Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2009

Công nguyên là gì?

1/Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Công Nguyên, viết tắt CN, là kỉ nguyên bắt đầu bằng năm theo truyền thống được cho là năm sinh của Chúa Giêsu. Các năm trước đó được gọi là trước Công Nguyên (TCN) hay trước Tây lịch (TTL). Trong tiếng Việt đôi khi bắt gặp cách dùng sau Công Nguyên (hay viết tắt là SCN), tuy nhiên có lý do cho thấy cách dùng này có lẽ không hợp lý[1], và cách dùng đúng hơn là Công Nguyên, mặc dù tại Bách khoa Toàn thư Việt Nam người ta vẫn dùng sau Công Nguyên...(Click Tiêu đề để đọc tiếp)

Khái niệm Công Nguyên được tu sĩ Dionysius Exiguus đặt ra vào thế kỷ 6 khi ông tính lịch cho các ngày lễ Phục Sinh và được dùng với các lịch Julius và Gregory. Không có năm 0 trong các lịch này; năm 1 TCN được theo sau bằng năm 1 CN. Các nhà làm sử áp dụng thông lệ này vì nó được dùng lần đầu bởi tu sĩ Bede trong tác phẩm Historia Ecclesiastica Gentis Anglorum (Lịch sử giáo hội của người Anh, 731). Ông không dùng số 0, mặc dù ông đã biết số 0 vào lúc đó, vì việc đếm số cho năm bắt đầu từ 1 chứ không phải 0. Năm 0 trong lịch thiên văn là năm 1 TCN; các năm trước 0 được đánh số âm, như −1 = 2 TCN.

Hầu hết các học giả Kinh Thánh hiện nay cho rằng Dionysius đã tính sai, và rằng trên thực tế Chúa Giêsu sinh trong khoảng từ năm 8 TCN tới năm 4 TCN. Dữ kiện muộn nhất liên quan đến sự giáng sinh của Chúa Kitô là cái chết của Herod Đại Đế vào năm 4 TCN.
Chữ tương đương với Công Nguyên trong tiếng Latinh là Anno Domini, viết tắt AD hay A.D., nghĩa là Năm của Chúa hay Kỉ nguyên Kitô. Nó được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh, thường đặt trước số năm, ví dụ AD 128. Hiện nay còn có chữ viết tắt CE (Common Era) thay thế cho AD và được đặt sau số năm, ví dụ 128 CE, khi người dùng không muốn nó mang sắc thái tôn giáo liên quan đến Chúa Kitô. Hiếm hơn còn có E.V., viết tắt của Era Vulgaris trong tiếng Latin.
Trước Công Nguyên trong tiếng Anh là Before Christ (Trước Chúa Kitô), viết tắt BC, được đặt sau số năm, ví dụ 320 BC. Ngoài ra còn có cách viết khác không phổ biến lắm, khi người dùng không muốn nó mang sắc thái tôn giáo liên quan đến Chúa Kitô, là BCE (Before Common Era), nó cũng được đặt sau số năm, ví dụ 320 BCE.
Chữ Công Nguyên trong tiếng Việt có lẽ xuất xứ từ tiếng Hoa 公元, viết tắt từ chữ Công Lịch Kỉ Nguyên (Hoa phồn thể: 公曆紀元; Hoa giản thể: 公历纪元).
2/Theo http://vietsciences2.free.fr
Âm lịch và Dương lịch khác nhau ở chỗ: Âm lịch có tính chu kỳ (cyclic) còn Dương lịch có tuyến tính (linear). Âm lịch dựa trên hệ thống can chi (10 thiên can 天干 và 12 địa chi 地支), thí dụ khởi đầu Giáp Tý và hết chu kỳ 60 năm thì trở lại Giáp Tý, do đó các năm Âm lịch trùng tên thì hơn kém nhau một bội số của 60. Thí dụ các năm Canh Thìn là: ... 1700, 1760, 1820, 1880, 1940, 2000, 2060, ... Chu kỳ 60 năm được gọi là một hoa giáp 花甲 (hoặc hoa giáp tý 花甲子).

10 thiên can 天干 là: giáp 甲, ất 乙. bính 丙, đinh 丁, mậu 戊, kỷ 己, canh 庚, tân 辛, nhâm 壬, quý 癸.

12 địa chi 地支 là: tý 子, sửu 丑, dần 寅, mão 卯, thìn 辰, tỵ 巳, ngọ 午, mùi 未, thân 申, dậu 酉, tuất 戌, hợi 亥.

Người Tây phương quan niệm thời gian tiến triển theo đường thẳng (linear). Các năm Dương lịch lấy sự kiện Thiên Chúa giáng sinh làm mốc, do đó các năm có thể biểu diễn trên một trục đại số. Từ gốc 0 trở về trước là thời gian trước Công Nguyên (tiếng Anh viết B.C. = Before Christ [trước Thiên Chúa]). Thời gian từ gốc 0 đến hiện tại (và tương lai nữa) gọi là Công Nguyên (tiếng Anh viết A.D. = Anno Domini: of Christian era [thuộc kỷ nguyên của Thiên Chúa]), và chúng ta đang sống trong Công Nguyên. Từ điển Từ Hải giải: «Âu Mỹ chư quốc dĩ Gia Tô Cơ Đốc đản sinh chi niên vi kỷ nguyên chi thuỷ, thế xưng Tây Lịch kỷ nguyên, dĩ kỳ thông hành tối quảng, diệc xưng Công Nguyên.» 歐美諸國以耶穌基督誕生之年為紀元之始世稱西曆紀元以其通行最廣亦稱公元 (Các nước Âu Mỹ lấy năm sinh của Jesus Christ làm khởi đầu của kỷ nguyên, đời gọi là Tây Lịch kỷ nguyên; thông hành hết sức rộng rãi, cũng gọi là Công Nguyên.)

Do đó, năm -40 ta nói hay viết là năm 40 trước Công Nguyên, còn năm +40 ta nói hay viết là năm 40 Công Nguyên. Nhiều người quen nói hay viết là «sau Công Nguyên», như thế là sai lầm. Cách dùng danh từ «Công Nguyên» 公元 bắt nguồn từ Trung Quốc, mà chính Trung Quốc hiện nay cũng thống nhất sử dụng thuật ngữ «Công Nguyên tiền» 公元前 (trước CN) và «Công Nguyên» 公元 (CN) chứ không dùng thuật ngữ «Công Nguyên hậu».

TCN ̵ --+---+---+---+---+---+---+---+---0---+---+---+---+---+---+---+---+---> + CN

... -6 -5 -4 -3 -2 -1 0 +1 +2 +3 +4 +5 +6 ...

2 nhận xét:

  1. bài này tuy hay nhưng chưa sắc sảo thiếu tính cụ thể chưa thể thuyết phục mọi người

    Trả lờiXóa
  2. bai viet rat hay nhung k cu the , chi tiet rat nhieu cho con mau thuan vd nhu: noi hoc viet la " sau cn " la sai vay thi tai sau hien nay deu noi "s cn" chu tui chang thay ai noi "cn" ca?

    Trả lờiXóa

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!