Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Sự nan giải của Thánh Job

Thưa tiến sĩ Adler,
Theo quan điểm thông thường và lạc quan về mọi sự, người tốt có một đời sống vui vẻ và thành công, trong khi đó người xấu thì khốn khổ. Nhưng không hẳn như vậy, ít ra là không như vậy ở mọi lúc, hay có lẽ không như vậy ngay cả hầu như mọi lúc. Tất cả chúng ta đều biết người tốt chịu đựng đủ thứ cực khổ, và những người xấu thì thành công và sống sung sướng. Làm sao chúng ta tránh được cái nhìn yếm thế về cách thức mà thế gian đối xử với người tốt và kẻ xấu? Và chúng ta sẽ dạy điều gì cho con cái chúng ta về những vấn đề này?


C.L.S

C.L.S. thân mến,

Điều ông nói là đúng. Người tốt thường chịu đau khổ, và kẻ

xấu thường thành công. Hoàn toàn không đúng khi cho rằng những kẻ độc ác luôn luôn bị trừng phạt và những người tốt thì sống huy hoàng. Vì thế chúng ta sai lầm khi dạy cho con cái chúng ta điều không đúng này, không chỉ vì nó không đúng mà còn vì khi chúng trưởng thành và thấy ra sự thật, có thể chúng sẽ trở thành những kẻ yếm thế hoặc những kẻ chuyên tìm kiếm khoái lạc. Ngoài ra, như các nhà hiền triết và các vị thánh đã dạy chúng ta, rằng ủng hộ điều thiện chỉ vì những tưởng thưởng trần tục là điều trái với đạo đức.

Vấn đề bạn nêu lên là vấn đề có thực đối với những ai tin rằng có một trật tự đạo đức trong vũ trụ này. Chỉ đối với họ thế gian mới dường như phi lý và bất công nếu những người vô tội chịu đau khổ và những kẻ độc ác thì thành công. Những ai không tin rằng có bất kỳ trật tự đạo đức nào như vậy trong thế gian có thể tự mình thích nghi một cách khắc kỷ với điều mà họ cho là sự thật cuộc đời. Họ có thể hoặc là họ tìm cách làm điều sai trái và thoát được trừng phạt nếu được, hoặc là cố gắng giữ gìn lịch sự và thanh danh trong một thế giới không tốt đẹp và không thân thiện.

Sách Job(1) là bằng chứng thú vị tuyệt vời trong văn học của chúng ta về sự khó khăn của một người tin rằng trật tự đạo đức là có thật ngay cả khi người vô tội chịu đau khổ và kẻ gian ác thành đạt. Job cho rằng thế gian được điều khiển bởi một Thượng Đế công bằng tuyệt đối. Tuy vậy, dù là một người mộ đạo thánh thiện và luôn làm những việc tốt đẹp, ông vẫn chịu đựng nhiều tai ương nghiệt ngã. Ông bị lúng túng trước số phận dường như trêu cợt niềm tin của ông. Mặc dù vậy ông vẫn giữ vững đức tin vào lẽ công bằng thần thánh và vào sự vô tội của chính ông. Ông bất chấp những lời quở trách của những người bạn tự cho mình là đúng đắn khi họ cho rằng hẳn ông đã làm điều gì đó sai trái mới trở thành nạn nhân của quá nhiều thống khổ.

Có một giai đoạn ông bất bình với Chúa và chống lại ngài. Trong khi thừa nhận sự toàn năng của Chúa, ông nghi ngờ sự công bằng trước những gì xảy đến cho ông. Nhưng sau cùng Job chấp nhận “thử thách” và bí mật của khổ đau với một đức tin tuyệt đối, bất-chấp-tất-cả: “Ngay cả khi ngài giết tôi, tôi vẫn sẽ tin vào ngài.”

Sách Job tùy thuộc vào nhiều cách diễn giải, nhưng nói chung người ta thừa nhận rằng nó dạy chúng ta đừng trông chờ vào những phần thưởng trần tục cho những việc thiện của chúng ta và những hình phạt trần tục cho những hành vi ác độc của chúng ta. Những tai họa thiên nhiên, như động đất, sóng thần, và cháy rừng, ảnh hưởng đến cả người tốt lẫn người xấu. Một vài thành viên may mắn và phát đạt nhất trong cộng đồng cũng hư hỏng và xấu xa. Nếu trong dự án thần thánh có sự trừng phạt công bằng dành cho tội lỗi và tưởng thưởng xứng đáng dành cho sự ngay chính, hẳn nó chỉ có thể có ở đời sau, không phải ở trần gian này.

Hoàn toàn không có bất kỳ sự đoán trước nào về những gì có thể xảy ra cho chúng ta sau khi chết, Sách Job chỉ có sự răn dạy. Nó bảo rằng khi khổ đau xảy đến với chúng ta, chúng ta nên chấp nhận với niềm tin sùng kính rằng đó là thử thách do Chúa gởi đến. Nó cảnh báo chúng ta đừng coi sự phồn vinh hay vận may nhất thời của chúng ta như là dấu hiệu chúng ta không còn gặp nguy hiểm gì nữa. Đức hạnh của chúng ta được thử thách ở cả hai trường hợp, thậm chí rõ ràng hơn khi may mắn tràn ngập với chúng ta so với lúc chúng ta chịu đựng hết nghịch cảnh này tới nghịch cảnh khác. Triết gia tôn giáo đương đại người Pháp Gabriel Marcel(2) trầm tư rất sâu sắc về ý niệm “thử thách”. Ông đưa ra kết luận rằng nhân cách của chúng ta “được chứng tỏ” trong những khoảnh khắc tệ hại của mâu thuẫn, đày ải, và khổ đau mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống của mình trên trần gian này. Chúng được đưa đến, “gởi đến” cho chúng ta, và chúng ta phải hồi đáp lại, trong đức tin và kỳ vọng, với những cách sống sôi nổi và sâu sắc.

Đại khái đó là thông điệp của Job và các bài Thánh Thi(3) và nhiều trước tác tôn giáo khác. Đấy không phải là một thông điệp dễ hiểu đối với trẻ con – hay người lớn cũng thế. Nhưng dù gì đi nữa, nó vẫn đáng để trầm tư, vì rằng nó rọi ánh sáng vào một trong những điều bí ẩn lớn lao của sự hiện hữu tại thế của con người.

(1) Sách Job (Book of Job): một trong 5 sách văn thơ trong Cựu Ước, được cho là của Thánh Job, nhân vật chính trong sách.
(2) Gabriel Marcel (1889 – 1973): triết gia, kịch tác gia, phê bình gia, thường được coi là triết gia hiện sinh đầu tiên của Pháp, là người tiếp nối triết gia Karl Jaspers thiết lập cơ sở lý luận cho chủ nghĩa hiện sinh Cơ Đốc giáo .
(3) Thánh thi (Psalms): cuốn sách nằm trong Cựu Ước chứa đựng 150 bài thơ và thánh ca tung hô Chúa, tương truyền là do Vua David sáng tác.
Theo chungta.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!