Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

Kinh Thánh Không Thể Bị Tiêu Hủy

"Trời đất sẽ qua nhưng lời Ta nói chẳng bao giờ qua đi." Ma-thi-ơ 24:35

Thời gian đang cạn dần, chỉ còn lại vài giây cuối trong ngày trước khi đồng hồ báo hiệu nửa đêm. Nhân loại sắp lao vào cõi chết. Phải chăng có một quyền lực nào hay một tạo hóa vô danh nào đã đặt chúng ta ở đây mà không cho biết chúng ta từ đâu đến, tại sao ở đây và rồi sẽ đi đâu? Chúng ta sẽ phải đi lối nào?


Có còn thẩm quyền nào cho chúng ta nhờ cậy? Có con đường nào cho chúng ta noi theo? Có chút ánh sáng nào xuyên thấu bóng tối dầy đặc bao quanh? Liệu chúng ta có tìm được quyển sách giải mã giúp tìm ra lối thoát cho tình trạng bế tắc hiện nay không? Liệu có một nguồn thẩm quyền nào cho chúng ta trông đợi? Câu trả lời là có. Vâng, chúng ta có một cuốn sách giải mã, chúng ta có chìa khóa, chúng ta có một nguồn tài liệu đầy thẩm quyền, và đó là Kinh Thánh. Ðây là quyển sách đã truyền lại cho chúng ta qua nhiều thời đại, đã được chuyển qua nhiều bàn tay, xuất hiện trong nhiều hình thức và đã từng tồn tại qua đủ mọi loại tấn công. Từ những lối phá hoại man rợ đến những hình thức tấn công bằng kiến thức của thế giới văn minh đều không hề làm Kinh Thánh suy suyển. Không một ngọn lửa thiêu hủy nào, không một tiếng cười khinh mạn nào của chủ nghĩa hoài nghi có thể tiêu diệt Kinh Thánh. Qua bao nhiêu thời ám thế những lời hứa vinh diệu trong Kinh Thánh vẫn tồn tại không hề thay đổi. Ðiều đáng nói là tại Hoa Kỳ trong khi việc đọc Kinh Thánh nơi trường học bị cấm chỉ thì Kinh Thánh lại buộc phải được đọc trong các trường Công Giáo ở nước cộng sản Ba-lan. Trong thế chiến thứ hai, trụ sở Thánh Kinh Hội tại Ba-lan nằm trên đường Giê-ru-sa-lem, là một trong những con đường chính của thủ đô Warsaw. Khi quân Ðức khởi sự ném bom thành phố, vợ viên giám đốc Thánh Kinh Hội đã vào kho di chuyển được khoảng 2000 cuốn Kinh Thánh đem cất giấu dưới hầm. Bom đạn làm sập nhà và sau đó bà bị quân Ðức bắt đưa vào trại tù. Bà đã tìm cách vượt thoát và sau khi chiến tranh chấm dứt, đã đem phân phối được 2000 cuốn Kinh Thánh đó cho những người cần.

Thủ đô Warsaw bị san bằng, nhưng trên Phố Giê-ru-sa-lem, tại tòa nhà trụ sở Thánh Kinh Hội, có một bức tường vẫn còn đứng vững với hàng chữ này: "Trời đất sẽ qua, nhưng lời Ta nói không bao giờ qua đi."

Trong khi nhân loại đang tiến gần đến thời điểm quyết định khác trong lịch sử thế giới, chúng ta hãy tái xem xét quyển sách bất khả hủy diệt về sự khôn ngoan và các lời tiên tri để tìm hiểu tại sao quyển sách này đã tồn tại và trở thành một nguồn mạch phong phú cho đức tin và sức mạnh thuộc linh.

