Henryk Sienkievich (Henryk Sienkieweiz) là một trong những văn hào lớn nhất của nhân dân Balan. Sáng tác của ông có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Ba Lan, đồng thời được đánh giá rất cao trên văn đàn thế giới. Với tiểu thuyết Quo vadis ông được tặng giải Nôben về văn học năm 1905.
H. Sienkievich sinh ngày 5-5-1816 tại Vola Okseiska miền Podleise trong một gia đình quý tộc đã bị sa sút. Vào những năm 1866-1869 ông theo học các khoa luật học, y học rồi văn học tại Trường Chính (nay là trường đại học tổng hợp Vacxava).
Bước vào nghề làm báo từ năm 1860 bằng những tiểu luận và phê bình sân khấu, Sienkievich bắt đầu được chú ý đến như một cây bút có triển vọng với truyện Phi hoài (1872). Trong những truyện ngắn tiếp theo, ông đã miêu tả một cách sắc nét tâm tư của lối sống phong kiến gia trưởng (Người đầy tớ già -1875, Hania -1876). Thời kỳ 1876 -1882 ông đi rất nhiều nơi ở châu Âu, châu Mỹ, và cho đăng Những bức thư từ các chuyến đi (1876 -1878) cùng hàng loạt truyện ngắn và truyện vừa rất xuất sắc, trong đó nổi bật lên vấn đề thân phận người nông dân.
Năm 1892 đánh dấu một bước ngoặt trong sáng tác của H. Sienkievich; từ lĩnh vực truyện ngắn và truyện vừa, ông bước sang miền đất mới của các tiểu thuyết lịch sử. Ông cho ra đời bộ ba tiểu thuyết lịch sử viết về những cuộc chiến tranh diễn ra ở Ba Lan hồi thế kỷ XVII: Bằng lửa và gươm (1883 -1894), Trận hồng thủy (1884-1886), Ngài Volodyjovxki (1887 -1888). Mang đậm chủ nghĩa yêu nước, tiểu thuyết bộ ba này là một đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp sáng tác của Sienkievich, là một tác phẩm trong kho tàng văn học Ba Lan.
Tiếp theo, Sienkievich hoàn thành hai tiểu thuyết tâm lý xã hội Phi giáo lý (1889 -1890) và Gia đình Polanjexki, trong đó ông phê phán giới quý tộc đang suy đồi.
Đề tài tiểu thuyết lịch sử Quo vadis (1895 -1896) là cuộc khủng bố các tín đồ Thiên chúa giáo thời Nerô bạo chúa ở Cổ La Mã.
Tiểu thuyết lịch sử Hiệp sĩ Thánh chiến (1897 - 1900) miêu tả cuộc chiến tranh giữ nước hồi thế kỷ XV với các trận đại thắng Grunvald lẫy lững, chống lại các hiệp sĩ thuộc dòng tu Thánh chiến, mà thực chất là chống lại đế quốc Phổ, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Ba Lan.
Trong thời kỳ “hồi xuân” gần cuối đời, sau khoảng 10 năm bệnh tật liên miên. H. Sienkievich đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết du ký rất xuất sắc dành cho bạn đọc trẻ tuổi Trên sa mạc, trong rừng thẳm (1910 - 1913) và tiểu thuyết lịch sử Những đội quân lê dương (1913 - 1914) mà cái chết không cho phép ông hoàn thành.
Henryk Sienkievich mất tại Vêvê (Thụy Sĩ) ngày 15 - 11 - 1916 thọ bảy mươi tuổi.
