Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Ngày Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu hằng năm là ngày của những bậc từ phụ, là ngày người ta dành ra để con cái nhớ đến công ơn của những người cha. Đối với người Việt chúng ta thì thực tế về “công cha như núi Thái Sơn” không phải là điều mới lạ, và mỗi chúng ta đều biết làm thế nào cho tròn chữ hiếu, làm thế nào để trọn đạo làm con. Tuy nhiên, chữ hiếu hay đạo làm con lắm khi bị giới hạn trong ý nghĩa thờ cúng người đã khuất hơn là làm những gì trong hiện tại. Một số người cũng nghĩ rằng người tin Chúa là người bỏ ông bỏ bà hay không còn hiếu kính cha mẹ nữa, thật sự không phải như vậy. Trong Mười Giới Răn Thiên Chúa ban cho con người, bốn điều đầu tiên liên quan đến bổn phận của con người đối với Thiên Chúa và sáu điều còn lại là bổn phận giữa người với người. Giới Răn đầu tiên trong bổn phận giữa người với người là Giới Răn: “Hãy hiếu kính cha mẹ!” Chữ hiếu vì vậy đứng hàng đầu trong mối quan hệ giữa người với người, theo lời dạy của Thiên Chúa.
Nhưng hiếu hay hiếu kính nghĩa là gì? Theo nguyên ngữ, hiếu hay hiếu kính nói đến một sức nặng, hàm ý nhắc chúng ta đặt nặng vấn đề, hay đặt lên hàng đầu, hay tôn trọng, như chữ trọng trong tiếng Hán Việt cũng có nghĩa là nặng. Hiếu kính vì vậy có nghĩa là tôn trọng, hay người làm con sống đúng với vai trò và trách nhiệm của mình. Chi tiết về điều này chúng tôi đã giải nghĩa rõ ràng trong quyển “Chữ Hiếu Trong Cơ-đốc Giáo,” nếu quý vị muốn có để đọc thêm, xin liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sẽ được loan báo ở cuối chương trình. Trở lại với chữ hiếu trong mối quan hệ hằng ngày, chúng tôi muốn nói đến điều sau đây:
Bạn và tôi hãy cùng nhau suy nghĩ điều nầy. Trong đời sống hằng ngày vấn đề then chốt của chúng ta là gì? Tôi thấy rằng vấn đề then chốt của con người là những mối quan hệ. Quan hệ giữa người với người, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau, giữa bạn bè, giữa những người cùng làm việc, giữa chủ nhân và công nhân, giữa thầy với trò, giữa bác sĩ với bệnh nhân, giữa người buôn bán với khách hàng, giữa người lái xe với khách bộ hành đi trên đường và ngay cả giữa chính chúng ta với bản thân chúng ta nữa. Nếu ta có cái nhìn đúng về chính mình, có mối quan hệ tốt với chính mình, không mặc cảm, đời sống sẽ dễ dàng và thoải mái. Tương tự như vậy với những mối quan hệ khác, từ cá nhân đến đoàn thể, từ cộng đồng đến xã hội, từ nước này đến nước khác. Nếu mỗi người sống với nhau trong tinh thần hòa hợp, trong mối quan hệ tốt đẹp, chúng ta sẽ có thiên đàng ngay trên trần gian này. Nhưng trên thực tế chúng ta không có điều đó. Lý do là vì những mối quan hệ bị đổ vỡ: Vợ chồng không còn thương yêu nhau, anh chị em tị hiềm nhau, bạn bè nghi kỵ nhau. Những mối quan hệ căn bản không còn bền chặt và do đó nẩy sinh ra những khó khăn khác, những vấn đề phức tạp khác.
Trên tất cả những mối quan hệ đó là mối quan hệ quan trọng nhất: quan hệ giữa con người với Đấng Tạo Hóa. Khi mối tình Trời-người không tốt đẹp thì mọi mối quan hệ khác sẽ theo đó bị gãy đổ. Điều này xảy ra là vì Thiên Chúa chính là sự sống của con người, nói đúng hơn, Thiên Chúa là Cha của chúng ta, và chỉ khi nào chúng ta nối lại mối tình cha-con đã bị gãy đổ đó, chúng ta mới có thể giải quyết được mọi mối quan hệ khác. Thiên Chúa là Cha của chúng ta vì Ngài tạo dựng nên chúng ta, tình cảm cha-con giữa chúng ta với Chúa bị gãy đổ là vì chúng ta không sống theo lời dạy hay ý muốn của Cha chúng ta. Trong bài cầu nguyện mẫu Chúa dạy, sau khi bảo chúng ta cầu nguyện cho Danh Cha được thánh và Nước Cha được đến, Chúa bảo chúng ta cầu nguyện: “Ý Cha được nên, ở đất như trời.” Lời cầu nguyện nầy thật thích hợp trong Ngày của Những Người Cha, vì nó nhắc cho chúng ta nhớ về bổn phận cao quý nhất của con người, đó là bổn phận đối với Đấng Tạo Hóa, Đấng đã sinh thành chúng ta, ban cho chúng ta hơi thở, ban cho chúng ta sự sống. Cầu nguyện xin cho ý Chúa được nên nghĩa là chúng ta muốn thưa với Chúa rằng chúng ta sẵn sàng làm những điều Chúa muốn chúng ta làm.
