Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Giông Tố

Chỉ trong vòng 6 tuần lễ thuộc tháng 8-
9 năm 2004 này mà tiểu bang Florida được mọi
người nhắc tới vì bị 4 cơn giông tố (Hurricane)
tới viếng (Charley, Frances, Ivan, Jeannie).
Nhiều thành phố nằm trên đường đi của cơn bão
bị hư hại nhiều. Vùng Lake Wales (phía nam
Orlando) là giao điểm của 3 trận bão lớn nên bị
tàn phá thảm hại. Mùa giông tố năm nay làm
Florida thiệt hại trên 25 tỉ Mỹ kim. Xứ Haiti bị
đánh tơi bời hoa lá với lối 250 ngàn người
không có chỗ ở, trên 1500 người chết, trên một
ngàn người mất tích vì nằm ngay trên đường đi
của nàng Jeannie.

Nguồn gốc của những trận giông tố này
là vào mùa hè, nhiệt độ ở xung quanh vùng xích
đạo tăng lên nhanh, nồng độ carbon dioxide lên
cao, áp suất không khí quá chênh lệch giữa địa
cực và xích đới tạo ra cơn gió lốc nhiệt đới
(tropical cyclone). Gió chuyển động nhanh từ
ngoài vào trung tâm như chong chóng, mang
theo mưa to gió lớn, sấm sét, và có khi tạo ra
sóng lớn (tidal waves). Lốc quay ngược chiều
kim đồng hồ ở Bắc bán cầu, quay thuận chiều
kim đồng hồ ở Nam bán cầu. Chữ nho gọi cơn
gió lốc này là “toàn phong: 旋風”. Toàn phong
xảy ra tại Đại Tây dương, vịnh Mễ Tây Cơ và
vùng biển Caribbean thì gọi là Hurricane trong
tiếng Anh (vì người thổ dân vùng Caribbean gọi
là Hurican hay Furacan); trong khi đó nếu toàn
phong bắt nguồn từ bắc Thái Bình dương hay
tàn phá các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt
Nam, thì gọi là Typhoon (là âm “tàifúng” do
người Quảng Đông đọc chữ 大風 “đại phong” mà
ra. Có lẽ khi loại giông tố này xảy ra, người
Quảng Đông vừa chạy vừa la: “tài phúng lái
a!”). Trong tháng mười năm 2004 này, Nhật
Bản cũng bị một typhoon Tokage thăm viếng và
phá phách. Muốn được xứng danh gọi là
Hurricane thì vận tốc gió phải trên 74 dậm Anh
mỗi giờ. Người ta lại phân cấp (categories) như
từ 74-95 dậm Anh mỗi giờ là cấp 1 có thể làm
một số cây gãy, trốc gốc, mobile home bị lật…
Đến cấp 5 khi vận tốc gió trên 155 dậm Anh một
giờ thì tất cả mọi thứ nó đi qua đều ngã rạp.
Năm 1900, một trận hurricane cùng sóng lớn
đánh vào Galveston, Texas làm 8000 người chết.
Tìm xem nghĩa chữ “giông tố” trong
“Từ Điển Truyện Kiều”, cụ Đào Duy Anh giải
thích: “trận gió lớn có mưa và sấm sét, thường
thì gọi là giông, ở biển thì gọi là tố.” Các nhà
khí tượng học cho rằng những cơn giông tố loại
này rất cần thiết để quân bình nhiệt độ trên địa
cầu, nếu thiếu giông bão thì quả đất sẽ .. thê
thảm hơn!
Luồng gió khi thổi nhẹ làm mọi người
dễ chịu, nhưng khi nó thổi với cao tốc thì sức
mạnh thật kinh hoàng. . Cơn bão đi ngang qua,
như người khổng lồ, sẽ nhổ bật gốc cổ thụ như
chúng ta nhổ cỏ, thổi xập nhà cửa, dinh thự như
trẻ con gạt đổ đồ chơi. Khi chứng kiến, con
người cảm thấy mình thật nhỏ nhoi, yếu đuối,
không ra chi so với sức mạnh thiên nhiên. Các
nhà vật lý thử tính thì ước lượng rằng một cơn
hurricane có thể vận chuyển hơn 60 triệu tấn
nước trong 10 giây, tạo năng lượng hơn cả nước
Mỹ dùng trong một năm. Người kiêu ngạo nếu
có một lần tiếp xúc cùng giông tố sẽ tự khắc xét
mình như sách Êsai (Isaiah) chương 28 (câu 2)
có ghi: “Nầy, từ nơi Chúa có một người mạnh
và có quyền, giống như cơn bão mưa đá, như
trận gió phá hại, như nước lớn vỡ bờ. Người sẽ
