Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Trung Quốc: "đua" tìm bí quyết làm giàu của người Do Thái

Tại Trung Quốc, lòng hâm mộ óc kinh doanh nhạy bén của người Do Thái đã dẫn tới một cuộc bùng nổ trong ngành xuất bản nước này.

"Làn sóng Do Thái" trong ngành xuất bản Trung Quốc
Các du khách Do Thái tới Trung Quốc khi tiết lộ nguồn gốc của mình thường được người dân sở tại vồ vập chào đón ngay với những lời khen tặng như: "Rất thông minh, rất khéo léo, và rất giỏi kinh doanh".

Theo xếp hạng của Google Zeitgeist Trung Quốc năm ngoái, trong mục các câu hỏi "tại sao" được tìm kiếm nhiều nhất trên Google, câu "Tại sao người Do Thái giỏi?" chiếm vị trí thứ tư, đứng trên cả câu hỏi "Tại sao tôi nên lập gia đình".

Chính mối cảm tình đặc biệt dành cho người Do Thái này đã mở ra một xu hướng gây khá nhiều ngạc nhiên trong ngành xuất bản Trung Quốc những năm vừa qua: các cuốn sách hé lộ bí quyết kinh doanh của người Do Thái, được viết dựa trên một quan niệm phổ biến của người Trung Quốc rằng những đặc tính của người Do Thái chính là "chìa khóa vàng" dẫn tới thành công của họ trong lĩnh vực tài chính.
Các tựa sách như Thâm nhập thế giới người Do Thái: 101 quy tắc kinh doanh của người Do Thái, Tìm hiểu về tất cả các bí quyết kiếm tiền của người Do Thái... được xếp chung khu vực với các cuốn sách viết về Warren Buffet và Bill Gates. Ở Đài Loan thậm chí còn có một khách sạn Do Thái, được xây dựng dựa theo "quan niệm về thành công của người Do Thái"; mỗi phòng của khách sạn này đều thể hiện một phiên bản của cuốn sách Kinh Thánh về thành công trong kinh doanh của người Do Thái.

Cùng với mối quan tâm ngày càng lớn về kiến thức kinh doanh và sự gia tăng doanh số bán ra của các cuốn sách tự học tại Trung Quốc, hoạt động xuất bản những cuốn sách dạy kinh doanh theo người Do Thái cũng đang bùng nổ. Các cuốn sách này có nét tương đồng với kiểu sách như Tôn Tử và Nghệ thuật kinh doanh của Trung Quốc.

Han Bing, tác giả của cuốn Thâm nhập thế giới người Do Thái, cho biết sau khi đọc loạt ấn phẩm về "Kinh Thánh của người Do Thái" do một nhà xuất bản lớn giới thiệu, anh chợt nhận ra rằng "người Do Thái cổ xưa và người Trung Quốc ngày nay phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự nhau", chẳng hạn như di cư và sự chênh lệch.

Các quy tắc kinh doanh mà tác giả Han Bing nêu ra trong cuốn sách của mình bao gồm cả những lời khuyên vốn hết sức thông thường và phổ biến như "hãy nói thật với khách hàng về những khiếm khuyết của sản phẩm", "hãy giúp đỡ nhiều người hơn", và "một sự hợp tác dựa trên cảm xúc thì không đáng tin".

Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê về doanh số bán ra của những cuốn sách này trên thị trường. Nhưng theo Wang Jian, phó giám đốc Trung tâm Do Thái học tại Thượng Hải, tuy những cuốn sách hướng dẫn đó chưa đạt tới đỉnh cao như cuốn Giáo dục trong gia đình người Do Thái (bán được trên 1 triệu bản), nhưng hiện chúng cũng đang rất được ưa chuộng, và là một "chủ đề nóng". Tập hợp những văn bản cổ về luật và truyền thống của người Do Thái (Talmud) "đã trở thành cuốn cẩm nang về nghệ thuật kinh doanh và kiếm tiền", Wang nói.

