Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Những cú lừa ngoạn mục ở phố Wall

Một cuộc họp qua điện thoại với hơn 20 chuyên gia phân tích, các số liệu đã được biến tấu của UCBS cuối cùng cũng đã tới được phố Wall. Như thường lệ, chỉ có số ít người biết cuộc họp này và tham dự - đa phần là đại diện của những hãng lớn.
Johnston hùng hồn trình bày các số liệu mới về doanh thu, thể hiện rất rõ rằng công ty đã vượt quá cả những kỳ vọng lạc quan nhất của phố Wall. Các chuyên gia phân tích vội vã hoàn tất những bản báo cáo rất đẹp đẽ, thổi phồng kết quả kinh doanh của công ty… các nhà đầu tư đổ xô tìm mua cổ phiếu của công ty… và cổ phiếu UCBS đang từ 11 đôla đã tăng vọt lên 30 đôla.


Tổ chức bảo lãnh chính của UCBS là Harris & Jones, một trong các hãng môi giới chứng khoán và ngân hàng đầu tư sừng sỏ nhất ở phố Wall.

Harris & Jones đã tận dụng ngay cơ hội để thu được số vốn mà ngài CEO mong muốn. Nhà phân tích xuất sắc nhất hãng, một trong những tay chơi chứng khoán cừ khôi tại phố Wall đã đưa ra một bản phân tích hấp dẫn về công ty với khuyến nghị nên mua cổ phiếu của công ty này. Hàng loạt cổ phiếu được phân phối tới các nhà môi giới để cung cấp cho khách hàng.




Harris & Jones thậm chí còn đầu tư hàng triệu đôla vào hệ thống vệ tinh và thu hình của mình tại các văn phòng chính của hãng ở phố Wall để tất cả các thông tin liên quan tới việc chào bán chứng khoán có thể được công bố trên kênh CNBC, một mạng lưới tin tức về tài chính hàng đầu quốc gia.


Harris biết rằng, hàng triệu nhà đầu tư sẽ xem chương trình này và những người này không muốn nghe theo những khuyến nghị về cổ phiếu của Bloomberg, trên trang web hoặc trên tờ Wall Street Journal vào sáng hôm sau. Với sự dẫn dắt của Harris, UCBS đã bán được hơn 3,5 triệu cổ phiếu với mức giá trung bình là 36 đôla cho mỗi cổ phiếu.

Chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi, giám đốc điều hành của UCBS, Paul E. Johnston, đã được ca ngợi như một người hùng của phố Wall, hình của ông được đăng trên trang bìa của tạp chí Forbes và thậm chí ông còn được mời nghỉ qua đêm trong phòng ngủ của Lincoln tại Nhà Trắng. Giá cổ phiếu của UCBS đã tăng vọt lên mức 50 đôla cho mỗi cổ phiếu và thậm chí còn cao hơn.

Một điều lạ lùng là nhà phân tích của hãng Harris và cả các nhà phân tích của các hãng khác tại phố Wall lại không hề điều tra gì về các khoản lợi nhuận bất thường từ quỹ hưu trí của UCBS. Chẳng ai mảy may nghĩ tới việc xem xét các báo cáo theo mẫu 10K (được nộp cho Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ - SEC) thường niên của công ty cũng như việc nghiên cứu cẩn thận các chú thích khó hiểu trong các báo cáo của công ty, vì vậy, những thời kỳ làm ăn không tốt của công ty đã có thể bị giấu nhẹm đi.