lấy tay ném cả xuống đất.” Trong Thi Thiên
107, Mathiơ 8, Mác 4, hay Luca 8 ghi lại Chúa
cai trị, sai khiến được gió bão. Biển hồ Galilê
hay gặp những cơn bão thình lình xảy đến. Kinh
Thánh kể lại câu chuyện Chúa Giê-xu cùng các
môn đồ đang vượt biển. Khi sóng gió nổi lên,
các môn đồ sợ hãi, nhưng Chúa Giê-xu đã quở
gió và biển thì cơn bão liền dứt, im lặng như tờ.
Giông tố không những chỉ tai họa thiên
nhiên đối với con người, mà còn chỉ những đau
khổ trong cuộc sống do người gây ra cho người.
Trường hợp nàng Kiều bị Hoạn Thư hành hạ:
Nữa khi giông tố phũ phàng…
Những trận bão đời có thể do hoạn nạn,
thử thách, những trở ngại trên đời, những hoàn
cảnh trớ trêu, ngang trái, hay sự mất mát người
thân...
Trong tâm hồn mỗi người thỉnh thoảng
có những trận bão lòng với những tâm sự vấn
vương, băn khoăn, khắc khoải; tâm cảnh rối ren
như những đợt sóng liên tục đánh vào. Người ta
có thể bị trận bão lòng khi lọt vào hoàn cảnh bên
hiếu bên tình khó xử:
Lưu ly nửa nước, nửa dầu
Nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên.
Ca Dao
Trận bão lòng cũng có thể do dục vọng,
do lòng tham lam, do sự cám dỗ gây ra.
Cũng như bão tố ngoài trời được xem
như cần thiết để điều hòa nhiệt độ trên quả địa
cầu, những hoạn nạn xảy đến để chúng ta được
trui rèn trong khiêm nhường và chịu đựng thì
không phải là vô bổ. Nhìn lại, chúng ta thấy dù
nghèo hèn hay quyền quí, không ai không có
nan đề, không có đau khổ. Chúng ta tiếp xúc
với nan đề từng giờ, từng phút trong cuộc đời và
Đức Chúa Trời dùng những hoàn cảnh khác
nhau để rèn cá tánh của chúng ta. Khi chúng ta
giải quyết được nan đề này thì nan đề khác lại
đến. Không phải mọi nan đề là lớn và khó xử
nhưng mọi nan đề đều có mục đích cho sự tăng
trưởng của chúng ta. Thánh Phiêrơ nhắc nhở
chúng ta là trong đời sống gặp hoạn nạn, thử
thách là chuyện thường (I Phiêrơ 4:12‐13):
Khi anh em bị trăm bề thử thách
Đừng ngạc nhiên như gặp việc khác thường
(Mà nên mừng vì cùng Chúa đau thương
Ngài trở lại, mang niềm vui tưởng thưởng.)
Đức Chúa Trời dùng hoạn nạn để kéo
con dân Ngài lại gần Ngài như Thi-Thiên 34:18
viết: “Đức Chúa Trời gần với trái tim tan vỡ, Và
có sự thống hối ở tâm hồn”. Chỉ có những lúc
chúng ta thấy đau khổ, cô đơn, không còn chỗ
nhờ cậy là những lúc chúng ta bám víu vào
Chúa; là lúc chúng ta cầu nguyện chân thành
nhất, tha thiết nhất. Không có cách nào “biết”
Chúa hay hơn qua khổ đau!
Khổ nạn giúp chúng ta tìm kiếm Chúa
và vâng phục ý Chúa hơn là tin cậy vào sức
riêng mình (2 Corinto 1:9). Mọi hoàn cảnh dù
tốt hay xấu, thuận lợi hay bất lợi đều giúp ích
cho những người có lòng yêu mến Chúa (Roma
8:28):
Mọi sự đã hiệp lại
Làm ích cho những người
Vâng theo sự kêu gọi
Yêu mến Đức Chúa Trời.
Ông Rich Warren, qua tác phẩm “The
Purpose Driven Life” khuyên chúng ta nhớ tới
ba chữ R khi gặp nan đề:
1. Remember that God’s plan is good
(nhớ rằng chương trình của Chúa tốt
đẹp);
2. Rejoice and give thanks (vui mừng và tạ
ơn);
3. Refuse to give up (Đừng bỏ cuộc).
Nếu phải thêm chữ R thứ tư, thì chúng
ta có thể dùng chữ REST, là nghỉ ngơi trong
Chúa để có sự bình an trong tâm hồn.
Chương trình Chúa luôn luôn tốt đẹp
Hãy vui mừng cảm tạ Chúa luôn
Cứ phấn đấu: xin đừng bỏ cuộc
Rồi bình an sẽ đến tâm hồn.
NSM, Số 167-168

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!