Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Một số Châm-ngôn, Ngạn-ngữ thông dụng trong tiếng Anh có nguồn gốc từ Kinh Thánh

Theo NẾP SỐNG MỚI
8991 Blaine Meadows Drive
Jacksonville, FL 32257-1719
*****
Số 153 - 154
Tháng Chín – Mười 2003

Tục ngữ, thành ngữ, ngạn ngữ, châm ngôn,
cách ngôn… nằm trong gia tài văn hóa mà người
xưa để lại cho chúng ta. Bất cứ dân tộc nào cũng có
những câu nói ngắn gọn, cô đọng, súc tích, dễ nhớ.
Tuy ít lời nhưng chúng nói lên được rất nhiều ý
tưởng thâm thúy. Nhiều câu nói này đã thành
những viên ngọc quí trong túi khôn của loài người
vì dạy chúng ta cách tu thân và xử thế khôn ngoan.

Văn hóa Âu Mỹ chịu ảnh hưởng Kinh
Thánh rất sâu đậm. Từ các tác phẩm văn chương
cho đến các câu nói hằng ngày, chúng ta bắt gặp
nhiều ngạn ngữ, châm ngôn có nguồn gốc từ quyển
sách quý báu này.
Chúng tôi sưu tập được lối 200 châm ngôn,
ngạn ngữ đặc biệt đó với mong ước giúp ích một
phần nào cho các bạn đang học Anh văn nhưng
trước giờ không quen biết với Kinh Thánh. Chúng
tôi cố gắng tìm những câu tục ngữ, ca dao Việt
Nam diễn tả ý tưởng tương tự để các bạn dễ hiểu.
Kỳ này chúng ta tìm hiểu những câu có chữ thuộc
vần B.
BS Châu Ngọc Hiệp
Giải thích những chữ viết tắt:
BCĐ: Bản cổ điển (bản Cadman)
BPT: Bản phổ thông (Giáo sư Phạm Q. Tâm)
BDHĐ: Bản dịch hiện đại (M. sư Đặng Ngọc Báu)
BDY: Bản diễn ý (M. sư Lê Hoàng Phu)
KJV: King James Version
NKJV: New King James Version
NIV: New International Version
TCTK: Thi ca Thánh Kinh (T. sĩ Phan Như Ngọc)
1. Babel:
Babel có nghĩa là tiếng nói, âm thanh lộn xộn, nghe
không hiểu được, có nguồn gốc từ thành ngữ “Tower of
Babel” trong sách Genesis 11:1-4.
Ngày xưa, có tại vùng Mesopotamia, có một thành
phố tên là Babylon, hay là Babel, con cháu của ông Noah
xây cất một cái tháp thật cao mong ước đến tận thiên
đình và danh họ truyền đến muôn đời. Họ làm được vì
họ cùng nói một thứ tiếng nói, nhưng sau đó công việc
xây cất phải bỏ dở vì họ không còn hiểu nhau nữa vì Đức
Chúa Trời đã làm cho họ nói hằng trăm thứ ngôn ngữ
khác nhau.
Ngày nay, Babel dùng để chỉ một tình trạng hổn
độn, xáo trộn, nhiều âm thanh lộn xộn và cũng nhắc lại
tánh ngạo mạn của con người.
2. Out of the mouth of babes: lời trẻ, miệng trẻ
Nguồn gốc: Psalm 8:2; Matt 21:16.
Con trẻ thường có đầu óc trong trắng, tâm hồn đơn
sơ, mộc mạc. Đức Chúa Trời đặt vào lương tri con trẻ sự
nhận biết Đấng Tạo hoá nên có thể tự nhiên thốt ra lời
tán tụng Thượng Đế “Hosanna”.
Ngày nay, “out of the mouth of babes” chỉ lời nói
ngây thơ, thành thật, ngộ nghĩnh, khiến chúng ta mắc tức
cười.
3. Bearing with one another and forgiving one
another: chịu đựng nhau và tha thứ nhau.