Phố Wall hoàn toàn nhất trí với sự tăng trưởng hấp dẫn của các cổ phiếu UCBS. Thực tế, sự nhất trí còn quá mức tới nỗi nhà quản lý của các quỹ tương hỗ nào chưa có cổ phiếu UCBS trong danh mục đầu tư của mình còn bị cho rằng đã “để lỡ cơ hội” hoặc tệ hơn là “không làm tròn trách nhiệm với các nhà đầu tư.” Rồi chẳng bao lâu sau, các vị này cũng bị cuốn vào dòng xoáy, và gần như mọi tổ chức trên khắp đất nước - các quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí, các nhà thờ, các tổ chức tài trợ cho trường đại học, các quỹ tín thác lớn và nhiều tổ chức của Đức - đã đua nhau mua rất nhiều cổ phiếu UCBS. Giá cổ phiếu lại tăng vọt lên lần nữa. Giờ đây mỗi cổ phiếu đã đạt tới mức giá gần 64 đôla.

Tuy nhiên, có một nhà phân tích lại chẳng hề vui mừng chút nào. Cô cũng làm việc tại hãng Harris & Jones và cô cũng nghiên cứu về cổ phiếu. Nhưng thật ra, cô được đào tạo để trở thành một nhà kinh tế. Cô tên là Tamara Belmont, là trợ lý nghiên cứu cho nhà phân tích cấp cao chịu trách nhiệm về UCBS. Trong suốt cuộc họp đầu tiên với UCBS, cô không hề phát biểu gì. Trong những ghi chép của mình về UCBS gửi cho sếp, cô cũng không đả động điều gì.

Thế nhưng đến khi đã rõ ràng là bong bóng Internet bị vỡ, cô bắt đầu lên tiếng về những lo ngại của mình. Cô muốn sếp hạ mức cổ phiếu công ty này xuống thành “nên bán”. Nhưng sếp nói với cô rằng nếu hành động như vậy thì có thể sẽ gây ra những hậu quả thê thảm - cho cá nhân sếp, cho hãng và có thể cho cả UCBS nữa. Sếp nhắc đi nhắc lại rằng bất kỳ sự hạ mức nào vào lúc này cũng có thể làm cổ phiếu bị trượt giá và phá hỏng mối quan hệ kinh doanh vô cùng quan trọng mà hãng đang có.




Để giãi bày nỗi thất vọng của mình, cô nhấc điện thoại và gọi cho một người bạn thời phổ thông hiện cũng đang làm cùng ngành. “Vì cậu không tham gia vào thị trường, nên mình có thể nói cho cậu biết điều này”, cô nói với giọng kìm nén, gần như là thì thầm trong điện thoại. “Mình cho rằng UCBS thật sự là một thảm họa. Công ty này đã tăng trưởng quá nhanh và quá sớm. Nó có quá nhiều khoản nợ và nhanh chóng ngốn hết số vốn huy động có được.


Tài sản hữu hình của công ty thật ít ỏi - gần như là không có mảnh đất, tòa nhà nào hoặc bất kỳ thứ gì có thể bán ngay khi cần tiền mặt. Công ty đã được định giá quá cao so với số doanh thu đạt được. Thậm chí các số liệu doanh thu này dường như cũng đã được biến báo thông qua một số thủ thuật nào đó, mà mình hầu như chưa hiểu được hết. Hệ thống kế toán của công ty này quả là phức tạp”.

“Thế mà sếp cậu vẫn đưa ra đánh giá về cổ phiếu này ở mức nên mua mạnh à? Cậu có nghĩ rằng đây có thể là một vụ gian lận không?”

Không còn thầm thì gì nữa, lúc này giọng Belmont đã quả quyết hơn: “Một vụ gian lận thôi á? Cậu có đang đùa mình không đấy? Đó là một sự dối trá trắng trợn! Một sự bán rẻ công việc nghiên cứu, một trò lừa ghê tởm”.

Cô im lặng trong chốc lát, rồi nói: “Mình không phải là người duy nhất ở đây thấy ghê tởm với trò lừa mà họ gọi là "nghiên cứu" này. Một vài chuyên viên nghiên cứu khác cũng có cùng cảm nhận giống mình, nhưng bọn mình đang bị bế tắc.