Trong ngót nửa thế kỷ sáng tạo. H. Sienkievich đã để lại cho nhân loại một di sản văn học đồ sộ và vô giá. Ngay từ thủa sinh thời của văn hào đã từng có nhiều người cố gắng thu thập và xuất bản toàn bộ những tác phẩm của ông. Đáng chú ý nhất là công trình của nhà xuất bản Gebethner và Wolf, trong những năm 1880 - 1939 đã xuất bản bốn mươi sáu tập tác phẩm chọn lọc của Sienkievich. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, bè lũ Hítle ra lệnh cấm lưu hành những tác phẩm sục sôi lòng yêu nước của Sienkievich, chúng ra sức tịch thu và đốt các tác phẩm của ông, song nhân dân Ba Lan vẫn nâng niu, gìn giữ, truyền tay nhau đọc, dù rằng không ít người vì thế đã bị kết án tử hình hoặc bị đưa vào trại tập trung.
Chỉ dưới chính thể Cộng hòa nhân dân Ba Lan. Sienkievich mới thật sự trở thành nhà văn của dân tộc, của quảng đại quần chúng, tác phẩm của ông mới được đánh giá đúng tầm cỡ. Ngay trong mùa xuân năm 1945 còn vương khói đạn, ngay trong cảnh đất nước bị tàn phá đến mức hủy diệt, trong những điều kiện cực kỳ khó khăn thiếu thốn sau chiến tranh, tiểu thuyết Hiệp sĩ Thánh chiến của Sienkievich vẫn được tái bản và đó là tác phẩm văn học cổ điển đầu tiên được xuất bản trong lòng nước Ba Lan mới.
Chỉ vài năm sau chiến tranh. Đảng và Chính phủ Ba Lan đã quyết định cho xuất bản toàn bộ tác phẩm của văn hào. Dựa trên các bản thảo và những bản in lần đầu may mắn được cứu thoát khỏi sự đốt phá của bè lũ phát xít, lần đầu tiên toàn bộ tác phẩm H. Sienkievich gồm sáu mươi tập được chỉnh lý và xuất bản trong khoảng thời gian 1949 - 1951 dưới sự chủ trì của giáo sư Julian Ksyzanovxki. Bốn tập cuối cùng của bộ sách này là công trình nghiên cứu khoa học tổng hợp về cuộc đời và sáng tác của nhà văn. Căn cứ theo bộ sách này, hàng loạt tác phẩm riêng lẻ của nhà văn lần lượt được tái bản có hệ thống với nhịp độ nhanh và số lượng bản in rất lớn. Thống kê độc giả tại Ba Lan, qua nhiều năm cho thấy rằng sách của H. Sienkievich được nhiều người đọc nhất và được yêu chuộng nhất.
***
Tác phẩm nổi tiếng Quo vadis(1) được viết trong thời kỳ sung sức nhất của H. Sienkievich. Ý đồ sáng tác xuất hiện vào mùa xuân năm 1893, khi nhà văn tới thăm Roma lần thứ hai. Như nhà văn đã viết trong bức thư gửi nhà khảo cổ học kiêm nhà phê bình học người Pháp Boyer D”Agen vào năm 1912: “Ý định sáng tác Quo vadis nảy sinh trong tôi khi tôi đọc các tập Niên ký của Taxits, một trong những nhà văn tôi yêu thích nhất và trong chuyến lưu trú dài ngày tại Roma. Họa sĩ nổi tiếng Siemiradzki đang sống tại Roma hồi ấy là người hướng dẫn tôi đi thăm quan cái thành đô vĩnh hằng này, và ở một trong những cuộc dạo chơi như thế, anh ấy đã chỉ cho tôi ngôi nhà thờ nhỏ mang tên “Quo vadis”(2). Chính lúc ấy, tôi đã nảy sinh ra ý định viết một tiểu thuyết về thời kỳ lịch sử đó. Trong suốt hai năm 1893 -1894, tác giả đã tiến hành những công cuộc chuẩn bị khảo cứu rất công phu để xây dựng nền móng cho tác phẩm, đồng thời đã vài lần thử nghiệm chủ đề này trong một số phác thảo khác nhau. Quo vadis được chính thức bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1895 tại Vacsava và được hoàn thành ngày 18 - 2 - 1986 tại Nixe. Vừa viết Sienkievich vừa cho đăng tải Quo vadis trên tờ “Báo Ba Lan” ở Vacsava và hai tờ báo khác tại Pôzơ nan và Cracốp. Vài tháng sau, tác phẩm được nhà xuất bản Gebethner và Wolf in thành sách (3 tập).
