"Một người phụ nữ thẳng thắn, mạnh mẽ và năng động. Một người đàn bà ham mê quyền lực, nổi tiếng và cũng nhiều tai tiếng", đó là nhận xét của Tướng Joseph W. Stilwell, người chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ tại Trung Quốc thời kỳ thế chiến II đối với Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tưởng Giới Thạch. Bà vừa qua đời tại căn hộ riêng của mình ở hạt Mahattan, New York, thọ 106 tuổi. Cả cuộc đời bà theo đuổi một giấc mộng chính trị lớn lao song dường như cái mà bà nhận được không làm bà thoả mãn.
Nền tảng gia đình
Tống Mỹ Linh sinh ngày 12/2/1898 tại đảo Hải Nam, phía Nam Trung Quốc. Sinh trưởng trong một gia đình theo Hội Giám lý (Cơ đốc giáo), bà có một tư duy và nhân sinh quan hoàn toàn theo phương Tây. Cha bà, ông Charles Tống, đã từng tốt nghiệp khoa Thần học tại Đại học Vanderbilt, Nashville, bang Tennessee và sau đó trở thành một nhà truyền giáo kiêm thương gia. Mẹ bà, Kwei Twang Nyi, là một con chiên Cơ Đốc ngoan đạo và cũng là một người rất nguyên tắc trong việc giữ gìn nền nếp gia đình.
Lịch sử gia đình Tống Mỹ Linh, xét theo khía cạnh nào đó, gắn liền với lịch sử hiện đại Trung Quốc, với cuộc kháng chiến chống Nhật, những nỗ lực thống nhất và hiện đại hoá đất nước cùng sự chia rẽ giữa hai chính quyền Cộng sản và Quốc dân.
Mỹ Linh là con thứ 4 trong gia đình gồm 6 anh em. Người anh cả, T.V Tống là một thương nhân rất thành đạt, từng được liệt vào danh sách những người giàu nhất thế giới. Ông nắm giữ chức Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và Ngoại trưởng trong chính quyền Tưởng Giới Thạch ở những thời kỳ khác nhau. Hai người chị là Ái Linh và Khánh Linh, vốn nổi tiếng vì sắc đẹp và các cuộc hôn nhân với những người đàn ông có ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc thời kỳ trước Thế chiến II. Chị đầu tiên là Ái Linh kết hôn với một chủ nhà băng giàu có đồng thời là Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc H.H. Kung. Hai vợ chồng kiếm lợi từ việc khéo léo lợi dụng các nguồn tin từ bên trong. Còn chị thứ hai Khánh Linh kết hôn với Tôn Trung Sơn, người lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc chủ nghĩa lật đổ đế chế phong kiến cuối cùng tại Trung Quốc năm 1911. Người ta đã từng nhận xét ba chị em nhà họ Tống bằng một câu ngắn gọn song khá chính xác: "Một người mê tiền, một người yêu Trung Quốc và một người mê quyền lực".
Người học trò xuất sắc
Trong gia đình ông Tống, giáo dục được đặt lên hàng đầu. Ba chị em nhà họ Tống được coi là những phụ nữ Trung Quốc đầu tiên được hưởng thụ nền giáo dục phương Tây vào cái thời mà ở Trung Quốc việc du học chỉ giành cho đấng nam nhi.
Tống Mỹ Linh sang Mỹ năm 1908, khi mới lên 10 tuổi và theo học một trường trung học tại Demorest, bang Georgia. Bà cư trú gần khu trường Wesleyan dành cho nữ giới tại Macon, bang Georgia, nơi chị của bà đã từng theo học và được các sinh viên trường Wesleyan dạy kèm. Là một học sinh thông minh, Mỹ Linh nhanh chóng nắm vững tiếng Anh và phát âm rất chuẩn. Năm 1913, Mỹ Linh vào học trường Wellesley, theo chuyên ngành chính là Văn học Anh và triết học là ngành phụ. Bà đã được nhận danh hiệu Sinh viên Vượt khó, danh hiệu cao nhất của trường Wellesley do kết quả học tập xuất sắc của mình. Trong năm đầu tiên học đại học, bà ở trọ tại một gia đình ở khu Wood Cottage và Tower Court. Sau đó, từ năm thứ 2 trở đi, bà sống trong cư xá nhà trường.
