Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Ba mối tình của Dostoyevsky

vtc.vn - 07:29 06-06-2006

Fedor Mikhailovich Dostoyevsky suốt đời khổ sở vì tính cau có, cả lo, nhiệt tình thái quá và nóng nảy của mình. Ông bị giày vò bởi sự hoài nghi vào bản thân và mọi người xung quanh, nỗi sợ hãi trước cuộc đời. Hồi nhỏ ông bị bệnh ảo giác săn đuổi, về sau xuất hiện những cơn động kinh.

Trong một lần lên cơn động kinh, Dostoyevsky đập vào mắt phải của mình, từ đó mắt ông nhìn hơi bị hiếng. Lúc hồi hộp, ông vung chân múa tay rất mạnh, và đôi khi miệng ông còn sùi bọt mép.

F.M. Dostoyevsky sinh ngày 11tháng 11năm 1821 ở Moskva. Cha ông, một sĩ quan quân y với đồng lương ít ỏi, suốt đời sống giản dị, mẹ ông là một người phụ nữ sùng đạo và giỏi nội trợ. Nhà nghèo, nhưng cha mẹ ông không tiếc tiền nuôi con cái ăn học. Năm 1837, mẹ Dostoyevsky qua đời, cha ông đưa các con tới Sankt - Peterburg thi vào trường kĩ thuật, nhưng người anh của Dostoyevsky bị trượt. Năm 1839, bố của Dostoyevsky qua đời. Năm 1843, Dostoyevsky tốt nghiệp trường kĩ thuật và gia nhập quân đội, nhưng con đường sự nghiệp của một kĩ sư quân sự không hấp dẫn ông.

Năm 1844, Dostoyevsky giải ngũ và bắt đầu viết văn. Ông luôn luôn túng thiếu, nhưng đồng thời lại là một con người rất thiếu thực tế và tiêu xài hoang phí. Vào những năm này sự túng thiếu của nhà văn đã trở thành căn bệnh kinh niên. Trong những bức thư của ông ta thường xuyên bắt gặp chỉ một mô- típ: tiền, tiền, tiền!

Năm 25 tuổi, Dostoyevsky in cuốn sách đầu tiên “Những người nghèo” và được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Thành công vượt quá mong đợi của nhà văn trẻ. Nhưng chẳng bao lâu sự thất vọng lại ập đến: Dostoyevsky nợ nần khắp nơi, ông phải viết quá sức, theo đơn đặt hàng, điều này làm ông hết sức đau khổ. “Quả thật em chưa bao giờ sống khó khăn như thế này”,- Dostoyevsky viết cho anh trai,- “Buồn chán, dửng dưng và sự mong đợi ráo riết, mỏi mòn một điều gì đấy tốt đẹp hơn đang đang giày vò em. Lại còn bệnh tật nữa chứ. Có quỷ mới biết được điều gì sẽ xảy ra. Giá như một lúc nào đó mọi chuyện sẽ qua đi!”.

“Nhờ Craevsky, em đã trả hết các món nợ”, - nhà văn than phiền, “- Tất cả nhiệm vụ của em là kiếm tiền trả cho anh ta vào mùa đông để đến mùa hè không phải nợ nần ai một copek nào nữa. Thật khốn khổ phải đi làm thuê. Anh sẽ tự huỷ hoại tất cả - tài năng, tuổi trẻ và hi vọng, rốt cuộc anh trở thành thợ viết chứ không phải là nhà văn nữa”. Dostoyevsky buộc phải xin tiền tạm ứng cho những tác phẩm chưa viết của mình, phải nghe những lời trách cứ vì không hoàn thành bản thảo đúng thời hạn, ông viết, bất chấp cơn động kinh.