Nguồn gốc: Colose 3:13
Bài thơ của Tường Lưu “Làm gì đừng để Chúa đau”
trong Thách Đố Tâm Linh:
Anh em cùng một đức tin
Hãy vì danh Chúa, “dằn” mình, “nhịn” nhau
Làm gì, đừng để Chúa… đau
Nữa mai… họp mặt, nói sao… với Ngài!
4. Beatitudes: Phước, hay Phúc.
Nguồn gốc: Matt. 5:3-10. Tám mối phước tìm thấy
trong đoạn KT Mathiơ 5:3-10 nằm trong Bài Giảng Trên
Núi (Sermon on the Mount) do Chúa Giê-xu ban phát.
Beatitude có nguồn gốc từ chữ Latin có nghĩa là
Phúc (Blessed). Trong tiếng Anh, mỗi mối đều bắt đầu
bằng chữ Blessed (Phúc). Người Việt miền bắc hay nói
là Phúc, còn người miền Nam gọi là Phước, tránh nói
Phúc vì kỵ huý các vua chúa nhà Nguyễn. Tương truyền
vào năm 1563, bà vợ của Nguyễn Hoàng khi mang thai
người con trai thứ sáu của Nguyễn Hoàng, nằm mộng
thấy thần nhân cho một tờ giấy hồng điều trên có nhiều
chữ Phúc (福 ), lại có một chữ Phúc rất lớn rơi vào lòng,
sau đó sanh ra một trai đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên,
sau là Chúa Sãi. Các con trai cháu trai về sau của Chúa
Nguyễn đều dùng chữ lót là Phúc.
Ai ai cũng tìm phước, lánh họa. Người đời tìm cầu
phước về phương diện vật chất, như người Á Đông cầu
xin Ngũ Phúc Lâm Môn (五 福 臨 門 ) là mong 5 thứ
phước vào nhà mình, đó là Phú, Quý, Thọ, Khương, Ninh
tức là Giàu, Sang, Sống Lâu, Khỏe Mạnh, Bình An.
Kinh Thi chia ra năm thứ phước là (1) Giàu (phú 富 ),
(2) Yên lành (an ninh 安 寧 ), (3) Thọ 壽 (4) Có đức tốt
(du hảo đức攸 好 德 ), (5) Vui hết tuổi trời (khảo chung
mệnh 考 終 命 ).
Chúa Giê-xu đảo lộn tư tưởng thông thường của loài
người khi Ngài đưa ra quan niệm Phúc về phương diện
tâm linh.
Xin ghi lại 8 mối phúc này theo BPT: 1Phúc cho
những ai đang nghèo khó về tâm linh, vì nước thiên đàng
thuộc về họ. 2Phúc cho những ai đang buồn bã, vì
Thượng Đế sẽ an ủi họ. 3Phúc cho những ai khiêm
nhường, vì họ sẽ nhận được đất. 4Phúc cho những kẻ lúc
nào cũng cố gắng làm điều phải, vì Thượng Đế sẽ thỏa
mãn họ. 5Phúc cho những ai tỏ lòng thương xót đối với
kẻ khác, vì Thượng Đế cũng sẽ tỏ lòng thương xót đối
với họ. 6Phúc cho những ai có tư tưởng trong sạch, vì sẽ
được ở với Thượng Đế. 7Phúc cho những ai mang lại
hòa bình, vì Thượng Đế sẽ gọi họ là con cái Ngài. 8Phúc
cho những ai bị ngược đãi vì làm điều phải, vì nước thiên
đàng là của họ.
5. In the beginning: ban đầu, buổi ban đầu, khởi
thủy.
Nguồn gốc: Gen. 1:1 “In the beginning, God
created the heaven and the earth” và John 1:1 “In the
beginning was the Word, and the Word was with God,
and the Word was God” (KJV).
BCD: Sáng Thế Ký 1:1 “Ban đầu Đức Chúa Trời
dựng nên trời đất.” Giăng 1:1 “Ban đầu có Ngôi Lời,
Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức
Chúa Trời.”
