Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

“Số” làm hoa hậu

Phải có “số má” mới được làm hoa hậu. Tưởng nói chơi, nhưng mà là nói thật, tuy chuyện nói thật này cũng chỉ là kiểu hóng hớt, bắc nồi chõ nghe… hơi. Sẽ “có lý một tí” khi suy luận rằng người đẹp thời nay nhiều như… lợn con. Không “có số có má”, dẫu chân dài, mắt sắc thì cũng đố em bước lên nổi bục vinh quang.


Một năm nọ, chuyện kể rằng có cô hoa hậu kia chưa kịp tốt nghiệp phổ thông. Trình độ học vấn vốn dĩ không mấy liên quan tới vương miện, tuy nhiên, xã hội vẫn cần truy vấn về chuyện bằng cấp, bởi quy định của cuộc thi đã đề ra như thế, và người đại diện “ngàn cân” cho sắc đẹp của một quốc gia thì không nên gian dối. Loanh quanh chán chê một vòng mòn mỏi, hết từ chối thẩm định hồ sơ thì lại BTC thanh minh: Lỗi không phải tại em ấy, mà là tại… người lớn. Có thế thật. Nếu các hoa hậu được bồi dưỡng, đào tạo và quản lý chặt chẽ từ nhỏ (năng lực trình bày mình, kiến thức xã hội, từ tâm hướng thiện…) hẳn các em (có nhan sắc) đã đỡ phải “lưu lạc” chốn… hồng trần cát bụi mà lầm lũi đi qua những “sàn”, những “tụ điểm” nơi ánh sáng thì ít mà giăng mắc mịt mù những “đèn màu” ảo ảnh thì nhiều.

Để rồi đến một ngày “bỗng dưng muốn… bước” lên bục vinh quang (không khó đâu nếu em có đại gia - vô hình, giấu mặt - đứng sau lưng nhiệt tình ủng hộ), thì điều em sợ nhất là đừng ai khơi lại những dòng thác cũ. Em hối lỗi rồi, em sẽ đi học lại. Xin hãy để cho quá khứ ngủ yên. Bây giờ, em sẵn sàng bỏ hết vinh quang, dẫu là danh hiệu trên ngôi cao hay kể cả sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Phải chi em đừng đẹp. Vì bây giờ, Em chỉ muốn một đêm ngon giấc!


Phải có "số má" mới được làm Hoa hậu?


Mà có lẽ, em cũng chưa hẳn đẹp. Hoặc chí ít, trong lứa dự thi cùng năm, nhiều bạn đẹp ngang ngửa với em. Người ta khen em ngây thơ trong sáng trên báo và bình luận sau lưng rằng giá mà mắt em đừng kéo dài ra như thế, giá mà cái hàng mi đen nhức bớt lóng lánh… Người ta tự hỏi nhau: Vì sao em trở thành hoa hậu? Vì em có số làm hoa hậu, chứ thí sinh B, C, D còn hoàn hảo hơn em nhiều…

Chuyện kể rằng năm kia, có cô hoa hậu nọ (không chỉ là việc học hành cỡ phổ thông be bé) mà có hẳn hồ sơ “mật”, hình như nằm trong “đường dây” nào, nghe nói đã bị nhiều scandal “tầm cỡ” lắm. Thế mà tịnh không ai lên tiếng được. Thật ra, làm gì có chứng cớ nào cụ thể. Có ai nắm được thông tin thật? Mà thử hỏi đâu mới là sự thật, bởi xung quanh các người đẹp cơ bản là luôn tồn tại cả tỉ những ghen ghét, đố kỵ đã trở thành… huyền thoại.


Chỉ biết rằng, tìm đến nơi em ở, thấy không khí ghẻ lạnh bao trùm khắp chốn. Những người sống quanh em không ai muốn tiếp chuyện hoặc trả lời một thông tin nào về em. Người ta lạnh lùng lắc đầu và thờ ơ khép cửa. Cái hành động chối từ như hắt ra khỏi tâm thức những gì không liên quan đến mình, cho đỡ… rách việc. Người ta không cần “bắt quàng làm họ”, dẫu em có sang trọng đến mấy, danh giá đến mấy, dẫu em đường hoàng ngựa xe võng lọng, hạ cánh xuống sân bay nào cũng lập tức có Mercedes đen kịt bịt bùng láng mướt sóng sánh biển đẹp chín mười “nước” đón đưa.

