Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Tại sao Israel luôn xung đột với thế giới Ả Rập?

(VTC News) - Trước hành động lấy đất đai và đuổi người Ả Rập và Palestine, các cộng đồng người Ả Rập và Palestine kịch liệt chống lại nền thống trị của thực dân Anh và sự ủng hộ của nước này giúp người Do Thái xây dựng đất nước. Từ năm 1936 đến năm 1939, người Ả Rập tiến hành cuộc khởi nghĩa Ả Rập đấu tranh giành lại phần đất Palestine.

Kỳ 1: Lịch sử hình thành vùng đất Palestine
Palestine có lịch sử văn minh lâu đời, Jerusalem là nơi hội tụ của ba tôn giáo lớn là đạo Ki tô; đạo Do Thái và đạo Hồi. Tên gọi xa xưa của Palestine là Canaan. Tổ tiên của người Palestine và người Do Thái đã xây dựng quốc gia ở đây. 3.000 trước Công Nguyên, một số người Canaan của bộ lạc bán du mục từ bán đảo Ả Rập chuyển đến sinh sống và định cư tại đây.

Năm 2.000 trước Công Nguyên họ lập ra nhà nước Canaan, sau đó người Phoenicia chuyển đến sinh sống tại khu vực ven biển Palestine và thành lập nhà nước Phoenicia. Từ Phoenicia theo tiếng Hy Lạp là Palestine và tên gọi này vẫn được sử dụng cho đến tận bây giờ.
Khoảng thế kỷ thứ XIX trước Công Nguyên, tổ tiên của người Do Thái là người Ebrai sinh sống gần sông Phơrát chuyển đến vùng đất của người Palestine sinh sống. Bộ tộc đầu tiên của người Do Thái tiếp nhận nền văn hoá của người Palestine và bắt đầu cuộc sống định cư tại khu vực này. Người Ebrai liên tục đánh nhau với người Canaan và người Phoenicia đã sinh sống ở khu vực này từ trước.
Năm 1023 trước Công Nguyên, vương quốc đầu tiên của người Ebrai được thành lập trên đất Palestine và đóng đô ở Jerusalem (Từ Jerusalem theo ngôn ngữ Do Thái có nghĩa Thành phố hoà bình). Người Do Thái từ đó đã xây dựng ở đây thánh điện riêng có quy mô rất bề thế. Chính vì vậy, Jerusalem đã trở thành một trung tâm tôn giáo và chính trị đầu tiên của tộc người Do Thái.
Năm 64 trước Công Nguyên, đế quốc La Mã đánh chiếm Palestine và thực hiện chế độ thống trị tàn bạo đối với vùng đất Palestine. Người Do Thái vùng lên chống lại chế độ thống trị của La Mã và đã tiến hành lần lượt 4 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn.
Tuy nhiên, người La Mã thực thi các biện pháp đàn áp đẫm máu, giết chết cả triệu người Do Thái, rất nhiều trong số họ được đưa sang châu Âu làm thân phận nô lệ. Nhiều nhóm người Do Thái chạy trốn được sang các nước thuộc Tây Âu ngày nay là Anh, Pháp, Đức, Italia.