Vừa mới đây thôi, bọn mình đã nói chuyện với sếp, giám đốc bộ phận nghiên cứu của bọn mình. Cậu còn nhớ ông ấy chứ, Don Walker ấy. Cậu đã gặp ông ấy ở bữa tiệc công ty mình rồi đấy. Nhưng rồi, những gì bọn mình nói cũng chỉ như gió thoảng thôi. Chẳng có gì thay đổi ở đây cả - trừ Don. Mình tình cờ biết được bản thân ông ấy cũng chán ghét những điều đó giống như bọn mình vậy. Tuy nhiên, trước mặt mọi người, ông ta vẫn giữ vẻ lạnh lùng và làm đúng phận sự của mình - không tỏ ra quá lo ngại hoặc quá tự hào khi nói về công ty đó".

“Sao cậu biết được ông ấy nghĩ gì?”

“Hôm trước có mấy đồng nghiệp của mình vừa bàn tán về chuyện đó. Họ kể rằng họ đã tình cờ nghe được điều này khi vào nhà vệ sinh. Sếp của bọn mình có thói quen đi vào đó, bật vòi nước lên, rồi xả ra một tràng những câu chửi thề bọn chủ ngân hàng đầu tư. ‘Bọn chủ ngân hàng đáng nguyền rủa!’ hoặc ‘Thật là những đợt IPO chết tiệt!’ Rất nhiều lần như vậy và có lần, chính mình cũng đã chứng kiến.“

“Thôi, quên ông ấy đi. Thế còn cậu, cậu định làm gì?”

“Kế hoạch của mình là sẽ cảnh báo cho một số khách hàng thân thiết nhất của bọn mình ‒ những khách hàng bọn mình đã giúp mua cổ phiếu UCBS trong đợt IPO của công ty này cách đây vài năm. Một số trong số họ là CEO của các công ty mà bọn mình cung cấp dịch vụ ngân hàng cho họ. Bọn mình không thể quay lưng lại với họ được.”

“Nhưng còn đánh giá của sếp bạn về cổ phiếu UCBS thì sao?” người bạn cũ hỏi. “Ông ấy có định vẫn giữ khuyến nghị nên mua cổ phiếu này vào không?”

“Hiện giờ thì vẫn vậy… hoặc ít nhất là cho tới khi sự chú ý đối với cổ phiếu này đã dịu bớt. Khi đó, Don Walker định rằng bọn mình sẽ hạ dần cấp độ cổ phiếu này xuống mức “nên tích luỹ” và rồi sau đó có thể là xuống mức “nên nắm giữ”.


Ông ấy nói rằng bọn mình sẽ hạ mức cổ phiếu này một cách chậm rãi và dần dần. Có lẽ bọn mình có thể thực hiện việc này khi giá cổ phiếu đang phục hồi kha khá, lúc này sẽ không có nhiều người để ý tới và như vậy giá cổ phiếu sẽ không bị sụt xuống. Ông ấy cho rằng rồi cuối cùng, bọn mình có thể ngừng đưa tin tức. Ông ấy nói rằng, dù sao đi nữa thì đến lúc đó hãng bọn mình cũng không còn nhiều việc để làm với công ty này nữa.


Bên cạnh đó, không có ai ngoài hãng bọn mình biết được rằng bọn mình đã ngừng đưa tin tức. Bọn mình cứ âm thầm thực hiện thôi. Bọn mình sẽ ngừng việc phát hành các báo cáo mới và cứ để đánh giá cũ về cổ phiếu của công ty này lấp lửng như vậy, và…”.

“Và để cho hàng nghìn nhà đầu tư nhỏ lẻ chịu trận?”

Tamara phản biện lại, nhưng những lời lẽ của cô lúc này chẳng mang tính thuyết phục gì cả. “Thôi nào, để cho mình thở một chút. Mình chỉ là một trợ lý thôi mà. Mình chẳng có trách nhiệm gì ở đây cả. Thêm vào đó, Don nói rằng nếu các nhà đầu tư nhỏ lẻ đó mua cổ phiếu, thì đó không phải là vấn đề của bọn mình. Ông ấy cho rằng bọn mình đang làm đúng đối với các tổ chức khách hàng VIP của bọn mình. Rồi bọn mình sẽ hạ mức giá của cổ phiếu này ngay khi bọn mình có thể, vì phải cân nhắc về những vấn đề chính trị chết tiệt ấy mà. Mình ghét như vậy, nhưng ngoài việc đó, thì mình còn có thể làm gì hơn?”

