Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Trung Quốc : một trong những nước đầu tiên trên thế giới

Hơn 2500 năm trước, Đức Khổng Tử, từ Khổng Vọng Sơn nhìn ra đại dương vô trùng, có ngờ rằng chỉ vài thế kỷ sau, vào năm 65, một Tông Đồ của Đức Ky Tô sẽ cập bến gần đó, biến Trung Quốc thành một trong những nước đầu tiên đón nhận Ky Tô Giáo ?

Thật ra, đây chỉ là một giả thuyết (1), hình thành từ những hình tượng tạc trên vách đá của Khổng Vọng Sơn, thuộc tỉnh Giang Tô, ở phía bắc Thượng Hải, được khám phá và nghiên cứu từ khoảng 20 năm nay. Ít nhất là ba trong nhiều nhân vật trên bức vách ấy mang những đặc tính của người Ky Tô Giáo. Ba hình tượng này được tạc vào thế kỷ thứ nhất, theo kỹ thuật của người Parthe, một đế quốc chiếm hữu một phần Trung Đông, Ba Tư và Bắc Ấn. Một trong ba nhân vật có trang phục Do Thái cầm Thánh Giá. Gần bên vị này là chữ araméen « qof », chữ đầu của « qyamtha » nghĩa là Tái Sinh và cũng là con rắn quấn quanh cây gậy chữa lành bệnh tật. Cần nói Araméen chính là ngôn ngữ của Đức Ky Tô. Nhân vật thứ hai mặc quần áo Parthe, đội mũ Tư Tế, một tay mang một sách cuốn, tay kia giơ lên trong cử chỉ xác quyết, hay tuyên thệ. Nhân vật thứ ba là một người mẹ bế một hài nhi.


Rồng bị uy hiếp và bị gãy chân

Cảnh Giáng Sinh
Pierre Perrier và Xavier Walter, dựa trên sử liệu và truyền thống của các cộng đồng Ky Tô phương Đông, đề ra giả thuyết người cầm thánh giá là Tông Đồ Thomas, người thứ hai là Shofarlan, bạn đồng hành và thông dịch viên (2) của Ngài trên đường truyền giáo, và hình tượng mẹ bồng con là Đức Mẹ Maria (3). Truyền thống cho biết Thomas đi truyền giáo theo con đường tơ lụa giữa sông Hằng và sông Indus, bị chận lại bởi chiến tranh giữa đế quốc Parthe và nước Quý Sương. Ông quay trở lại Jerusalem, rồi theo đường biển đến Trung Hoa, và có nhiều hy vọng đã cập bến không xa Khổng Vọng Sơn, ở Liên Vân Cảng. Từ đó, Thomas ghé Từ Châu, qua Khai Phong, nơi có thể đã có một thương hiệu của người Do Thái (4), trước khi đến kinh thành Lạc Dương.

Các tác giả tách khỏi những tin tưởng của sử học chính thức, để cho rằng đoàn truyền giáo của Thomas đã được sự nâng đỡ của Sở Vương Lưu Anh, em vua Minh Đế. Cần nói là lãnh thổ nơi vị Thánh Tông Đồ đặt chân đến nằm trong đất phong của Lưu Anh, một vị Vương nổi tiếng ham mộ Đạo Học, và, theo các tác giả, đã tin theo đạo Ky Tô. Cũng tại Khổng Vọng Sơn, Perrier và Walter tìm ra những hình tượng vốn được coi là thuộc Lão Giáo, nhưng hai nhà nghiên cứu lại cho là chúng kể lại lịch sử của cộng đồng Ky Tô đầu tiên, như chuyện gia nhập Ky Tô Giáo của Sở Vương Lưu Anh, hay hình ảnh của một cộng đồng Ky Tô trong một nghi lễ, và nhất là chuyện giấc mộng của Hán Minh Đế.