Kinh Thánh Không Chỉ Là

Một Kiệt Tác Văn Chương

Có người coi Kinh Thánh chỉ là tác phẩm lịch sử Do-thái trong khi những người khác nhận rằng Kinh Thánh đưa ra những nguyên tắc đạo đức sâu sắc nhất từ trước đến nay. Tuy tất cả những điều này, dù quan trọng, cũng chỉ là những khía cạnh bổ sung đối với chủ đề chính của Kinh Thánh là chương trình cứu chuộc của Ðức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bài xã luận trong nhật báo International Herald Tribune số ra ngày 30 tháng 6, 1983 nhận định rằng Kinh Thánh là một tác phẩm văn chương nên đọc vì "tiếng Anh trong Kinh Thánh trau chuốt nhất." Tuy nhiên, những ai đọc Kinh Thánh chỉ để thưởng ngoạn văn chương, thi ca hay lịch sử là đã đánh mất ý nghĩa và sứ điệp đích thực của Kinh Thánh.

Ðức Chúa Trời cho viết Kinh Thánh với mục tiêu cấp bách là bày tỏ cho con người chương trình cứu chuộc. Ðức Chúa Trời khiến viết Kinh Thánh để mạc khải luật vĩnh hằng cho con dân Ngài nhờ đó được hướng dẫn bằng sự khôn ngoan sâu sắc, được an ủi bằng tình yêu vĩ đại của Ngài suốt hành trình trên đất. Vì không có Kinh Thánh thế giới này sẽ là một chốn tối tăm kinh khiếp, không ánh sáng, không bảng chỉ đường.

Kinh Thánh có thừa điều kiện là quyển sách duy nhất chứa đựng mạc khải của Ðức Chúa Trời. Nhiều tôn giáo khác cũng có kinh sách như kinh Koran của Hồi giáo, các kinh Tạng Phật giáo, kinh Vệ-đà của Ấn giáo và tất cả những kinh sách này đều có những bản dịch đáng tin cậy. Ai muốn cũng đều có thể đọc, so sánh với Kinh Thánh và tự thẩm định. Bằng cách đó, không bao lâu người nghiên cứu sẽ thấy ngay tất cả những kinh sách ngoài Cơ-đốc giáo đều chỉ có một phần chân lý, nhưng đến cuối cùng tất cả đều phát triển về một hướng hoàn toàn sai lầm. Những kinh sách đó khởi sự với vài tia sáng thật nhưng kết thúc trong tăm tối mịt mù. Ngay cả một quan sát viên hờ hững nhất cũng phải thấy Kinh Thánh khác biệt hẳn với tất cả những kinh sách kia. Kinh Thánh là cuốn sách duy nhất cung ứng cho con người sự cứu chuộc và chỉ cho con người lối thoát tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Kinh Thánh là cuốn sách hướng dẫn chắc chắn nhất trong một thế giới đầy bấp bênh.

Việc trứ tác Kinh Thánh đã phải mất 1600 năm mới hoàn tất. Ðây là công việc của hơn ba mươi trước giả, mỗi người viết như các viên thư ký của Ðức Chúa Trời. Trong số những trước giả này, nhiều người sống cách xa nhau nhiều thế hệ và cũng không ghi xuống những suy nghĩ hay hy vọng cá nhân. Họ hành xử như là những phương tiện thể hiện sự mạc khải của Ðức Chúa Trời; họ viết theo như Chúa chỉ dẫn và trong sự thần cảm của Ðức Chúa Trời họ có thể thấy những chân lý lớn lao bền vững, họ ghi lại để những người khác cũng có thể thấy và biết những chân lý đó.

