Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Đi lễ cầu may: “Mốt” của giới trẻ

Giới trẻ ở Hà thành bây giờ cũng khá sành điệu cả trong việc đi lễ chùa. Hôm nay họ đi cùng gia đình để cầu an cầu lộc, hôm sau lại đi cùng người yêu để cầu duyên đôi lứa.
Cũng chính vì vậy mà có khi chẳng có chùa nào nổi tiếng mà họ lại không đến. Cầu duyên thì phải đến chùa Hà, cầu an ở chùa Phúc Khánh, cầu may và tài lộc ở Phủ Tây Hồ, giải sao giải hạn ở chùa Khương Trung... Thậm chí là đi tận đền Bà Chúa Kho cầu tài lộc hoặc Yên Tử cầu may. Người thành kính thường nói rằng đi chùa Hương phải 12 năm liên tục mới linh.



Năm nay, mặc dù ban quản lý ở các khu di tích rất kiên quyết dẹp bỏ những dịch vụ mang màu sắc mê tín dị đoan, những loại văn hoá phẩm “đen” in ấn ăn theo lễ hội, song nhiều nơi những ông “thầy” vẫn lén lút bán quẻ, xem số bên cạnh những “quầy” sách tử vi, tướng số.

Và chẳng rõ đây có phải là một thứ “mốt” không, mà những “quầy” sách bói toán, tử vi, cúng sao giải hạn được rất nhiều bạn trẻ chọn mua, đặc biệt những tờ tử vi về 12 con giáp của nam nữ đủ mọi lứa tuổi. Khách mua tử vi, tướng số chỉ cần nói tên con giáp mình cần là được các “thầy” đáp ứng ngay. Mỗi tờ tử vi được photocopy có mệnh giá từ 1000 - 2000 đồng.

Nhiều bạn trẻ sau khi mua được tờ tử vi con giáp của mình đã toả ra các bậc thềm, ghế đá ngồi suy tư, nghiền ngẫm những lời “phán” trên tờ giấy đó. Điều này vừa mất thời gian, vừa mua thêm nỗi lo vào người nếu những quẻ bói và lời phán của các “thầy” không được tốt.

Có lẽ mặt hàng bán không tăng giá ở các đền chùa trong dịp này là những tờ vé số. Những hàng vé số ngồi cạnh cửa ra vào ở Phủ Tây Hồ, hay hàng vé số trong sân Chùa Hà luôn có đông thanh niên dừng lại để thử vận may đầu năm. Cũng có không ít nam thanh nữ tú đi lễ chùa tiện thể shopping luôn.

Các cửa hàng quần áo đại hạ giá nằm sát với Phủ Tây Hồ chật cứng thanh niên chọn hàng ngã giá. Người thì mua ví, đồ lưu niệm để mong đem may mắn về nhà. Trong dòng người nhộn nhịp đi lễ chùa, cảnh những cô cậu thanh niên ăn mặc rất “mô đen” với những mái tóc nhuộm sặc sỡ. Các chùa đều có bảng ghi rõ về cách thức ăn mặc khi đi lễ nhưng không ít thanh niên coi đi chùa như một cuộc trình diễn thời trang.

Họ luôn miệng cười nói, trêu đùa, văng tục thô lỗ giữa chốn linh thiêng. Tại Phủ Tây Hồ chúng tôi còn tận mắt chứng kiến một thanh niên sành điệu sau khi châm thuốc đã vứt luôn vỏ bao xuống ngay sân Phủ trước mắt mọi người như không. Có người sau khi lễ xong lập tức rút di động gọi cho bạn : “Tao lễ xong rồi đi hát cho vui đi”.

Trong khi đó những bảng nội quy của khu di tích, những điều răn dạy triết lý nhân sinh được trích từ kinh Phật mà nhà chùa treo trên tường để chúng sinh giác ngộ thì hầu như không được mấy ai để tâm đến. Rồi có trường hợp xảy ra tai nạn trên đường hành hương viếng chùa do những thanh niên chở hai, kẹp ba phóng nhanh vượt ẩu, lượn lách đánh võng trên đường...Cầu may như thế liệu có may?

Nguyễn Tú - Tuấn Sơn
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!