(tạp chí Tri Tân, số 7, ngày 18.7.1941)
Đào Duy Anh
Ai cũng biết Nguyễn Trường Tộ (1) là một người học vấn uyên bác nhất, kiến thức sáng suốt ở đời Tự Đức, nhưng vì tư tưởng không được dùng, sự nghiệp không thành tựu cho nên không mấy người biết đến. Gần đây có người hâm mộ tài trí và thương xót thân thế ông nên đã có ý biểu dương.
Năm 1925 trong Nam Phong số 100 tháng 10 và tháng 11, phần chữ Hán, ông Sở Cuồng (2) đăng một bài tiểu dẫn về Nguyễn Trường Tộ và một bài điều trần thứ nhất. Năm 1926, ông Lê Thước đăng một bài tiểu sử ở số 102, phần chữ Hán. Trong Nam Phong phần quốc văn cũng có một bài của ông Nguyễn Trọng Thuật nói qua về thân thế ông Nguyễn Trường Tộ và trích dịch ít bài điều trần.
Gần đây ông Đào Đăng Vỹ cũng có dịch một ít điều trần của ông Nguyễn Trường Tộ đăng trong báo Patrie Annamite.
Những người nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ đó đều cho rằng ông có du học ở ngoại quốc hoặc ở Pháp nhiều năm.
Chỉ xem qua tập điều trần của ông thì ai cũng thấy rằng ông là một người hán học rất cao, sở học khác hẳn với khoa cử. Còn về tây học thì chính ông đã nói trong bài trần tình gời cho Trần Tiễn Thành năm 1863 rằng “về học vấn thì không có môn gì là không xem đến, cao là thiên văn sâu là địa lý, phiền phức là nhân sự, cùng là luật lịch, binh pháp, các tôn giáo, các kỹ nghệ, các khoa cách trí, các môn thuật số, đều là khảo cứu đến nơi cả, mà lại chú ý nhất về môn học học thiên hạ tung hoành, ly hợp sự thế”. Lời tự khoe của ông đó không phải là ngoa đâu.
Tôi thấy ở đời bế tắc như bấy giờ mà có được người tài thức cao rộng vậy thì không khỏi băn khoăn tự hỏi người ấy học ở đâu, nên bấy giờ tôi vẫn thường để tâm kế cứu về điều ấy.
Nhưng không phải là việc dễ dàng. Hiện nay di tích của Nguyễn Trường Tộ còn để lại mà có thể tin chắc được thì chỉ có một ập điều trần có chữ châu phê và một tập di cảo ở người cháu là ông Nguyễn Trường Văn ở làng Bùi Châu phủ Hưng Yên, tỉnh Nghệ An (bản châu phê và bản sao di cảo ấy hiện có ở Bảo Đại thư viện). Trong châu bản ở sử quán thỉnh thoảng cũng có những bài phiến của đình thần dâng điều trần của Nguyễn Trường Tộ lên vua. Nhưng các tài liệu ấy không giúp cho ta giảdiquyết được cái vấn đề “học thức của Nguyễn Trường Tộ sở đắc ở đâu” được.
Những sách của ta không hề nói đến Nguyễn Trường Tộ đã đành, vì ông ấy chỉ là một giáo dân đã không có chức tước địa vị gì, mà lại bị nghi là phản quốc. Cho đến sách của người Tây viết về lịch sử nước ta thời ấy cũng không hề nói đến tên Nguyễn Trường Tộ vì đối với họ, ông chỉ là một đồ đệ của giám mục Gauthier .(3)
Nội các sách báo của người Pháp có nói đến Nguyễn Trường Tộ, tôi chỉ thấy có một câu mập mờ trong tạp chí “La Semaine religieuse” ở Paris năm 1867, quyền II trang 731 : “Người đông phương ở trong phái bộ thì có hai ông quan (Nguyễn tăng Doãn và Trần văn Đạo) và một ngườu kiến trúc sư theo giáo Gia-tô, có trí nớ lạ thường, có tài năng lỗi lạc và chính y đã xây giáo đường của ta ở Sàigon”. Tôi tìm hết sức, không thấy có sách báo gì cho chứng cớ rằng Nguyễn Trường Tộ có du học Pháp hay ngoại quốc. Tuy trong bài trần tình, ông có nói: “Đến khi lớn tuối, tôi đi chu du những nơi xứ lạ, những điều mắt thấy tai nghe toàn là những điều hiếu dụng”. Nhưng ta không rõ ông đi những nơi nào.