Không chỉ tích cực trong học tập, Mỹ Linh cũng thường tham gia các hoạt động thể thao như tennis, bơi lội trong những năm theo học trường Wellesley. Theo lời các bạn bè cùng học, Mỹ Linh là một người ưa hoạt động xã hội và rất được mọi người yêu mến.
Sau khi tốt nghiệp trường Wellesley năm 1917, Tống Mỹ Linh trở về Trung Quốc. Tại đây, bà bắt đầu "dùi mài" tiếng Trung Quốc, tìm hiểu nền văn học cổ điển của nước nhà. Bà làm công tác xã hội cho tổ chức Y.W.C.A tại Thượng Hải và sau đó được bầu làm thành viên Uỷ ban Lao động Trẻ em Thượng Hải.
Tống Mỹ Linh có một số tác phẩm được xuất bản, bao gồm: Đây là Trung Quốc của chúng ta (1940), Tây An: một cuộc đảo chính (1941) và Chiến Thắng trong tầm tay (1955). Bà đã giành được bằng danh dự của các trường: Đại học Boston, Cao đẳng Y tế Hahnemann, Đại học Loyola, Đại học Michigan và Cao đẳng Wellesley.
Cuộc hôn nhân sóng gió
Vào khoảng năm 1920, Mỹ Linh gặp Tưởng Giới Thạch, một học trò của Tôn Trung Sơn. Tưởng hơn cô 11 tuổi và là một tín đồ Phật giáo. Mặc dù Tưởng đã có gia đình và một con trai, song ông vẫn cầu hôn Mỹ Linh trước sự phản đối mạnh mẽ của bà Tống. Cuối cùng, do sự kiên trì của Tưởng, bà Tống đã thuận lòng cho phép cử hành hôn lễ với điều kiện Tưởng phải "trình diện" giấy ly hôn với người vợ trước và phải từ bỏ Phật giáo để chuyển sang Cơ đốc giáo. Tưởng nói với "nhạc mẫu tương lai" rằng ông không thể chuyển tôn giáo ngay lập tức vì điều này cần phải được "thấm nhuần" dần dần, song sẽ không nuốt lời.
Đám cưới được cử hành trọng thể vào ngày 1/12/1927 tại Khách sạn Majestic, Thượng Hải. Tờ Thời báo Thượng Hải có lời bình luận: "Đây là lễ cưới đặc biệt nhất tại Trung Quốc trong những năm gần đây". Áo dài của Mỹ Linh được dát bạc và nhiễu trắng kèm theo một tấm mạng che mặt có ren dài. Giày và tất của cô dâu cũng phủ bạc. Chú rể thì mặc một áo vest đuôi tôm dài sang trọng.
Cuộc hôn nhân của hai người có thể coi là một sự kết hợp mang tính chính trị, được người chị thứ hai Tống Khánh Linh sắp đặt. Sau đám cưới, Tưởng Giới Thạch tiếp tục kế hoạch thống nhất Trung Hoa. Đến năm 1929, Tưởng chính thức chịu phép rửa tội Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của hai người chỉ được một thời kỳ đầu hạnh phúc. Càng về sau, sóng gió càng nhiều, một phần do "tính lăng nhăng" của Tưởng, một phần do "tham vọng chính trị quá lớn" của Mỹ Linh. Đã từng có những lời đồn đại về các cuộc tình vụng trộm của Tưởng đến mức ông phải tổ chức một cuộc họp báo để bác bỏ việc có quan hệ với một nữ y tá riêng. Về phần mình, Tống Mỹ Linh đã phàn nàn với một tướng lĩnh trong quân đội Mỹ rằng bà không thể sống chung với Tưởng. Và cũng đã có lần Mỹ Linh thú nhận bà "chưa bao giờ có quan hệ chăn gối với Tưởng". Trên thực tế, hai người không có con chung.
Người đàn bà "đầy tham vọng"
Vốn là một tướng tài trong quân đội Trung Quốc thời kỳ đó, cộng thêm chút "khôn ngoan và nắm biết thời cuộc", Tưởng đã trở thành Tổng tư lệnh quân đội, lãnh đạo Đảng Quốc dân. Mỹ Linh nghiễm nhiên trở thành Tưởng phu nhân đầy quyền lực. Bà nổi tiếng trên trường quốc tế do trình độ Anh ngữ điêu luyện, sự thông minh, phong cách Tây phương thanh lịch, cộng thêm nét bí hiểm của phương Đông. Thậm chí có nhiều người còn miêu tả một cách "trắng trợn" rằng bà có sự "hấp dẫn về tình dục".