Trong suốt 1600 năm, 66 sách của Kinh Thánh đã được viết ra do những trước giả sử dụng những ngôn ngữ khác nhau, sống trong những thời đại khác nhau, tại những xứ sở khác nhau, nhưng sứ điệp họ viết chỉ là một. Ðức Chúa Trời phán bảo mỗi trước giả trong ngôn ngữ và thời đại riêng của từng người nhưng sứ điệp của Ngài lúc nào cũng giống nhau. Khi các đại học giả gom góp nhiều cổ bản Kinh Thánh viết bằng tiếng Hy-bá, A-ram và Hy-lạp rồi dịch sang cùng một ngôn ngữ hiện đại, họ thấy rằng những lời hứa của Ðức Chúa Trời và đại sứ điệp của Ngài cho con người vẫn y nguyên không có gì thay đổi. Ngày nay khi đọc những lời muôn thuở đó, chúng ta thấy những qui tắc cư xử do các trước giả cổ đại thiết định vẫn mới mẻ và đầy ý nghĩa đối với thế hệ hôm nay cũng như với những con người của thời đại Chúa Giê-xu. John Ruskin nói: "Kinh Thánh là Quyển Sách duy nhất bất cứ con người biết suy nghĩ nào cũng có thể đến với bất cứ câu hỏi thành thật nào về cuộc đời hay về số phận tương lai, và tìm được giải đáp của Ðức Chúa Trời qua sự tìm kiếm chân thành."

Quyển Sách Bán Chạy Nhất

Thế Giới

Như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy Kinh Thánh luôn luôn là quyển sách bán chạy nhất thế giới. Không cuốn sách nào có thể so với sự khôn ngoan sâu sắc, nét đẹp nên thơ trong đó cũng như tính chính xác trong các phần lịch sử và tiên tri của Kinh Thánh. Một số người chỉ trích bảo rằng Kinh Thánh đầy dẫy những lời ngụy tạo, chuyện giả tưởng và những lời hứa không tròn. Những người đó thường thấy khó khăn nằm trong chính họ hơn là trong Kinh Thánh. Những công cuộc sưu khảo sâu rộng và thận trọng cho thấy những mâu thuẫn hiển nhiên nhất trong Kinh Thánh đều do các bản dịch không chính xác hơn là do những bất nhất thần cảm. Chính con người cần sửa chữa chứ không phải Kinh Thánh và có người đã bảo rằng "Kinh Thánh cần được đọc lại chứ không cần viết lại."

Thế mà trong nhiều gia đình những người mệnh danh là có học, lấy Kinh Thánh ra diễu cợt là chuyện hợp thời và coi Kinh Thánh là sách đóng bụi hơn là Lời Hằng Sống của Ðức Chúa Trời. Một ông mục sư thử hỏi một em bé xem em biết trong Kinh Thánh có gì. Em hăng hái trả lời là em biết tất cả mọi thứ có trong Kinh Thánh, rồi bắt đầu liệt kê, "có hình bạn trai của chị, có phiếu giảm giá mua kem dưỡng da của mẹ, có cái kẹp tóc của em bé và một cái vé xem hát!" Ðó là tất cả những thứ em biết trong cuốn Kinh Thánh của gia đình. Nhiều nhà đã dùng Kinh Thánh làm nơi cất các bức thư cũ và để ép hoa, hoàn toàn không thấy sự trợ giúp và bảo đảm Ðức Chúa Trời dành cho họ qua Kinh Thánh.

Ngày nay thái độ đó đang thay đổi thật nhanh chóng! Tất cả những cái trang hoàng nhân tạo vô nghĩa trong cuộc sống đang bị lột sạch. Những hứa hẹn giả dối con người nói với nhau đang trơ trẽn lộ ra. Trong khi sợ hãi nhìn quanh tìm điều chân thật, bền vững, một lần nữa chúng ta lại quay về với Quyển Sách cổ này, quyển sách đem lại nguồn an ủi, nâng đỡ, cứu chuộc cho hàng triệu người suốt bao nhiêu thế kỷ qua. Nhà tôi có lần đã nói: "Nếu con cái chúng ta có nền tảng của một gia đình hạnh phúc, kính sợ Chúa với một đức tin không lay chuyển rằng Kinh Thánh thật là Lời Ðức Chúa Trời, chúng sẽ có chỗ dựa vững chắc đến nỗi các quyền lực của địa ngục cũng không thể nào lay chuyển." Tôi tạ ơn Chúa về ảnh hưởng tin kính Chúa của nhà tôi đối với các con.