Một số khác chạy sang khu vực Đông Âu và Nga, thậm chí cả sang khu vực Bắc Mỹ. Thánh địa của người Do Thái bị tàn phá chỉ còn lại vài bức tường phế tích. Đối với người Do Thái ở khắp nới trên thế giới Jerusalem được xem như vùng đất thánh thiêng liêng.
Thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên, đạo Hồi ra đời và phát triển mạnh mẽ ở bán đảo Ả Rập, phong trào Ả Rập nổi lên và chủ nghĩa Ả Rập ra đời. Năm 637 người theo đạo hồi đưa quân sang chinh phục vùng đất Palestine biến nơi đây thành một bộ phận của thế giới Ả Rập.
Năm 692, Vua Halipha tiến hành xây dựng tại thánh điện Jerusalem nhà thờ hồi giáo Al Aqsa – nhà thờ đạo Hồi lớn thứ 3 sau thánh địa Mecca và Đền tiên tri Medine. Về sau này người Ả Rập từ bán đảo Ả Rập liên tục kéo đến sinh sống tại Palestine.
Người Ả Rập từng bước đồng hoá dân cư bản địa hình thành người Ả Rập Palestine hiện đại như ngày nay. Từ đời này qua đời khác, họ sinh sôi nảy nở và định cư tại đây, và nghiễm nhiên trở thành những chủ nhân của mảnh đất Palestine.
Từ năm 1096 đến năm 1291, Palestine đã từng bị Thập tự chinh châu Âu tiến đánh về phía Đông. Năm 1518 lại bị quân đội của Đế chế Oman xâm chiếm, thống trị trong 400 năm liên tục. Tuy nhiên, cả nửa thế kỷ bị thống trị nhưng người Ả Rập Palestine vẫn không bị đồng hoá và thay đổi thuộc tính.
> Kỳ 2: Sự trở về của người Do Thái
Những người này dần dần tích luỹ được nhiều vốn liếng và của cải và luôn mâu thuẫn với giai cấp tư sản nơi đó. Chính vì vậy, tại các nước tư bản dấy lên các phong trào chống Do Thái, thậm chí tiến hành các chiến dịch giết hại dã man người Do Thái trên khắp thế giới.

Cảnh nhìn từ ngọn núi thiêng Sion, nơi các lãnh đạo Do Thái lấy làm biểu tượng kêu gọi cộng đồng Do Thái từ khắp nơi trên thế giới trở về Palestine xây dựng đất nước.
Trước làn sóng chống Do Thái xảy ra liên tục thời kỳ đó, từ đầu thế kỷ XVII, người Do Thái đã có chủ trương trở về nơi tổ tiên của họ đã từng khởi nghiệp là vùng đất thánh Jerusalem xây dựng lại đất nước của riêng người Do Thái. Tuy nhiên, tư tưởng phục quốc của các cộng động người Do Thái trên khắp thế giới mới vừa được nhen nhóm hình thành nên ảnh hưởng vẫn còn chưa lớn và còn được ít người ủng hộ.
Đến giữa thế kỷ XIX, sau khi Sa Hoàng Nga tàn sát người Do Thái trên quy mô lớn, châu Âu lại tiếp tục dấy lên phong trào bài Do Thái do giai cấp tư sản phát động đã làm tiêu tan hy họng dựa vào giai cấp tư sản của châu Âu để giành lại chính quyền từ tay người Ả Rập Palestine.
Sau thời kỳ khó khăn đó không lâu, chủ trương phục quốc Do Thái lại được người Do Thái âm thầm phát động. Kể từ đó xuất hiện cụm từ Chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Sionism) lấy tên ngọn núi Sion ở Jerusalem để kêu gọi cộng đồng người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới trở về vùng đất tổ tiên xây dựng một quốc gia độc lập. Người sáng lập Chủ nghĩa phục quốc Do Thái là Teodo Hec.