Thời trị vì của Nerô bạo chúa và việc khủng bố các tín đồ Thiên chúa giáo hồi ấy đã từng là đề tài của nhiều tác phẩm của các nhà văn trước Sienkievich, song Quo vadis vượt xa các tác phẩm ấy về giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Quo vadis là bức tranh toàn cảnh xã hội La Mã vào năm 61 sau công nguyên, với những mâu thuẫn chính trị xã hội và tôn giáo đã căng thẳng tới tột đỉnh chỉ chực bùng nổ.
Mặc dù lần xuất bản đầu tiên, Quo vadis có mang thêm phụ đề nhỏ “Tiểu thuyết về thời Nerô” nhưng thực ra Sienkievich không có ý định dựng một tiểu thuyết lịch sử theo nghĩa đầy đủ của từ này. Tác giả chỉ giới hạn trong việc vẽ nên một bức tranh chi tiết và vô cùng sinh động của xã hội La Mã tại thành đô Roma. Trong vô vàn các sự kiện lịch sử của thời kỳ đó, tác giả chỉ tập trung chủ yếu vào hai vấn đề: Vụ đốt cháy thành Roma và cuộc khủng bố các tín đồ Thiên chúa giáo, các sự kiện khác chỉ được nêu ngắn gọn hoặc nói lướt qua làm nền. Chính sự thu gọn chủ đề và bình diện các sự kiện lịch sử ấy đã cho phép tác giả làm nổi bật lên sự đối đầu giữa hai thế giới: Một bên là thế giới cung đình bạo chúa đa thần giáo của triều thần La Mã vây quanh Nerô tên bạo chúa đang ở đỉnh cao nhất của quyền lực, xa hoa và tội ác, nhưng đã thối nát cực độ và đang suy vong. Còn một bên là thế giới nô lệ và dân nghèo theo đạo Thiên chúa tập trung chung quanh hai vị sứ đồ Piotr và Paven, cái thế giới hồi ấy không chút quyền lực, nhỏ nhoi và yếu ớt nhưng đầy hấp dẫn bởi tư tưởng mới và không cam chịu khuất phục bạo lực, đang lớn dần lên, chiếm lĩnh vũ đài xã hội - chính trị. Tượng trưng cho điểm đỉnh của sự đối đầu này là cuộc đọ nhãn quang tình cờ giữa Nerô và sứ đồ Piotr khi hoàng đế cùng đám quần thần rời bỏ Roma, cái thành phố đã bị Nerô thầm kết án tử hình “Trong một chớp mắt, hai con người ấy nhìn nhau (… ) đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia - chính cụ già khoác manh áo thô kệch nọ - sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời sau cả thế gian lẫn thành đô này” (Chương XXXVI).
Cuộc đối đầu thầm lặng không trận tuyến đó, theo từng trang sách cứ lớn mãi, mở rộng mãi ra, dâng cao mãi lên, cuốn hút toàn xã hội vào vòng xoáy lịch sử mãnh liệt của nó, cả những người ý thức được lẫn những kẻ không nhận thức được nó, những người tham gia thúc đẩy nó lẫn những kẻ cố tình tránh xa. Cuộc đối đầu đó được tác giả đan quyện một cách tài tình với câu chuyện tình đầy éo le ngang trái giữa chàng quý tộc trẻ tuổi Vinixius, một võ quan cao cấp, một cận thần của Nerô, với nàng Ligia, công chúa của bộ tộc Ligi (tiền thân của dân tộc Ba Lan) bị La Mã giữ làm con tin và là một tín đồ Thiên chúa. Tình yêu ấy tiến triển trong sự phát triển của những mâu thuẫn xã hội. Số phận đôi trẻ gắn liên với những biến động ghê gớm của xã hội. Chính sự đan quyện và nghệ thuật dẫn truyện đó khiến cho tác phẩm mang nhiều màu sắc vô cùng hấp dẫn.
