Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Phù Du

Vào một ngày cuối năm 2004, một cơn
chuyển mình của lòng biển Ấn Độ Dương đã tạo
những đợt sóng thần (tsunami) đánh vào bờ biển
các xứ Nam Dương, Tích Lan, Thái Lan… giết
hại cả trăm ngàn người trong tích tắc. Nhiều
người Bắc Âu sang du lịch vùng Phuket, Thái
Lan đã bị lâm nạn. Một nhân viên làm việc lâu
năm trong hội Hồng Thập Tự cho biết là bà chưa
bao giờ thấy cảnh nào hải hùng, kinh khiếp như
trận thiên tai này. Các vùng bờ biển liên hệ đầy
những xác người. Đàn bà và trẻ con bị tử vong
rất cao. Điều này nhắc cho chúng ta rằng đời
sống con người ngắn ngủi, tạm bợ; mạng sống
con người mong manh, bất định và cái chết có
thể đến cách bất ngờ.

Người ta thường dùng cuộc đời ngắn
ngủi của con phù du để diễn tả sự chóng vánh
của đời người. Phù du 蜉蝣 là một loài sâu bọ
nhỏ, có cánh, bay được, vài sách Việt gọi là con
vờ, tiếng Anh gọi là mayfly thuộc họ
Ephemeroptera. Khi còn là ấu trùng, chúng có
thể sống vài tháng nơi giòng nước chảy, nhưng
khi trưởng thành chỉ sống vài tiếng đồng hồ.
Chúng không ăn, chỉ truyền giống, sanh trứng
rồi lăn ra … chết. Nhìn cuộc đời của nó, người
xưa liên tưởng đời người, so với thời gian vô
tận, chỉ là kiếp phù du:
Người đời như bóng phù du
Sớm còn tối mất, công phu lỡ làng
Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.
Cao Bá Quát.
Ngoài con phù du, người xưa còn dùng
nhiều biểu tượng khác để chỉ cái tạm bợ của đời
người. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ trong bài
“Vịnh Nhân Sinh” viết:
Ôi nhân sinh là thế đấy
Như bóng đèn, như mây nổi,
như gió thổi, như chiêm bao…
Câu này nghe mường tượng như nhà
nho của chúng ta diễn tả ý của bài kệ “Lục Như”
trong Kinh Kim Cương*:
Nhất thiết hữu vi pháp 一切有為法
Như mộng, huyễn, bào, ảnh 如梦幻泡影
Như lộ, diệc như điện 如露亦如電
Ưng tác như thị quán. 應作如是觀
Châu Sa phỏng dịch:
Mọi thứ ở trên đời
Như bọt, bóng, mộng, mơ,
Như sương rơi, điện chớp
Hãy suy gẫm lại coi.
Ví cuộc đời như giấc mộng, người ta
thường trích 2 câu thơ của Lý Bạch:
Xử thế nhược đại mộng 處世若大夢
Hồ vi lao kỳ sinh 胡為勞其生
Tạm dịch:
Coi đời là giấc mộng to,
Tội gì ta phải so đo nhọc nhằn.
Cổ nhân cũng thường xem cõi đời này là
quán trọ, mỗi chúng ta chỉ là khách lữ hành (Thi
Thiên 119:19; I Phiêrơ 2:11). Thành ngữ “sống
gửi, thác về” (sinh ký, tử quy) cho thấy con
người còn có một quê hương nguyên thủy để
tưởng nhớ, để trông ngày về:
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi.
Vũ Hoàng Chương
Tâm trạng “một cảnh hai quê” này nhắc
cho chúng ta nhớ để chúng ta không quá tham
luyến thế gian, mà phải chuẩn bị cho đời sống
của linh hồn khi còn tại thế. Tại sao mọi dân tộc
trong mọi nền văn hóa đều có ý niệm cõi đời là
ngắn ngủi, tạm bợ? Sách Truyền Đạo
(Ecclesiastes) cho biết là Đức Chúa Trời đã gieo
rắc ý niệm vĩnh cửu vào lòng loài người (3:11).
Nếu Thượng Đế tạo con người để sống ngắn
ngủi vài giờ hay một vài ngày như con phù du
thì vô lý quá. Ông Abraham Lincoln cả quyết
con người được tạo dựng để cho cõi trường tồn,
bất diệt (Surely God would not have created
such a being as man to exist only for a day! No,
no, man was made for immortality).
Nếu đời sống con người chỉ là phù du
như các ông văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ, triết sĩ… quan
niệm thì sự hi sinh cứu chuộc của Chúa Giê-xu
như Kinh Thánh chép hóa ra phi lý và vô bổ
