Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Bói toán xâm lấn giảng đường

Nhà Huyền, sinh viên ĐH Y, bao giờ cũng sẵn bộ tú lơ khơ. Sáng nào trước khi bước chân ra khỏi cửa, Huyền đều bày bài ra rồi bói xem hôm nay mình sẽ gặp vận đỏ hay đen. Nếu có “tín hiệu” điều chẳng lành, cô liền... rụt chân ở nhà.


Trăm đường bói toán Chuyện “bói toán” luôn trở thành đề tài nóng hổi được khá nhiều bạn quan tâm. Trong những giờ ra chơi, lớp học lại nhốn nháo sôi động hẳn lên với màn bói tay của Thúy (sinh viên SP). Cô nói ra vẻ hiểu biết: Sau này mày sẽ có hai đứa con, đường công danh khá thuận lợi, chồng mày hơn mày 3 tuổi, mày phải yêu hai đứa mới thành…

Thúy bật mí: “Mình cũng chỉ đọc qua trong vài tờ báo, thấy vui vui liên lôi tay tụi nó ra bói chơi, ai dè tụi này ham quá giờ ra chơi nào cũng bắt mình “hành nghề”. Giờ trở thành “bà bói” chuyên nghiệp rồi”.

Hết bói tay rồi chuyển sang bói bài. Nhà Huyền (sinh viên ĐH Y) bao giờ cũng sẵn bộ tú lơ khơ. Sáng nào trước khi bước chân ra khỏi cửa, Huyền đều bày bài ra rồi bói xem hôm nay mình sẽ gặp vận đỏ hay đen. Nếu có “tín hiệu” chứng tỏ điều chẳng lành, cô liền từ bỏ mọi ý định bước chân ra khỏi nhà trừ phi có chuyện gì quan trọng hoặc phải lên lớp.

Không những vậy, cô còn là địa chỉ tin cậy cho những cô nàng mới yêu muốn bói xem tình duyên của mình sẽ ra sao, mình và người ấy có đến được với nhau không. Nhiều người bạn nói đùa: “Sau cái Huyền thất nghiệp, mở “cửa hàng” bói toán chắc đắt khách lắm”.

Còn gặp Lan (sinh viên Nông nghiệp) thì chắc ai cũng phải phì cười vì cái tính mê tín của cô. Ở nhà Lan có hẳn một bộ bài. Tờ báo nào có phần bói, cô bạn đều say sưa đọc rồi dùng cả ngày để chiêm nghiệm xem nó có giống mình hay không. Chưa hết, cô còn mua hẳn mấy quyển sách dạy cách bói toán kê đầu giường, hôm nào định đi đâu làm gì cô liền giở ra “tra cứu” rồi lẩm nhẩm tính xem đi lúc nào thì hợp.

Mùng một, mười rằm là cô đi chợ mua hoa quả về thắp hương rồi lên chùa khấn bái, rút quẻ. Hễ gặp xúi quẩy gì cô liền đổ riệt cho tướng số rồi cuối tháng rủ các bạn đi “ăn thịt chó”… giải đen. Mấy anh chàng người yêu trước của Lan cũng bị cô “đá” vì một lý do lãng xẹt “không hợp tuổi, xung khắc sau này về đánh nhau sớm”.

“Bói ra ma quét nhà ra rác”

Mấy năm trước trò bói chén phát triển khá rầm rộ trong giới sinh viên. Điều kiện để bói thành công theo nhiều người: bói từ lúc 12h trở đi, chén lấy từ ban thờ, úp chén xuống tờ giấy ở giữa vẽ hình bát quái và bảng chữ cái kèm các dấu trong tiếng Việt. Sau khi khấn thì “thần” sẽ hiện về và nếu hỏi bất kì một câu hỏi gì liên quan đến đời tư cũng như đời chung của các vị tham gia bói “thần đều trả lời đúng”.

Toàn (sinh viên ĐH Mở), một lần bị bạn dụ dỗ đã lấy trộm chén trên ban thờ gia đình để tham gia vào bói toán. Cậu kể: “Lúc đầu nghe tụi nó đồn, đứa nào cũng rợn cả người. Tối hôm ấy, tớ cùng 3 thằng bạn đánh bạo làm thử. Trời, ngồi gọi “thần” đến khản cả cổ, díp cả mắt mà chẳng thấy đâu. Đem chuyện ấy kể bọn nó còn bảo: bọn mày làm không linh nên “thần” mới không hiện về. Chịu họ thật”.

Còn Vân, sinh viên ĐH Ngoại ngữ sau khi được thấy bói doạ cho một trận toát mồ hôi hột với những tai ương ốm đau bệnh tật, gia đình đình làm ăn thất bát rồi dụ dỗ làm lễ giải hạn với tổng chi phí gần 1 triệu liền rút ra kết luận: “Bói với toán, lúc đầu nghe bao nhiêu tai họa thế ai chẳng run.

Nhưng vừa đến đoạn “để giải được hạn này, con phải làm lễ, lễ hậu may ra các thầy mới thương”thì bộ mặt thật của lão này được lộ rõ. Hóa ra từ nãy đến giờ ông thầy đều rào trước đoán sau cho cái đoạn kết này. Đấy, mình lễ lạt gì đâu mà vẫn bình yên vô sự. Rõ tốn thời gian và tiền bạc”.

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=18711#ixzz0Ia5hlone&D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!