Số là, theo Hậu Hán Thư, vào năm 64, Minh Đế nằm mơ thấy một người cao lớn, mình vàng, đầu tỏa hào quang … để lại một ấn tượng mạnh mẽ đến độ nhà vua, sau khi cố công tìm hiểu, đã gửi ngay một sứ bộ sang Thiên Trúc. Sứ bộ quay về với hai Tăng Sĩ. Các tác giả Perrier và Walter cho rằng chuyện ấy không thể xảy ra, vì vào lúc đó con đường tơ lụa hoàn toàn bị cắt vì chiến tranh như đã nói ở trên. Họ nghĩ sứ bộ của Minh Đế đã đi đường thủy, đến bờ biển Nam Ấn, nơi có những cộng đồng Ky Tô đã được lập nên bởi Thomas. Rồi họ quay về Trung Quốc, vào năm 65, không phải với hai nhà sư Phật Giáo, mà với … Thomas và Shofarlan ! (5)

Gần kinh thành Lạc Dương, một ngôi đền đã được Minh Đế cho dựng lên cho hai vị Giáo Sĩ hành đạo, gọi là Bạch Mã Tự, được truyền thống Phật Giáo coi như tự viện xưa nhất tại Trung Hoa. Kiến trúc ấy ngày nay không còn nữa. Thay vào đó là một ngôi chùa, cách đó 200 thước, được xây vào thế kỷ 12, tức một ngàn năm sau. Perrier và Walter đề nghị khai quật vùng đất có ngôi đền thời Minh Đế, tin tưởng sẽ tìm thấy những dấu tích Ky Tô Giáo …

Mặt khác, theo Perrier, sự truyền thừa Ky Tô Giáo tại Trung Quốc thời Hán đã gặp trở ngại lớn vào năm 70, khi Sở Vương Lưu Anh mang tội phải đi đày, và từ trần năm sau đó. Các cộng đồng Ky Tô, nếu có, đều phải chìm vào bóng tối.

Tuy nhiên, một vài chứng tích về sự hiện diện của người Ky Tô Giáo tại Trung Quốc trong khoảng từ năm 100 đến năm 220 đã được sử gia lão thành Wang Shanshan đề nghị qua những bia mộ được tìm ra ở Từ Châu cũng thuộc tỉnh Giang Tô (China Daily 22-12-2005). Những bia mộ này tả cảnh Giáng Sinh, cảnh Adam và Eva ăn trái cấm, bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng, cảnh tạo thiên lập địa theo Sáng Thế Ký (với hai con vật có cổ dài quấn lấy nhau, một đặc điểm của nghệ thuật Trung Đông), v.v…


Cảnh Giáng Sinh

Một nhà sử học khác, Wang Wei Fan (China News Update, January 2003 ; www.christianityinchina.org), còn nhận ra trên những mộ bia ấy nhiều dấu hiệu của các cộng đồng Ky Tô Nguyên Thủy, như hình cá (6), hình con cừu, tượng trưng cho Đức Ky Tô, và cũng là biểu tượng của sự giải thoát người DoThái khỏi Ai Cập, hay hình con rắn bị xiềng, bị gãy chân, bị uy hiếp bởi bốn thanh gươm. Cho đến gần đây các hình rắn này bị ngộ nhận là Rồng, nhưng người Trung Hoa thường không tạc hình Rồng trong các tư thế bất lợi như bị xiềng xích v.v...



Rồng bị uy hiếp và bị gãy chân

Bên cạnh hình cá và cừu, còn có hình phượng hoàng thường được coi như biểu tượng của Phục Sinh tại Trung Đông (huyền thoại chim Phenix cháy tiêu rồi sống lại từ đống tro tàn) … Giáo sư Wang Wei Fan còn tìm thấy ở Từ Châu một chén đồng có hình hai con cá, năm cái bánh và chữ « Nghi ». Ông cho rằng chén này đã từng được dùng trong nghi thức chia sẻ thức ăn trong một cộng đồng Ky Tô thời ấy, một nghi thức sau này sẽ trở thành Thánh Lễ Misa, trong bản chất là một bữa tiệc, với sự chia sẻ Mình và Máu Đức Ky Tô. Năm cái bánh và hai con cá cũng nhắc lại một đoạn của Phúc Âm Mateo (14 :17-21), lúc Đức Ky Tô từ hai con cá và năm cái bánh đã làm phép nhân lên, đủ cho năm ngàn người theo Ngài nghe giảng không những ăn no, mà còn thừa lại 12 thúng !

