Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

Haiti: Bí mật về những xác chết sống lại

Cuộc điều tra của một học giả thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã vén bức màn bí ẩn xung quanh niềm tin cổ xưa của những người dân đảo quốc Haiti về sự tồn tại của một loại độc dược có khả năng biến kẻ thù của mình thành người ngớ ngẩn - những zombi, hay còn gọi là xác chết sống lại.

Cách đây 1 năm, Chính phủ Haiti đã chính thức công nhận voodoo là một tôn giáo của nước này và kêu gọi các thầy pháp ra đăng ký với Bộ Các vấn đề tôn giáo. Theo sắc lệnh do Tổng thống Jean-Bertrand Aristide (người vừa bị Mỹ bắt đi lưu vong ở Trung Phi) ký, các thầy pháp phải tuyên thệ trước một chánh án tòa dân sự, sau đó mới được hành nghề. Trong nhiều thế kỷ qua, voodoo bị chính quyền coi là mê tín, và thậm chí bị trấn áp mạnh mẽ. Trong những năm 1940, nhà thờ Thiên chúa dấy lên phong trào đập phá các nơi thờ tự voodoo. Năm 1986, sau khi chế độ độc tài Jean-Claude Duvalier bị lật đổ, hàng trăm thầy pháp voodoo bị giết vì nhiều người cho là họ đồng lõa với chính quyền. Người dân đồn rằng Duvalier đã sử dụng các thầy pháp để tạo ra những đơn vị vũ trang gồm toàn các zombi, gọi là "tonton macoute", để đàn áp các phe chống đối.
Năm 1980, dân làng Estere ở miền Trung Haiti đã được chứng kiến một câu chuyện chắc chắn được coi là kỳ lạ ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng lại chẳng có gì đặc biệt ở đất nước này. Một người đàn ông đã tìm đến nhà bà Angelina Narcisse, và tự xưng là Clairvius Narcisse, em trai của Angelina. Nếu ông ta không nhắc lại biệt danh ngày còn bé của mình và nêu những chi tiết riêng tư chỉ người trong gia đình biết với nhau thì bà Angelina có lẽ đã cho đây là một kẻ lừa đảo. Bởi vì, cách đó 18 năm, chính Angelina đã chôn Clairvius trong nghĩa trang của làng.

Người đàn ông kể lại với Angelina là ông ta vẫn nhớ rõ cái đêm đám ma ấy. Khi bị đưa xuống huyệt, ông ta vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chỉ có điều không nói hoặc cử động gì được mà thôi. Đến khi chiếc quan tài bị đất lấp dần, ông ta cảm thấy mình như bồng bềnh bay ra khỏi nấm mộ. Vết sẹo bên má trái bây giờ, ông ta nói, là dấu vết của chiếc đinh đâm xuyên qua vỏ hòm.
Đêm đó, một thầy phù thủy voodoo (tín ngưỡng dân gian Haiti) đã đào ông ta lên khỏi mả. Ông ta bị đánh bằng roi rồi đưa về một đồn điền trồng mía ở miền bắc. Cùng với nhiều zombi khác, Clairvius bị cưỡng bức lao động như nô lệ. Chỉ sau khi người chủ chết, họ mới trốn thoát được và trở về quê quán.

Rất nhiều người Haiti tin rằng những trường hợp như Clairvius là hoàn toàn có thật. Cũng trong năm 1980, còn có 2 người đàn bà khác trở về nhà, nói rằng họ là zombi. Cùng năm đó, ở miền Bắc Haiti, nông dân địa phương khẳng định họ đã tìm thấy một nhóm zombi đi lang thang vô định trên đồng mía.

Nhưng trường hợp của Clairvius có một chi tiết rất quan trọng: nó được ghi chép trong các hồ sơ. Khi ông ta chết, một nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Schweitzer đã xác nhận bằng văn bản. Ngày 30.4.1962, Clairvius được cấp cứu đưa vào viện trong tình trạng sốt cao, đau mình mẩy. Các bác sĩ không tìm ra căn nguyên bệnh và các triệu chứng ngày càng nặng hơn. 3 ngày sau đó, ông ta tử vong. Các bác sĩ điều trị, trong đó có một người Mỹ, đã ký giấy chứng tử. Xác anh ta được giữ lạnh trong vòng 24 tiếng, rồi đem thiêu.

