Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

QUÀ TẶNG GIÁNG SINH

NHẬT THỊNH

Ngày nay nước Do Thái (Israel) có một vị trí quan trọng tại Trung Đông và trên hành tinh. Đặc biệt dân Do Thái chỉ chiếm một nửa của một phần trăm dân số thế giới, nhưng họ đã chiếm đến hai mươi phần trăm giải Nobel được trao tặng trên toàn cầu. Những thành quả của các danh nhân Do Thái, điển hình Jonas Salk phát triển thuốc ngừa bại liệt (polio vaccine), nhà khoa học Albert Einstein phát triển thuyết tương đối đưa thế giới đến thời đại nguyên tử, Sigmund Freud cha đẻ của khoa phân tâm học.
Do Thái giáo của người Do Thái phát triển trước Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo và Hồi giáo. Cơ Đốc giáo tiếp nối Do Thái giáo đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho con người khắp nơi.

Chúa Cứu Thế Giê-su người Do Thái, từng có lần tuyên bố:"Sự cứu rỗi bởi người Do Thái mà đến" (Giăng 4:22). Ý Ngài muốn đề cập đến sự cứu rỗi không xuất phát từ người Ấn Độ, Trung Hoa mà từ người Do Thái tức dân tuyển của Đức Chúa Trời. Lãnh tụ Môi-se tuyên bố với dân chúng:"Đức Chúa Trời trìu mến và chọn lấy các người, không phải bởi các người đông hơn mọi dân tộc khác, thực sự số các người ít hơn những dân tộc khác. Nhưng đó bởi Đức Chúa Trời thương yêu các người và và tôn trọng lời thề Ngài đã lập cùng tổ phụ các người" (Phục-truyền 7:7-8). Sự biểu lộ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người là sự chết của Con Ngài trên thập tự giá."Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đức Christ vì chúng ta chịu chết" (Rô-ma 5:8)

Giáng Sinh tức mùa tặng quà. Sau ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) người ta chuẩn bị mua sắm quà cáp. Quà giá trị đòi hỏi phải có thì giờ chọn lựa và chuẩn bị cho đúng quà, đúng giá. Hơn nữa quà có giá trị còn tùy thuộc người tặng quà là ai, có quan trọng và liên hệ thế nào với người nhận, món quà dù ít tiền mà đến từ người mình quý mến vẫn thích hơn đồ đắt tiền. Vả lại, quà có trao tặng đúng người nhận hay không, nếu nhận lầm quà của người khác, thiết nghĩ không có gì vui vẻ lắm, vì không phải người ta cho mình. Lại nữa, quà có đúng nhu cầu của người được tặng hay không mới thực sự quan trọng. Nhiều món quà sớm bị quên lãng chỉ vì những gì người ta nhận được đó đã không bao giờ họ cần dùng đến.

Phong tục trao tặng quà Giáng Sinh bắt đầu từ khi những người mục đồng được các thiên sứ báo tin về món quà rất đặc biệt được dành cho loài người. Tại sao quà này lại giá trị hơn tất cả quà người ta nhận được xưa nay? Vì quà này chỉ có giá trị trong một thời gian hay trong một hoàn cảnh nào. Đằng này người tặng quà chính là Thượng Đế. Ngài đã chuẩn bị chu đáo để có thể tặng quà này vào đúng lúc và đúng người. Và người được tặng chính loài người. Quà Giáng Sinh của Chúa ban cho giá trị không thay đổi theo thời gian và không gian vì quà này không phải một món đồ bình thường như những quà mà con người có thể tặng nhau.

Quà đặc biệt này là Chúa Cứu Thế Giê-su. Khi nhận quà này con người có biết trong đó có những gì không? Hãy thử xem Thượng Đế đã tặng cho con người như thế nào, trong đó có gì và làm sao để nhận.