Dưới ngòi bút tinh tế và khoáng đạt của H. Sienkievich từng nhân vật hiện lên sắc nét với cả chiều sâu tâm lý, tính cách, với tất cả những mâu thuẫn nội tâm phức tạp, những mối quan hệ xã hội chằng chịt, những đột biến đến độ nghịch lý mà hoàn toàn hợp lý, nẩy sinh trong quá trình vận động phát triển.
Nêrô bạo chúa - nghệ sĩ toàn năng, ba mươi tuổi, xuất hiện trên những trang sách của Quo vadis trong cái năm 64 đầy biến động, dẫu đã mang nặng trong thâm tâm những bóng ma đẫm máu của mẹ, của vợ, của bao nhiêu người khác bị y giết hại, dẫu sống trong lo sợ triền miên và quyền lực, nhưng vẫn là một nghệ sĩ đang trăn trở với những day dứt của quá trình lao động nghệ thuật. Với ảo vọng viết thiên trường ca về sự triệt phá thành Tơroa, bản trường ca sẽ làm lu mờ hình ảnh vinh quang của Iliat và Ôđyxê của Homer, hắn nhất thiết phải được nhìn thấy ánh lửa của một thành phố lớn đang bốc cháy. Và thế là để làm hài lòng bạo chúa, lũ triều thần xu nịnh do Tygelinux cầm đầu đã đang tâm châm lửa thiêu cháy thành Roma. Vốn hèn nhát, Nerô không dám chịu trách nhiệm bởi kinh sợ cuộc nổi dậy của quần chúng đang sục sôi căm giận, hắn bèn tìm cách trút tội cho các tín đồ Thiên chúa giáo. Hắn tháo cũi sổ lồng cho sự tàn bạo của đám quần chúng đang đòi nợ máu được thả sức hoành hành trong cuộc khủng bố, với tiếng thét “ném bọn Thiên chúa giáo cho sư tử”, với cảnh tàn sát hàng loạt người bằng nanh vuốt của dã thú, bằng cách đóng đinh lên thánh giá, bằng cách thiêu sống… Tàn bạo bao nhiều thì đớn hèn bấy nhiều - đó là cốt cách muôn thủa của lũ bạo chúa. Nerô tàn bạo trước cái chết của hàng nghìn người khác, nhưng đến lượt hắn, hắn run rẩy không sao đâm nổi dao vào cổ tự sát, để rốt cuộc phải nhận một cái chết nhục nhã mà lịch sử vẫn dành cho lũ bạo chúa, xưa cũng như nay.
Sienkievich đã thành công tuyệt diệu khi sử dụng nhân vật Petronius - cố vấn của Nêrô về các vấn đề nghệ thuật - làm người phát ngôn cho tư tưởng của tác giả và người cung cấp cho người đọc những nhận xét xác đáng về tên bạo chúa - nghệ sĩ có bản chất phức tạp này. Qua con mắt của con người nghệ thuật đặc biệt trang nhã và quảng trí này, toàn bộ cốt cách vừa bi vừa hài, vừa hèn, vừa bạo của tên nghệ sĩ giả - bạo chúa thật Nêrô hiện lên sắc sảo vô cùng. Một chút tài năng cỏn con nhưng luôn tự huyễn hoặc chính mình, cộng với một quyền lực vô biên về phương diện xã hội đã biến hẳn thành một kẻ điên rồ, sẵn sàng phạm những tội ác ghê gớm nhất. Còn gì có thể lột tả chân xác hơn tính cách của Nêrô bằng lời tâm sự của chính hắn thốt với Petronius trong cái “đêm cởi mở” trước ngày đốt cháy thành Rôma: “Trong mọi lĩnh vực ta đều là nghệ sĩ (… ) nên ta không thể nào sống nổi một cuộc đời bình thường. Âm nhạc mách bảo ta rằng có tồn tại những sự phi thường, ta sẽ dùng toàn bộ sức mạnh quyền uy mà các thần linh đã đặt vào tay ta để tìm bằng ra sự phi thường ấy. Nhiều khi ta nghĩ rằng muốn đạt được thế giới Olympơ, cần phải làm một điều gì chưa từng có kẻ nào làm, cần phải vượt qua đầu mọi người trong cả việc tốt lẫn việc xấu (… ). Ta đâu có điên, ta chỉ đang tìm kiếm! (….). Ta muốn được vĩ đại hơn con người, vì chỉ bằng cách đó ta mới có thể trở thành nghệ sĩ vĩ đại nhất”. Và sau đó hắn thốt lên: “Nặng nề lắm thay khi con người phải mang đồng thời gánh nặng của quyền lực tối cao lẫn gánh nặng của tài năng vĩ đại nhất” (chương XLIV).