Thánh John cố ý dùng lại nhóm chữ “In the
beginning” từ sách Sáng Thế Ký để nhấn mạnh rằng
Chúa Giê-xu (Ngôi Lời) chính là Đức Chúa Trời.
6. Bless the Lord, O my soul:
Nguồn gốc: Psalm (Thi Thiên) 103 và ở nhiều nơi
khác trong sách Thi-Thiên.
Theo NIV: Praise the Lord, O my soul
Bless trong trường hợp này, không phải là ban
phước, mà là ca ngợi, ngợi tôn, như trong tiếng Anh, có
nhiều bản dịch là Praise.
Bless bắt nguồn từ tiếng Hebrew “bàrakh”. Có 5
trường hợp khác nhau của bàrakh: 1Đức Chúa Trời ban
phước cho con người, thiên nhiên, quốc gia … (Gen
1:22, 1:28, 2:3, 24:1, Psalm 33:12, 1:1-3), 2Con người
ca ngợi Đức Chúa Trời (Psalm 103:1-2), 3Con người có
thể chúc phước lẫn nhau (Matt 5:44; 1Peter 3:9), 4Người
lành thánh chúc phước trên hậu tự của mình (Gen 9:26-
27), 5Con người có thể biệt riêng vật gì ra, chúc phước
nó, dùng nó vào việc thánh (1Cor 10:16).
7. Ninth Blessing: Phước (phúc) thứ chín.
Nguồn gốc: xem chữ Beatitudes ở trên
Ngoài 8 mối phúc ghi trong Matthew 5:3-10, có
nhiều nơi trong Kinh Thánh ghi một vài phước khác như
trong John 20:29b “Ai không thấy mà tin là người có
phúc thật” (BPT).
8. Blind leading the blind: Kẻ mù dắt người mù:
Nguồn gốc: Luke 6:39 “Can a blind lead a blind
man? Will they not both fall into a pit?” (NIV) (Kẻ mù
có thể dắt người mù được không? Không, vì cả hai sẽ
cùng té xuống hố. BPT)
Chỗ này Chúa Giê-xu muốn nói những người
Pharisees mù về phương diện tâm linh sẽ đưa người khác
đi lạc. Câu này có ý khuyên chúng ta nên cẩn thận khi
chọn người lãnh đạo. Ngay cả “chọn bạn mà chơi,”
chúng ta cũng cần cẩn thận vì bạn có thể đưa mình vào
chỗ tốt hay chỗ xấu.
9. This is my body, which is broken for you:
Nguồn gốc: I Cor. 11:24: “Đây là thân thể ta hi
sinh vì các con. Hãy làm điều này để tưởng nhớ ta”
(BPT).
Câu này thường nhắc tới trong Lễ Tiệc Thánh
(Communion Service) nhắc đến sự hy sinh của Chúa
Giê-xu để cứu chuộc tội lỗi của nhân loại.
10. Of making many books there is no end:
Nguồn gốc: Eccl. 12:12 do vua Solomon viết.
“Người ta chép nhiều sách chẳng cùng; còn học quá làm
mệt nhọc cho xác thịt.”
Lời này trong sách Truyền Đạo này khuyên chúng ta
không nên ôm đồm quá nhiều trong việc đọc sách hay
việc học. Đọc sách như ăn, không cần biết là đọc được
bao nhiêu mà phải xem tiêu hóa được bao nhiêu. Đọc
sách đạo không chỉ nhắm vào việc tăng kiến thức mà
còn phải nhắm vào việc thay đổi được lòng mình, giúp
ích cho đời sống tâm linh của mình.
11. Born again:
Nguồn gốc: John 3:3 NKJV ghi lời Chúa Giê–xu
phán “unless one is born again, he cannot see the
kingdom of God”. BPT: “Không ai có thể vào nước Trời
nếu không sinh lại.”
Sự sinh lại (tái sinh) mà Chúa Giê-xu muốn nói tại
đây không phải thuộc thể xác mà nói về tâm linh: làm
chết bản ngã tội lỗi mình, tin nhận Chúa là được sinh lại
qua quyền phép của Đức Thánh Linh.
