Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Sự hiện hữu và bản chất của thiên thần

Thưa tiến sĩ Adler,
Tôi rất quan tâm đến ý niệm về thiên thần. Ý niệm này xuất phát từ đâu? Nói cho thật chính xác, thiên thần là gì? Đó phải chăng là một thực thể thuần túy hoang đường? Có sự biện giải hợp lý nào cho ý niệm này không?


A.W.D


A.W.D. thân mến,

Nghĩa gốc của từ “thiên thần” là “sứ giả.” Trong Kinh Thánh, thiên thần là những sứ giả được Thượng Đế sử dụng để truyền đạt ý chí của ngài tới con người. Trong các văn bản Kinh Thánh đầu tiên, “thiên thần của Chúa” an ủi Hagar(1), ngăn cản Abraham hiến tế Isaac con mình, nói chuyện với Moses(2) từ một bụi cây bốc cháy. Trong những trường hợp như vậy, gần như thiên thần là sự hiện diện khả giác của Thượng Đế.

Trong các bản văn Kinh Thánh về sau, thiên thần rõ ràng là những thực thể trung gian hoạt động như những sứ giả truyền tin của Thượng Đế cho con người. Đó là vai trò mà Gabriel(3) và Michael(4) đã đóng khi xuất hiện trước Daniel(5), và là vai Gabriel đã đóng khi báo tin cho Mary(6) biết bà sắp sinh Chúa Jesus.

Trong tất cả những trường hợp này, thiên thần là những đại diện mà qua đó Thượng Đế bộc lộ ý chí và quyền năng của ngài với trần gian. Trong nhiều câu chuyện kể xa xưa, thiên thần được nhìn thấy trong hình hài con người, đến gặp gỡ và sinh hoạt với con người. Đôi cánh của thiên thần, tượng trưng cho vai trò người đưa tin của nó, và quầng sáng bao quanh thiên thần, tượng trưng cho sự thần thánh, là những yếu tố được thêm vào sau này. Về sau Do Thái giáo thiết lập một hệ thống thứ bậc thiên thần bao gồm tiểu thiên thần và tổng lãnh thiên thần, rồi phân biệt thiên thần cao cấp với các thiên thần khác. Trong Cơ Đốc giáo, hệ thống thứ bậc thiên thần mở rộng đến chín cấp: tổng lãnh thiên thần, Thrones, Dominations, Virtues, Powers, Principalities, Archangels, Angels.

Chất liệu phong phú của truyền thống tôn giáo, được diễn tả bằng tranh tượng tô vẽ tinh vi và đầy màu sắc, là tuân theo sự lý giải có phương pháp của các nhà thần học thời Trung Cổ. Các nhà thần học này được sự hỗ trợ bởi những nghiên cứu trước đó của các triết gia Hy Lạp về sự hiện hữu và bản chất của những thực thể phi vật chất. Chẳng hạn, Plato khẳng định sự hiện hữu của một vương quốc của những ý tưởng vĩnh cửu vượt ra ngoài thế giới khả giác, khả biến của sự vật. Các nhà thần học dùng hệ triết lý cơ bản này để lý giải những tín điều truyền thống về thiên thần. Ví dụ, D’Aquinas, người đã viết một chuyên luận về thiên thần, định nghĩa thiên thần là những bản thể phi vật chất và bất biến. Nhưng khác với Plato, ông không cho đó là những ý tưởng vĩnh cửu, mà là những thực thể thụ tạo – là trí thông minh thuần túy tồn tại ngoài vật chất.

Hầu hết các nhà tư tưởng hiện đại đều chế giễu những ý nghĩ về thiên thần, coi đó là những suy đoán cực kỳ vô ích về những sự vật thuần túy tưởng tượng. Tuy nhiên, dù chúng ta có nghĩ gì đi nữa về sự hiện hữu thực sự của thiên thần, chúng ta vẫn có thể nhận ra ý niệm về thiên thần soi sáng những suy nghĩ của chúng ta về trần gian. Sự suy tư về một vương quốc của những tạo thể phi vật chất – của những lý trí thuần túy hoặc tinh thần – có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn thế giới vật chất mà ở đó lý trí và tinh thần chúng ta gắn chặt vào.

Sự suy tư của các triết gia về những xã hội không tưởng của con người – lý tưởng thuần khiết – giúp chúng ta hiểu được trật tự chính trị và xã hội hiện thực. Tương tự, những suy tư về bản chất của thiên thần có thể cho chúng ta biết nhiều điều về bản chất con người. Chẳng hạn, nếu hiện hữu thực, thiên thần được coi là có tri thức trực giác và tức khắc về mọi sự, và xã hội các thiên thần hoạt động hoàn toàn theo luật của tình thương. Điều này sẽ chỉ cho chúng ta thấy kiểu tri thức và hình thái xã hội không dành cho những tạo vật vừa là xác thịt vừa là tinh thần như loài người chúng ta. Đối với chúng ta, biết được rằng chúng ta không thể sống hoặc hiểu biết như thiên thần cũng quan trọng như biết được rằng chúng ta không nên hành động như loài vật.

Dĩ nhiên, thiên thần không đơn thuần chỉ là giả thuyết có ích cho suy luận triết học. Chữ “thiên thần” chủ yếu mang ý nghĩa tôn giáo. Trong truyền thống của Kinh Thánh, thiên thần là vấn đề trải nghiệm cụ thể. Hagar, Abraham, Moses, và Maria lắng nghe không phải những giả thuyết mà lắng nghe những thiên sứ của Thượng Đế.

(1) Hagar: theo Kinh Thánh là người hầu của Sarah, và có với chồng của Sarah là Abraham một đứa con trai tên là Ishmael.
(2) Moses: theo Kinh Thánh là tiên tri người Hê-brơ, ông đã đưa dân tộc Hê-brơ thoát khỏi tình trạng nô lệ ở Ai Cập để đến Miền Đất Hứa. Cũng theo Kinh Thánh ông là người đã ghi lại Mười Điều Răn của Chúa.
(3) Gabriel: các nhân vật trong Kinh Thánh
(4) Michael: các nhân vật trong Kinh Thánh
(5) Daniel: các nhân vật trong Kinh Thánh.
(6) Đức bà Maria: theo Kinh Thánh là mẹ của Jesus Christ. Người Cơ Đốc giáo tin rằng bà mang thai Jesus Christ mà vẫn đồng trinh là nhờ sự can thiệp trực tiếp của Chúa Trời.
Nguồn: Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại
Theo chungta.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!