Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Xin chia sẻ cho tôi cách nào để cầu nguyện cho thích hợp vì nếu mỗi ngày tôi cầu nguyện cho từng người thân với tất cả mọi nan đề thì mất rất nhiều th

Cảm ơn bạn đã gởi đến chúng tôi một câu hỏi rất thực tế gần gũi cho đời sống tâm linh của chúng ta. Để tìm ra cách cầu nguyện thế nào cho đẹp ý Chúa, chúng ta thử ôn lại bài cầu nguyện chung trong Mathiơ 6:9-13. Tại đây, Chúa nói "Các ngươi hãy cầu nguyện như vầy..."

Thứ nhất, chúng tôi xin nói đến những điểm trong lời cầu nguyện trực tiếp hướng về Đức Chúa Trời : "Lạy Cha chúng tôi ở trên trời. Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!" Phần này là lời cầu nguyện của chúng ta hướng về Đức Chúa Trời, tôn vinh danh Ngài (Danh Cha được thánh), ca ngợi thẩm quyền lớn lạ của Ngài (nước Cha được đến) và đầu phục thánh ý của Ngài trong mọi việc xảy ra dưới đất cũng như trên trời (Ý Cha được nên ở đất như trời). Như vậy, điều quan trọng khi chúng ta đến với Chúa là một thái độ tấm lòng đúng đắn. Chúng ta hãy tự hỏi chúng ta có hay nhìn thấy những điều để cảm tạ Chúa và ca ngợi Ngài trong lời cầu nguyện của chúng ta không? Chúng ta không chỉ cảm tạ Chúa khi Chúa ban cho chúng ta những điều gì đó lớn lao ấn tượng mà trong mọi việc nhỏ bé tầm thường nhất trong từng tháng ngày trong đời sống chúng ta. Chúng ta cảm tạ Ngài vì Ngài cứu chúng ta, cho chúng ta biết Ngài, Ngài ban cho chúng ta cơm ăn, áo mặc, sức khỏe, sự sống, gia đình... Hàng ngày chúng ta có biết bao điều để ca ngợi Chúa. Chúng ta cũng phải cầu nguyện với tinh thần thuận phục ý muốn Chúa trong mọi việc xảy đến. Điều này là hết sức quan trọng và chúng tôi xin được triển khai rộng hơn ở phần thứ hai tiếp theo đây.


Thứ hai, xin nói đến những điểm trực tiếp hướng về con người: "Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày; Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi; Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác." Phần này là phần cầu xin của chúng ta, có lẽ cũng là ý chính mà bạn đề cập trong câu hỏi của bạn. Thế thì chúng ta phải cầu xin thế nào đây? Chúng ta cầu xin cho những nhu cầu thuộc thể và thuộc linh: Xin Chúa chu cấp nhu cầu hằng ngày của chúng ta. Xin Chúa tha tội cho chúng ta. Xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi sa ngã. Xin Chúa giúp chúng ta sống một đời sống xứng đáng, đẹp lòng Chúa. Nhưng có phải chúng ta phải kể hết từng tên mọi người và kể chi tiết mọi sự thì Chúa mới lắng nghe và giải quyết không? Còn nếu chúng ta bỏ sót thì Chúa cũng bỏ qua nan đề đó mà không quan tâm đến sao? Không phải vậy. Mathiơ 6:8 nói "Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài." Rôma 8:26 cũng nói "Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta." Thế thì vì Chúa bảo chúng ta hãy cầu nguyện và cầu thay cho người khác thì chúng ta vâng lời Chúa làm điều đó. Nhưng trong sự cầu nguyện đó, chúng ta nên hiểu rằng Chúa thấu hiểu những nan đề của chúng ta và người thân của chúng ta còn hơn là chính chúng ta hiểu mình nữa và lắm lúc sự đáp lời của Chúa không phải như chúng ta mong đợi dù Ngài thật đã nhậm lời chúng ta! Chúng ta hãy nhìn một minh họa cho dễ hiểu: Chẳng hạn bạn có một cháu nhỏ chưa biết nói. Một hôm bé bị bịnh và nhức đầu, cảm sốt, khó chịu. Bé khóc, ý muốn bạn giải quyết giúp bé dễ chịu hơn. Bạn đáp lời con bạn bằng cách cho nó uống thuốc hoặc mang đi bác sĩ tiêm chích cho bé hết bịnh. Tuy nhiên, trên cái nhìn non trẻ của bé thì bé không tài nào hiểu được tại sao Mẹ lại cho bé uống thuốc đắng hoặc để bác sĩ làm đau bé. Cũng vậy, Chúa đáp lời cầu nguyện chúng ta nhưng rất nhiều khi chúng ta không hiểu nổi đường lối Ngài. Hoặc vì ý muốn của Ngài là khác biệt với ý tưởng chúng ta và Ngài biết điều gì là tốt đẹp nhất dù con người hữu hạn chúng ta không dễ lúc nào cũng chấp nhận ý muốn Ngài. Thế thì chúng ta nên cầu nguyện trong tinh thần đầu phục ý muốn của Chúa rằng Chúa biết điều gì tốt đẹp nhất và "xin ý Cha được nên" như phần trên chúng tôi đã đề cập đến. Chúng ta cũng để ý chính Chúa Giêxu cũng nêu gương cầu nguyện như vậy.

