cụ dùng trái bình bát để mọi người dễ hiểu.
Báo hại người đời sau (nhất là người chỉ biết bản
dịch Cadman) cứ tin tưởng trong Kinh Thánh có
nói về trái bình bát. Bản dịch của Mục sư Lê
Hoàng Phu: “Lời bàn đúng lúc chẳng khác gì
trái táo vàng trên đĩa bạc”; ông Phan Như Ngọc
thì dịch (trong Thi ca Thánh Kinh): “Không gì
quý bằng lời bàn đúng lúc, Như quả táo vàng
trên đĩa bạc mời dâng.” Theo Bản Dịch Mới
(BDM) xuất bản gần đây nhất dịch là: “Lời nói
đúng lúc, Khác nào trái táo vàng để trên đĩa
bạc.” (www.nvbible.com có trọn bộ Kinh
Thánh BDM này.)
Gần đây, các nhà giải kinh không đồng
ý nhau về việc dùng trái Apple dịch cho
Tappu’ach. Có nhiều người cho rằng chữ
Hêbơrơ này phải dịch là Apricot (trái mơ) hoặc
Quince (trái mộc qua: giống trái táo apple,
nhưng to hơn, có nhiều hạt và phải nấu lên mới
ăn được).
Chúng tôi tin rằng những bản dịch càng
về sau càng chính xác hơn vì ban biên soạn góp
nhặt kinh nghiệm từ những người đi trước, tìm
cách đọc nguyên tác bằng tiếng Hebrew khi dịch
Cựu ước và tiếng Hy lạp (Greek) khi dịch Tân
ước. Nhất là ngày nay, phương tiện internet
giúp mọi người có thể học hỏi chính xác, dễ
dàng và thú vị hơn.
NSM, Số 167-168

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!