Khởi nguồn của lòng hâm mộQuan niệm của người Trung Quốc về năng lực kiếm tiền của người Do Thái có lẽ bắt nguồn từ giữa thế kỷ 19, khi các nhà đầu tư bắt đầu "đổ bộ" vào Trung Quốc. Nhiều ông trùm bất động sản nước ngoài đầu tiên tại đây (như Silas Hardoon và con cháu gia tộc Sassoon) cũng là người Do Thái.

Michael Kadoorie hiện được xếp hạng là người giàu nhất không có nguồn gốc Trung Quốc với số tài sản ròng ước đạt 5 tỷ USD; ông sinh trưởng trong một gia đình Do Thái giàu có, tới Thượng Hải sinh sống từ thế kỷ 19; Kadoorie làm giàu từ việc sản xuất máy phát điện và kinh doanh khách sạn.

Sự ngưỡng mộ người Do Thái bắt nguồn từ một lịch sử không chỉ liên quan tới kinh doanh. Theo Giáo sư Xu Xin của Khoa Do Thái học tại Trường Đại học Nam Kinh, dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, khoảng gần một nửa trong số hơn chục người phương Tây hoạt động tại Trung Quốc là người Do Thái, và điều đó cũng góp phần khiến giới trí thức sở tại quan tâm hơn tới văn hóa Do Thái.

Thực tế trên cũng tạo ra những mối thiện cảm dành cho một số cá nhân người Do Thái trong giới truyền thông chính thức của Trung Quốc. Những cá nhân đó gồm có Sidney Rittenberg, công dân Mỹ đầu tiên tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nhà báo Israel Epstein, người đã nhiều lần phỏng vấn Mao Trạch Đông. Khi Epstein qua đời, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều tới dự đám tang ông.

Không ít người Trung Quốc cho rằng người Do Thái thông minh là nhờ có cuốn Kinh Thánh Talmud. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nước ngoài về đạo Do Thái cho biết Talmud không phải là cuốn sách hướng dẫn kinh doanh.

Theo Rabbi Eliezer Diamond, giảng viên môn luật Do Thái, tuy cuốn Talmud đề cập tới luật hợp đồng, sự quy vùng, và nhiều vấn đề liên quan tới tính toán lãi suất, nhưng đó không phải là một cuốn cẩm nang dạy cách làm giàu nhanh. "Nhưng có vẻ như họ không biết Talmud là gì. Tôi cho rằng họ coi đó là một cuốn sách tri thức bí mật", Rabbi Nussin Rodin, một phái viên của phong trào Chabad-Lubavitch tại Bắc Kinh, cho biết thêm.

Diamond kể: "Có lần tôi nhận được một lá thư của một người Trung Quốc, trong đó anh ta nói: Tôi rất quan tâm tới chuyện làm giàu, anh có thể cho tôi biết trường các anh đã dạy học viên những gì về chuyện kiếm tiền không?"

Tuy nhiên, quan niệm cho rằng Talmud là một cuốn sách chứa đầy những bí quyết kinh doanh không hoàn toàn là chuyện vui. Bản thân bìa cuốn kinh này cũng trích dẫn câu: "Không ai có thể đánh bại người Do Thái trừ khi họ đã đọc cuốn sách thánh Talmud của chúng ta".

Diamond cho biết: "Trên thế giới có nhiều người mang tâm lý bài Do Thái vẫn muốn làm việc với các luật sư người Do Thái, bởi họ là những luật sư rất giỏi". Han Bing thì chia sẻ rằng anh chưa từng gặp một người Do Thái nào, và cũng không chắc những gì anh miêu tả về người Do Thái là đúng hoàn toàn.

Bên cạnh đó, Han Bing cũng thừa nhận chưa có doanh nhân nào liên lạc với anh để nói rằng cuốn sách của anh đã làm anh ta thay đổi. Chỉ có điều là, như anh thừa nhận, "Hiện đang có vô số những cuốn sách như thế bày bán trên thị trường".

Thủy Nguyệt dịch theo Newsweek

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-10-trung-quoc-dua-tim-bi-quyet-lam-giau-cua-nguoi-do-thai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!