Kính lạy Đức Chúa Trời! Con nhận biết con là người có tội cần được sự tha thứ. Con tin chắc rằng Đức Chúa Giê-su đã giáng thế, sống một cuộc đời hoàn hảo, và chịu chết đền tội cho con trên thập tự giá, Ngài cũng đã sống lại để con được sự sống vĩnh cửu. Con xin ăn năn mọi tội lỗi và đặt lòng tin nơi Chúa ngay giờ này. Con xin Chúa ngự vào lòng con để hướng dẫn con trên bước đường theo Chúa. Con tạ ơn Chúa và cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Cứu Thế Giê-su. Amen.
Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009
Bà chúa Kho cười ra nước mắt
Thị xã Bắc Ninh hiện ra và hoan hỉ đón chào khách trẩy hội với dãy hàng quán la liệt bày phía bên phải đường. Có đủ mọi thứ cho một cuộc hành hương: vàng mã, kim ngân, cây tài lộc, quà bánh... và không thiếu trên 30 tấm bảng “nhận viết sớ chữ nho” bày tại mỗi quán. Bên trong, các thầy đồ ngồi ghểnh chân hút thuốc, uống trà...
Phố “ngân hàng địa phủ”
Ngồi sát lề đường, các bà lão ăn vận quê mùa huơ tay vẫy khách trong khi mắt nhắm tịt bởi gió, mưa. Từ đây vào đền Bà ở thôn Cô Mễ, xã Vũ Ninh dài chưa đầy 5km nhưng đội quân xe ôm trên 30 người từ trong đã chạy ra quần thảo, “rê” khách. Cứ thấy xe biển số lạ, nhiều nhất là biển 29 Hà Nội, người ngồi trên xe có vẻ đi lễ là họ xúm lại: “Vào nhà em nhé!”, “Nhà em trong đền, để em đưa vào!”.
Đeo theo xe tôi là một trung niên chạy xe máy, mặc áo mưa, bám dai như đỉa. Anh “áp tải” tôi vào tận “phố ngân hàng địa phủ”, khu Thị Cầu ở sát đền. Con phố dài hơn 1km ken đặc người, hàng quán, sầm uất hơn nhiều ngoài thị xã với trên 100 gian hàng bày ra ngồn ngộn cả hai bên.
Tôi buộc phải vào “nhà hàng số 2”, bảng để Lưu Luyến (!) chuyên phục vụ quí khách viết sớ, sắp lễ, thụ lộc, nghỉ trọ. Chưa đầy nửa giờ, hơn 30 tốp khách cũng lần lượt bị rê vào những “nhà hàng” bên cạnh.
Với ôtô vào đền, mỗi lần dừng xe là “đội quân” đàn bà con gái hơn chục người bu lại cửa xe “mời” khách mua đồ, thuê đội lễ, khấn thuê. Bà chủ Lưu Luyến xởi lởi: “Ngồi uống nước đi anh. Mua bao nhiêu để em soạn lễ”. Trong quán, một bà sư mặc áo nâu sồng đang viết sớ cho một vị khách. Ông chủ Lưu Luyến nhấc điện thoại bàn: “Sang đi, có khách!”.
“Thầy” của tôi là một trung niên để râu, đầu bóng mượt. Thầy vận comlê, đồng hồ và nhẫn vàng đeo kín tay, móng tay sơn đỏ chót. Giọng thầy ẽo ọt: “2.000 đồng một sớ! Em khấn gì?”. Thầy rút từ túi áo ra một xấp sớ đã in sẵn chữ Tàu và hỏi tên tuổi, địa chỉ của tôi rồi viết loằng ngoằng lên đó. Viết xong, thầy vơ tiền rồi vội vã đi quán khác.
Bà chủ Lưu Luyến soạn cho tôi cái lễ 30.000 đồng theo yêu cầu nhưng tự nhân lên làm ba lần: “Ba lễ 30.000 đồng là 90.000 đồng bày ở ba ban chính. Thêm mươi nghìn tiền kẹo phát cho nhà đền”. Tôi ngậm ngùi nhận lễ lèo tèo với mấy thanh vàng mã, một xấp tiền âm phủ, ba cành tài lộc giá khoảng... 10.000 đồng. Bà chủ “xin” 100.000 đồng rồi kêu “ôsin” đội lễ đưa tôi vào đền.
Đi hết phố là gặp... ngõ, lại hàng mã địa phủ bày tràn ra. Chi chít bảng biển đỏ chót mời khách. Mỗi quán một thầy. Có quán hai ba thầy. Họ bò rạp ra viết, mặt mũi suy tư, nhăn nhó. Con ngõ hẹp chừng 3m dẫn lên cổng đền bát nháo cảnh mời chào, giành giật. Đặt chân lên bậc tam cấp cửa đền, một đội quân đổi tiền lẻ quây lại.
Khách Hà Nội giàu, có người đổi 500.000 - 1 triệu đồng lấy loại tiền 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng mới, xấp lại từng thếp để tán lộc. Qua sân thượng tới nhà tiền tế, đội quân mời rút thẻ, quẻ, lá lộc tử vi lại tràn ra, cứ 10.000-20.000 đồng một lần rút, trong khi loa nhà đền văng vẳng yêu cầu khách không tham gia rút quẻ. Bảng biển nghiêm cấm bày khắp nơi.
