Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2009

Người nhiễm HIV mở doanh nghiệp

(Viet4phuong) - Một ngày thu, nắng vẫn còn nhức nhối, chiếc xe chở những cán bộ của tổ chức phi chính phủ DED, Đức, dừng lại trước một tiệm rửa xe trong một phố nhỏ quận Đằng Giang, TP Hải Phòng. Khác với những tiệm rửa xe thông thường, nơi này có một tấm biển đặc biệt gắn phía trên với chữ Hoa Phượng Đỏ.

Hoa Phượng Đỏ - một cái tên quen thuộc không chỉ đối với người dân Hải Phòng mà còn với cả không ít bạn bè quốc tế. Đây là một cơ sở kinh doanh mà toàn bộ nhân viên là những người đang sống chung với HIV.

Mất việc khi còn sức lao động

Chị Kim Thị H, sinh năm 1970, hiện là trưởng nhóm Hoa Phượng Đỏ (Hải Phòng) kể rằng trước đây chị là công nhân may, đang có việc làm rất ổn định nhưng từ khi biết chị có HIV, chủ doanh nghiệp đã khéo léo viện ra lý do để chị phải nghỉ việc.

Chị H chỉ là một trong vài ngàn trường hợp ở thành phố Hải Phòng. Phần lớn khi thông tin về những người có HIV bị lộ ra ngoài, họ đều gặp khó khăn về việc làm. Nhiều người vẫn mang tâm lý không muốn giao tiếp với một người có HIV, làm cùng hay sử dụng dịch vụ của người có HIV lại càng không, vì thế cơ hội kiếm sống của những người nhiễm HIV gặp rất nhiều khó khăn.

Đứng trước thực tế phũ phàng này, Phạm Thị Huệ - người được phong danh hiệu Anh hùng Châu Á, hiện là cố vấn cho nhóm Hoa Phượng Đỏ - đã cùng với nhóm của mình (gồm hơn 130 thành viên trong đó có 8 phụ nữ nhiễm HIV là thành phần cốt cán), đưa ra ý tưởng thực hiện 3 mô hình kinh doanh tạo việc làm cho các thành viên trong nhóm bao gồm may mặc, nuôi tu hài và rửa xe máy.

Thật may mắn, ý tưởng của cô đã được tổ chức DED hỗ trợ theo chương trình CSR: Doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội. Ước mơ của Huệ và những người đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng vì bị mất việc làm đã sắp trở thành sự thật, nhưng đó mới là ý tưởng được duyệt, còn thực hiện như thế nào đây?

Yêu cầu của DED đối với doanh nghiệp là Sự đầu tư đối ứng. Không như các hoạt động hỗ trợ, tài trợ khác, yêu cầu của DED rất ngặt nghèo khi đòi hỏi doanh nghiệp phải góp một số vốn với tỉ lệ 50/50.

Ông Juergen Foerter - chuyên gia dự án DED - cho biết "DED hợp tác với khối kinh tế tư nhân trong khuôn khổ các chương trình Hợp tác công tư là một bước tiếp cận mới tới xoá đói giảm nghèo. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ giảm nghèo theo chiến lược của Chính phủ VN. Lý do DED cần một nguồn vốn đối ứng trong dự án này là vì như vậy, doanh nghiệp tự bỏ vốn, cũng sẽ tự ý thức hơn trong việc quản lý và điều tiết đồng vốn của mình, như vậy mới có thể phát triển tốt".

Ngoài trích ra số tiền ít ỏi trong quỹ của nhóm, Huệ bắt đầu chạy đôn chạy đáo tìm sự hỗ trợ của các doanh nghiệp sao cho huy động đủ số vốn đối ứng. Và như cô nói: "Mình cứ làm rồi ông Trời sẽ không phụ", tháng 7.2007 dự án xây dựng doanh nghiệp để hỗ trợ việc làm cho những người nhiễm HIV với tổng số vốn là 14.300 EURO đã trở thành hiện thực.

Khó khăn vẫn còn đó

Tiền đã có rồi, nhân sự cũng đã sẵn sàng, nhưng điều hành một doanh nghiệp ba lĩnh vực không phải là việc đơn giản ngay cả đối với những người đã từng trải qua nhiều kinh nghiệm kinh doanh.