Vậy câu: "Nếu các ngươi nhơn danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho" (Giăng 14:14) là như thế nào? Trước đây chúng tôi cũng có lần hoang mang như thế, bởi Chúa đã hứa như thế thì chúng ta cần phải xin mới được và chúng ta cần phải xin cho bằng được điều chúng ta ao ước phải không? Không phải thế! Có nhiều người dạy rằng khi cầu nguyện chúng ta phải kể ra chính xác điều gì mình muốn và tin rằng mình sẽ nhận được thì sẽ được điều mình muốn xin. Làm vậy giống như chúng ta ra lệnh cho Chúa phải làm điều nầy điều kia theo ý muốn của chúng ta. Chúng ta nên nhớ rằng Chúa là Chúa của cả trời đất vũ trụ nầy, Chúa không phải là người để chúng ta sai khiến. Con người chúng ta nhỏ bé hữu hạn, ý muốn của chúng ta là cạn cợt thường vấy bẩn bởi tội lỗi, nhất làlòng tham. Chúng ta rất dễ xem Chúa như "ông thần hộ mạng", muốn Chúa bảo bọc, che chở, tiếp trợ, ban phước mà quên đi rằng tất cả những gì chúng ta xin Chúa đều phải theo ý muốn của Ngài. Giăng 15:7, "Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó." Điều này có nghĩa là nếu chúng ta ở trong Chúa, tư tưởng đời sống chúng ta thấm nhuần lời Chúa thì chúng ta có thể trình dâng cho Chúa những nhu cầu của chúng ta, Chúa hứa rằng chúng ta sẽ nhận được điều chúng ta cầu xin vì một khi đời sống chúng ta thuận phục theo lời Chúa thì thường chúng ta cầu xin theo ý của Ngài, "Nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta" (Giăng 5:14).

Chúng ta cũng nên tin rằng Chúa lúc nào cũng muốn ban điều tốt nhất cho con cái Ngài. Chúa có thể để cho chúng ta nghèo khó, hoạn nạn, thử thách nhưng nếu chúng ta thật là con cái Ngài, yêu mến Chúa và thuận phục theo ý của Ngài thì những điều đó sẽ "hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định" (Rôma 8:28) vì không có phước hạnh trần gian nào lớn hơn phước hạnh được cứu và được làm con của Chúa. Bổn phận của chúng ta là tin cậy Ngài hoàn toàn và đầu phục ý muốn của Ngài trong mọi việc xảy ra cho chúng ta hay người thân của chúng ta. Nhiều khi chúng ta xin Chúa một điều gì đó và tin chắc rằng điều đó là theo ý muốn của Chúa nhưng sao không thấy Chúa đáp lời. Thí dụ như cầu nguyện cho người thân của mình được cứu rỗi. Điều nầy chắc chắn là theo ý của Chúa rồi nhưng sao chúng ta cầu nguyện lâu rồi mà người thân của chúng ta không có bằng chứng gì là được cứu hoặc người thân đó qua đời mà không có dấu hiệu ăn năn để được cứu! Chúng ta cũng nên tin rằng Chúa là Đấng công bình, khôn ngoan, chúng ta không thể hiểu hết đường lối và ý tưởng của Ngài, khi tin như vậy và phó thác việc ấy vào tay Chúa thì chúng ta sẽ thấy lòng bình an.