Trong suốt một thập niên Quốc dân Đảng lãnh đạo Trung Quốc từ 1927-1937, Mỹ Linh luôn bận rộn chuyện "chính sự" khi Tưởng Giới Thạch nỗ lực thống nhất Trung Hoa. Bà đảm đương rất nhiều công việc quan trọng như phát lời hiệu triệu phụ nữ Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng không quân Trung Quốc, làm phiên dịch kiêm thư ký, cố vấn và tuyên truyền viên cho Đảng Quốc Dân của chồng. Là một nhà trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc, bà đã tiến hành vận động chính trị tại nhiều nơi trên đất Mỹ, tham dự hội nghị thượng đỉnh Cairo (Ai Cập) giữa Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Tưởng Giới Thạch, khiến cho những người có mặt tại buổi họp băn khoăn tự hỏi liệu bà hay ông Tưởng đang đại diện cho Trung Quốc. Bà cũng nắm giữ sổ mật mã thông tin giữa Trùng Khánh (thủ phủ thời chiến) và Nhà Trắng, đồng thời từng ám chỉ tới việc trở thành Bộ trưởng Chiến tranh Trung Quốc.
Năm 1934, bà phát động phong trào "Cuộc sống Mới" tại Trung Quốc với mục đích "tái sinh một nước Trung Hoa cả về thể chất, giáo dục và đạo đức tinh thần" dựa trên các giá trị Trung Hoa truyền thống. Năm 1936, bà đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký Uỷ ban Các vấn đề Hàng không Trung Quốc. Bà nói: "Trong tất cả những phát minh góp phần thống nhất Trung Quốc, có lẽ đáng chú ý nhất là sự ra đời của máy bay. Khả năng san bằng khoảng cách của loại phương tiện này có thể làm tiêu tan sự hoài nghi và hiểu lầm".
Nhận biết được tham vọng của Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch đã tìm cách hạn chế không cho bà can dự và giải quyết các vấn đề nội chính, điển hình là tách bà khỏi quân đội. Song tài năng thương thuyết và tầm ảnh hưởng của bà trong quan hệ với Mỹ khiến Tưởng không thể không cần đến bà. Điều này được thể hiện rõ nhất qua "Sự kiện Tây An". Tháng 12/1936, sau khi lực lượng Quốc dân Đảng tại Tây An từ chối giao chiến với lực lượng Đảng Cộng sản, Tưởng Giới Thạch tới khu vực này và ngay lập tức bị các sĩ quan cấp dưới âm mưu làm phản "bắt giam". Tống Mỹ Linh đã nhanh chóng bay tới Tây An và tiến hành cuộc thương lượng thành công với các tướng sĩ. Kết quả là Tưởng Giới Thạch đã được trả tự do đúng vào ngày Noel năm đó.
Tháng 2/1943, Tống Mỹ Linh trở thành công dân Trung Quốc đầu tiên, và là người phụ nữ thứ 2 từng phát biểu tại một phiên họp chung giữa Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Duyên dáng trong bộ áo dài đen truyền thống Trung Quốc, với phát âm tiếng Anh rất chuẩn, Tống Mỹ Linh cố gắng thuyết phục các nghị sĩ Mỹ rằng việc đánh bại Nhật Bản còn quan trọng hơn việc ngăn chặn Đức Quốc xã, và rằng quân đội Mỹ nên tập trung vào việc đánh Nhật tại Trung Quốc. Một câu nói nổi tiếng của bà đã chiếm được cảm tình của Quốc hội Mỹ trong phiên họp hôm đó là: "Tôi hiểu rõ dân tộc của các ngài. Tôi đã từng sống với họ. Tôi đã giành những năm tháng đầu tiên của cuộc đời bên cạnh dân tộc của các ngài. Tôi nói ngôn ngữ của các ngài, không chỉ ngôn ngữ của trái tim mà ngôn ngữ mẹ đẻ của các ngài".