12. Give us this day our daily bread: cho chúng con
lương thực hằng ngày.
Nguồn gốc: Matt. 6:11; Luke 11:3
Câu này nằm trong lời cầu nguyện mẫu mà Chúa
Giê-xu dạy cho môn đồ, tiếng Anh gọi là “The Lord’s
Prayer” có ý tin tưởng là Đức Chúa Trời không những
cung cấp cơm gạo cho đời sống thể xác mà còn ban
những sự dạy dỗ cho đời sống tâm linh. Chính Chúa
Giê-xu là lương thực hằng ngày của Cơ-đốc nhân. Xin
xem thêm câu: “I am the bread of life.”
13. I am the bread of life: Ta là bánh hằng sống
Nguồn gốc: John 6:35; John 6:48. Lời phán của
Chúa Giê-xu trong câu John 6:35: “I am the bread of life.
He who comes to Me shall never hunger, and he who
believes in Me shall never thirst (NKJV).” Theo
BDHĐ: “Ta là bánh của sự sống. Ai đến với Ta sẽ
không bao giờ đói, và ai tin Ta sẽ không bao giờ khát
nữa.”
Cơ-đốc nhân ăn bánh hằng sống mỗi ngày bằng cách
đọc Kinh Thánh (Lời Chúa), cầu nguyện, tĩnh nguyện để
tạo mối thông công với Chúa, tìm kiếm ý Chúa cho đời
sống của riêng mình và làm theo.
14. Man does not live on bread alone:
Nguồn gốc: Deut. 8:3 và Matt. 4:4 “It is written,
Man does not live on bread alone, but on every word that
comes from the mouth of God” (NIV).
Thánh Kinh chép, “Người ta không phải chỉ sống
nhờ bánh mà thôi mà còn nhờ vào những lời phán của
Thượng Đế” (BPT).
Đây là lời Chúa Giê-xu nhắc lại lời trong Cựu Ước
(Phục Truyền) khi bị ma quỉ cám dỗ. Ngài đã nhịn ăn 40
ngày đêm nên đói lả. Ma quỉ thách thức rằng nếu Ngài là
Con Thượng Đế thì hãy biến những viên đá thành bánh
mà ăn. Chính lời Kinh Thánh, là lời của Thượng Đế
giúp Ngài cũng như chúng ta thắng được cám dỗ.
Con người không phải chỉ có đời sống vật chất mà
còn có đời sống tình cảm, tinh thần, tâm linh.
Lời Chúa có sức mạnh, có quyền năng giúp chúng ta
đắc thắng. Hằng ngày, chúng ta có thể gặp những thách
thức, cám dỗ quá lớn mà sức mình không thể thắng
được, chúng ta có thể nhờ vào Lời Chúa tức là lời Kinh
Thánh.
15. Cast thy bread upon the waters:
Nguồn gốc: Ecclesiastes (Truyền Đạo) 11:1 “Cast
thy bread upon the waters: for thou shalt find it after
many days” (KJV). “Cast your bread upon the waters,
for after many days you will find it again” (NIV). Bản
dịch The Living Bible viết: “Give generously, for your
gifts will return to you later.”
“Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu
ngày ngươi sẽ tìm nó lại” (BCĐ).
Vua Solomon khuyên chúng ta nên giúp cho người
khác vì sẽ có ngày chúng ta nhận lại điều tốt đẹp. Đây là
một hình thức luật nhân quả.
Tục ngữ VN có câu: “Ở xởi lởi Trời cho, ở co ro
Trời lấy lại.”
16. Am I my brother’s keeper?
Nguồn gốc: Gen. (Sáng thế Ký) 4:9
BCĐ: Tôi là người giữ em tôi sao? BDY: Con đâu
phải là người trông nom nó.
Sau khi Cain vì ganh ghét, giết em trai mình là Abel,
Đức Chúa Trời hỏi Cain rằng Abel ở đâu. Cain đáp: “bộ
con là người trông nom nó sao?”
Người ta thường dùng câu “Am I my brother’s keeper”
để chối bỏ trách nhiệm của mình về người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!