Suốt đời Dostoyevsky ghen tị với những nhà văn có cuộc sống sung túc. “Ôi, ước gì được viết dù chỉ một cuốn tiểu thuyết như Turgenyev, Tolstoy”, - ông vô vọng thốt lên. Sự túng thiếu và thất bại trong văn học giày vò ông. Bệnh tật trở nên trầm trọng. Dostoyevsky không chỉ bị bệnh trên thực tế, mà ông còn tưởng tượng ra mình là một bệnh nhân. Ông thường xuyên chữa bệnh: khi thì ông có cảm giác mình bị điên, khi thì ông nghĩ mình bị lao. Dostoeyvsky thích đọc sách về y học và tìm kiếm ở mình những triệu chứng bệnh tật nào đó. Ông tự hành hạ và trở nên không thể chịu nổi ngay cả đối với bản thân mình.

Năm 1849, Dostoyevky bị buộc tội tham gia vào một âm mưu cách mạng, và bị tuyên án xử bắn. Đến phút chót bản án được giảm nhẹ và nhà văn phải đi đày ở Sibiri.

Tại nơi lưu đày nhà văn gặp được người vợ tương lai của mình, Maria Dmitrievna Isaeva. Trước đó, Dostoyevsky chưa bao giờ có quan hệ nghiêm túc với phụ nữ. Thời gian đi đày ở Sibiri, nhà văn bắt đầu theo đuổi một số phụ nữ trẻ trong những thời gian khác nhau, một người trong số đó là cô Isaeva xinh đẹp. Khi họ gặp nhau, Isaeva đã có chồng, nhưng anh chồng là một kẻ nghiện rượu đã chết. Rõ ràng, Isaeva là mối tình đầu tiên của Dostoyevsky.

Ông yêu say đắm và đau khổ vì ghen tuông. Isaeva cũng hành hạ Dostoyevsky bởi tính đa nghi của mình. Thời gian đó họ sống bên bờ vực của sự nghèo khổ, điều này càng làm tăng thêm tâm trạng lo âu của họ. Các cuộc cãi cọ xảy ra thường xuyên, và sau một lần như vậy người vợ tươnng lai của Dostoyevsky phải lòng một người đàn ông khác.

Mặc dù rất đau khổ, nhưng đồng thời nhà văn lại quan tâm tới việc trợ cấp tiền cho người yêu không chung thuỷ của mình. Ông viết cho một người bạn thân, nam tước Vrangen: “Liệu có thể giải quyết việc đó (nghĩa là tiền trợ cấp) để có lợi cho Isaeva không? Trong hoàn cảnh của cô ấy số tiền đó là cả một gia tài, còn trong điều kiện hiện nay đó là lối thoát duy nhất. Tôi sợ cô ấy không cưới được chồng, nếu không nhận được số tiền đó. Anh ta (không rõ “anh ta” là ai?) không có gì cả, cô ấy cũng vậy”.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau cuộc cãi cọ đó, Dostoyevsky và Isaeva lại làm lành với nhau, và mấy tháng sau nhà văn viết cho chính nam tước Vragen: “Nếu không vì một trở ngại thì tôi sẽ cưới vợ trước Hội tiễn mùa đông, anh có biết cô dâu là ai không? Cho đến bây giờ nàng (Isaeva) vẫn yêu tôi, chính nàng nói với tôi “đồng ý”. Những điều tôi viết cho anh dạo hè ít có ảnh hưởng tình cảm của nàng đối với tôi. Chẳng bao lâu nàng mất lòng tin vào con người ấy. Ngay từ mùa hè, qua những bức thư của nàng, tôi đã nhận ra điều đó. Với tôi mọi chuyện hoàn toàn cởi mở. Nàng không giấu giếm gì tôi. Ồ, giá như anh biết được đó là một người phụ nữ tuyệt vời như thế nào!”.

Ít lâu sau Dostoyevsky và Isaeva tổ chức lễ cưới. Trong tuần trăng mật, nhà văn lên cơn động kinh mạnh, và điều này để lại một dấu ấn nặng nề trong suốt cuộc sống chung sau đó của họ. Cả hai đều bất hạnh trong hôn nhân, cuộc sống tình cảm của họ không được trọn ven. Mặc dù vậy, Dostoyevsky rất đau buồn về cái chết của vợ. Ông viết cho bạn: “Một con người đã yêu tôi và tôi yêu vô hạn, vợ tôi, đã qua đời ở Moskva vì bệnh lao. Suốt cả mùa đông năm 1864 tôi không rời khỏi giường cô ấy và ngày 16 tháng 4 năm ngoái cô ấy đã qua đời...