Khi nói đến Thượng Đế cảm giác đầu tiên của nhiều người là sợ hãi, vì thế khi các thiên sứ muốn cho những người chăn chiên an lòng để đón nhận tin vui Chúa ra đời, đã loan tin: "Đừng sợ chi, vì này ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân." (Lu-ca 2:10) Điều này thật đáng chú ý vì đầu tiên khi tuyên bố hài nhi Giê-su được sinh đã có một lời trấn an: "Đừng sợ chi." Thế tại sao Chúa đến với con người trong thân hình của một hài nhi? Đó bởi Chúa muốn cảm thông với muôn loài và có mối liên hệ tốt với con người, nên trở thành giống con người. Ngài muốn đến thế gian như mọi người, ra đời như một hài nhi, bởi không ai sợ hãi một đứa bé.

Hài nhi giáng thế - Giê-su - tức Đức Chúa Trời giải cứu. Ý nghĩa của Giáng Sinh có nghĩa Thượng Đế xuống trần để cứu rỗi loài người. Cho nên thiên sứ căn dặn Ma-ri và Giô-sép đặt tên Giê-su cho hài nhi. Chính vì sự giáng sinh của hài nhi đã thực hiện chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho loài người. Kinh Thánh dạy rằng Chúa Giê-su xuống thế gian để giải cứu tội lỗi cho loài người. Tội lỗi nhiều lúc con người mù mờ vì chính tội lỗi đã che mắt họ. Sự mù mờ này được phơi bày qua tư tưởng của con người khi nghe nói về tội lỗi. Nhắc đến tội lỗi người ta thường nghĩ đến tội lỗi của người khác, mà mình chưa hề phạm, chẳng hạn tội giết người, trộm cướp, tham nhũng, cưỡng hiếp...Như thế có thể coi tội lỗi là một điều gì đó xa cách với bản thân mình. Và khi mình phạm trọng tội thì cũng dễ để tâm trí mình bào chữa hầu che đậy hay chối cãi. Bản tính chung của loài người thường hay che đậy tội lỗi của mình và quên đi sự che đậy này là hậu quả của tội lỗi.

Một nhà văn người Anh Malcolm Muggeridge kể chuyện hồi còn làm ký giả ở Ấn Độ, một lần đi bơi sông. Khi xuống nước nhìn thấy một phụ nữ thay đồ xuống tắm. Malcolm Muggeridge bị choáng ngợp trước hiện tượng đó, nhưng dẹp ngay được sự cám dỗ đến ngây ngất ấy khi nghĩ đến hình ảnh của vợ mình. Malcolm Muggeridge do dự trong vài giây, sau dẹp bỏ lương tâm, bơi nhanh đến gần bà. Tới nơi, Malcolm Muggeridge thấy ngỡ ngàng, choáng váng, vì đây không phải một cô gái trẻ đẹp, có thân hình quyến rũ, hấp dẫn, trái lại là một bà già da dẻ nhăn nheo như trái táo khô, và tệ hơn nữa bà còn mắc chứng bệnh cùi ghê sợ. Malcolm Muggeridge nghĩ thầm hình bóng ghẻ lở đó đã chê cười mình, mồm móm mép không răng đã thốt ra những lời nguyền rủa mình thậm tệ. Malcolm Muggeridge vội bơi thật xa, trốn chạy cho nhanh, cảm thấy bà ta không đến nỗi ghê tởm, mà chính tâm hồn mình mới đáng ghê tởm.

Khi con người nhạy cảm với cá nhân mình lúc sa ngã, họ mới thấm thía câu Kinh Thánh: "Mọi người đều đã phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23). Dù có phủ nhận hay che đậy, hậu quả của tội lỗi hiển nhiên trong đời sống: bất an, tranh chấp, kèn cựa, chán chường, thấy đời vô nghĩa...Tin lành của Giáng Sinh là Thượng Đế xuống trần để giải cứu con người thoát khỏi đời sống hư ảo này. Đây chính món quà Giáng Sinh của Thượng Đế cho loài người, thay thế cho món nợ tội lỗi. Kinh Thánh chép:"Tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Đức Chúa Trời là sự sống vĩnh phúc trong Chúa Cứu Thế Giê-su." (Rô-ma 6: 23).

