Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Trường Đại học duy lý và ý tưởng tự trị Đại học

gô Tự Lập
Khoa học & Tổ quốc
09:40' PM - Chủ nhật, 19/02/2006

Trường Đại học hiện đại (ĐHHĐ) ở phương Tây, nhất là ở Mỹ, được xây dựng theo mô hình của Wilhelm von Humboldt (1767 - 1835). Tuy nhiên, cha đẻ thực thụ của trường ĐHHĐ chính là Immanuel Kant (1724 - 1804), người đã kết hợp triết học duy lý (rationalism) của Descartes với triết học duy nghiệm (empiricism) của Bacon và mở đầu cho thời kỳ Khai Sáng

Khác biệt lớn nhất giữa trường ĐHHĐ với trường Đại học thời trung cổ là ĐHHĐ có một tư tưởng chủ đạo, tạo thành nền tảng cho mọi hoạt động của nó, bao gồm mục đích, triết lý, phương pháp, cũng như quan hệ giữa các khoa và quan hệ của trường với Nhà nước. Tư tưởng chủ đạo ấy, với Kant, là lý tính.

Trong các trường Đại học Trung cổ phương Tây, kiến thức được chia thành bảy bộ môn, thuộc hai tiểu loại, gọi là Tam khoa (Ngữ pháp, Tu từ học, Logic học) và Tứ khoa (Số học, Hình học, Thiên văn học và Âm nhạc). Sự phân chia bộ môn này thường được gắn với tên tuổi của Aristotle nhưng thật ra có nguồn gốc từ Ai Cập. Nó đơn thuần dựa trên sự khác biệt về vấn đề nghiên cứu chứ không phải dựa trên một nguyên lý thống nhất nào.

Trong Xung đột giữa các khoa, Kant mô tả sự phân chia các khoa của trường Đại học đương thời theo đó các khoa được chia thành hai đẳng cấp ba khoa cấp trên (có thể gọi là Thượng khoa) là Thần học, Luật học và Y học, đẳng cấp thấp chỉ có một khoa, có thể gọi là Hạ khoa, đó là Triết học (bao gồm cả các ngành Khoa học xã hội và nhân văn).

Các khoa được gọi là thượng chỉ vì chúng nằm trong mối quan tâm của quyền lực nhà nước. Các Thượng khoa dạy người dân tuân theo các quy tắc xã hội, nghĩa là đào tạo các thần dân, những người thừa hành, chứ không phải là những cá nhân tự do hành động theo lý trí. Kant viết:

"Như vậy nhà thần học Thánh kinh (với tư cách là thành viên của một thượng khoa) lấy nội dung giảng dạy không phải từ lý tính mà từ Kinh Thánh, giáo sư luật không lấy nội dung giảng dạy từ quy luật tự nhiên, mà từ luật lệ một vùng đất, còn Giáo sư Y học thì không dạy phương pháp điều trị thực tế dựa trên sinh lý học cơ thể người mà dạy các quy định y tế”.

Khoa Triết học, ngược lại, bị coi là hạ chỉ vì nó không dạy bất kỳ điều gì khác ngoài việc sử dụng lý trí một cách tự do. Vì lẽ đó nhà nước không chỉ quan tâm, mà còn thường xuyên can thiệp vào nội dung giảng dạy của các thượng khoa, trong khi nói chung để cho các giáo sư triết học lo liệu nội dung giảng dạy của khoa mình. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, đại khái các thượng khoa là các khoa chuyên ngành, có mục đích dạy tác nghiệp, còn hạ khoa là khoa cơ sở, có mục đích khai sáng.

Muốn hiểu có chế vận hành trong trường ĐHHĐ của Kant, chúng ta phải hiểu quan niệm của ông về Khai sáng. Đối với Kant, cũng như đối với các nhà tư tưởng của thời đại Khai sáng, lý trí là một năng lực phổ quát có khả năng giúp con người khám phá thế giới và hành động đúng đắn, hợp với quy luật tự nhiên. Trong tiểu luận ngắn thế nào khai sáng (1784), Kant định nghĩa khai sáng là khả năng thoát khỏi tình trạng vị thành niên về trí tuệ để "sử dụng tri thức của mình là không cần sự chỉ dẫn của người khác" ông cho rằng, lý do của tình trạng vị thành niên không phải là thiếu lý trí, là do thiếu quyết đoán và lòng dũng cảm để sử dụng lý trí một cách tự do. Để khai sáng, theo Kant, con người không cần bất kỳ điều gì khác ngoài tự do. Điểm mấu chốt ở đây là sự phân biệt giữa hai cách sử dụng lý trí: công khai và riêng tư. Kant viết: “Việc sử dụng lý trí một cách công khai phải luôn luôn tự do, và chỉ có nó mới có khả năng khai sáng con người. Còn sự sử dụng lý trí một cách riêng tư thì thường có thể giới hạn chặt chẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến trình khai sáng".

Kaltt giải thích rằng sự sử dụng lý trí công khai là sự sử dụng lý trí với tư cách của học giả, hay trí thức, còn sử dụng riêng tư là sự dụng lý trí trong thi hành một chức trách được giao. Ông viết:

"Nhiều công việc công ích đòi hỏi một cơ chế trong đó một số thành viên cộng đồng phải nhất nhất tuân thủ một cách thụ động để chính quyền có thể điều khiển nó để đạt đến những mục đích chung, hay ít nhất cũng không làm tổn hại đến những mục đích chung đó. Khi đó dĩ nhiên không có chuyện lý sự, chỉ có tuân thủ mà thôi... Một công dân không thể từ chối nộp thuế... Nhưng sẽ không có gì là trái với nghĩa vụ công dân khi chính con người đó, với tư cách học giả, phát biểu công khai về những điều bất hợp lý hay thậm chí bất công của thứ thuế này".