Ngay từ đầu, ý tưởng nuôi tu hài ở Cát Bà của Huệ đã bị cả gia đình và những người trong nhóm coi là điên rồ. Tự nhiên đổ hàng trăm triệu ra biển mà chưa nhìn thấy tương lai đâu, lợi nhuận vô cùng mờ mịt vì nuôi tu hài phải một năm sau mới được thu hoạch. Đầu tư bằng những đồng tiền chắt chiu mồ hôi nước mắt của cả nhóm và chịu sự giám sát ngặt nghèo của một tổ chức nước ngoài, sức ép là vô cùng lớn đối với một cô gái 28 tuổi, còn đang phải chịu bao trọng trách về truyền thông và chăm sóc, hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ.

Những ngày đầu tiên, việc công khai một cửa hàng rửa xe với biển đề đàng hoàng do chính những người đã từng nghiện ma tuý và nay đang mang trong mình HIV chịu trách nhiệm là một việc làm hết sức mạo hiểm.

Mặc dù, được chính quyền và các chị bên hội phụ nữ sở tại ủng hộ, song sự kỳ thị vẫn còn đó, rửa xe là một dịch vụ trực tiếp, nhiều khách hàng vẫn còn ngần ngại. Ngay cả một việc rất đơn giản là đi liên hệ thuê địa điểm để tổ chức hoạt động lâu dài khi đã có tiền trong tay cũng vô cùng gian nan đối với Huệ. Khi biết lý lịch của người thuê nhà là người nhiễm HIV, gia chủ nhất định từ chối với nhiều lý do tế nhị khác nhau.

Về dịch vụ nuôi tu hài, mới đầu Huệ thậm chí còn giữ kín thông tin với giới truyền thông, sợ rằng nhiều doanh nghiệp sẽ ngần ngại mà từ chối nhập hàng từ nhóm của Huệ, cũng như đã có những doanh nghiệp từ chối thẳng thừng không nhận hàng thuê móc của nhóm với nỗi sợ kỳ dị rằng biết đâu trong quá trình thêu, móc, công nhân sơ sẩy để que móc đâm vào tay chảy máu rồi máu sẽ dây ra sản phẩm.

Nhưng gần một năm trôi qua, ước mơ "điên rồ" của Huệ đã hiển hiện hàng ngày trước mắt của bà con quận Đằng Giang và Kiến An. Nhiều người ở xa cũng mang xe đến đây rửa để ủng hộ. Cơ sở rửa xe máy đã tạo thu nhập 700.000đ/tháng trên một đầu người lao động. Thu nhập của 10 nhân viên may mặc dao động từ 1.000.000đ - 1.500.000đ/tháng.

Hiện nay, kỳ vọng lớn nhất của Huệ và cả nhóm vẫn đang trông chờ vào việc nuôi tu hài ở Cát Bà. Nuôi tu hài rất lãi, nhưng cần phải kiên nhẫn vì điều kiện nuôi khó khăn và thời gian chờ đợi lâu dài.

Theo Huệ, hiện nay thị trường thuỷ hải sản rất sôi động, cầu thường vượt quá cung, nên doanh thu 300 triệu từ tu hài so với số vốn 120 triệu mà nhóm của cô bỏ ra chắc chắn sẽ là một thành quả tuyệt đẹp và là nguồn động viên lớn lao đối với những nguời nhiễm HIV đang ngày đêm vất vả trông mong.

Người nhiễm HIV cưu mang người không nhiễm

Ba cơ sở hoạt động kinh doanh của Hoa Phượng Đỏ rất đặc biệt với những con người đặc biệt. Mặc dù so với mặt bằng giá hiện nay, thu nhập của các thành viên nhóm dễ khiến những người thành phố tiêu cả triệu cho một bữa ăn phải bật cười, nhưng đồng tiền ít ỏi nhận được đã khiến họ rơi những giọt nước mắt hạnh phúc. Họ đang trong nỗi tuyệt vọng vì bị mất nguồn thu nhập, mất niềm vui lao động, nếu có giữ được bí mật về thân thế để giữ chỗ làm thì nào có thể chia sẻ chuyện trò những câu chuyện bình thường như những người khác, nay họ được những thứ còn lớn hơn tiền bạc.

Huệ nói rằng, phần lớn những người chưa chuyển sang giai đoạn AIDS đều còn nguyên sức khoẻ để làm việc, vậy mà xã hội lại tước đi quyền được lao động của họ.

Khi làm việc theo nhóm, những người nghiện ma tuý động viên nhau cai nghiện thành công, những người bệnh nhắc nhở nhau uống thuốc cho đúng giờ, tinh thần vô cùng thoải mái vì có thể chia sẻ những điều mà bấy lâu nay vẫn giữ kín trong lòng. Nhiều nhân viên còn độc thân sau khi tham gia làm việc tại nhóm đã tìm được nửa còn lại của mình, một hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ còn tìm thấy nữa.