Tại Trung tâm Tâm lý trị liệu và thần kinh ở thủ đô Porte-au-Prince, có một nhà khoa học là tiến sĩ Lamarque Douyon, chuyên nghiên cứu về hiện tượng zombi từ năm 1961. Douyon đoán rằng các nạn nhân của phù thủy không chết hoàn toàn mà chỉ bị mê đi bởi một loại thuốc có tác dụng làm chậm lại quá trình sống; sau khi bị chôn, người ta đã đào họ lên và hồi sức lại. Tuy nhiên, hầu hết những người này trở nên ngớ ngẩn, có lẽ do phần não phụ trách chức năng vận động và ký ức bị tổn thương.
Douyon ngay lập tức thông báo trường hợp Clairvius cho các đồng nghiệp ở New York. Douyon muốn nhờ một chuyên gia về y học cổ truyền có khả năng tìm ra loại độc dược đã tạo ra các zombi. Và người được chọn là Wade Davis, một nhà nghiên cứu trẻ 28 tuổi, người Canada, đang làm luận án tiến sĩ về sinh học.

Lúc đó, Davis nghĩ rằng zombi là một trò lừa đảo nào đó. Anh cũng chưa biết gì về vùng đảo Caribê, cũng như về tín ngưỡng của người châu Phi - cội rễ văn hóa của Haiti. Trong thời kỳ người Pháp chiếm đóng Haiti cuối thế kỷ 18, 370.000 nô lệ châu Phi đã được đưa vào Haiti. Năm 1791, người da đen đã tiến hành thành công một cuộc khởi nghĩa, đánh đuổi các chủ đồn điền da trắng và thậm chí dẹp tan một đoàn quân do Napoleon cử sang. Trong suốt 200 năm sau đó, Haiti là nước cộng hòa da đen độc lập duy nhất ở vùng Caribê.

Davis phát hiện ra rằng phần lớn người Haiti tin và thực hành voodoo, một tôn giáo bắt nguồn từ châu Phi. Những người theo tín ngưỡng này tin rằng họ có thể liên lạc hoặc bị ám bởi rất nhiều thần linh, ma quỷ trong thiên nhiên. Voodoo còn là một hệ thống giáo dục, luật pháp và y học, nó bao gồm những quy tắc đạo lý điều chỉnh mọi hành vi xã hội. Ở vùng nông thôn, các hội kín voodoo hoạt động và kiểm soát đời sống người dân ngang hàng với luật pháp chính phủ.


Wade Davis.

Mặc dù phần lớn các nhà khoa học bác bỏ tính xác thực của zombi, một số nhỏ chuyên gia cũng đã thử đưa ra một lời giải thích khoa học cho hiện tượng này. Nhưng họ đều thất bại. Còn Davis, chỉ sau vài tuần, đã có trong tay mẫu độc dược mà anh tìm kiếm.

Khi Davis đến Haiti, anh được một nhà báo của Đài BBC gợi ý liên lạc với Marcel Pierre. Pierre là chủ một nhà chứa ở thành phố Saint Marc, đồng thời là phù thủy voodoo. Davis nói rằng mình là đại diện cho một tổ chức hùng mạnh ở Mỹ, muốn mua thứ độc dược kia bằng rất nhiều tiền. Davis quan sát trong nhiều ngày Pierre đi nhặt nhạnh các thành phần khác nhau của thuốc - trong đó có cả xương người - rồi đem nghiền thành bột. Tuy nhiên, với kiến thức dược học, Davis biết rằng thuốc này chẳng có tác dụng gì.