Một khám phá đáng ghi nhận khác của Wang Wei Fan là một Thập Tự Giá bằng sắt, được tìm ra từ thời nhà Minh ở tỉnh Giang Tây, nhưng mang niên hiệu của Tôn Quyền thời Đông Ngô, tương ứng với năm 246. Một bài thơ được khắc trên Thập Tự Giá ấy, đại ý như sau :

Bốn biển hội tụ trong Thái Hòa
Trước sự huy hoàng của Thập Tự Sắt
Muôn dân chờ đón Hồng Ân
Từ Kim Đỉnh thiên thu ngát trầm hương

Nếu bài thơ này được làm bởi một người Ky Tô Giáo vào năm 246, thì có thể nghĩ là đã có một sự phát triển nào đó của đạo Ky Tô trong những năm trước thời điểm ấy ?

Về phần Perrier, ông tin là có sự liên tục giữa các cộng đồng Ky Tô đời Hán với những cộng đồng được hình thành sau này, tức từ thế kỷ thứ 7, như chính sử vẫn công nhận. Ông cho là đã tìm ra một hình tượng Đức Mẹ, ở thế kỷ 7, giống hệt như hình tượng tìm thấy ở Khổng Vọng Sơn. Sự liên tục này cũng đã từng được hai nhà truyền giáo thuộc dòng Tên vào đời nhà Minh, Mateo Ricci (1552-1610), và J. Xaveriana (1506-52), gợi ý khi họ cho rằng đã tìm ra những dấu vết của sự truyền giáo của Tông Đồ Thomas tại Trung Quốc (theo Wang Shanshan).

Còn các tư tưởng Ky Tô ? Trong một giai đoạn mà người Trung Hoa hoàn toàn cởi mở với mọi nền Đạo Học, người ta nghĩ là một số quan điểm chủ yếu của Ky Tô Giáo có thể đã hòa nhập vào các các luồng tư tưởng và tâm linh lớn đang được hệ thống hóa tại Trung Quốc trong khi chờ đợi lan truyền đến toàn vùng Đông Á. Giả thuyết này chắc chắn sẽ được nghiên cứu và bàn cãi nhiều trong những năm tháng sắp tới.

NGUYỄN HOÀI VÂN
2009

Chú Thích :

(1) Cho đến nay các sử gia nghĩ Ky Tô Giáo chỉ du nhập vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ 7, dưới triều Đường Thái Tông.
(2) Hình tượng Shofarlan giơ tay có thể mang ý nghĩa thề đã dịch đúng những gì Thomas truyền giảng. Shofar trong tiếng Araméen cũng có nghĩa là « người tuyên xưng ».
(3) Hình tượng này quá xưa để có thể là Phật Bà Quan Âm. Quán Thế Âm, hay Quán Tự Tại Bồ Tát, chỉ được thờ kính dưới dạng phụ nữ sớm lắm là từ hậu bán thế kỷ thứ 2, và chỉ phổ cập từ đời nhà Tống. Theo Pierre Perrier, sự hoán chuyển từ Nam sang Nữ của vị Bồ Tát này có thể do ảnh hưởng của sự thờ kính Đức Mẹ vào lúc ban đầu rồi sau đó bị quên đi.
(4) Sử liệu xưa nhất về Cộng Đồng Do Thái ở Khai Phong được ghi nhận vào thế kỷ thứ 9, tuy Marco Polo đã nói đến sự hiện diện của người Do Thái tại Trung Quốc ít nhất từ thế kỷ thứ bảy.
(5) Một nhược điểm của Hậu Hán Thư là sách này chỉ được viết vào thế kỷ 5, tức 400 năm sau những sự việc được kể, với rủi ro thiên kiến khó tránh được. Các nhà khảo cổ và sử học Trung Quốc đời sau không biết đến đạo Ky Tô, nên diễn giải mọi dữ kiện qua lăng kính của những truyền thống tâm linh mà họ được biết, đặc biệt là Phật và Lão Giáo … Pierre Perrier có nhận xét thú vị là chữ Sutra nghĩa là Kinh trong tiếng Sanskrit, giống với chữ Souartha trong tiếng Araméen dùng để chỉ các sách cuốn.
(6) Cá tiếng Hy lạp là « ICTUS » viết tắt của « Iesous Christos Theou Uios Soter », Giê-Su Ky-Tô Con Thiên Chúa Đấng Cứu Thế.

Trích : http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=298&kind=10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!