Có thể nói nhân vật Petronius là hiện thân của những tinh hoa của nền văn hóa La Mã trong giai đoạn suy vi của nó. Ông đại diện cho những giá trị văn hóa sẽ trường tồn để được hồi sinh trong những thế hệ về sau. Tình phi thường của Petronius xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp vượt trên những người đồng thời với ông sự hiểu biết sâu sắc không những chỉ đối với mọi người, mọi vật mà trước hết đối với bản thân mình, mặc dù thực ra ông đại diện cho một thứ triết học duy vật - bất khả tri trong việc nhận thức thế giới. Sống trong lớp vỏ hình bình thản, thanh lịch theo kiểu Pirron nhưng Petronius vẫn là con người hành động và nhất là dũng cảm trong dịp bảo vệ cái đẹp. Cái chết hào hoa của ông giữa bữa tiệc rượu trong tiếng nhạc và tiếng thơ Anakreontơ là một hình ảnh tượng trưng tuyệt mỹ. “Nhìn hai tấm thân trắng ngủ tựa như những pho tượng tuyệt vời ấy, các thực khách hiểu rõ rằng: Cùng với hai con người ấy đã chết đi cả những gì còn sót lại cho thế giới của họ, đó là thi ca và cái đẹp” (chương LXXIV).
Hai nhân vật có tính cách phát triển mạnh mẽ nhất trong tác phẩm là lão Khilon và chàng quý tộc Vinixius. Vốn là một tên múa mép, chuyên lừa đảo kiếm tiến bằng nghề thám tử tư. Khilon đứng ra làm nhân chứng giả cho Nêrô trút tội đốt cháy thành Rôma cho các tín đồ Thiên chúa giáo và vì thế hắn đã nhảy lên địa vị của một viên cận thần đầy thế lực. Nhưng đến khi tận mắt chứng kiến sự tuẫn tiết của các tín đồ - những nạn nhân của hắn, cũng chính là những người đã từng cưu mang hắn. Khilon đã không cưỡng nổi những sự tỉnh thức nội tâm và công khai đứng ra lên án Nêrô là kẻ chủ mưu đốt cháy thành phố. Trở thành tín đồ Thiên chúa giáo chân chính. Đến khi chịu cực hình, lão Khilon vẫn khăng khăng không chịu rút lời buộc tội, đến nỗi kẻ thù phải rút lưỡi lão và giết lão trên đấu trường. Sự chuyển biến của nhân vật có vẻ nghịch lý nhưng hoàn toàn lôgich và chân thực, nhân vật Khilon đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên.