Vâng, ngày nay người ta đang tái "khám phá" Kinh Thánh! Họ đang đem Kinh Thánh ra quét sạch bụi bặm hay mua Kinh Thánh mới. Họ thấy những câu Kinh Thánh quen thuộc nhưng đã bị quên lãng đang vang lên những ý nghĩa mới khiến họ tưởng như Kinh Thánh vừa được viết hôm qua. Sở dĩ như vậy là vì Kinh Thánh hàm chứa tất cả những kiến thức con người cần cho linh hồn và giải quyết mọi nan đề của họ. Kinh Thánh là tấm bản đồ thiết kế của vị Ðại Kiến Trúc Sư cho nên chỉ do cẩn thận làm theo tất cả những chỉ dẫn trong đó chúng ta mới có thể xây dựng nổi cuộc đời chúng ta tìm kiếm.

Tại Hoa-kỳ có một văn kiện quan trọng khác được quí trọng. Văn kiện này được viết hơn hai trăm năm trước do một số người dốc đổ nhiều công sức soạn thảo, lại dành nhiều thì giờ hơn nữa để bàn thảo kỹ lưỡng từng điều khoản. Cuối cùng bản dự thảo được gửi cho tất cả 13 thành viên của liên bang phê chuẩn. Những người soạn thảo Hiến-pháp biết họ đang viết một văn kiện căn bản cho chính quyền của những người tự do; họ nhận định rằng con người chỉ có thể sống như những hữu thể tự do và độc lập nếu mỗi người biết và hiểu rõ luật pháp. Họ cũng cần phải biết rõ những quyền lợi, các đặc ân và cả những những giới hạn nữa. Họ phải được đối xử bình đẳng trước tòa án và ngay cả các thẩm phán cũng không thể xét xử bất công, vì chính họ cũng bị ràng buộc bởi cùng một luật lệ trong khi điều khiển từng vụ án.

Chân Lý Sẽ Giải Phóng Chúng Ta

Trong khi phần còn lại của thế giới theo dõi cuộc thử nghiệm lớn lao này của nhân loại, con người khám phá ra rằng nếu biết và sống theo luật pháp họ có thể thực sự được giải phóng! Bây giờ một người có thể biết mình đang ở đâu, biết những quyền hiến định và cũng có những trách nhiệm hiến định. Nếu xao lãng trách nhiệm, quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng - như trường hợp các cử tri khinh suất về sau đã khám phá ra rằng mình đã bị chính quyền chất lên nhiều giới hạn họ không thích.

Như nước Mỹ đã tăng trưởng và phát triển trong khuôn khổ của Hiến-pháp, thì Cơ-đốc giáo cũng phát triển và lan rộng dựa vào luật pháp ghi trong Kinh Thánh. Như Hiến-pháp được áp dụng đồng đều cho mọi người sống dưới thẩm quyền của nó, không phân biệt hay ưu đãi bất cứ ai thì cũng vậy, Kinh Thánh là bản Hiến Pháp tối cao dành cho toàn thể nhân loại. Luật pháp của Kinh Thánh áp dụng đồng đều cho mọi người sống trong khuôn khổ Kinh Thánh không có biệt lệ hay cách giải thích đặc biệt nào.

Như Hiến-pháp là luật cao nhất của quốc gia thì Kinh Thánh là bộ luật cao nhất của Ðức Chúa Trời, trong đó Ngài công bố các qui luật thuộc linh. Chính trong Kinh Thánh Ðức Chúa Trời đưa ra những lời hứa bền vững của Ngài và cũng chính trong Kinh Thánh, Ðức Chúa Trời bày tỏ chương trình cứu chuộc cho nhân loại.

