Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Thế giới ma quỷ là có thật?


Bức ảnh nổi tiếng chụp bóng ma Brown Lady.
16 giờ ngày 19/9/1936, một bức ảnh đã được chụp tại lâu đài Raynham Hall, Anh, và trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất gây nhiều tranh cãi về việc tồn tại hay không tồn tại một thế giới ma quỷ?


Bức ảnh nhiều tranh cãi Bức ảnh ghi lại được hình dáng của một bóng ma đã được chụp tại tầng trệt ngôi nhà Raynham Hall bởi nhiếp ảnh gia Captain Provand và người phụ tá là Indre Shira. Khi hai nhà nhiếp ảnh đang chuẩn bị chụp lại kiến trúc ngôi nhà và trước tiên là cầu thang thì bỗng Shira nhìn thấy một quầng mây mù cuộn lại và anh ta vội kêu Captain chạy nhanh đến bên máy và chụp ảnh trong khi Shira rọi đèn flash.

Sau đó mọi người vây đến hỏi chuyện gì đã xảy ra, Shira giải thích anh ta đã nhìn thấy một bóng ma mờ ảo.

Vụ việc trên đã được đăng tải trên tạp chí Country Life ngày 26/10/1936. Ngay khi được đăng tải trên báo chí, lập tức dư luận chia làm hai phe. Một phe cho rằng bức ảnh trên là bức ảnh giả, còn phe khác thì cho rằng bức ảnh là bằng chứng không thể phủ nhận về thế giới ma quỷ.

Tuy nhiên bức ảnh sau đó đã được những chuyên gia của tạp chí nghiên cứu kỹ và họ kết luận khó có chuyện đó là bức ảnh sắp đặt. Ngày nay bức ảnh vẫn được lưu giữ trong tàng thư của tạp chí Country Life.

Bóng ma là ai?

Toà lâu đài Raynham Hall được xây từ thế kỷ 17 tại Norfolk, Anh quốc. Ban đầu nó thuộc về dòng họ Townsend. Sau đó, tuy qua nhiều lần đổi chủ nhưng câu chuyện về bóng ma trong lâu đài đã dần được nhiều người dân trong vùng nhắc đến.

Bóng ma trong lâu đài này được xác định là linh hồn không siêu thoát của bà Dorothy Walpole. Sau khi biết bà ngoại tình, chồng bà là lãnh chúa Viscount Townshend đã nhốt kín bà trong lâu đài Raynham Hall cô tịch, thậm chí bà không được nhìn mặt con trong suốt thời gian ở đây.

Năm 1726, Dorothy Walpole chết vì bệnh đậu mùa nhưng nhiều người nói rằng thực tế bà đã bị chồng mình đẩy xuống cầu thang rồi ngã gãy cổ mà chết. Bóng ma Dorothy Walpole còn được gọi là Người phụ nữ mặc áo nâu (Brown Lady) vì theo nhiều người kể họ luôn nhìn thấy bóng ma của Dorothy Walpole mặc áo kim tuyến màu nâu.

Đối mặt với Brown Lady

Năm 1713, bà Robert Walpole, phu nhân của Viscount Townsend đã lần đầu tiên nhìn thấy bóng ma của Dorothy Walpole. Sau đó ít lâu, Hoàng đế George IV cũng đã một lần đối mặt với Brown Lady. Khi đang ngủ tại lâu đài Raynham Hall, giữa đêm bỗng Hoàng đế tỉnh giấc và ông thấy bóng ma đang đứng nhìn ông chằm chằm. Ông kinh hãi rời ngay đi trong đêm đó sau khi nói với hầu cận: "Ta không thể ngủ trong toà lâu đài ma quái này thêm một giây nào nữa. Cầu Chúa rằng bóng ma sẽ không bám theo ta".

Sau đó vào Giáng sinh năm 1835, Lucia C Stone đã thấy bóng ma xuất hiện. Lãnh chúa Charles Townsend mời bạn bè đến dự tiệc Noel tại lâu đài và hai người bạn của Lãnh chúa là Đại tá Loftus và Hawkins đã ngủ lại lâu đài.

Đang khi chuẩn bị ngủ thì họ nhìn thấy bóng ma hiện ra ngay cạnh giường. Đêm hôm sau, Loftus còn một lần nữa nhìn thấy bóng ma và ông đã viết, vẽ lại hình ảnh của bóng ma trong bản tường trình của mình cho thấy bóng ma mặc áo nâu và không có tròng mắt. Năm đó vụ việc trở nên nổi tiếng, rất nhiều cảnh sát và thám tử đã đến tìm hiểu về Brown Lady nhưng không thu được kết quả.

Năm 1836, Đại uý Marryat (1792-1848) tiếp chuyện hai vị khách và nói đùa rằng họ nên mang súng đề phòng bóng ma tấn công thì đúng lúc bước ra hành lang, Brown Lady tay cầm nến xuất hiện đang lướt thẳng đến phía họ. Ba người quá sợ hãi. Đại uý Marryat rút súng ra bắn thẳng vào bóng ma nhưng dấu vết còn lại chỉ là một lỗ thủng găm trên tường.

Và sau cùng Brown Lady trở nên thực sự nổi tiếng khi được chụp ảnh và đăng báo. Tuy nhiên sau khi được lên mặt báo và gây xôn xao dư luận, bí ẩn của Brown Lady gần như đã hoàn toàn biến mất.

Theo Quốc tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!