Các nhà khoa học tin rằng họ đã giải mã được huyền thoại 2.000 năm tuổi về cái chết của vua Herod, người đứng đầu nhà nước Do Thái cổ, kẻ đã tìm cách giết Chúa Jesus hài đồng. Theo đó, vị vua khát máu này đã chết vì suy thận mạn, với biến chứng hoại tử ở "phần kín".
Theo Kinh Phúc Âm, Herod đã ra lệnh xử tử một trong những bà vợ cùng 3 con trai của chính mình và hàng nghìn bé trai với mong muốn tiêu diệt Chúa Jesus hài đồng. Vị vua này đã chết ở tuổi 69 vào thế kỷ 4 trước công nguyên, sau 36 năm trị vì.
Kết luận nói trên được các nhà khoa học Mỹ đưa ra tại Hội thảo Bệnh lý Lâm sàng Lịch sử, tổ chức tại Baltimore ngày 25/1, sau khi tiến hành phân tích những tài liệu mô tả các triệu chứng bệnh trong những ngày cuối đời của Herod.
Giáo sư Jan Hirschmann, Đại học Tổng hợp Mariland (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu cho biết, các triệu chứng chính được mô tả gồm: ngứa dữ dội, đau ở ruột, khó thở, co giật ở tứ chi và hoại tử cơ quan sinh dục. Thoạt đầu, khi điểm qua những căn bệnh toàn thể gây ngứa, giáo sư Hirschmann nhận thấy không bệnh nào có thể giải thích được toàn bộ các triệu chứng nói trên. Ông đã tính đến bệnh Hodgkin (ung thư hạch) và một số bệnh gan, và cuối cùng đi đến kết luận: Chỉ có suy thận mạn mới giải thích được toàn bộ triệu chứng bệnh của Herod. Tuy nhiên, còn một triệu chứng không phù hợp với chẩn đoán trên, đó là hoại tử cơ quan sinh dục (điều khiến một số nhà khoa học tin rằng Herod chết vì bệnh lậu). Theo lập luận của tác giả, có thể suy thận mạn đã gây nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục.
Hội nghị Bệnh lý Lâm sàng Lịch sử được tổ chức hằng năm ở Baltimore nhằm giúp sinh viên y khoa nắm vững hơn các phương pháp chẩn đoán nguyên nhân tử vong của bệnh nhân, dựa vào quan sát lâm sàng.
Từ năm 1995, hội thảo này đã giúp gạt bỏ tấm màn bao phủ nguyên nhân cái chết của một số nhân vật nổi tiếng như thi hào Edgar Poe, Alexandre Đại đế, Ludwig Beethoven, Tướng George Custer, Wolfgang Mozart và Hoàng đế La Mã Claudius.
Thu Thủy (theo BBC, AFP)
http://vnexpress.net/GL/Suc-khoe/2002/01/3B9B8B84/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!