(VOV) - Người ta ào ạt và chen chúc đi lễ, khói hương mù mịt, điệu dáng hớt hải, chẳng mấy khi gặp một gương mặt thảnh thơi…
Phật giáo vào Việt Nam từ hơn 2.000 năm nay và đã có những giai đoạn trở thành quốc giáo cực thịnh cùng dân tộc, như thời Lý - Trần (thế kỷ X-XIV). Bởi sự tương đồng và gắn quyện giữa tinh thần Phật giáo và nền sống dân tộc vốn sẵn nên con người dễ dàng tìm đến với Phật Thiền như một ngả thoát và nguồn an vui trong cuộc đời. Khi ấy thật khó phân biệt đâu là đạo, đâu là đời.
Một phụ nữ không chịu nổi sức ép đã xỉu khi chen vào chùa Bà (Bình Dương) - ảnh Dân trí
Người người sống đời phải lo giữ đạo và sống đạo phải biết nâng trách nhiệm với đời (đúng với bổn phận công dân). Cho nên dân gian mới dạy: thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Việc đến chùa coi là dịp kiểm chứng đường tu và hoàn thiện bản thân, cốt yếu là thụ hưởng sự tĩnh tại và an lạc tinh thần, củng cố niềm tin vào một đời sống nhân bản và ngập tràn tình yêu thương, chứ tuyệt nhiên không phải là chỗ để cầu xin, nhất lại là cầu tài cầu lộc.
Là trung tâm của cả nước, hiển nhiên Hà Nội không chỉ đậm đặc về hệ thống chùa chiền, mà còn là nơi tiêu biểu của tinh hoa Phật giáo và văn hoá - văn hiến giống nòi, thể hiện ngay từ cung cách vào chùa lễ Phật - đã thanh lịch càng thanh lịch hơn, xứng với sự tinh khiết và sâu thẳm của không gian Phật Thiền, cũng chính là của phong cách và tâm hồn người Việt: bình dị, trong sáng và thiện nhẫn.
Trong quá khứ đã từng có vô số những đúc kết mang tính biểu trưng, những khuôn hướng ở mức chuẩn mực cho con người khi tham gia sinh hoạt tín ngưỡng như thế: Hương hoa lễ Phật, giọt dầu nén nhang cúng dường và đặc biệt là “Phật tại Tâm” - một nguồn tâm vô nhiễm, không để bị xáo trộn và cuốn hút vào những ham hố thường tình… Khi đó và được thế thì con người sống với nhau dù ở đời hay ở chùa thảy đều đạt độ hoà ái và lịch duyệt, luôn có được cho mình niềm thanh thản vô bờ. Đó chính là hạnh phúc, là Niết Bàn nơi trần thế.
Về phương diện này, nay đã khác. Ở các trung tâm Phật giáo lớn của Thủ đô như chùa Quán Sứ, chùa Hương… (giống như các đền - phủ nổi tiếng) nhất là các dịp lễ, Tết người ta ào ạt và chen chúc đi lễ, khói hương mù mịt, điệu dáng hớt hải, chẳng mấy khi gặp một gương mặt thảnh thơi… Bảo đó là cảnh đạo tốt tươi ư? Tôi không tin. Và dám chắc là đa phần trong số đó - nhất là lớp người trẻ đang chiếm số đông - họ chẳng mấy hiểu biết về căn bản đường tu và giáo lý Phật Thiền. Trong khi đó ngoài đời đạo lý bị coi nhẹ, sống nặng về chiều thực dụng, thậm chí có những dấu hiệu thác loạn… Họ vào chùa như một trò thời thượng, một thú tiêu khiển - vô tri và vô cảm. Như thế phỏng có ích gì. Bất cứ ai có dịp đến với các nước có nền Phật giáo lâu đời, từng gắn bó với lịch sử và đời sống dân tộc như ta (Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Myanmar, Nepan, Campuchia…) đều thấy rõ, chẳng có nơi nào mà vào chùa lễ Phật lại ồn tạp và thiếu chuẩn mực như thế. Đó là lỗ hổng cả về tâm trí con người và nếp sống cộng đồng giữa lòng Hà Nội hôm nay.
Tôi viết những dòng này khi mùa lễ hội Xuân Kỷ Sửu đang diễn ra, chúng ta có dịp chứng nghiệm và mong cho cuộc sống mỗi người và cả cộng đồng luôn được cân chỉnh và an lạc./.
Quân Sắc
Theo http://vovnews.vn
__________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!