Theo Kant, việc phê phán công khai của các học giả sẽ dẫn đến tác dụng điều chỉnh xã hội trong quá trình phát triển dài hạn.

Quan niệm về khai sáng của Kant được phản ánh qua vai trò của lý trí trong quan hệ giữa các khoa của trường ĐHHĐ. Nhiệm vụ của ba Thượng khoa là giúp sinh viên sử dụng lý trí một cách riêng tư - không phải dựa trên sự chỉ dẫn của lý trí, mà theo các quy ước xã hội. Bill Readings, trong cuốn Trường Đại học trong đống đổ nát, viết một cách mỉa mai:

"Thần học dạy người ta cách để được cứu rỗi mà không cần phải sống tốt... Luật học dạy người ta thắng kiện mà không cần trung thực... Y học dạy người ta chữa bệnh hơn là dạy cách sống lành mạnh..."

Trái lại, nhiệm vụ của khoa Triết học là dạy cho sinh viên cách sử dụng lý trí một cách công khai và độc lập. Triết học, hoàn toàn dựa trên lý trí, đặt ra những câu hỏi về tính hợp lý cũng như cơ sở của quyền lực, của truyền thống và các quy ước xã hội. Điều này dẫn đến việc phê phán nội dung và phương pháp giảng dạy của các Thượng khoa. Như thế, nền tảng của trường ĐHHĐ là xung đột giữa các quy phạm truyền thống (thể hiện qua nội dung và hoạt động của các Thượng khoa) với sự thẩm vấn không ngừng của lý trí (thông qua khoa Triết học).

Như thế, về bản chất, trường ĐH của Kinh là trường Đại học duy lý. Bill Readings viết rất chính xác rằng "Theo nghĩa đó, hạ khoa đã trở thành thượng khoa, thành bà hoàng của khoa học, thành môn học hiện thân cho cái nguyên lý thuần nhất đem lại sức sống cho trường Đại học" và khiến nó khác hẳn trường dạy nghề (phường hội) hay viện hàn lâm chuyên ngành (thuộc hoàng gia)".

Tương tự như sự phân biệt hai cách sử dụng lý trí, trường ĐHHĐ phải giải quyết mối quan hệ hai mặt của nó với nhà nước. Một mặt, trường ĐH là nơi đào tạo nhân lực cho Nhà nước, nó phải giáo dục người lao động rằng họ phải sử dụng lý trí để phục vụ nhà nước. Vì thế ĐH phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Mặt khác, trường ĐH chỉ có thể vận hành tốt nếu lý trí được tự do tuyệt đối. Điều này có nghĩa là trường Đại học phải được hưởng một quy chế tự trị để quá trình phê phán có thể diễn ra thuận lợi. Nếu không có cơ chế tự trị, lý trí sẽ không thể được áp dụng tự do, và như thế có nghĩa là trường ĐH của Kant cũng không còn lý do tồn tại.

Liệu có thể kết hợp hai yêu cầu dường như mâu thuẫn này không? Câu trả lời của Kant là có Theo Kant, nhiệm vụ của trường ĐH là đào tạo những chủ thể cộng hoà: những người có khả năng sử dụng lý trí một cách tự do, đồng thời có tinh thần công dân trong quan hệ với nhà nước. Chính những người công dân được khai sáng ấy, trong khi làm tốt nghĩa vụ của mình, thông tự do tư tưởng, đem đến những điều chỉnh cho xã hội. Và đó chính là cội nguồn của tiến bộ. Trường Đại học duy lý của Kant sau này được thay thế bằng trường Đại học Văn hóa của Humboldt do những yêu cầu lịch sử của các Nhà nước - dân tộc đang hình thành ở Châu Âu.

Quan niệm lý trí như là một cái gì đó phổ quát, phi lịch sử và phi xã hội của Kant - cũng như khái niệm văn hoá của Humboldt - không phải không có vấn đề. Trong mấy thập niên cuối thế kỷ XX, nó bị các nhà triết học hậu hiện đại như Lyotard, Foucault, Derrida... công kích dữ dội. Ở các nước phương Tây hiện nay, các trường Đại học Văn hóa theo hình mẫu của Humboldt đang biến mất để nhường chỗ cho các trường Đại học – Doanh nghiệp mà tư tưởng chủ đạo là doanh thu chứ không phải là lý trí hay văn hoá. Nhưng chính trong bối cảnh đó khi các trường Đại học phương Tây đang có nguy cơ biến thành các trưng tâm đào tạo nhân lực đơn thuần, nhiều học giả bỗng lại thấy ý tưởng về một kiểu Đại học tự trị dựa trên tinh thần phê phán trở nên sống động. Bất chấp những lời rêu rao của các nhà chính trị, dân chủ không bao giờ có được nếu người dân chỉ đơn thuần là những người thừa hành, cho dù là thừa hành trong một xã hội có trình độ công nghệ cao.

Sapere aude! - Hãy dám nhận thức? Khẩu hiệu của Kant đến nay vẫn chưa hề cũ.
Nguồn: Khoa học & Tổ quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!