Đế chế Oman của Thổ Nhĩ Kỳ đã tàn phá quê hương tổ tiên của người Do Thái tại Palestine.
Năm 1896 ông viết cuốn cương lĩnh có tên “Nước Do Thái” tuyên truyền quan điểm tư tưởng là người Do Thái sinh sống trên khắp thế giới dù ở bất kỳ quốc gia nào đều cấu thành một dân tộc thống nhất và người Do Thái không thể hoà hợp đồng nhất với các dân tộc phi Do Thái. Để thoát khỏi nạn diệt chủng, người Do Thái phải thay đổi địa vị vô quyền bằng cách xây dựng một nhà nước Do Thái thống nhất.
Tháng 8/1897, Đại hội Chủ nghĩa phục quốc Do Thái đầu tiên được tổ chức tại Basel -Thụy Sỹ. Đại hội này đã thông qua cương lĩnh Basel được các đại biểu Do Thái nhất trí thông qua.
Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản độc quyền đã hình thành tại các nước đế quốc lớn của thế giới, cuộc đấu tranh giành giật thuộc địa trở lên gay gắt chưa từng có. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ I, Đế quốc Oman của Thổ Nhĩ Kỳ bị tan rã hoàn toàn, Anh và Pháp thay thế vị thế thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông. Theo bản hiệp định năm 1961, Anh và Pháp phân chia lãnh thổ của Đế chế Oman.
Vùng đất Palestine rơi vào tay cai trị của người Anh. Tuy nhiên, cả Anh và Pháp đều muốn tranh giành nhau những quốc gia thuộc địa đang cai trị ở Trung Đông luôn luôn gay gắt. Lợi dùng tình hình ấy, giới lãnh đạo Chủ nghĩa phục quốc Do Thái đề nghị với Đế quốc Anh (lúc đó đang mạnh nhất thế giới) rằng nếu người Do Thái xây dựng được một nhà nước ở Palestine thì đó sẽ là pháo đài bảo vệ châu Âu trước các thế lực của châu Á.

Những bức tường phế tích của đất thánh Jerusalem -nơi ở của tổ tiên người Do Thái.
Lúc đó người Anh đang ở thế thượng phong so với người Pháp và người Nga ở Trung Đông đang rất muốn tìm thế lực thay thế để có thể khống chế chặt chẽ Trung Đông nên đã lợi dụng ngay lời đề nghị của giới lãnh đạo Do Thái thực hiện kế hoạch “xây lá chắn” bảo vệ châu Âu, khống chế kênh đào Suez, mở tộng phạm vi thế lực ở Trung Đông. Hai bên đã hợp tác với nhau từ từ đó.
Ngày 2/11/1917, Ngoại trưởng Anh lúc đó là Banpho đã viết thư cho giới lãnh đạo Chủ nghĩa phục quốc Do Thái và nhà tài phiệt Do Thái có tên Loseto tuyên bố nước Anh ủng hộ việc thành lập tại Palestine một nhà nước của người Do Thái. Ngay sau tuyên bố ủng hộ, người Anh với vị thế có lợi đã ra sức giứp đỡ người Do Thái từ khắp nới trên thế giới trở về Jerusalem kiến tạo đất nước trên đất Palestine.
Năm 1917, tổng dân số của người Do Thái tại Palestine chỉ có 5 vạn người. Đến năm 1939 đã tăng lên 44,5 vạn. Những người Do Thái sau khi di cư về Palestine với sự giúp đỡ tài chính của các tập đoàn Do Thái giàu có đã cưỡng chế mua lại một số đất đai của người Ả Rập do người Anh hậu thuẫn ngầm. Khi đã giành được đất, người Do Thái không từ bất cứ thủ đoạn nào từ để có thể đuổi người Ả Rập Palestine ra khỏi quê hương mà họ đã sinh sống cả mấy nghìn năm.


Kỳ cuối: Người Palestine và Ả Rập kiên quyết chống người Do Thái
Trước sự phản ứng dữ dội của cộng đồng đạo Hồi trong thế giới Ả Rập, thực dân Anh đã phải xem xét lại chính sách của họ nhằm đảm bảo khu vực Trung Đông không bị rơi vào tay nước Đức thù địch.