Cách đây bốn năm, tôi có về làng Bùi Châu để tìm di tích của ông, tôi hỏi người cháu nội ông là Nguyễn Trường Văn để xin xem gia phả, tưởng có thể nhờ đó mà được ít nhiều tia sáng. Nhưng tiếc thay! thường các nhà theo giáo Gia-tô đã bỏ cái tục biên gia phả. Thay cho gia phả, ông Văn đưa cho tôi xem quyển vở nhỏ viết chữ Nôm đề là: “Sự tích ông Tộ” mà nói là của con trai Nguyễn Trường Tộ là Nguyễn Trường Cửu (4) chép ra. Xem bản ấy, tôi thấy đại khái giống với bài tiểu sử mà ông Lê Thước đăng trong tạp chí Nam Phong bấy giờ tôi mới nghĩ rằng có lẽ ông Lê Thước đã dựa theo bản ấy cùng những lời Nguyễn Trường Cửu thuật lại mà viết. Còn những người khác thì có lẽ cũng đều căn cứ vào bài của ông Lê Thước cả.
Quyển sự tích ấy nói rằng : “Khi lớn lên, học với thầy tú Giai là người làng Bùi Ngõa, sau lại học với thầy công sinh tên là Hựu ở Kim Khê song chỉ tìm thấy những điều thực học mà thôi. Hỏi thầy đôi điều, thầy cắt nghĩa không xuôi, lại tìm học với quan huyện Địa Linh hưu trí ở làng Tân Lộc ... Đến sau, hỏi thầy hai điều, thầy giảdikhông được, rồi thôi học. Có thiết trường dạy học ở nhà, rồi ngồi dạy học chữ Hán ở trong Nhà chung xã Đoài. Đức cha Ngô Gia Hậu (4) thấy ông thông minh, nên ngài dạy cho chữ Pháp, tiếng Pháp cùng các khoa kỹ nghệ”.
Theo bài tiểu sử do ông Lê Thước viết, thời khi Nguyễn TRường Tộ học với thầy tú Giai là năm Thiệu Trị thứ 7 (1846) đã 18 tuổi. Khi đến học thầy cống Hựu là năm Tự Đức thứ 5 (1852) đã 24 tuổi. Khi học với quan huyện Địa Linh là năm Tự Đức thứ 8 (1855) đã 27 tuổi. Khi Gám mục Gauthier mời ông làm giáo sư chữ Hán trong trường học Nhà chung xã Đoài là năm Tự Đức thứ 11 (1858),ông đã 30 tuổi.
Khi có lệnh cấm đạo (5), Giám mục Gauthier đem Nguyễn Trường Tộ cùng mấy đạo đồ khác đi trốn xuống tầu Tây ban Nha vào Tourane rồi đi Hương Cảng, đó là năm 1859. Cứ như vậy thì Nguyễn Trường Tộ chỉ học giám mục Gauthier một năm thôi.
Bài tiểu sử của ông Lê Thước viết nói rằng bấy giờ giám mục đem ông Tộ sang Paris, rồi ông ở đó học vài ba năm, rất nhiều sở đắc. Bản “Sự tích ông Tộ” thì chỉ nói: “sang Đại Pháp ở thành Ba Lê, đi du lịch, xem chính trị, học hành, kỹ nghệ, phong tục nước Đại Pháp.”. Thực ra thì giám mục Gauthier ở lại Hương Cảng, có lẽ giám mục cho Nguyễn Trường Tộ và ít người đạo đồ khác đi qua nước Ý rồi sang nước Pháp . (6)
[Kiểm duyệt bỏ 9 dòng]
Nguyễn Trường Tộ trốn theo Pháp đầu năm 1859, mà đến khi Đại đồn (đồn Chí Hòa, Gia Định) thất thủ là đầu năm 1861, Nguyễn Trường Tộ đã về làm việc ở Suý phủ ở Gia Định. Nếu trừ đi nửa năm thời bấy giờ đi về thì Nguyễn Trường Tộ có thể ở nước Pháp chừng một năm rưỡi. Ta có thể đoán rằng trong khi Nguyễn Trường Tộ ở Pháp, ông không theo học trường nào, nhưng vì đã có học được ít chữ với giám mục Gauthier, nên ông có thể nhờ sách vở và kiến văn mà khảo cứu được các khoa học, kỹ thuật, cùng là chính trị, phong tục, lịch sử nước Pháp và các nước Âu châu.