Từ sau Thế chiến II, Quốc dân Đảng càng lúc càng bộc lộ sự thối nát và yếu kém trong việc lãnh đạo, đặc biệt nạn tham nhũng, biển thủ lan tràn trong đảng. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Mỹ đã viện trợ cho Trung Quốc hơn 3 tỷ USD, và hầu hết số tiền này được chuyển qua Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó là anh cả của Mỹ Linh - T.V. Tống. Về sau, người ta phát hiện rằng gia đình Tống đã trải qua một "cuộc tranh giành nội bộ" vì số tiền "biển thủ".
Tháng 11/1948, một lần nữa Tống Mỹ Linh trở lại Washington để yêu cầu sự viện trợ của Mỹ cho cuộc chiến chống lại Đảng Cộng sản. Song Tổng thống Mỹ lúc đó là Truman đã "mất kiên nhẫn" với chính quyền Tưởng và cũng thấy rõ không còn hy vọng gì trong việc khôi phục chính phủ Quốc Dân tại Trung Quốc nên đã từ chối. Phẫn nộ trước thái độ của Mỹ, Tống Mỹ Linh đã công khai ví nền chính trị Mỹ là "quê mùa cục mịch" khiến Tổng thống Truman vô cùng tức giận. Sau này, ông có nhắc tới những quan chức Quốc dân Đảng với lời lẽ miệt thị công khai: "Họ là những tên kẻ cướp. Họ đã ăn cắp 750 triệu USD trong tổng số 3 tỷ USD mà chúng tôi gửi cho Tưởng và số tiền này được đầu tư vào bất động sản tại Sao Paolo, hoặc một số khu vực ngay tại New York".
Năm 1949, Đảng Cộng sản đã kiểm soát được hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch cùng Tống Mỹ Linh đã phải rời khỏi Đại lục tháo chạy ra đảo Đài Loan và tuyên bố hòn đảo này thuộc sự kiểm soát của Quốc dân Đảng. Thời kỳ này, uy tín của Tống Mỹ Linh trên chính trường vẫn rất lớn. Bà từng được bầu làm chủ tịch danh dự Cơ quan Cứu trợ Y tế Trung Quốc của Mỹ - một cơ quan đỡ đầu cho Uỷ ban Chữ Thập đỏ Quốc tế và chủ tịch danh dự Quỹ Cứu trợ Trung Quốc của Liên hợp Anh. Suốt thời kỳ cuối thập niên 60, bà nằm trong danh sách 10 người phụ nữ được "ngưỡng mộ" nhất nước Mỹ.
Những năm tháng cuối đời
Kể từ sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975, những nỗ lực của Tống Mỹ Linh nhằm kiểm soát Quốc dân Đảng không đem lại kết quả nào. Bà quyết định sang Mỹ định cư nhưng vẫn không hoàn toàn rời bỏ nền chính trị Đài Loan. Năm 1988, bà trở lại hòn đảo này để tập hợp các đồng minh cũ sau khi người con trai của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc qua đời. Nhưng bà lại một lần nữa thất bại do xu hướng "bản địa hoá" nền chính trị đã bắt đầu nổi lên tại Đài Loan.
Về sau, bà giành phần lớn thời gian tại căn hộ ở hạt Manhattan, New York hoặc dinh thự của gia đình tại Lattingtown, khu ngoại ô Long Island giành riêng cho giới nhà giàu, cách New York 56 km về phía Đông. Đến năm 1998, Tống Mỹ Linh chuyển hẳn về căn hộ ở hạt Mahattan cùng với hai vệ sĩ có nhiệm vụ dọn đường cho bà mỗi khi tới toà nhà Gracier Square do bà sở hữu. Thời gian này, bà vẫn duy trì thói quen tiếp một vài người bạn tại căn hộ của mình vào ngày sinh nhật. Song càng ngày sức khoẻ của bà càng yếu, đặc biệt căn bệnh phổi luôn hành hạ khiến bà phải ngồi xe lăn. Lần cuối cùng Tống Mỹ Linh xuất hiện trước công chúng là vào tháng 1/2000, khi tham dự một triển lãm tranh màu nước về chủ đề phong cảnh Trung Quốc do tờ tạp chí World Journal của Trung Quốc tổ chức.
*
Huyền Trang Tổng hợp
Việt Báo (Theo_VietNamNet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!