Hơn 2000 năm trước tại vùng Bê-tha-ny cạnh dòng sông Giô-đanh ở Do Thái, người ta thấy xuất hiện một tiên tri giảng dạy:"Hãy ăn năn vì nước Chúa Thiên Đàng đã kế cận". Tiên tri này được dân chúng đặt tên Giăng Báp-tít, vì đã làm phép rửa tội cho những ai ăn năn tội mình. Giăng Báp-tít tuyên bố có một Đấng Cứu Thế đến sau Ngài và không xứng đáng để xách dép cho Ngài. Khi Đức Giê-su đến để nhận phép rửa tội của Ngài, Ngài liền nói: "Chính tôi mới cần Ngài làm phép rửa tội". Và Ngài tuyên bố cùng toàn dân và các môn đệ của mình: "Đây là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng xóa tội lỗi cho loài người". Chiên Con của Đức Chúa Trời là danh xưng để giúp con người giải đáp câu hỏi:"Làm sao Đức Chúa Trơi giải cứu loài người?"

Đối với người Do Thái, hình ảnh chiên con nhắc nhở họ nhớ đến ngày Lễ Vượt Qua, dánh dấu đêm dân chúng được giải thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập nhờ quyền năng của Thượng Đế. Đêm hôm ấy Thượng Đế gửi tử thần đi khắp nước Ai Cập sát hại mọi con đầu lòng, không bỏ sót một nơi nào. Ngoại trừ các nhà người Do Thái đã được bôi huyết chiên con để làm dấu trên khung cửa nhà thì tử thần vượt qua. Thấy Thượng Đế có quyền năng như vậy, vua quan Ai Cập vội hối thúc dân Do Thái rời khỏi nước mình ngay trong đêm ấy. Từ đó đến nay, người Do Thái vẫn giữ Lễ Vượt Qua, tế lễ dâng hiến một con chiên đực không tỳ vết.

Khi Giăng Báp-tít gọi Đức Giê-su là"Chiên Con của Đức Chúa Trời" hàm ý Đức Giê-su sẽ trở thành Chiên Con mà Đức Chúa Trời dự trù dùng huyết của Ngài để cứu rỗi loài người. Cho nên Đức Giê-su đến thế gian để chết trên thập tự giá. Ngài chết thay cho loài người. Đó một phương cách Thượng Đế giải cứu loài người.

Có một bà người Ý sinh một đứa bé trai. Nó được sinh ra mục đích để cứu anh nó đang cần được cấy ghép tủy xương tương ứng. Sau cuộc giải phẫu hai anh em đều sống. Chúa Giê-su được sinh ra nhưng phải chết để cứu loài người. Máu của Ngài phải đổ vì"Theo Kinh luật...không đổ huyết thì không có sự tha tội" (Hê-bơ-rơ 9:22).

Trước sự thánh khiết của Thượng Đế, mới thấy tội lỗi của con người thật khiếp sợ, đáng chịu hình phạt. Vì thế Chúa Giê-su xuống thế gian mang hình hài con người, từng trải sự yếu đuối của xác thịt, cám dỗ, đau khổ và chót hết chết trên thập tự giá cho loài người. Không phải những cái đinh đã giữ Ngài trên thập tự giá mà là tình thương yêu của Ngài với loài người. Là Con Đức Chúa Trời, Ngài đã tham dự trong công cuộc sáng tạo ra sắt, chế thành đinh để đóng tay Ngài. Ngài tình nguyện làm Em-ma-nu-ên, Giê-su, Chiên Con của Đức Chúa Trời để cứu loài người, vì Ngài thực sự thương yêu loài người.

Nguyên Em-ma-nu-ên tức danh xưng thứ nhất của Ngài. "Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một trai. Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta." (Ma-thi-ơ 1:23). Danh xưng này được tiên đoán bởi tiên tri Êsai 700 năm trước khi Đức Giê-su giáng sinh. Chúa Giáng Sinh vì yêu thương loài người. Thật kỳ diệu khi Thượng Đế, Đấng vĩ đại mà vũ trụ đối với loài người bao la là tù túng, với Ngài lại trói buộc mình trở nên một hài nhi nhỏ bé. Khi Thượng Đế thành người phàm tục, Ngài không giáng trần nơi cung điện nguy nga, mà sinh ở một chuồng chiên, máng cỏ đơn sơ. Ngài không muốn để ai cảm thấy sợ hãi, xa cách, khó khăn, mà không dám đến gần Ngài. Chỉ một sự xuất hiện của thiên sứ, sứ giả hay người đưa tin cho Thượng Đế đã khiến con người hoảng sợ, huống chi khi Đấng Toàn Năng xuất hiện. Vì thế Ngài đến với loài người một cách đơn sơ ở dạng hài nhi để con người không sợ hãi. Kinh Thánh chép: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài" (Giăng 3:16) Đây chính là ý nghĩa của Giáng Sinh: Đức Chúa Trời yêu thương con người và giáng thế để đến gần loài người. Con người khát khao được yêu thương và quý trọng, thì Thượng Đế đã bầy tỏ tình yêu thương và quý trọng con người nơi Chúa Giáng Sinh.