Bạn ơi, nàng yêu tôi vô hạn và tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi sống với nhau không hạnh phúc (do tính kì quặc, đa nghi và ảo tưởng bệnh hoạn của nàng), mặc dù vậy, chúng tôi không thể thôi yêu nhau, thậm chí càng bất hạnh chúng tôi càng gắn bó với nhau hơn. Đó là một phụ nữ trung thực nhất, cao cả nhất mà tôi được biết trong cuộc đời này... Tôi không thể hình dung hết nỗi đau khổ và trống vắng trong cuộc đời mình khi mất nàng. Và đã một năm nay rồi tình cảm của tôi vẫn nguyen vẹn, không hề suy giảm”.

Sau khi vợ qua đời, Dostoyevsky gặp Apollinari Suslova, một phụ nữ tự do và hiếu danh, trẻ hơn ông 20 tuổi. Họ sống với nhau một năm và chia tay nhau vĩnh viễn. Những năm này, Dostoyevsky lao vào cuộc đỏ đen, ông là kẻ máu mê cờ bạc, và sự đam mê đó chỉ chấm dứt khi Dostoyevsky cưới Anna Grigorievna Snitkina. Sau cuộc tình với Apollinari Suslova, Dostoyevsky mong ước tìm được một người phụ nữ có thể giúp ông thu xếp cuộc sống của mình để chuyên tâm vào sáng tác văn học. Nhà văn gặp được người phụ nữ như vậy khi ông đã 45 tuổi.

Cô gái viết tốc kí 20 tuổi Anna Grigorievna Snitkina đến với Dostoyevsky vào thời điểm đặc biệt bi đát trong cuộc đời viết văn của ông, trở thành người trợ thủ đắc lực không thể thay thế trong công việc, và thiên thần hộ mệnh của ông cho đến hơi thở cuối của cuộc đời.

Nhờ có Snitkina cuộc sống vật chất của Dostoyevsky đã được cải thiện đáng kể, bà chăm lo xuất bản những tác phẩm đã viết trước đây của nhà văn và mang lại thu nhập cho gia đình mỗi năm từ 2000 đến 3000 rúp. Rốt cuộc Dostoyevsky thoát được nợ nần và sự phụ thuộc về vật chất đã hành hạ ông nhiều năm liền. Đến cuối đời ông đã đạt tới đỉnh cao của vinh quang, sự đầy đủ vật chất và yên tĩnh tâm hồn. Ông không còn phải viết vì tiền nữa. Sau 30 năm Dostoyevsky lao động văn học, cuối cùng sự hoài nghi vào bản thân, vào khả năng của mình đã biến mất. Đối với phần lớn những người Nga đương thời, Dostoyevsky trở thành một hiện tượng nổi tiếng nhất của đời sống Nga, nhà tiên tri và sứ đồ của họ.

Tám năm cuối đời Dostoyevsky mắc bệnh tràn khí do viêm đường hô hấp. Ông qua đời vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 9 tháng 2 năm 1881. Trước lúc mất ông yêu cầu vợ mở cuốn kinh thánh mà ông đã giữ gìn suốt 30 năm từ hồi đi đày ở Sibiri và đọc dòng đầu tiên ở trang bất chợt mở ra. Cuốn kinh thánh đó Dostoyevsky đề nghị trao lại cho con trai Fedya hai giờ trước khi ông nhắm mắt. Anna Grigorievna Snitkina mất sau chồng 37 năm.

Cuối đời bà viết: “Tôi đã hiến dâng cho Dostoyevsky từ năm 20 tuổi. Bây giờ tôi đã ngoài 70 và vẫn còn thuộc về ông, mỗi ý nghĩ, mỗi hành động, tôi thuộc về trí nhớ của ông, công việc của ông, con cái và cháu chắt của ông”.

(Theo báo Nga)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!