Trong những kỳ quan thiên nhiên chúng ta thấy các qui luật của Ðức Chúa Trời vận hành. Ai là người chưa từng nhìn lên các vì sao trong bầu trời đêm để kinh sợ đến lặng người trước vinh quang của công việc Ðức Chúa Trời? Ngay cả các phi hành gia của chúng ta cũng phải ca ngợi Ðức Chúa Trời là Tạo Hoá của cõi không gian vô tận và tất cả những cái phức tạp của một vũ trụ chúng ta mới khởi sự khám phá. Nếu không thể dựa vào những qui luật của Ðức Chúa Trời, chúng ta không thể thực hiện những cuộc viễn du vào không gian. Ai không cảm thấy lòng lâng lâng khi trời đất bước vào mùa xuân, khi vạn vật bừng lên sức sống mới? Trong vẻ đẹp rực rỡ xung quanh, chúng ta thấy cái vĩ đại của quyền năng Chúa và những chi tiết vô tận trong kế hoạch của Ngài; nhưng thiên nhiên đã không cho chúng ta biết gì về tình yêu hay ân sủng của Ðức Chúa Trời. Chúng ta cũng không tìm được lời hứa cứu chuộc của Ngài trong cõi thiên nhiên.

Tận nơi sâu thẳm của linh hồn, lương tri nói cho chúng ta biết về sự hiện diện của Ðức Chúa Trời và về cái khác biệt luân lý giữa tốt và xấu; nhưng đó chỉ là những mẩu sứ điệp vụn vặt, không rõ và không dễ hiểu như những bài học trong Kinh thánh. Chỉ trong những trang Kinh Thánh chúng ta mới tìm được sứ điệp rõ ràng không thể nhầm lẫn làm nền tảng cho Cơ-đốc giáo chân chính.

Luật pháp của đất nước chúng ta bắt nguồn từ Mười Giới Răn, và Sir William Blackstone, một thẩm phán lỗi lạc người Anh đã viết: "Kinh Thánh luôn luôn được coi là một phần Luật Phổ Thông của nước Anh."

Tất cả các giáo lý trong Cơ-đốc giáo đều dựa trên Lời Kinh Thánh và Cơ-đốc giáo cũng khẳng định không hề thêm bớt gì vào Lời Ðức Chúa Trời. Trong khi Hiến pháp Hoa Kỳ theo thời gian có thể phải được tu chính nhưng Kinh Thánh không bao giờ cần sửa đổi. Chúng ta chân thành tin tưởng rằng những người trứ tác Kinh Thánh thực sự được Ðức Thánh Linh hướng dẫn cả trong tư duy lẫn trong cách chọn lời diễn đạt bằng văn tự, như Thánh Phi-e-rơ đã nói, "...chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Ðức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Ðức Chúa Trời" (2 Phi-e-rơ 1:21). Thánh Phao-lô thì khẳng định, "Cả Kinh Thánh đều là bởi Ðức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người của Ðức Chúa Trời được trọn vẹn và trang bị để làm mọi việc lành." (2 Ti-mô-thê 3:16)

Khi ghi lại những sứ điệp trực tiếp từ Chúa, các trước giả Kinh Thánh không hề có ý tránh né những thực tại đời sống. Tội lỗi của cả vĩ nhân cũng như hạng tầm thường đều được nêu lên không dấu diếm. Những yếu đuối của con người thiên nhiên được thừa nhận và cuộc sống trong các thời đại của Kinh Thánh được ghi lại một cách trung thực. Ðiều làm chúng ta kinh ngạc đó là cuộc sống và động cơ của những con người sống trong những thời xa xưa như thế nhưng vẫn có những màu sắc của con người hiện đại! Những trang Kinh thánh giống như những tấm gương đặt trước tâm trí và tấm lòng, phản ánh những thành kiến và kiêu ngạo, những ô nhục và thất bại, những đau buồn và tội lỗi của chính chúng ta.