Có người hỏi Chúa giáng sinh hơn hai ngàn năm trước thì có liên hệ gì đến niềm vui của con người ngày nay. Thường con người vui mừng khi có điều gì xảy đến theo ý muốn, hơn lòng mong muốn, hay đúng như nhu cầu đang có. Trái lại, con người sẽ buồn khổ nếu gặp những khó khăn, thua thiệt, đổ vỡ hay mất mát. Khi các cố gắng của con người không đem lại kết quả mong muốn, và khi những bất công, bất hòa không giải quyết ổn thỏa. Những người chăn chiên sống trong tâm trạng sau, thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội người Do Thái thời bấy giờ, sống nghèo hèn, kém văn hóa. Thế tại sao những thiên sứ lại đến với họ, mà không đến với những người có học thức, có địa vị hay giới lãnh đạo tinh thần? Họ là những người đầu tiên và có lẽ duy nhất được lựa chọn để báo tin mừng.

Họ cảm thấy ngạc nhiên, sợ hãi, thắc mắc, nghĩ Thượng Đế đã bỏ quên dân tộc họ. Những công việc to lớn Ngài thực hiện tưởng chỉ là quá khứ, qua sách vở hay truyện cổ tích. Thế mà họ đã chứng kiến phép lạ trong tối nọ. Chính mắt, tai họ đã trông thấy, nghe thấy những lời báo tin mừng một thời đại mới đã ló dạng. Đây một tin vui cho bản thân và dân tộc họ: Thượng Đế vẫn quan tâm, cảm thông đến những buồn khổ, thiếu thốn, đau thương của họ. Ngài thương, còn thương xót đến hoàn cảnh ngặt nghèo, đến những mong ước của lòng họ. Ngài thấy sự khao khát, tấm lòng trông chờ và đoái xem đến trường hợp những người bị xã hội khinh rẻ như họ: thật lạ lùng, bất ngờ.

Niềm vui của những người chăn chiên này không là những thỏa mãn về vật chất hay những hứa hẹn giàu sang, danh vọng. Niềm vui của họ là sự biết chắc Thượng Đế quan tâm đến họ, gần gũi, chăm sóc đến những nhu cầu sâu sa, thầm kín nhất của họ. Một sự cảm thông chan hòa. Không nói ra thành lời nhưng trong thâm tâm mỗi con người đều mong muốn có một Đấng gần gũi, cảm thông, chia sẻ với những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Chúa Giê-su giáng sinh chính là Quà Vui Mừng cho người buồn khổ. Làm thế nào Ngài là quà của Thượng Đế cho loài người? Có lẽ vì thấy được thắc mắc này của những người chăn chiên và của con người nên thiên sứ giải thích: "Ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa." (Lu-ca 2:11) Vậy tại sao Chúa Cứu Thế giáng sinh là Hy Vọng cho Người Khốn Cùng?

Thời bấy giờ, xét về mặt chính trị người Do Thái bị người La Mã đô hộ, nền văn hóa Hy Lạp đang có ảnh hưởng lớn và trên phần lớn đất nước họ. Tiếng Hê-bơ-rơ, ngôn ngữ của người Do Thái, bị tiếng A-Ram và Hy Lạp thay thế. Những nhà lãnh đạo tinh thần đã thoái hóa và trở thành bất động với những luật lệ khắc khe không còn đáp ứng được nhu cầu tâm linh của dân chúng. Từ đó, các âm mưu nổi loạn, chống La Mã nổi dậy. Dân Do Thái trông mong, đặt hy vọng nơi một Đấng Cứu Thế đến giải phóng cho dân tộc họ.