Cuối cùng thì đợt “phục hồi kha khá” của cổ phiếu chỉ là một đợt tăng ngắn hạn và nhà phân tích của hãng Harris & Jones đã lỡ cơ hội để hạ mức cổ phiếu. Hàng tháng sau, những lời đồn đại rằng công ty bị cạn kiệt tiền mặt và thậm chí có khả năng phá sản bắt đầu lan ra. Nhưng cả hãng Harris lẫn bất kỳ hãng nào khác đều không có cơ hội nào để hạ mức công ty này cả, cho tới khi giá cổ phiếu chỉ còn dưới 6 đôla cho mỗi cổ phiếu… và ngay cả lúc đó thì đánh giá tồi tệ nhất về UCBS trên phố Wall vẫn là “nên nắm giữ”.

Các khách hàng VIP của hầu hết các hãng ngân hàng đầu tư lớn không thể không quan tâm đến vấn đề này. Họ đã mua cổ phiếu UCBS từ đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) ở mức giá 3 đôla cho mỗi cổ phiếu. Sau đó, khi nhận được những cú điện thoại cảnh báo từ các nhà phân tích, họ đã bán các cổ phiếu này ở mức 30 đôla cho mỗi cổ phiếu ‒ một khoản lãi ngoạn mục với tỷ lệ 1 ăn 10.

Ngược lại, các nhà đầu tư bình thường, những người làm theo khuyến nghị nghe được trên kênh CNBC hoặc đọc trên báo chí, đã thua lỗ thảm hại. Đa phần bọn họ mua vào cổ phiếu này khi chúng đang ở thời kỳ cực thịnh, với mức giá mỗi cổ phiếu dao động từ 40 đến 60 đôla. Không một người nào trong số họ từng nghe thấy hoặc đọc được từ “nên bán”. Do vậy, họ đã phải chịu một kết cục cay đắng.

Phố Wall biến thành một chiếc máy ngốn khổng lồ và nó đã xơi trọn của cải của bạn cho bữa trưa của mình. Trong thế giới hiện thực của phố Wall, những cảnh tượng như vậy có thể lặp đi lặp lại ở khắp mọi nơi.


Những người như Mary Meeker đã khiến cho nhiều nhà đầu tư ở Phố Wall trắng tay vì nghe theo lời tư vấn



Vào tháng 4 năm 1999, Mary Meeker, nhà phân tích chứng khoán của hãng Morgan Stanley Dean Witter ‒ vốn được Barron’s mệnh danh là “Nữ hoàng Internet” – đã đưa ra một đánh giá nên mua đối với cổ phiếu của Priceline.com đang ở mức giá 104 đôla cho mỗi cổ phiếu. Trong vòng 21 tháng, cổ phiếu này đã bị nướng bay khi được bán ở mức giá 1,5 đôla.

Các nhà đầu tư nghe theo khuyến nghị của cô nàng Meeker đã thua lỗ tới 98% số tiền đầu tư của mình. Họ đã biến núi tiền trị giá 10.000 đôla của mình thành một đống đất còn có 144 đôla.

Có vẻ như chẳng hề nản lòng hay ngượng ngùng gì cả, cô nàng Meeker lại tiếp tục đưa ra các đánh giá nên mua đối với cổ phiếu của Yahoo!, Amazon.com, Drugstore.com, và Homestore.com. Các phương tiện thông tin đại chúng đã ngay lập tức truyền tải đi khuyến nghị nên mua này. Hàng triệu các nhà đầu tư ngây thơ đã gần như giẫm đạp lên nhau để có thể trở thành những người đầu tiên làm theo lời khuyên đó của cô nàng.