Trong mối quan hệ cha con hay nói đến chữ hiếu trong đời sống hằng ngày thì vâng lời hay vâng phục là điều đứng hàng đầu. Hiếu thảo là nói đến vâng lời. Một người con có hiếu là người con biết vâng lời, và người con không thể vâng lời nếu không biết cha mình muốn gì. Để có thể vâng lời cha, người con phải biết ý cha. Ý muốn của người cha được thể hiện trong lời nói, trong những lời sai bảo. Có những điều người con không hiểu nhưng vì biết cha lớn hơn mình, khôn hơn mình, yêu thương mình, muốn những điều ích lợi cho mình, nên người con sẵn sàng vâng lời. Mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng vậy. Ngài là Cha của chúng ta, chúng ta là con của Ngài, chúng ta có bổn phận phải vâng lời Ngài, làm theo ý Ngài, chún g ta cần luôn luôn tâm nguyện: “Ý Cha được nên, ở đất như trời.” Cầu nguyện “ý Cha được nên ở đất như trời” là cầu nguyện rằng con muốn sống trên trần gian này, làm theo những điều Chúa muốn con làm, để đời sống con luôn luôn phù hợp với chương trình và ý định của Chúa trên trời. Bạn có muốn biết chương trình và ý định của Chúa như thế nào để làm theo không? Hãy tìm đọc Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh.
Lời Chúa cho chúng ta biết trong bổn phận làm người, bổn phận đầu tiên và quan trọng hơn hết là chúng ta phải kính thờ Thiên Chúa. Chúng ta kính thờ một mình Chúa vì Ngài là Đấng đã tạo dựng chúng ta và cứu rỗi chúng ta. Lời Chúa cho biết rằng chúng ta không thể tự giải thoát chính mình nhưng phải đặt lòng tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, chính là Thiên Chúa đã mang thân xác con người để chịu chết chuộc tội cho chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tin Chúa không chỉ là chấp nhận có Chúa nhưng cũng có nghĩa là chúng ta ký thác cuộc đời chúng ta trong tay Chúa, để cho Ngài hướng dẫn, như đứa con nhỏ tin tưởng trong vòng tay của người cha. Khi mối quan hệ Cha-con giữa chúng ta với Thiên Chúa được tốt đẹp, mọi quan hệ khác sẽ theo đó được tốt đẹp, và đó chính là làm cho “Ý Cha được nên, ở đất như trời!”
Như đã nói ở trên, vấn đề then chốt của con người là vấn đề những mối quan hệ. Quan hệ giữa Bạn với người chung quanh như thế nào? Tốt đẹp hay có nhiều rạn nứt, đổ vỡ? Quan hệ giữa Bạn với chính mình thì sao? Bạn mang nhiều mặc cảm và dễ buồn, dễ giận, hay Bạn có cái nhìn đúng về chính mình, biết rằng Thiên Chúa tạo dựng mỗi người toàn hảo, tốt đẹp? Tôi không biết tại sao nhưng mỗi khi nói đến mối quan hệ giữa Thiên Chúa với con người, Thánh Kinh thường dùng mối quan hệ cha con để mô tả. Tôi không nghĩ đây là điều ngẫu nhiên, nhưng để cho chúng ta thấy một khuôn mẫu lý tưởng về tình phụ tử. Có những người không có mối quan hệ tốt với cha mình nên giờ đây nghĩ đến cha vẫn còn buồn, còn giận và vì vậy khó hiểu được ý niệm Đức Chúa Trời là Cha. Nhưng chúng ta phải hiểu Đức Chúa Trời là Cha chúng ta trong ý nghĩa lý tưởng: Chúa là Người Cha lý tưởng, yêu thương, nhân từ, nhưng cũng kỷ luật, sửa dạy chúng ta cách chừng mực.
Thiên Chúa là Cha của chúng ta, nhưng chúng ta có ở trong mối quan hệ tốt đẹp với Người Cha đó chưa? Lời Chúa dạy: “Người nào nhận Chúa, nghĩa là đặt lòng tin nơi Chúa, Ngài sẽ ban cho quyền làm con Thiên Chúa. Làm con Thiên Chúa không phải là người sinh bởi khí huyết, hay tình dục, hay ý người nhưng sinh bởi Đức Chúa Trời.” Đặt lòng tin nơi Chúa chúng ta sẽ được sinh ra trong gia đình của Chúa, cuộc đời được tái sinh, được đổi mới. Chúng ta sẽ hưởng mọi quyền lợi của một người con, đồng thời chúng ta cũng biết trách nhiệm của một người con. Chúng ta sẽ luôn luôn tâm nguyện: “Ý Cha được nên ở đất như trời” và làm theo lời tâm nguyện đó nghĩa là làm một người con hiếu thảo với người cha trên trần thế nầy và cũng trọn một lòng kính yêu Chúa, sống đúng theo khuôn mẫu yêu thương của tình phụ tử mà Thiên Chúa đã thể hiện trong đời sống chúng ta.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
http://tinlanh.org/index.php?option=com_content&task=view&id=101&Itemid=99999999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!