Quà hy vọng của Chúa tất nhiên không thỏa mãn hết những ước vọng cá nhân, vì Ngài đến để ban cho con người một nếp sống mới, một mối quan hệ mới với Thượng Đế. Người ta liệt kê "Bảy mức độ ban cho" nhằm cứu giúp kẻ thiếu thốn mà điều kiện có tính cách hạn định chưa thể giải quyết được hết các mong muốn:

1-Bố thí người nghèo khó, thiếu thốn, nhưng bởi gượng ép hay do trách nhiệm nên tâm hồn không thoải mái.
2-Vui lòng ban phát, nhưng mức độ cung cấp giới hạn, không giải đáp được nhu cầu.
3-Cung cấp đầy đủ, tuy nhiên chỉ giải đáp nhu cầu nếu có sự cầu khẩn.
4-Tự động bố thí trước khi có những nhu cầu đòi hỏi cấp phát.
5-Cung cấp mà không cần biết người được cung cấp thuộc giới nào, thành phần nào trong xã hội.
6-Bố thí mà không muốn để lộ danh tánh, không muốn người nhận tặng vật biết đã cung cấp cho mình, ân nhân của mình.
7-Chống đỡ sự nghèo khó bằng cách tạo phương tiện để người nghèo đói tự túc được mà thoát khỏi sự nghèo khó, thiếu thốn trong tâm hồn.

Đây coi như mức độ của món quà Chúa muốn ban cho con người hầu giải thoát họ khỏi nghèo túng, thiếu thốn trong tâm hồn. Sở dĩ Chúa Cứu Thế Giê-su được xem là món quà của Thượng Đế ban cho con người, vì Thượng Đế biết rõ nhu cầu to lớn của con người là sự Cứu Rỗi, nên Thượng Đế đã gửi Đấng Cứu Thế.

Đấng Cứu Thế này "là Christ, là Chúa" có ý nghĩa gì? Christ là đấng "chịu xức dầu". Trong văn hóa Do Thái, đấng "chịu xức dầu" được Thượng Đế lựa chọn để thi hành ba nhiệm vụ:

1-"Thầy Tế Lễ" có trách nhiệm chuẩn bị con người để đem họ đến gần Thượng Đế.
2-"Tiên Tri" để truyền đạt ý chỉ của Ngài cho con người .
3-"Vua" với trách nhiệm đại diện Thượng Đế để cai trị trong sự công bình, chính trực, hoà bình và yêu thương."Chúa" có quyền tể trị trên mọi nền chính trị, xã hội, kinh tế, thiên nhiên, vạn vật.

Thượng Đế muốn giải phóng con người khỏi mọi tội lỗi và đau thương bằng cách ban cho Chúa Cứu Thế Giê-su để khi mời Ngài vào làm chủ cuộc đời, con người sẽ tiếp nhận được sự Cứu Rỗi, được cởi trói khỏi những xiềng xích của tội lỗi, nguồn gốc của những khổ đau trong đời sống. Sự Cứu Rỗi có ba yếu tố:

1-Sự tha thứ những lỗi lầm trong quá khứ của con người.
2-Sự giải thoát khỏi những những nan đề hiện đang trói buộc con người.
3-Sự thỏa mãn hoàn toàn khi con người bước vào sự sống bất diệt

Vậy làm sao để có được sự cứu rỗi? Nếu con người vẫn còn cố gắng tự cứu chính mình, Thượng Đế không thể cứu họ. Nếu họ tự suy nghĩ: "Họ sẽ tìm ra cách giải quyết mọi nan đề của đời người. Họ có những chương trình. Họ không cần đến Chúa. Họ tự làm chủ cuộc đời mình". Chúa sẽ tôn trọng quyền tự do của họ, và để họ cứ tiếp tục, cố gắng sống theo ý họ muốn. Họ sẽ thấy trong cuộc đời họ còn đầy dẫy những bực dọc, căng thẳng, giận dữ. Và những lo lắng, mặc cảm tội lỗi, cay đắng và buồn chán sẽ tiếp tục dày vò trong đời sống họ. Những điều đó từ đâu đến, ấy là do họ cố làm chuyện của Chúa.

