Năm 1989, một người gốc châu Á cứu vớt nước Mỹ tại Roland Garros khi đem về chiếc Cúp vô địch đơn nam. Đó là tay vợt M.Chang, người Mỹ gốc Trung quốc khi đó mới 17 tuổi, 3 tháng.
Từ một tay vợt vô danh, Chang lần lượt đánh bại những tên tuổi lớn nhất làng quần vợt thế giới lúc đó là Ivan Lend rồi Stephand Edberg trong trận CK kéo dài 4 séc đấu.

Chàng David tý hon quật ngã những gã khổng lồ Golliath đã khiến thế giới quần vợt kinh ngạc, cả châu Á thì lên cơn sốt để rồi gần 20 năm sau chàng David được tôn vinh trong ngôi nhà của những huyền thoại. Hiện nay M.Chang vừa làm HLV vừa là bình luận viên quần vợt và ngay sau khi nhận phần thưởng cao quý, anh đã tâm sự về những vấn đề xung quanh quần vợt và cuộc sống của mình.
Trong những thành công của tôi, tôi luôn chia sẻ những kinh nghiệm cũng như đánh giá cao vai trò của gia đình, bạn bè và những người ủng hộ mình. Gia đình đã đem đến cho tôi niềm tin, sức mạnh. Nhưng, có lẽ có một phần quan trọng đó là sự yêu thương của… đấng bề trên.
Vai trò của quần vợt như thế nào đối với anh?
Những giải đấu đã đem lại cho tôi nhiều thứ. Thể thao là phương tiện phát triển và hoàn thiện con người. Quần vợt đã dạy tôi nhiều bài học về cuộc sống, cả những khi thành công cũng như thất bại. Thông qua quần vợt bạn hiểu mình và hiểu người. Qua mỗi trận đấu, bạn có thể có một cái nhìn nào đó về cuộc sống, cả mặt sáng lẫn mặt tối.
Năm 1989, khi mới 17 tuổi anh vô địch Roland Garros. Đó như là chuyện David thắng chàng khổng lồ Golliath. Khi đó, và bây giờ anh nghĩ như thế nào về trận đấu đó?
Bây giờ tôi thấy giá trị của chiến thắng đó có ý nghĩa gấp nhiều lần khi đó, lúc tôi mới 17 tuổi. Tất nhiên, chiến thắng Grand Slam là điều tuyệt vời nhưng khi còn quá trẻ như vậy, người ta không thể hiểu hết được những điều đã xảy ra mà sau này theo năm tháng người ta mới cảm nhận hết được.
Trong cuốn sách của mình, anh viết về trận đấu đầu tiên thời còn trẻ với A.Agassi và sau đó là những lần đánh đôi cùng P.Sampras. Ai là đối thủ có ý nghĩa quan trọng hay đặc biệt nhất trong sự nghiệp của anh?
Tôi rất thích thú khi đối đầu với những tay vợt người Mỹ đồng hương của mình như A.Agassi, P.Sampras, J.Courier. Tôi quen Sampras khi 8 tuổi, Agassi khi lên 10 và Courier khi 13. Tôi nghĩ, mối quan hệ đặc biệt của chúng tôi không chỉ vì chúng tôi có thời gian dài là đối thủ của nhau mà còn vì chúng tôi nhìn thấy ở mỗi người đều có những thành công riêng trong sự nghiệp. Vinh dự lớn của tôi là tôi nằm trong thế hệ những tay vợt nổi tiếng đó.
Nhiều người so sánh anh với L.Hewitt: cách ăn mặc, tốc độ, lối chơi. Anh có nghĩ, mình có sự tương đồng đó và giữa anh với Hewitt có mối quan hệ nào không?
Không thể nói chúng tôi có thể ngồi với nhau thường xuyên để trò chuyện nhưng chúng tôi có mối quan hệ thân thiện với nhau. Một vài lần chúng tôi thi đấu với nhau. Tôi nghĩ, trong một chừng mực nào đó chúng tôi giống nhau. Nhưng, tôi cho rằng Hewitt biểu lộ cảm xúc hơn tôi, anh ta thể hiện sự vui mừng sau mỗi cú đánh thành công và cũng để lộ rõ sự thất vọng sau mỗi lần đánh hỏng còn tôi thì không. Xem anh ta thi đấu, tôi thấy anh ta trả giao bóng, đánh trả và bắt vô lê tốt hơn thời tôi thi đấu. Thật thú vị khi có những tay vợt có thể hình như vậy thi đấu thành công.
Anh có nghĩ rằng, Agassi và Hewitt là những tay vợt cuối cùng có chiều cao dưới 1m80 trở thành tay vợt số 1 TG?
Tôi nghĩ vẫn có thể có những tay vợt không đủ chiều cao trên 1m80 nhưng vẫn chơi tốt. Nếu nhìn vào tốp 10-20 thì những tay vợt cao chiếm tỷ lệ cao hơn, đó là bình thường.
Khi còn bé, anh muốn mình giống tay vợt nào?
Tôi khâm phục từng phẩm chất của những tay vợt khác nhau. Ví dụ, J.Connor thì ý chí chiến thắng, I.Lend là sự kiên trì, bền bỉ, học ở B.Borg sự điềm tĩnh trước áp lực của đối thủ. Tôi nghĩ rằng, tôi cố gắng học hỏi và áp dụng từng phẩm chất của mỗi tay vợt cho những trận đấu của mình. Những tay vợt trên là những người thầy vĩ đại của tôi.
Anh mong muốn đem đến điều gì cho mọi người, anh muốn nói gì với họ?
Niềm tin vào chúa trời và những hy vọng rất quan trọng đối với tôi. Tất cả chúng ta trong cuộc sống sẽ có những sự thăng hoa và vấp ngã. Bất kỳ người nào cũng có thể thành công, nhưng cũng có thể đối mặt với những khó khăn. Thường thì thành công không đến ngay lần đầu, lần thứ hai mà có thể đến ở lần thứ ba, thứ tư, thứ năm hay thứ…mười. Quang trọng là sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình. Con người sinh ra là để yêu thương nhau, và đó là tất cả những gì quan trọng nhất của cuộc sống.
theo Báo thể thao Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!