Em là hoa hậu, em không còn là người bình thường (như trước kia) nữa. Cũng phải thôi, dính đến chữ “hậu” là nó nghiệt ngã lắm. Đã nhập cung, trở thành vợ vua rồi, thì bố mẹ đẻ ra hậu cũng phải cúi đầu quỳ lạy người (sau này sẽ) đẻ ra thiên tử. Em là hoa hậu, em sẽ không còn có cơ hội ăn những món rẻ tiền, xuất hiện ở những nơi thấp kém và sở hữu một số phận bình thường với những hành vi bình thường như cả tỉ người trên hành tinh vẫn đang làm, kiểu như lấy một anh chồng nghèo rớt mùng tơi, đẻ một đống con trong thiếu thốn và sùm sụp chiếc nón không lành ngồi bên vệ đường bán cà muối hay dưa chua cho bà con khối phố…

Xung quanh em có cả trăm xe đẹp đón đưa, cả ngàn công tử, cả triệu cơ hội tiến về phú quý giàu sang. Em không sống được với thôn bản cũ kỹ thì thoải mái ra nước ngoài, lựa chọn cho mình những cộng đồng văn minh hơn. Vì người ta chẳng biết gì về em hết. Nên em Tự do, với đúng nghĩa của từ này. Ngẩng cao đầu và thích làm gì thì làm (trong khuôn khổ pháp luật cho phép hoặc lách vào những khe hở nào luật không cấm đoán).

Em lấy chồng (chả ai biết đấy là ai, chỉ cần biết nhất định phải là doanh nhân là đủ). Rồi em sinh con. Làm mẹ. Trở nên hiền hậu. Vì tính mẫu trong người phụ nữ được đánh thức. Vì bản chất con người ta vốn nhân chi sơ tính bản thiện. (Và cũng vì em không nghèo khó, không phải chịu sức ép va vấp với đời và đập mặt chan chát vào cuộc sống đầy rẫy những thất bại, khổ đau).

Nhưng, ngay cả khi đã thấy em “mặn mà hơn bởi thiên chức mẹ”, người ta vẫn cứ băn khoăn: (Hình như) em béo quá, (hình như) em không đẹp lắm, đường nét của em rất thô. Nếu không trang điểm, có lẽ không ai nghĩ em là hoa hậu. Như em “bật mí” thì ông xã em lúc mới quen cũng không hề biết em lại danh giá đến thế. Mà tất nhiên cùng thi một năm với em, cũng có mấy ứng viên khác mảnh mai nhưng “nặng ký” hơn nhiều, có học thức hơn, ứng xử tốt hơn. Vậy thì vì sao em lại trở thành hoa hậu? Vì em “có số làm hoa hậu”. Thế thôi.

Đơn giản lắm. Mà cũng chả phải băn khoăn nhiều thật, vì các hoa hậu khác người vướng vòng tù tội, người mắc scandal, người lộ hình nóng, phơi bày thân thể. Cuối cùng thì vẫn có chồng giàu “vật vã”, nhà đẹp “thôi rồi”, con trai con gái đều khôn ngoan lanh lợi. Bởi, quá khứ chỉ là những gì đã qua, phải thực tế (thức thời), phải sống với thì hiện tại chứ ai lại đi “khai quật” mãi những gì đã yên ngủ dưới… đất nâu.

Hoa hậu nào không tai tiếng thì lại đeo mác… nhạt. Chẳng có gì nổi bật thì “chả hiểu sao lại là hoa hậu” để làm gì?

Để - làm - gì, cái việc treo biển hiệu cho sắc đẹp? Đẹp không thôi, đời đã ghen ghét rồi, nữa là được “chính thức công nhận”. Kiếp hồng nhan bạc bẽo lắm em ơi! Đời nhiều bon chen, xấu xa trộn lẫn tốt đẹp, thật thà lừa đảo khó phân minh. Chỉ cần bay ra một “cái lông gà”, sẽ có nhiều con gà được “đẻ ra” sau đó, rồi sinh sản thành cả đàn, cả chuỗi, lan rộng, đồn khắp.

Không tránh mặt được thiên hạ đâu em ạ. Người ta sẽ trách em, trách BTC, trách bố mẹ em sao không dạy bảo, quản lý em tốt hơn, trách dư luận vô tình, trách báo chí “lá cải” luôn thổi tin tức thành phóng sự, vẽ vời huyền thoại lâm ly, đưa đẩy chuyện hậu trường để bán báo. Đủ cả các hướng, các luồng, đa chiều, phản biện, ủng hộ, khen ngợi, chê trách, lẫn lộn, đan chéo lên nhau.

Rồi người ta sẽ nghĩ lại, rằng, dẫu chỉ là một cái lông thôi, chưa tính tới cả con gà, thì nhất định là nó đã tồn tại. Và nó đã bay ra. Cái kim trong bọc lâu ngày còn lòi ra, huống hồ to bằng cả cái lông gà. Vậy, hóa ra là em nhất định phải có cái lông gà để làm nguyên cớ cho người ta đồn thổi, biến hóa chứ…

Em có thể bào chữa: Ngọc còn có vết. Câu này thật đúng! Nhưng, hoa hậu ơi, dẫu là “có số có má”, nếu một ngày “bỗng dưng muốn bước” lên ngôi cao, sao em không thử bẩy lần trước khi bước thật. Để xác định (với chính mình thôi), rằng: Nếu đã định làm ngọc, thì hãy tự mài giũa mình trước khi cả thiên hạ túm vào mài giũa. Rồi hãy sáng. Liệu khi đó, ngọc có còn “lông”? có thể “đẻ ra” gà?

Hòa Bình
Tintuconline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!