Chúa muốn nói với họ rằng: "Con hãy thong thả và bình tĩnh. Con cần ngừng việc tự cứu lấy mình, việc con cố gắng tự tạo con đường đến Thiên Đàng, việc con cố gắng để lấy điểm với Chúa. Hãy nghỉ ngơi là tiếp nhận món quà Cứu Rỗi và Hy Vọng của Chúa"

"Sáng danh Chúa trên các tầng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người" (Lu-ca 2:14). Sự Giáng Sinh của Chúa đem cho con người món quà quý nhất của Thượng Đế. Đó là sự bình an. Xưa nay con người thường sống trong sợ hãi, lo âu. Họ có những lo lắng và sợ hãi cho tương lai, công ăn việc làm, sức khỏe, hạnh phúc trong gia đình. Họ sẽ giải quyết thế nào khi sợ hãi?

Người chủ trương đối diện với sự sợ hãi. Nhưng mỗi người có cách ứng phó riêng: tậu nhà trong khu an ninh, tìm mua bảo hiểm sức khỏe của các hãng uy tín, gắn máy báo động trong nhà, mua xe hơi lớn để lái cho an toàn. Người lo xa nghĩ đến việc...học võ tự vệ.

Tuy nhiên, sự bình an trong xã hội, cộng đồng, gia đình, Hội Thánh tùy thuộc vào mỗi cá nhân trong đó có sự bình an của Chúa nơi tâm hồn mình hay không. Khi tâm hồn mỗi cá nhân có sự bình an thì những bất hòa với nhau sẽ được giải hòa từng thời kỳ. Đó là nguyên nhân Chúa giáng sinh. Ngài đến để giải hòa giữa mỗi cá nhân và Thượng Đế và giữa con người với nhau. Ngài hứa:"Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi" (Giăng 14:27).

Món quà Chúa muốn ban cho mỗi con người là sự hòa bình với Thượng Đế, qua Chúa Giê-su, sự hòa bình với chính bản thân, với hoàn cảnh và với người khác sống bao vây mình. Chúa muốn con người không những có mối tương quan thuận hòa với Ngài mà còn liên hệ tốt đẹp với những thành viên trong gia đình, bạn bè, bà con, xóm làng...Ngài muốn nói với con người rằng: "Ta muốn con có mối liên hệ đứng đắn với Ta và sau đó con có thể có mối liên hệ tốt đẹp với những người khác".

Giáng Sinh chính là thời điểm giải hòa, là thời cơ phá đổ những ngăn cách, nối kết lại những tình thân bị đổ vỡ. Đây là cơ hội để nói lời xin lỗi và xin sự tha thứ. Đối với nhiều người, Giáng Sinh là thời gian căng thẳng vì phải đối đầu với những bạn bè, bà con mà họ đã có những sự bất hòa. Chúa muốn nhắc nhở con người không những chỉ dàn hòa với Chúa mà cũng phải giải hòa với con người nữa. Như thế cần có sự bình an với Chúa, khi đã bình an với Chúa tất có bình an của Chúa trong cuộc đời mình. Và khi đã có sự bình an của Chúa trong người thì sẽ có bình an với người khác:"Ngài là Đấng đã nhờ Chúa Cứu Thế hòa giải với chúng ta và ban cho chúng ta chức vụ hòa giải" (2 Cô-rinh-tô 8:8)

Tất nhiên không khỏi có người đổ lỗi cho rằng nhà lãnh đạo tinh thần không biết những điều người khác đã làm tổn thương họ, thế thì làm sao họ có thể tha thứ được. Chính đó là lý do tại sao con người cần đến Chúa Cứu Thế Giê-su. Bởi sự tha thứ của con người có giới hạn nên họ cần tới tình yêu của Chúa, tình yêu đó vô hạn. Hãy thưa với Ngài: "Xin Chúa thương yêu những người ấy qua con". Kinh Thánh nói: "Cảm tạ Đức Chúa Trời vì tặng phẩm không sao tả xiết của Ngài" (2 Cô-rinh-tô 9:15)