sao? Không. Linh hồn con người phải có giá trị
trường tồn nên Đức Chúa Trời mới có chương
trình cứu rỗi, để ai thuộc vào chương trình này
có thể trở về nhà Cha một cách vui vẻ, hân hoan.
Kinh Thánh cho biết mỗi Cơ Đốc nhân là một
sứ giả của Đấng Rất Cao được sai phái xuống
trần với sứ mạng đặc biệt. Khi được cử làm đại
sứ một quốc gia khác, anh ta cần phải học hỏi
phong tục, ngôn ngữ, văn hóa để sống hòa mình
với người dân xứ đó. Anh ta luôn nhớ mình đại
diện cho quốc gia của mình, nếu anh quá yêu
quốc gia mới mà chống lại quốc gia của mình thì
coi như anh đã bội phản. Sống trên cõi đời tạm
này, chúng ta học hỏi cách sống, lập gia đình,
dạy dỗ con cái, tiến thân trong nghề nghiệp, tập
tiết kiệm, đầu tư để khỏi nhờ vả người khác.. thì
không có gì sai. Nhưng nếu ta chỉ biết có đời
này, quên mất đời sau là một thiếu sót lớn.
Những thập niên gần đây, phương tiện truyền
thông với mạng lưới toàn cầu cung cấp mọi tiện
nghi, những thú vui giải trí hấp dẫn, thu hút dễ
làm mờ mắt, làm chúng ta quên mất quê hương
đời đời trên thiên quốc. Của cải vật chất dễ
đánh lừa và khiến người ta tích trữ thái quá, mà
không nhớ rằng:
Mình lọt lòng mẹ trần truồng
Khi về lòng đất một tuồng đó thôi
Dinh cơ sản nghiệp trên đời
Mặc muôn lao khổ, cũng rời tay không.
Truyền Đạo (Ecclesiastes) 5:15
Lời khuyên của Thánh Phao-lô về vật
chất thật khôn ngoan: “Những ai thường xuyên
sử dụng vật chất của trần gian, nên dùng chúng
vào chuyện tốt mà đừng quá gắn bó vào chúng,
vì hiện trạng của thế gian và những vật trong đó
sẽ qua đi” (I Corint 7:31). Ông Rick Warren
trong tác phẩm “Sống Theo Đúng Mục Đích”
viết: “Để giúp cho chúng ta khỏi quá gắn bó với
thế gian, Đức Chúa Trời cho chúng ta cảm nhận
được sự bất mãn và không thỏa lòng trong cuộc
sống. Chúng ta không thể thấy hạnh phúc ở đây
vì chúng ta không được định để ở đây!”
Như C. S. Lewis** viết: “Tất cả những
gì không nhắm vào cõi đời đời thì sẽ đời đời vô
dụng” (All that is not eternal is eternally
useless), Thánh Kinh khuyên chúng ta thay đổi
cái nhìn của mình: nhìn về quê hương vĩnh cửu:
Ta chẳng chăm vào điều trước mặt,
Mà chăm điều vượt mắt người đời.
Những gì thấy được: tạm thời,
Những gì không thấy, đời đời bền lâu.
II Côrinhtô (Corinthians) 4:18
Để sống đúng ý nghĩa, chúng ta luôn
nhớ hai điều:
- khi so với thời gian vô tận, đời sống
của chúng ta tuy rất ngắn nhưng nó có mục đích
riêng. Hành vi, cử chỉ, lời nói của mình có thể
ảnh hưởng tốt hay xấu đến người khác. Quyết
định quan trọng ngày hôm nay có thể có thể
mang phúc lợi hay di hại đến con cháu mình
trong nhiều thế hệ.
- Con người là khách lữ hành trong quán
trọ trần gian, nên cần thường xuyên quán chiếu
để tìm hiểu ý chỉ của Thượng Đế muốn chúng ta
làm gì.
- Cái chết của thể xác là bước khởi đầu
của cuộc sống tâm linh. Cần chuẩn bị cho cuộc
hành trình!
Nếp Sống Mới
* Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa,
(Vajracchedika Prajna Paramita Sutra). do Tam Tạng
Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) dịch là bản dịch
được thực hiện sớm nhất trong Hán tạng.
** Clive Staples Lewis, sanh năm 1898 tại Ireland,
mất vào tháng 11, năm 1963. Lúc trẻ, ông tự xưng là
vô thần, chống đối Đức Chúa Trời, nhưng sau đó, trở
lại đạo, viết rất nhiều sách xây dựng niềm tin Cơ
Đốc.
Theo Nếp sống mới, Số 169-170

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!