Tản bộ qua những dãy phố và con hẻm nhỏ hẹp, du khách sẽ cảm nhận thấy sự linh thiêng của miền đất phát sinh ba tôn giáo lớn của thế giới. Câu nói: “Chúng ta đang đi qua lịch sử. Đây chính là lịch sử” dường như chỉ để dành riêng cho vùng đất này.
Thành cổ Jerusalem có diện tích 1 km2. Những bức tường bao quanh được xây dựng dưới đế chế Ottoman của Sultan Suleiman (1520-1566). Thành cổ có 11 cổng nhưng hiện nay chỉ mở 7 cổng là Jaffam (Cam Israel), Zion (Thiên đường), Dung (Rác thải), Lions’ (Sư tử), Herod’s (Anh hùng), Damascus và New (Mới). Một trong những cánh cổng hiện nay không hoạt động là Cổng vàng, nằm cao hơn mặt đất, dưới chân núi Đồi và chỉ nhìn thấy khi đứng ngoài thành phố. Theo quan niệm của người Do thái, khi Đấng cứu thế xuống trần, Người sẽ tiến vào Jerusalem qua cánh cổng này. Để ngăn Người tới, các tín đồ Hồi giáo khoá chặt cánh cổng từ thời Suleiman.
Tất cả các cánh cổng được xây dựng với nhiều góc cạnh, buộc người dân phải đi theo lối vuông góc mới vào được thành phố. Đây là cách ngăn cản kẻ thù phi ngựa nước đại vào thành phố và cũng gây khó khăn khi chúng muốn phá cổng bằng những phiến gỗ nặng. Bên trên cổng Thiên đường, nằm ngoài khu vực của người Do thái và người Armenia còn có một lỗ hổng để đổ nước sôi lên kẻ thù.
Cổng chính dẫn vào thành là cổng Jaffa, xây dựng năm 1538. Trong tiếng Arab, đây là Bab el-Halil, có nghĩa là Yêu quý, để chỉ Abraham, một vị thần được chôn ở Hebron. Hiện nay, ôtô có thể vào thành qua lối này.
Bốn khu phố cổ là những vùng khu vực linh thiêng của người Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do thái và người Armenia. Mỗi di tích nơi đây đều mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của các tín đồ.
Bốn khu phố cổ
Thành cổ được chia thành bốn khu, được đặt tên theo sự sáp nhập dân tộc của cư dân. Những khu vực này hợp thành hệ thống vuông góc với diện tích khác nhau. Đường phân cách là những con phố nối từ cổng Damascus tới cổng Thiên đường (chia thành phố theo hướng đông-tây) và từ cổng Cam tới cổng Sư tử (bắc-nam). Nếu vào theo cổng Cam và đi trên phố David, du khách sẽ thấy khu vực của người Cơ đốc giáo ở bên trái, khu vực của người Armeni ở bên phải. Khu vực của người Do thái nằm bên phải đường Do Thái, bên trái là khu Hồi giáo.
Cách lý tưởng nhất để thám hiểm thành cổ Jerusalem là tự để mình lạc đường trong mê cung. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, không nên đi một mình. Bên trái cổng Cam, có một hàng rào nhỏ bao quanh hai ngôi mộ nằm dưới tán lá. Người ta cho rằng, đây là mộ của hai kiến trúc sư xây dựng tường thành. Có thể họ bị giết vì Sultan Suleiman không muốn trên đời xuất hiện thêm một công trình nào tuyệt vời hơn tường thành Jerusalem. Cũng có thể, họ mất mạng vì chọc giận Sultan khi quyết định để ngọn núi Thiên đường bên ngoài tường thành.
Từ cổng Cam đi vào thành phố, du khách sẽ nhận ngay ra di tích thành luỹ với tháp canh hình trụ được xây dựng 2.000 năm trước. Trong thành luỹ có sân chầu và bảo tàng trưng bày lịch sử của thành luỹ và thành cổ.