Có người từ Giáng Sinh này đến Giáng Sinh khác, bởi lý do này hay lý do khác, vẫn chưa chịu mở Món Quà được Chúa tặng. Họ chưa tiếp nhận Món Quà ấy, Chúa Cứu Thế Giê-su và trong Ngài có cả hy vọng, hạnh phúc và hòa thuận. Hãy mau mở Món Quà mà Thượng Đế đã tặng và mời Ngài bước vào cuộc đời mình. Muốn được bình an với Thượng Đế con người cần có Chúa trong lòng, và muốn có Chúa trong lòng thì cần mời Ngài nhập vào cuộc đời.

Thử hỏi trước tình thương yêu của Chúa Giê-su, món quà Cứu Rỗi của Ngài, con người có trách nhiệm gì. Truyện kể có một gia đình ở trong đêm tử thần đến xứ Ai Cập ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên. Buổi chiều họ tụ họp nhau ăn uống theo lệnh của Thượng Đế. Trên bàn có bát huyết chiên con và bó bài hương thảo dùng để quệt trên khung cửa. Họ cầu nguyện và đi ngủ, tin rằng đây là đêm chót họ nô lệ ở Ai Cập. Đêm đang yên tĩnh, bỗng bị cô bé út làm náo động. Bé lo sợ khẽ hỏi anh cả:

-Liệu thần chết có thấy dấu huyết chiên con trên khung cửa không?
-Em cứ đánh thức cha mà hỏi để được bảo đảm.

Trước nửa đêm, bé gái lần nữa đánh thức cha mình. Ông bực dọc vì con nghi ngờ và quả quyết:

-Không sao đâu con , Thượng Đế đã hứa.
-Cha có chắc huyết thật rõ chăng?

Người cha hoảng hồn, ngồi bật dậy, dắt bé gái ra cửa. Ông mở cửa định nói "con xem kìa", bỗng kinh hoàng vì điều mắt mình thấy. Trên khung cửa không có huyết chiên con bôi. Ông vội vã bỏ tay con gái chạy vào bàn lấy bó bài hương thảo quẹt huyết chiên con vào khung cửa. Với bao sự trang bị để sửa soạn rời bỏ nơi đây ra đi, việc quan trọng nhất ông đã quên lãng. Ông quệt huyết chiên con vừa kịp lúc, nhờ vậy người con đầu lòng được an toàn. Đây cho thấy Thượng Đế đã đánh thức em bé gái trở dậy để gia đình thực thi lệnh truyền của Chúa, tránh tai họa cho cả gia đình.

Thượng Đế thương yêu con người đã dành cho họ một con đường Cứu Rỗi qua sự chết của Chúa Giê-su trên thập tự giá. Đức Chúa Giê-su gánh thế mọi hình án của nhân loại trên cây gỗ, đổ huyết vô tội của Ngài, và chết thay cho con người, nên con người khi tin nhận Đức Chúa Giê-su, thì nhận được sự tha thứ hoàn toàn, vì :"Huyết của Đức Chúa Giê-su, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta." (1 Giăng 1:7b). Điều mỗi con người cần làm là bôi huyết báu đó trên thành cửa của cuộc đời mình. Đó có nghĩa đặt niềm tin cậy nơi Chúa Giê-su, ăn năn tội lỗi của mình, và huyết báu của Ngài đã rửa sạch tội lỗi cho loài người.

Khi con người đặt niềm tin nơi Ngài tức họ tin Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời ở cùng người, đã giáng trần để cứu vớt loài người, đồng thời là lúc con người kinh nghiệm sự yêu thương quý trọng của Thượng Đế dành cho họ, sự bình an và hy vọng đời này và đời sau. Chúa Giê-su, Đấng sống lại sau ba ngày ở mộ phần, được Thượng Đế trao cho mọi thẩm quyền trên trời dưới đất, và hứa cho kẻ tin nhận Ngài sự sống đời đời.