Dịch vụ... khấn thuê!
Trong khói hương nghi ngút và rầm rì tiếng khẩn cầu ở cung Đệ tam, tôi thành kính ngồi xuống trước gian thờ Tứ Phủ Công Đồng. Trên manh chiếu nhỏ, không biết từ lúc nào ba bà già ăn vận quê mùa đã ngồi sẵn, trước mặt là ba cái đĩa nhỏ, mỗi đĩa đặt hai đồng xu. Một bà nhìn ngước lên ban nhưng mắt nhắm tịt. Hai bà còn lại thì rôm rả buôn chuyện chợ búa ngày tết.
Tôi hỏi: “Dạ, có khấn hộ không ạ?”. Bà ngồi ngoài môi đen, răng đen, mắt lèm nhèm giật mình, hỏi vồ vập: “Có chứ, có chứ. Khấn thuê!”. Tôi bảo: “Con không có sớ...”. Bà gạt phắt đi: “Cần gì sớ, khấn kiểu gì chả được. Con cầu lộc hở. Đưa tiền cho bà...”. Tôi hỏi: “Bao nhiêu?”. Bà tỉnh queo: “Tùy tâm năm, mười nghìn”.
Tôi đưa 10.000 đồng. Bà già vơ vội rồi hỏi tên tuổi, địa chỉ kỹ càng và khấn: “Ơ... ờ... ờ... Con lạy Tứ Phủ Công Đồng... Ơ... ờ... ờ... Hôm nay ngày... Thí chủ con là... Ơ... ờ... ờ... Tên gì nhỉ?”. Tôi phải nói lại tên. Bà khấn tiếp: “Ơ... ờ... ờ... Thí chủ con là... Trú tại... Ơ... ờ... ờ... Trú đâu hở con?”. Tôi lại phải nhắc địa chỉ. “ Ơ... ờ... ờ, trú tại Hà Nội... Ơ... ờ... ờ... Nếu được xin cho một âm một dương”.
Bà già vơ lấy cái đĩa, ngửa hai đồng xu lên hai ngón tay tung vèo một cái. Được ngay một âm một dương. Bà chìa đĩa ra: “Được nhé, xong rồi!”. Tôi nhờ bà khấn xin năm nay lấy vợ. Bà quên ngay: “Tên gì hở con, trú ở đâu?” nhưng không quên: “Đưa tiền nữa con ạ, một lần khấn một lần tiền!”...
Tôi sang cung Thượng thờ Tam tòa Thánh mẫu. Hơn chục bà khấn thuê lại bu vào, tay ai cũng cầm cái đĩa trên đặt hai đồng xu. Cung nào cũng có “đội quân” này. Nháo nhác, giành giật ngay trước chốn linh thiền.
Quá thất vọng vì khấn mồm, tôi đi tìm thầy viết sớ. Phố “ngân hàng địa phủ” có trên 100 “thầy đồ”. Các thầy ăn mặc tân thời (comlê, giày tây, thậm chí cà vạt) hoặc ăn vận giả cổ (quần áo nâu, vấn khăn trên đầu). Vài thầy trung niên thì để râu, đeo kính, cố làm vẻ có chữ nghĩa, có học.
Các thầy trẻ hơn, có người chưa đến 30, cũng để râu, sơn móng tay, nói chuyện một thầy, hai thầy nhưng toàn bàn làm ăn, chơi bời nhảy múa. Một thầy tên Hòa khoe: “Chữ ta chữ Tàu anh viết được hết! Không như bọn trong đền, viết chữ loằng ngoằng, đọc phải nheo mắt, méo mồm. Người thường nhìn chẳng hiểu huống hồ người âm”.
Theo thầy Hòa, “bậc cao nhân” ở phố may lắm cũng thuộc mặt được trên dưới 100 chữ Tàu. Ai nhờ, cứ mang mấy chữ đó ra viết đi viết lại lòe thiên hạ. Để cho sang, chữ ta cũng phải thảo theo lối thư pháp, nghĩa là cũng loằng ngòa loằng ngoằng. Khâm phục “kiến thức”, tôi xin thầy chữ “nguyễn”.
Thầy phết mực thật đậm, nhăn trán nghĩ ngợi một hồi rồi mắm môi mắm lợi phết lên khuôn giấy đỏ chót. Thầy bán chữ “kỷ niệm em” giá 10.000 đồng. Tôi tá hỏa bởi chữ “nguyễn” thầy viết thành chữ... “tướng”! Tôi mang chữ thầy Hòa nhờ một thầy khác đọc hộ. Thầy này dáng người tròn lẳn, mặc áo bà ba nâu, để ria con kiến. Thầy nhăn mặt, ngẫm nghĩ một hồi rồi phán: “Đây là chữ... nhẫn” (!) và không quên luôn mồm “chửi” các thầy khác.
Theo hanoimoi
1 nhận xét:
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!
những sự việc này xảy ra ở rất nhiều đền chùa chứ không riêng gì đền bà chúa kho
Trả lờiXóa