Còn sự biến chuyển của Vinixius thì phức tạp và gian khổ hơn nhiều, trải qua biết bao giai đoạn nhận thức, dù động lực chính của nó là tình yêu vô bờ bến đối với nàng Ligia. Từ một chàng quý tộc con nhà giàu có, ham lạc thú, vô lương tâm, nghiệt ngã với nô lệ. Vinixius đã lột xác bao lần để nhận thức được giáo thuyết của đạo Thiên chúa, một giáo thuyết hoàn toàn xa lạ với môi trường sống và địa vị xã hội cùng bản chất của chàng. Sienkievich đã thành công trong việc diễn tả cuộc lột xác tinh thần đó.
Ngay cả những nhân vật phụ cũng hiện lên rõ nét với bề dày tâm lý - xã hội đầy đủ dưới ngòi bút của tác giả. Những trang miêu tả cảnh sinh hoạt, những đám rước, những tiệc rượu, cảnh tàn sát giáo dân… Vô cùng sống động, chân thực, giàu màu sắc mà không chút khoa trương, mang đến cho người đọc không khí xã hội La Mã hồi đầu Công nguyên.
***
Với những giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật lớn lao, ngay từ khi ra đời, Quo vadis đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Tác phẩm đã gây nên những chấn động mạnh trong giới văn học nghệ thuật thế giới. Quo vadis nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng. Từ lúc sinh thời, tác giả đã nhận được bản dịch Quo vadis bằng các tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Tiệp Khắc, Hunggari, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Acmênia, Phần Lan, Lítva, Nhật và Ả Rập. Cho đến nay, Quo vadis đã được dịch ra trên bốn mươi thứ tiếng khác nhau. Tác phẩm cũng rất nhiều lần được đưa lên sân khấu và màn ảnh ngay từ những năm xa xưa nhất, đồng thời nó cũng trở thành đề tài của không ít công trình khảo cứu, không những chỉ ở Ba Lan mà trên phạm vi thế giới.
Chuyển đạt lời văn của H. Sienkievich đến bạn đọc là một khó khăn lớn đối với người dịch, đặc biệt là trong trường hợp Quo vadis, bởi lẽ tiểu thuyết đề cập đến một thời đại, một nền văn hóa xa xưa có nhiều khác biệt với bạn đọc Việt Nam ngày nay. Để phần nào hỗ trợ cho bạn đọc trong việc tìm hiểu tác phẩm, chúng tôi có soạn thêm phần chú thích (bố trí ở cuối tập II) đề cập đến một số tên người và địa danh có trong tác phẩm nhưng không phổ biến lắm ở ta. Chúng tôi hy vọng rằng, mặc dù có những khiếm khuyết và hạn chế khó tránh khỏi, bản dịch Quo vadis từ nguyên bản tiếng Ba Lan sẽ là một dịp để bạn đọc tiếp xúc với Henryk Sienkievich, một nhà văn kiệt xuất, người đại diện xứng đáng cho nền văn học cổ điển rất phong phú của dân tộc Ba Lan
Hà Nội, ngày 9 tháng năm 1985
NGUYỄN HỮU DŨNG
Chú thích:
(1) Tên tác phẩm để nguyên theo mẫu tự La Tinh. Đọc là Quơ Vadis và có nghĩa: Đi đâu
(2) Tựa đề của tác phẩm lấy theo tên nhà thờ nhỏ này và bắt nguồn từ một truyền thuyết của đạo Thiên chúa. Tương truyền rằng khi Nêrô ra lệnh truy nã và khủng bố các tín đồ Thiên chúa. Sứ đồ Piotr phải rời khỏi Roma để lánh nạn. Trên đường đi Piotr thấy Đức Chúa Jêxu Crixius hiển hiện, bèn hỏi: "Quo vadis Domine?" (Latinh: Người đi đâu vậy thưa Đức Chúa?... ). Chúa đáp "Khi ngươi rời bỏ dân ta thì ta phải đến Roma để chịu đóng đinh câu rút lần thứ hai". Sứ đồ Piotr tỉnh ngộ, quay trở về Roma, rồi tử vì đạo cùng các con chiên.
http://maxreading.com/sach-hay/quo-vadis/loi-gioi-thieu-14816.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!