Chân lý vô thời gian

Chân lý không thay đổi khi thời đại, con người hay địa lý đổi thay. Tư tưởng loài người có thể khác nhau, tập quán thay đổi, những qui luật đạo đức cũng có thể biến thiên, nhưng Chân Lý vĩ đại, siêu việt vẫn đời đời bền vững.

Sứ điệp của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ðấng Cứu Tinh chúng ta là câu chuyện trung tâm của Kinh thánh - câu chuyện về sự cứu rỗi. Những nhà nghiên cứu Kinh thánh sâu sắc đã truy nguyên câu chuyện về Chúa Cứu Thế Giê-xu từ khởi đầu Cựu Ước, vì Ngài là chủ đề chính của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

Sự kiện về Chúa Giê-xu là sứ điệp đời đời của Kinh Thánh. Ðây là câu chuyện về sự sống, bình an, cõi vĩnh hằng và thiên đàng. Trong Kinh Thánh không có một mục đích ẩn dấu nào và để hiểu Kinh Thánh cũng không cần phải có một phương thức giải nghĩa đặc biệt nào. Kinh Thánh có một sứ điệp rõ ràng, đơn sơ nhưng mạnh mẽ cho tất cả mọi người - sứ điệp của Chúa Cứu Thế với lời hứa ban sự bình an với Thượng Ðế.

Một ngày kia Chúa Giê-xu với các môn đồ ngồi trên một triền núi gần thành phố Ca-bê-nam. Tất cả qui tụ lại ngồi đối diện với Chúa. Bên cạnh Chúa có lẽ là Phi-e-rơ, bên kia là Giăng. Chúa yên lặng, trìu mến nhìn đám đông môn đệ nhiệt thành, với ánh mắt yêu thương dừng lại ở từng khuôn mặt như cha mẹ nhìn từng đứa con, yêu thương từng con riêng biệt bằng từng lý do đặc biệt, khiến cho mỗi người cảm nhận rằng chính mình được tách ra khỏi đám đông và được một mình ở trong vòng tay yêu thương của Chúa. Chắc hẳn Chúa Giê-xu đã yêu thương và biểu lộ tình thương với các môn đồ như thế và chắc hẳn trong ánh mắt trìu mến đó nhóm môn đồ nhỏ bé này cũng đã đáp ứng bằng thái độ cung kính âm thầm. Tất cả yên lặng đợi chờ, biết rằng Chúa sắp nói với họ những điều quan trọng, những điều họ phải truyền lại cho thế giới, cho những người không có đặc ân được nghe từ chính môi miệng của Thầy.

Tại trên triền núi đó, có lẽ Chúa Giê-xu đang đứng dưới những tàn lá xanh màu bạc của một cây ô-liu, giảng một bài giảng thâm sâu quan trọng nhất cho con người về cốt lõi của cuộc sống Cơ-đốc. Khi Chúa giảng xong, toàn thể các môn đồ im phăng phắc, kinh ngạc trong cái im lặng thiêng liêng ký thuật trong Ma-thi-ơ, "đoàn dân vô cùng ngạc nhiên về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy dỗ đầy uy quyền chứ không như các thầy thông giáo." (Ma-thi-ơ 7: 28,29)

Chúa thật đã giảng dạy với thẩm quyền của chính Ðức Chúa Trời, và những qui tắc Chúa thiết định chính là luật pháp của Ðức Chúa Trời mà mỗi Cơ-đốc nhân mong muốn được cứu rỗi phải tuân giữ.

Kinh Thánh Và Bạn

Nếu bạn chưa có Kinh Thánh, xin tìm mua ngay một cuốn. Tìm cuốn nào vừa ý nhất, về kích thước cũng như về khổ chữ rồi khởi sự đọc để cố gắng tự tìm hiểu xem tại sao Quyển Sách này chịu đựng nổi với thuốc thử thời gian. Ðừng tiếc khi cần phải mua một cuốn Kinh Thánh đắt tiền, vì thật ra đây là một cuộc đầu tư. Chúng ta đã tốn kém rất nhiều cho áo quần là những thứ không tồn tại mãi nhưng lại do dự khi phải mua một cuốn Kinh Thánh thật tốt để đầu tư cho cõi vĩnh hằng! Hãy tự khám phá xem tại sao Kinh Thánh đáp ứng được cho các nhu cầu của nhân loại, tại sao Kinh Thánh đã ban đức tin và sức mạnh, giúp con người tiếp tục đi tới.

