Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Loạn dịch vụ

(VOV) - Khai hội chùa Hương cũng là thời điểm các loại hình dịch vụ ra sức “móc túi” du khách…
Đi chùa Hương đầu năm đã trở thành lựa chọn của nhiều người. Vào ngày khai hội (ngày 6 tháng Giêng năm Kỷ Sửu), lượng du khách đổ về chùa Hương lên tới hàng vạn người. Mới 5 giờ sáng, trời vẫn còn giá lạnh, sương mù dày đặc, nhưng lượng du khách tập trung ở chùa Hương đã rất đông.



Theo lịch trình, từ chùa Trình, chúng tôi đi đò qua bến Đục đến chùa Thiên Trù. Từ khi tuyến cáp treo bắt đầu hoạt động, từ chùa Thiên Trù, du khách có thể lên động Hương Tích bằng hai cách: đi bộ hoặc đi cáp treo. Tại ga Thiên Trù, hàng nghìn người chen chân nhẫn nại đứng xếp hàng để chờ tới lượt mua vé đi cáp treo. Bên trong ga xuất hiện dòng người chen lấn, xô đẩy đến toát mồ hôi, những tiếng tranh cãi của người lớn hoà cùng tiếng khóc của trẻ em vì sợ hãi… làm mất đi vẻ thanh bình, tĩnh lặng của chốn chùa chiền.

Đoàn chúng tôi cử 2 người đi mua vé. Sau một hồi chen lấn xô đẩy đến bẹp ruột, chúng tôi vẫn không tài nào mua nổi vé đi cáp treo. Đang loay hoay tìm cách để mua vé, bỗng dưng có 2 thanh niên cầm vé trên tay tiến tới, rồi ra giá 80.000 đồng/vé khứ hồi, 10 người là 800.000 đồng, cao hơn giá quy định là 10.000 đồng/vé. Khi chúng tôi thắc mắc, một thanh niên với nước da ngăm đen, nở nụ cười tinh quái khẳng định, không mua thì thôi, chịu khó chờ thêm vài tiếng nữa để đi cáp treo nhé! Nhìn cảnh chen lấn xô đẩy mà thấy ghê người. Trong đoàn, không ai bảo ai, chúng tôi đành bỏ thêm tiền để mua vé. Mua được vé, chúng tôi lại tiếp tục phải chịu cảnh chen lấn, xô đẩy để vào ga.

Qua đến ga bên kia, vẻ mặt hăm hở của nhiều du khách biến mất, thay vào đó là sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt. Đói bụng, chúng tôi vào ăn bún tại một quán bún cách động Hương Tích khoảng 100m. Thấy bàn ăn đã đông kín người, chúng tôi chọn đại một cái chiếu để ngồi. Bát bún chỉ có vài miếng thịt bò mỏng tang cùng ít hành tươi, được chủ quán ra giá 100.000 đồng cho 4 bát bún và 30.000 đồng cho một chiếu ngồi. Thấy việc tính giá của chủ quán quá vô lý, chúng tôi cự lại, ăn ở quán mà lại tính cả tiền ngồi. Đầy vẻ giận dữ, chủ quán cho biết, chiếu đó là để phục vụ du khách mệt thì ngồi nghỉ rồi đi tiếp, còn ăn thì phải ra bàn ngồi, “các anh vừa ăn, vừa nghỉ thì tính tiền như vậy là đúng chứ sao? Chúng tôi thu phí từ lâu rồi, sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền chứ…” - chủ quán làu bàu.

Tưởng đi cáp treo mới khổ, du khách đi đường bộ cũng không tránh khỏi bị hành. Khi đang cố gắng men theo đường ven núi để tới động Hương Tích, mấy thanh niên địa phương bỗng dưng từ đâu xuất hiện, đứng chặn đường xin lộc đầu năm 50.000 đồng/người, gọi là tiền công “phát quang bụi rậm” để du khách đi lại thuận tiện. Nghĩ đến cảnh phải quay lại xếp hàng mua vé cáp treo mà thấy hãi, du khách lại phải bấm bụng móc túi mỗi người 50.000 đồng để được đi tiếp. Tưởng chừng phiền toái đã qua, ai dè khi quay lại bến đò, chúng tôi lại phải mất thêm 15.000 đồng/người phí… chờ đò do nhân viên lái đò tự nghĩ ra!

Chùa Hương là thắng cảnh cấp quốc gia, mùa lễ hội kéo dài đến 3 tháng với lượng du khách tập trung về trẩy hội rất đông. Việc đủ kiểu dịch vụ quái đản mọc lên để “chặt chém”, moi tiền du khách tới chùa đã làm mất đi nét đẹp vốn có của chùa, khiến du khách rất bức xúc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!