Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

"Tiếng Anh là sự lựa chọn duy nhất!"

"Tôi không đồng tình với một số nội dung mà bà Nguyễn Thanh Huyền (Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT) đưa ra trong bài "Một ngoại ngữ" hay làm nghèo đất nước về văn hoá?" - độc giả Phạm Công Định, Hà Nội tham gia thảo luận.

Việc ôm đồm nhiều ngôn ngữ cần phải tính đến cái gì?

- Kinh nghiệm tổ chức và quản lý ở cấp Bộ, cấp địa phương và cấp trường.

- Số lượng giáo viên có khả năng

- Số lượng giáo viên phải đào tạo lại.

- Số cán bộ quản lý chương trình.

- Đầu tư tài chính và các nỗ lực khác vào việc tổ chức dạy (sách, thi...) và học (phân cấp trường lớp, phân chia học sinh, đánh giá nguyện vọng...)

- Can thiệp chính trị từ bên ngoài.

- Chiến lược phát triển kinh tế dài hạn.

Tôi cảm thấy bà Huyền chưa thực sự suy nghĩ thấu đáo. Bà Huyền cho rằng càng nhiều là càng tốt với 2 lý do: "Về giáo dục, giúp học sinh nhận thức về sự tồn tại của nhiều nền văn hóa hơn".

Điều này, xem ra có vẻ hơi khiên cưỡng. Tiếng Anh là ngôn ngữ chung của cộng đồng quốc tế. Những trao đổi khoa học với các cộng đồng nghiên cứu trên mạng đều dùng tiếng Anh: Trung Quốc, Nhật, Campuchia, Lào, Pháp .... Tước đi của các em khả năng sử dụng tiếng Anh là tước đi quyền được giao lưu với một cộng đồng giáo dục, khoa học kĩ thuật rộng lớn. Như thế, luận điểm của bà Huyền đi ngược với thực tế.

Về mặt chính trị, lý do bài viết đưa ra cũng không thực sự tốt. Chẳng ai lại đi trách móc cái ông muốn học tiếng Anh để hòa nhập với thế giới còn thì chúng ta vẫn có các chuyên gia nói tiếng Pháp giỏi nhất châu Á, văn hóa chúng ta vẫn đậm chất Pháp. Liệu nó có ảnh hưởng đến hợp tác văn hóa hay không không quan trọng bằng việc mở rộng khả năng khai thác các thông tin khoa học, giáo dục và chiến lược phát triển cũng như các thông tin thị trường, hàng hóa, tài chính.

Điều tiếp theo là hệ thống giáo dục chính quy không thể thay thế giáo dục dạy nghề hay thay thế các cơ sở dạy ngoại ngữ bên ngoài. Việc chúng ta cần làm là trên cơ sở các kinh nghiệm dạy tiếng Anh đã có, chúng ta phải sửa sai, phải hiện đại hóa để học sinh sau 12 năm học có thể nói tiếng Anh tốt chứ không bi bét như hiện nay.

Quan niệm "càng biết nhiều ngoại ngữ càng tốt" cho thấy người viết thiên về số lượng hơn là chất lượng. Việt Nam chúng ta cần những cái gạch đầu dòng thực chất hơn gạch đầu dòng để khoe khoang.

Đừng để HS chúng ta sau 12 năm học chỉ có thể phát âm chuẩn được cụm "I love you" bằng 4 ngôn ngữ.

Tôi chỉ muốn nói là chúng ta nên đổi mới tư duy. Giáo dục không chỉ là văn hóa mà còn là chuẩn bị cho các em kĩ năng bài bản nhất, chung nhất để giúp các em sẵn sàng đương đầu với cuộc sống khắc nghiệt trong thế kỉ này chứ không phải là để thỏa mãn ý muốn dị biệt của một số cá nhân.

* Phạm Công Định - Hà Nội

Theo vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!