Cá biệt có những người hoàn toàn không bị nhiễm HIV nhưng hàng ngày vẫn sống và làm việc cùng những người bị nhiễm. Đó là hai mẹ con chị Hà, có chồng đã chết vì HIV/AIDS, nhưng rất may là hai mẹ con chị không bị nhiễm HIV từ chồng. Tuy vậy gia đình nhà chồng vẫn ruồng rẫy chị vì không ai tin có chuyện ấy.

Cơ hội giao tiếp, việc làm hay tìm một chỗ thuê trọ dường như là điều không tưởng đối với chị. Rơi vào bước đường cùng, chị Hà được một tổ chức ở Hà Nội giới thiệu đến với nhóm Hoa Phượng Đỏ, vậy là ngay sáng ngày mùng 6 Tết hai mẹ con chị đã khăn gói đến Hải Phòng.

Hiện nay chị Hà và cậu con trai 5 tuổi ngủ trong một chiếc giường nhỏ ở phòng trong của cơ sở rửa xe máy, được nhóm giúp đỡ việc làm và liên hệ xin hỗ trợ tiền học phí cho cháu nhỏ. Nhìn chỗ ở tạm bợ của chị cũng chẳng dễ chịu gì nhưng chứa đựng đầy tình người.

Một người hoàn toàn khoẻ mạnh lại được những người nhiễm HIV giúp đỡ và bao bọc. Chuyện tưởng thật như đùa ấy đã xảy ra giữa những người đã từng cùng chung một nỗi niềm tuyệt vọng.

Cơ sở may Hoa Phượng Đỏ đóng tại phố Nguyễn Lương Bằng, quận Kiến An, TP Hải Phòng, là một căn nhà chừng ba chục mét vuông với cả xưởng, bếp ăn và một góc nhỏ dành cho người trực đêm. Nhà mái tôn trần thấp nằm ngay mặt đường lớn, cái nắng giữa mùa thả sức tuôn hơi nóng vào ngôi nhà bé nhỏ. Có chục chiếc máy may với 10 nhân công ngồi đạp từ 7 rưỡi sáng đến 5 giờ chiều, mỗi chiếc quần đùi gia công có giá 4000/chiếc, trừ chi phí còn hơn 2000/chiếc cũng mang lại thu nhập dao động 1 triệu/tháng đủ để tùng tiệm duy trì cuộc sống cho hai mẹ con.

Chị Đoàn Thị K là trưởng nhóm cơ sở may Hoa Phượng Đỏ, sinh năm 1982, chồng mất đã ba năm rưỡi, chị và cậu con trai 5 tuổi đều đã bị nhiễm HIV được 5 năm. K có khuôn mặt tươi tắn, dễ thương, lúc nào cũng cười như thể cuộc sống trước mặt chỉ toàn một màu hồng. Chị hy vọng nhóm Hoa Phượng Đỏ rồi đây ngoài ba mô hình kể trên mở rộng để thu hút nhiều nhân lực trong nhóm hơn nữa.

Trên bức tường của xưởng may có treo hình chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên cây thánh giá, đó là bức tượng của K, chị là người Công giáo. Có thể chị hy vọng hàng ngày, Chúa vẫn nhìn xuống những con người nhỏ bé trong ngôi nhà chật hẹp luôn đầy ắp tiếng cười này, cũng như Huệ, luôn miệng nói rằng "Mình có công, Trời sẽ không phụ". Và thành quả của họ, đến hôm nay đã bước đầu mở ra một ngày mai tươi sáng.

Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức và hoạt động tại Việt Nam

Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Đức (DED) là tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận chuyên về hợp tác nhân sự. Kể từ khi DED thành lập năm 1963 đến nay đã có hơn 13.000 chuyên gia phát triển cống hiến cho công tác cải thiện điều kiện sống của người dân các khu vực Châu Phi, Á, Mỹ Latinh.

Việt Nam là một trong 46 quốc gia có trụ sở của DED. Bắt đầu hoạt động từ năm 1993, theo yêu cầu của các cơ quan đối tác địa phương, các chuyên gia DED tư vấn chuyên môn các lĩnh vực như phát triển kinh tế và xúc tiến nghề nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, y tế và chăm sóc người khuyết tật, trong đó có chương trình đặc biệt hỗ trợ các tổ chức quần chúng sở tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Di Li

Theo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!