Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Tâm linh... mấy hột

Lại Nguyên Ân
Viet-Studies

Những ngày nơi nơi lễ hội này, tôi bỗng nhớ những ngày cách nay trên ba chục năm. Ở quanh vùng phủ Vân Cát, Tiên Hương, chính quyền địa phương hầu như phải huy động hết lực lượng công an, trật tự trị an chỉ để ngăn người tới đây làm lễ! Đối với những năm 1980, việc ấy không lạ. Lễ hội dân gian hầu hết bị xem là mê tín dị đoan, hoặc là sự tập hợp đông người không cần thiết, gây mất trật tự công cộng, nên hầu hết bị ngăn cản, cấm đoán.

Chừng mươi năm sau, những chuyện cấm đoán như thế hầu như đã chấm dứt, và lễ hội đã xoay sang một trạng thái khác: tràn ngập, đủ hình đủ kiểu, diễn ra hầu như quanh năm suốt tháng, nhiều nhất là mùa xuân.

Phần lớn lễ hội đang thấy là các lễ hội theo mùa; mùa xuân của một chu kỳ thời tiết thường thúc đẩy các lễ hội mùa, mừng năm mới, một chu kỳ thời tiết mới, người ta diễn đạt những mong ước về một chu kỳ mùa vụ đang đến sẽ dồi dào hoa trái, con người giàu sinh lực, cuộc sống sung túc, an lành… Ý nghĩa phồn thực, như người ta thường nói, là điều tiềm ẩn trong hàng loạt lễ hội mùa xuân.

Nhưng bên cạnh những lễ hội với ý nghĩa phổ biến như đã biết, lại phát sinh một số lễ hội mà ý nghĩa của nó thật ra chẳng có gì là “tâm linh”, hoặc nói cho đúng, chỉ là sự diễn đạt những lề thói, tham vọng mà ngay ở cuộc đời thế tục, chúng đã bị coi là những động cơ nguy hiểm làm biến thái các phẩm chất con người.

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước tại một vài lễ hội, quy trình “vay vốn” và “trả vốn” đã phát triển thành một thứ nghi thức mà thực chất chỉ là sự lặp lại giản đơn sự “vay tiền” và “trả tiền” ở thế tục, tuy động cơ “một vốn bốn lời” của người thực hiện cái nghi thức gọi là “tâm linh” kia chắc hẳn phải mạnh mẽ, tha thiết hơn, thậm chí bệnh hoạn hơn hẳn sự việc ở cõi thế tục! Hương hoa bày biện ra, hóa ra chỉ là để giành cho người đang sống!

Nhưng cả các nhà quản lý lẫn những chuyên gia theo dõi lễ hội chỉ một lòng đồng ca tán tụng, không chút cảnh báo, không chút ngăn chặn. Và chiều hướng đưa những tham vọng thế tục vào nội dung lễ hội đang gia tăng.

Khoảng mươi năm trở lại đây, người ta thấy một kiểu “xin” và “tạ” diễn ra ở Đền Hùng: một số quan chức từ nơi xa đến dâng lễ với lá đơn cầu xin được thăng chức, rồi sau đó, khi được thăng chức thật rồi, lại trở về đây dâng lễ tạ, đồng thời đóng “công đức” hàng trăm triệu, tất nhiên cũng được “lại quả” mấy chục phần trăm. Tấp nập các đoàn “công-voa” hóa ra là vì thế!

Hội khai ấn, hội phát lương mở ra mấy năm gần đây cũng không ra ngoài việc đầu cơ tâm lý “ăn mày cửa quyền”, đầu cơ tâm lý tiến thân của giới quan chức, chứ không phải nhắm vào tâm lý đi lễ đầu năm của người dân thường. Tất nhiên để gây thành lễ hội, để tạo sức hấp dẫn, để tăng thu cho nơi tổ chức lễ hội, các nguồn tuyên truyền phải cố tô vẽ rằng nó đầy tính truyền thống, đầy nội hàm tâm linh, v.v… Tuy vậy, khó có thể tìm được ở đây một nguyện ước “tâm linh” gì ngoài cái mớ đục ngầu những tham vọng được thăng cấp thăng chức, được bổng hậu lương cao, được làm chức quan to hơn chức quan hiện tại, mà suy cho cùng tức là… kiếm chác được nhiều hơn, “bằng năm bằng mười năm ngoái”! Tham vọng hoàn toàn thế tục như vậy, cần gì phải đến nơi lễ hội mới có thể thể nghiệm?

Chỉ tội nghiệp cho những đám đông chắc hẳn không có triển vọng gì về quan lộc, nhưng chỉ vì a dua, vì nghe nhiều tuyên truyền quảng cáo, dấn mình xé rào xông vào lễ hội, bị sảy chân, bị roi đánh ngã ngất, sày vảy mà không xin được ấn được lương, đầu năm đã rông như vậy, cả năm sẽ ra sao?

Hãy nghĩ lại: chẳng có một hột tâm linh nào đâu, nơi những lễ hội cửa quyền ấy!

01/03/2010
Nguồn: Viet-Studies

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!