Cũng xin nói thêm là chúng ta phải nhờ cậy Chúa để sống đúng theo những điều chúng ta cầu xin. Thí dụ như chúng ta xin Chúa giúp chúng ta sống theo lời dạy của Chúa: yêu thương, nhịn nhục, hiền lành...mà chúng ta cứ khăng khăng giữ lấy bản tính xác thịt của mình như: ích kỷ, ganh tị, ghen ghét, tham lam, nóng nảy, hung dữ thì thật là vô lý. Cầu nguyện với Chúa nhiều và thường xuyên là điều tốt nhưng chúng ta đừng để bị rơi vào "thích nói nhiều mà không thích nghe". Nếu chúng ta muốn để nhiều thì giờ để "nói" với Chúa thì chúng ta cũng nên xem xét để thì giờ để "nghe" Ngài. Nghe Chúa bằng cách nào? Có người muốn nghe Chúa bằng cách im lặng ngồi đó để lắng nghe tiếng phán của Chúa một cách trực tiếp thế nào đó. Không phải vậy, chúng ta nghe Chúa từ trong lời của Ngài trong Kinh Thánh. Đức Thánh Linh là Đấng mở mắt mở tai thuộc linh của chúng ta để chúng ta thấy và nghe được lời của Chúa.

Thế thì tóm tắt lại chúng ta nên cầu nguyện như thế nào? Chúng ta hãy đến với Chúa với tấm lòng khiêm nhường hạ mình, tôn ngợi Chúa và đầu phục ý muốn Chúa dưới đất cũng như trên trời. Chúng ta có thể tự nhiên trình bày với Chúa ưu tư, gánh nặng, cưu mang của tấm lòng chúng ta như con đến với Cha vậy, đơn sơ như một đứa trẻ nói chuyện cùng Cha mình. Chúng ta đến với Ngài một cách đơn sơ thành tâm, biết rằng Ngài biết trước khi chúng ta xin và biết rõ hơn điều chúng ta biết mình cần để xin Ngài. Như thế, chúng ta sẽ không phải bất an khi mình lỡ thiếu sót quên mất ai đó hay một nan đề nào đó. Chúng ta hãy đến với Ngài trò chuyện thâm giao cùng Ngài như đứa con thỏ thẻ cùng Cha những nghĩ suy của mình, tin rằng Cha yêu thương và hiểu mình hơn điều mình có thể nói. Chúng ta cũng không nhất thiết phải cầu nguyện bao lâu và khi nào. Không phải lời cầu nguyện dài thì đẹp lòng Chúa hơn lời cầu nguyện ngắn. Cũng không phải buổi sáng thì tốt hơn buổi tối. Chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và nơi nào. Trong ngày, đang lúc làm việc nếu chợt nhớ đến nhu cầu của một người thân nào đó chúng ta có thể thầm thưa với Chúa về nhu cầu đó. Bạn đang có một thói quen tốt cầu nguyện vào buổi sáng, bạn hãy giữ thói quen đó nếu thì giờ đó là yên tĩnh cho bạn đến với Chúa. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chúng ta cần ghi nhớ là "Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy." (Giăng 4:24)

Hy vọng câu trả lời của chúng tôi giúp ích cho bạn phần nào.
http://tinlanh.com/doisong/bandoc/caunguyennhuthenao.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!