Song cái sở học của Nguyễn Trường Tộ có phải chỉ nhờ non hai năm ở Pháp mà được không? Trong bài điều trần tháng 5 Tự Đức 17 (1864) có nói rằng : “Cách 15 năm trở lại đây, tôi đã biết thế nào nước ta cũng mắc cái hoạn nạn bấy giờ cho nên tôi phải tận lực học khôn của thiên hạ, kể đã lâu ngày.”.
Cứ theo bản tiểu sử do ông Lê Thước viết thì 15 năm về trước là năm 1849, Nguyễn Trường Tộ còn học với thầy Giai, rồi sau đó còn học nơi ông cống Hựu và ông huyện Địa Linh đến 9 năm nữa. Nếu từ bấy giờ đến năm 1858, ông cứ miệt mài trong vòng học xưa (học với ông Tú, ông Cống, ông Huyện thì chỉ có thể học theo lối xưa) thì sao lại nói là “tận lực học khôn của thiên hạ”?.
Vả, Nguyễn Trường Tộ là người theo giáo Gia-tô, không thể đi thi được thì chỉ học để mở mang kiến thức, lại là một người thông minh như thế không lẽ nào theo học với những thầy xưa ấy mà chịu mài iệt cho đến 30 tuồi mới thôi. Tôi ch8ác rằng những niên hiệu do ông Lê Thước dẫn đó là ông nghe lời truyền khẩu mà viết ra cho nên sai lầm.
Nay xem đoạn văn ở bài trần tình đã dẫn trên kia nói rằng khi lớn lên thì ông đi “chu du những nới xa lạ”, cùng một đoạn tiếp nói rằng: “Kịp đến khi đạo lý gần hỏng (chỉ việc cấm đạo) thì tôi đi qua sông, vượt biển để giữ lấy thiên chân”, thì ta có thể đoán rằng, khi lớn lên tức là trong khoảnâng từ năm 20 đến 30 tuồi, Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán (trước học cha là Nguyễn Quốc Thư, rồi đến ông Tú Giai, ông Cống Hựu (7) và ông Huyện Địa Linh) đã giỏi rồi ông mới theo các giáo sĩ Gia-tô đi du lịch ra ngoại quốc, hoặc sang Hương Cảng là nơi các giáo sĩ thường tụ tập để chờ vào Trung Hoa, Nhật bản hay sang Việt Nam, hoặ sang Pênăng là nơi đào luyện các giáo sĩ người đông phương. Khi ở Hương Cảng, chắc ông đọc được nhiều tân thư của người Tàu, nhất là những sách về khoa học, đó tức là ông đi “học khôn của thiên hạ” vậy.
Sai khi du lịch ít năm, ông trở về quê, đước giám mục Gauthier mời làm giáo sư dạy chữ Hán ở Nhà chung. Kịp đến khi có lệnh cấm đạo, ông trốn đi, rồi sang Pháp đó tức là “qua sông vượt bể để giữ lấy thiên chân” vậy.
Nguyễn Trường Tộ học rộng nhưng viết và nói tiếng Pháp không thạo lắm, vì ông không chuyên học chữ Pháp ở Pênăng như các ông Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Hoằng. Bởi thế, không khi nào làm thông ngôn. Mà khi giúp việc cho Suý phủ thì chỉ làm việc từ hàn (lettré) cũng như Tôn Thọ Tường. Mỗi khi triều đình cần dùng nười thông ngôn thì Nguyễn Trường Tộ cứ giới thiệu Nguyễn Hoằng (8) (linh mục Hoằng) chứ tự mình không khi nào đương việc ấy.
Tôi nghe nhiều nhà lão thành nói với rằng Nguyễn Trường Tộ khi ở Tây về (?) tại Hương Cảng có gặp Y-đằng Bác-văn (9) là một công thần duy tân của nước Nhật Bản. Khi chuyện trò xong, Y-đằng phục tài Nguyễn Trường Tộ mà nói rằng: “Kể tài trí thì ông hơn tôi nhiều, nhưng cứ tình thế hai nước ta, thì tôi sẽ thành công dễ dàng mà ông thì sẽ hoàn toàn thất bại.”. Câu chuyện ấy có thực không? Có người lại quả quyết với tôi r8àng trong tủ sách nhà cụ Đặng Văn Thuỵ ở Phủ Diễn có một quyển tạp ký, cụ chép cả câu bút đàm của hai người. Tôi đã nhờ con cụ Đặng Văn Thuỵ tìm dùm quyển ấy mà chưa ra.
Các nhà thức giả, nếu ai biết có tài liệu gì gỡ được manh mối câu chuyện ấy thì xin giúp tôi, tôi hết lòng cảm tạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!