Nhiều người ngày nay có một nỗi sợ hãi trong lòng khiến họ trốn tránh mối tương giao với Thượng Đế, cho dù Thượng Đế sẵn sàng đến với họ để giúp họ tìm giải pháp. Thay vì trực tiếp kêu cầu Thượng Đế, tin tưởng nơi Thượng Đế, con người thường đi tìm giải pháp khác, lý do biện hộ khác hay một ai đó dường như có khả năng tiếp kiến Thượng Đế thay cho họ.

Từ những nỗi sợ hãi mang trong người, khiến con người đâm sợ mỗi khi phải đối diện với Thượng Đế, Đấng biết rõ mọi tâm tư, suy tưởng của con người. Tội lỗi đầu tiên làm nỗi sợ hãi xâm chiếm đời sống con người và tiếp tục kéo dài theo dòng lịch sử. Hễ sợ hãi nhiều bao nhiêu, con người thêm xa lánh Thượng Đế bấy nhiêu. Và hễ xa lánh Thượng Đế thì con người lại miệt mài đi tìm một thứ gì để lấp khoảng trống tâm linh. Đi tìm nhiều, hụt hẫng nhiều. Hụt hẫng chán chê con người tăng thêm sợ hãi. Con người đã và đang sống một cái vòng lẩn quẩn của sự"thiếu vinh hiển của Đức Chúa Trời". Nhiều người không có lối thoát giữa cuộc sống bon chen này. Sự giáng sinh của một Đấng từ Trời là giải pháp duy nhất nhấc con người ra khỏi cảnh bế tắt đó. Khi Ngài vào đời, sứ điệp đầu tiên của thiên sứ báo tin cho những người chăn chiên, những đại diện loài người đầu tiên nhận Tin Mừng từ Thượng Đế, là "đừng sợ chi" (Lu-ca 2:10), mở đầu một Tin Lành giải phóng con người thoát khỏi bất an, mở ra một trang sử mới để trực tiếp đến với Thượng Đế. Sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-su phá tan xiềng xích sợ hãi cho những ai bằng lòng bước vào mối tương giao với Thượng Đế. Nhưng trước khi nhận Tin Mừng đó, con người phải thuần phục đối diện với Thượng Đế. Xưa một cố vấn tôn giáo đã bầy tỏ kinh nghiệm này khi thốt lên: "Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua (trời)" (Ê-sai 6:5) Chỉ khi nào đối diện toàn diện với Thượng Đế, con người mới thấy được một cách toàn diện những bất toàn của mình mà bằng lòng tiếp nhận giải pháp của Thượng Đế cho con người.

Mùa Giáng Sinh là thời gian nhiều trẻ con liệt kê những món quà chúng ao ước: đồ chơi, quần áo, bánh kẹo...Nếu con người liệt kê những mong muốn của mình chắc chắn có một số người sẽ ao ước có thêm áo quần mới, xe hơi mới hay thêm tiền bạc. Nhưng không khỏi có người ao ước được thương yêu, bình an, vui thỏa và có hy vọng. Điều kỳ diệu của Giáng Sinh là Giáng Sinh hứa hẹn thỏa đáp cả bốn điều này cho họ.

Chúa Giáng Sinh có liên hệ gì với ước nguyện của con người. Để thấy được sự liên hệ giữa ước nguyện của con người và Giáng Sinh, con người cần hướng về nhân vật chính của đêm Giáng Sinh đầu tiên, một hài nhi sinh ra trong chuồng chiên, máng cỏ. Hài nhi này có ba danh xưng nói lên bản chất của người mang tên, nói một cách khác có thể nhận thức ý nghĩa và sự liên hệ giữa Giáng Sinh và con người: 1.Em-ma-nu-ên nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng người (Ma-thi-ơ 1:23) - 2.Giê-su nghĩa là Đức Chúa Trời giải cứu loài người thoát khỏi tội lỗi (Ma-thi-ơ 1:21) - 3.Chiên Con của Đức Chúa Trời nghĩa là Đấng xóa tội lỗi cho loài người (Giăng 1:29)

Đây là ý nghĩa của Giáng Sinh: Đức Chúa Trời yêu thương rất mực con người và giáng thế để đến gần loài người.
http://www.vannghesi.net/Articles/Sacto/Qua%20Tang%20Giang%20Sinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!