Nếu bạn đã rời xa Kinh Thánh từ lâu thì điều tốt nhất bây giờ là trở lại làm quen với Kinh Thánh bằng cách bắt đầu đọc Phúc Âm Giăng, được coi là một trong những quyển thâm sâu nhất trong bộ Kinh Thánh, nhưng lại là sách sáng sủa nhất, dễ hiểu nhất. Phúc Âm Giăng đã được viết với mục đích trình bày cặn kẽ về sự cứu rỗi loài người đến nỗi mọi thắc mắc trong tâm trí cũng như những khát khao trong lòng đều có thể được thỏa mãn.

Ðọc xong sách Giăng, bạn có thể tiếp tục làm quen với các sách Phúc Âm Mác, Lu-ca và Ma-thi-ơ để thấy những trước giả rất khác nhau về cá tính và văn phong trình bày câu chuyện muôn đời về sự cứu rỗi qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Rồi bạn sẽ nhận ra đó chính là chân lý phổ quát và mạnh mẽ, là trọng tâm của tin lành khiến cho bạn càng cảm thấy thấm thía hơn với điều một trước giả Kinh thánh viết rằng "Chúa Cứu Thế Giê-xu hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi." (Hê-bơ-rơ 13:8)

Sau khi đã đọc riêng từng sách Phúc Âm, bạn hãy khởi sự đọc từ đầu Tân Ước cho đến hết theo thứ tự. Ðọc như vậy xong, bạn đã tạo được một ý thích muốn đọc Kinh Thánh, bạn đã thấy Kinh Thánh là một nguồn suối linh diệu, là một người hướng đạo, một người cố vấn rất thực tiễn, là một kho tàng quí giá đầy những lời khuyên khôn ngoan, khiến cho đối với bạn, việc đọc Kinh Thánh trở thành một phần cuộc sống mỗi ngày.

Ðể có một cuộc sống phong phú và đầy ý nghĩa, kiến thức về Kinh Thánh là điều thiết yếu, vì những lời trong Quyển Sách này có khả năng trám vào những chỗ khiếm khuyết trong cuộc sống, nối kết những khoảng trống, biến những mảng màu hoen ố của cuộc đời chúng ta trở nên bóng lộn như vàng ngọc. Hãy tập đem mọi nan đề của bạn đến với Kinh Thánh rồi trong những trang sách đó, bạn sẽ tìm ra lời giải đáp.

Nhưng trên hết, Kinh Thánh là mạc khải về bản chất của Ðức Chúa Trời. Các triết gia của hàng bao nhiêu thế kỷ đã vật lộn về vấn đề có một Ðấng Tối Cao. Ngài là ai? Ngài như thế nào? Ngài ở đâu? Nếu quả có một Ðấng như vậy thì Ngài có quan tâm đến tôi không? Nếu có, làm sao tôi biết Ngài? Những câu hỏi này và hàng nghìn những câu hỏi khác về Ðức Chúa Trời đã được trình bày trong một quyển sách chúng ta gọi là Kinh Thánh. Một Cơ-đốc nhân có lần nói, "Bạn có biết quyển sách bạn muốn được kê dưới đầu làm gối lúc lâm chung không?" Joseph Cook nói tiếp, "Ðó cũng là Cuốn Sách bạn phải học hỏi lúc sinh tiền. Trên thế giới này chỉ có một cuốn sách như thế mà thôi."

Billy Graham

Peace With God

Hà Huy Việt chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!