Năm 1947, LHQ thông qua nghị quyết phân trị vùng lãnh thổ Palestine .
Trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, người Anh đã thay đổi chính sách chống Palestine của nước này dành cho người Do Thái. Tháng 5/1939, Anh tuyên bố lệnh hạn chế người Do Thái di thêm dân về Palestine và mua thêm đất của người Ả Rập. Cũng chính vì thế mà nảy sinh mâu thuẫn giữa người Anh và người Do Thái.
Người Do Thái chuyển sang tìm kiếm sự giúp đỡ ở người Mỹ. Bắt đầu từ tháng 5/1942, Chủ tịch tổ chức Do Thái có tên Ben Culian đã triệu tập hội nghị Do Thái tại New York - Mỹ để thông qua cương lĩnh mới của Chủ nghĩa Sionism. Kể từ đó người Do Thái bỏ người Anh để quay sang tìm kiếm sự hậu thuẫn của người Mỹ.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, tình hình tại Trung Đông có nhiều thay đổi, nhiều nước Ả Rập đã giành được độc lập tự do từ tay chủ nghĩa thực dân. Lúc này Mỹ nổi lên như một đế quốc lớn mạnh và đang ra sức mở rộng ảnh hưởng sang khu vực Trung Đông.


Ngày 10/9/1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Palestine Y.Arafat và Thủ tướng Israel Y.Rabin ký văn kiện công nhận lẫn nhau bằng giải pháp hoà bình.
Để ngăn chặn được làn sóng chống đế quốc của người Ả Rập tại Trung Đông, nước Mỹ cần có được một công cụ đồng minh đắc lực và đã chọn người Do Thái để hợp tác. Hơn nữa, thời điểm này người Do Thái đang cần tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự. Trước một đế quốc tư bản giàu mạnh như Mỹ, người Do Thái không để mất thời cơ quan trọng. Chính vì thế mà thù hằn giữa người Ả Rập và dân Do Thái lại càng được khắc sâu khi nước Mỹ nhảy vào Trung Đông.
Dưới sự ép buộc của Mỹ, ngày 29/11/1947, Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết phân trị vùng lãnh thổ Palestine. Quân đội Anh phải rút khỏi lãnh thổ Palestine trước ngày 1/8/1948.
Tại khu vực Palestine thành lập hai nhà nước độc lập của người Ả Rập và người Do Thái. Ngoài ra, tại Jerusalem còn phải thành lập chính quyền quốc tế do Liên Hiệp Quốc quản lý. Quyết định này của Liên Hiệp Quốc thực chất là tạo điều kiện cho người Do Thái đạt được địa vị hợp pháp. Diện tích đất đai của người Do quản lý là 57 % và của người Ả Rập là 43 % tổng diện tích lãnh thổ toàn Palestine.
10 phút sau khi nhà nước Irael của người Do Thái được tuyên bố thành lập, Bộ ngoại giao Mỹ đã công nhận nền độc lập chủ quyền của Israel. Nhà nước Do Thái biến mất cách đó gần 2.000 đã được phục hồi trở lại, giấc mộng ngàn đời của người Do Thái đã trở thành hiện thực.


Hơn 60 năm qua xung đột giữa các bên vẫn không chấm dứt và gần đây nhất là chiến dịch quân sự tấn công vào dải Gaza của quân đội Israel.
Trong khi đó, người Ả Rập Palestine chưa thể xây dựng được đất nước, nhiều gia đình họ tộc bị mất hết nhà cửa ruộng vườn và trang trại ngay trên chính quê hương mà tổ tiên của mình đã sinh sống hàng nghìn năm. Liên minh Ả Rập lúc đó bắt đầu ra đời gồm 7 nước thành viên chống lại nghị quyết phân chia Palestine của Liên Hiệp Quốc.
Những nước này tuyên bố “không chấp nhận chung sống với một nước dị giáo trong cộng đồng Ả Rập, chống lại nghị quyết phân chia Palestine, tuân theo lệnh Giáo chủ để chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”. Sau hai ngày nhà nước Israel của người Do Thái được thành lập, chiến tranh giữa Israel và các nước thế giới Ả Rập bắt đầu nổ ra.
Kể từ đó khu vực Trung Đông trở thành điểm nóng xung đột của thế giới. Hơn 60 năm đã qua đi, những cuộc xung đột liên miên lúc chấm dứt, lúc tiếp tục đã mang đến những tai hoạ lớn cho nhân dân các nước trong khu vực.
Bình Nguyên (Lược dịch từ Wikipedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!