Yahoo đã sụt giảm 97%; Amazon.com 95%; Drugstore.com 99%; và Homestore.com 95,5%.

Nguyên cớ gì mà cô nàng Meeker đã đưa ra những khuyến nghị không ra gì đó? Và tại sao cô nàng này vẫn ương ngạnh giữ nguyên các đánh giá nên mua ngay cả khi giá các cổ phiếu đó đã sụt giảm tới 20%, 50%, 70% và rồi cuối cùng là giảm tới 99%?

Câu trả lời là: Với mỗi một khuyến nghị nên mua vào mà cô nàng Meeker đưa ra, thì công ty nơi cô làm việc – Morgan Stanley Dean Witter ‒ sẽ nhận được một khoản tiền vì đã quảng bá cho các cổ phiếu. Bộ phận bảo lãnh của Morgan Stanley đã được trả hàng triệu đôla. Và Morgan Stanley đã thưởng cho cô nàng Meeker một tấm séc trị giá 15 triệu đôla – vì đã giúp công ty thực hiện các vụ này.

Trong khi hàng triệu các nhà đầu tư đang phải chịu trận, thì Morgan Stanley Dean Witter và Mary Meeker, cũng như các công ty có cổ phiếu được quảng bá lại hả hê với khoản tiền kiếm được. Đây có phải là trường hợp duy nhất không? Không hề.

Vào năm 1999, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Salomon Smith Barney đã nhận được một thông tin gây sửng sốt: AT&T đang có kế hoạch chào bán bộ phận công nghệ không dây khổng lồ của mình ra công chúng và đây sẽ là một đợt IPO lớn nhất từng có trong lịch sử. Lẽ tất nhiên, các hãng môi giới ở phố Wall đều muốn được là tổ chức bảo lãnh cho đợt IPO có một không hai này. Và cả vì lý do là: mức phí họ nhận được sẽ lên tới hàng triệu đôla.

Nhưng Salomon lại gặp phải một vấn đề nhỏ. Một trong các nhà phân tích chứng khoán hàng đầu của hãng, Jack Grubman, đã từng đưa ra những nhận định không tốt về AT&T. Liệu điều đó có nghiêm trọng không? Không, ở phố Wall vào cuối những năm 1990 thì không. Các nhà phân tích của Salomon quyết định sẽ xoay chuyển lập luận của mình nhằm đạt được vụ bảo lãnh phát hành cho AT&T, Grubman đã khéo léo biến chuyển đánh giá về cổ phiếu này ở mức nên mua.

Các hãng lớn đều thu được những món lợi kếch xù từ việc mua cổ phiếu này. Salomon được vinh danh là nhà bảo lãnh hàng đầu và kiếm được hàng triệu đôla. AT&T đã được đánh giá tốt và thực hiện được đợt IPO thành công mỹ mãn… và còn kiếm được hàng triệu đôla. Grubman, người hùng tạo nên chiến thắng đó, đã được hưởng mức lương hàng năm lên tới 20 triệu đôla.


Vậy mà, khoảng 4,8 triệu nhà đầu tư lại phải gánh chịu một kết cục không công bằng trong thương vụ này. Họ đã cho rằng đánh giá nên mua của Grubman về cổ phiếu này là một đánh giá trung thực. Họ đã không hề biết rằng thực ra đó chỉ là những cổ phiếu rẻ mạt được thổi phồng lên mà thôi.

Họ đã đặt lòng tin vào Salomon và Grubman. Họ đã mua cổ phiếu của AT&T Wireless. Để rồi sau đó, họ phải hãi hùng chứng kiến cảnh cổ phiếu này sụt giảm từ 29,5 đôla xuống còn có 14,75 đôla - một khoản lỗ 49,7%.

(Trích cuốn sách "Kiếm tiền từ thị trường chứng khoán khủng hoảng" do Công ty Alpha Books phát hành)

Vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!