Khu Do thái
Ngày nay, khu Do thái luôn bóng nhoáng khiến du khách khó tin khu vực này được xây năm 1400. Công trình của hội đạo Do thái, synagogues, nằm thấp hơn mặt đường vì trước đây, người Do thái và Cơ đốc giáo không được xây bất cứ công trình nào cao hơn các kiến trúc Hồi giáo. Du khách có thể tới khu vực này qua cổng Rác thải và Do thái. Do thái là cổng xây dựng sau cùng trong toàn bộ thành cổ (1540) và được gọi là Cổng của David, Đấng cứu thế vì quay mặt vào ngọn núi tương truyền là nơi chôn vị thánh này.
Khi người La Mã phá huỷ ngôi đền của vua Solomon, họ để lại bức tường ngoài cùng. Có lẽ họ choáng ngợp vì sự kỳ vĩ của công trình này và cũng vì bức tường không nằm trong khuôn viên ngôi đền. Người Do thái tôn sùng bức tường vì đây là phần duy nhất còn lại của một công trình từng là niềm tự hào của họ và nơi đây trở thành nơi linh thiêng nhất. Nhiều thế kỷ qua, người Do thái hành hương về Palestine và luôn tới Kotel ha-Ma’aravi này để tạ ơn Đấng toàn năng. Còn những người ngoại đạo gọi đây là Bức tường cầu kinh vì tín đồ nào cũng quay mặt vào tường để cầu kinh, với hy vọng được gần gũi với Đấng toàn năng về mặt tâm linh. Trên tường cũng dán nhiều giấy kvitlach ghi lời cầu nguyện của các tín đồ.
Khu Hồi giáo và Núi Đền
Bên góc của Bức tường phía tây và ở phía đông nam của Núi Đền là Vườn địa chất Ophel. Cuộc khai quật tại đây tìm thấy nhiều chứng tích lịch sử 2.500 năm của Jerusalem với 25 tầng di tích kiến trúc. Cổng Hulda, cầu thang cổ và nhiều cung điện đổ nát từ thế kỷ thứ 7 là những di tích được nằm dưới di chỉ này.
Núi Đền, tiếng Arab là Haram es-Sharif (Vùng đất cao quý) rộng 40 ha, có hai công trình có ý nghĩa thiêng liêng với người Hồi giáo: Vòm đá (không phải là nhà thờ Hồi giáo) và nhà thờ al-Aksa. Kinh Koran gọi đây là Vùng hẻo lánh của Jerusalem. Khi đi vào Vòm đá, các tín đồ Hồi giáo phải đi chân trần để thể hiện lòng tôn kính với thánh Allah. Theo tín ngưỡng và các bản đồ cổ, đây được coi là trung tâm của trái đất và là nơi nhà tiên tri Mohammed lên thiên đường. Họ cũng tin rằng, những tảng đá cũng muốn theo bước chân của Mohammed và dấu chân của ông còn lưu lại trên những tảng đá này. Ngày nay, khách hành hương không thể mang một tảng đá về nhà để thờ cúng nữa vì họ chỉ có thể ngắm từ xa, qua một bức tường kính. Ngay cạnh đó, có một phòng gỗ nhỏ lưu giữ những sợi tóc của nhà tiên tri. Bên dưới những phiến đá này là Giếng Hồn, tương truyền là nơi tập trung những linh hồn chết.
Nhà thờ Al-Aksa vòm xám nằm ở phía nam Núi Đền. Al-Aksa có nghĩa là Chốn xa xôi và thực tế, nhà thờ này cũng nằm ở nơi xa nhất trong quần thể di tích của nhà tiên tri Mohammed. Năm 1951, vua Abdullah, cụ của vua Abdulla của Jordani hiện nay bị ám sát ngay trước cửa ngôi đền này. Giữa Vòm đá và al-Aksa có một vòi phun nước lớn để các tín đồ rửa chân trước khi bước vào khu vực linh thiêng. Khu vực này ngừng mở cửa cho du khách 5 lần một ngày, vào thời gian cầu nguyện của các tín đồ.
Tuy có tên là Khu Hồi giáo nhưng nơi đây lại có rất nhiều di tích của người Cơ đốc như Nhà thờ St. Anne, Nhà tu kín và Nhà thờ Ecce Homo. Vài thập kỷ gần đây, người Do thái bắt đầu định cư tại khu vực này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!