3 tuần sau đó, Davis quay lại gặp Pierre, mắng ông ta là lang băm trước mặt hai người bạn. Do tự ái, Pierre đồng ý cung cấp cho Davis loại "thứ thiệt", hơn nữa còn bày cách chế biến cho Davis.
Đó là một loại bột màu đen, làm từ cóc, giun biển, thằn lằn, nhện đen, cà độc dược và xương người. Thành phần sau cùng này là kết quả chuyến đi ban đêm của hai người đến nghĩa trang. Nếu đem bột này xát vào da, trong vài giờ nạn nhân sẽ cảm thấy buồn nôn và khó thở, chân tay có cảm giác như kiến bò, rồi lan ra toàn thân. Cơ thể bị tê liệt dần, môi tím lại do thiếu oxy. Rất nhanh, đôi khi chỉ trong 6 giờ, quá trình đồng hóa bị chậm lại đến mức không phân biệt được với cái chết.

Davis phát hiện ra rằng phương pháp chế độc dược này khá tùy tiện. Tỷ lệ các thành phần không phải lúc nào cũng giống nhau mỗi lần chế thuốc. Và hiệu lực của thuốc cũng không được đảm bảo. Davis cho rằng trong nhiều trường hợp, nạn nhân đã bị chết thật, hoặc do thuốc quá mạnh, hoặc do ngạt thở trong quan tài.

Việc phân tích các thành phần cho Davis thấy chất quan trọng nhất làm nên tác dụng đặc trưng của thuốc không phải là cà độc dược, như tên gọi của nó trong ngôn ngữ của người Haiti - concombre zombi - dưa leo zombi, mà là cá nóc.
Davis nhớ lại rằng ở một số nước Đông Á, nhất là Nhật Bản, cá nóc (fugu) được coi là thực phẩm sau khi được chế biến bởi các đầu bếp đặc biệt. Tuy nhiên, hằng năm cũng có hàng chục người Nhật Bản chết vì ăn loại cá này. Quan trọng hơn, y văn Nhật Bản ghi nhận nhiều trường hợp "chết đi sống lại" sau khi ăn cá nóc. Các dấu hiệu ngộ độc tương tự như miêu tả của các zombi.

Davis tin rằng mình đã giải được bí ẩn của hiện tượng này. Tuy nhiên, còn một vấn đề: vì sao ở Nhật Bản, người bị ngộ độc sau khi tỉnh lại không bị biến thành zombi ? Câu trả lời có lẽ nằm ở cấu trúc tổ chức xã hội và tâm linh của người Haiti, theo Davis.


Các thầy pháp voodoo hành lễ.

Trong các ví dụ zombi đã nêu ở trên, Davis phát hiện ra rằng trước khi chết, Clairvius bị dân làng coi là một kẻ không ra gì, đã cướp đất của người em ruột mình. Ông em này có lẽ đã nhờ đến phù thủy voodoo để trừng phạt Clairvius. Vị phù thủy này cũng không phải là một cá nhân đơn độc, mà là một trong vô số các thủ lĩnh hội kín voodoo, hình thành từ thời chống thực dân Pháp. Các thành viên hội kín liên hệ với nhau bằng sợi dây kỷ luật thép. Và hình phạt cao nhất đối với kẻ phản bội là bị biến thành zombi. "Lời nguyền" vô hình này, có thể cộng với một loại ma túy tự nhiên nào đó như cà độc dược, có tác dụng mạnh mẽ đến mức một khi ra khỏi mồ, kẻ phản bội không bao giờ được thừa nhận lại trong xã hội như một người bình thường. Những lời đồn đại, nhiều khi vô căn cứ, góp phần làm cho tín điều về zombi lan truyền đến tận ngày nay, và giống như một sự ám thị tập thể, ít người có thể thoát khỏi ảnh hưởng của nó. Trên thực tế, khi một đoàn làm phim khoa học Mỹ gần đây đến Haiti điều tra lại các vụ zombi, có trường hợp gia đình nọ tự nhận là có người con trai bị biến thành zombi, hiện sống ở làng bên cạnh. Tuy nhiên, khi xét nghiệm ADN, người ta kết luận đây chỉ là một sự tưởng tượng của người mẹ cũng như toàn bộ dân làng mà thôi.
Việt Hưng
(Theo Harvard Magazine)

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!