Cảm ơn bạn đã chia sẻ với chúng tôi thắc mắc của bạn. Sau đây chúng tôi xin được trình bày từng phần trong câu hỏi của bạn.
Thứ nhất, câu hỏi của bạn là chúng ta phải thăm viếng chăm sóc thể nào để được kết quả tốt. Trước khi trả lời thẳng vào vấn đề bạn hỏi, chúng tôi muốn trở lại với lời dạy dỗ của Kinh Thánh về trách nhiệm và phạm vi của con người chúng ta trong công tác gây dựng đời sống tâm linh tín hữu. 1Côrinhtô 3:6 có chép "Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên." Tại đây, Phaolô khẳng định rằng ông đã truyền giảng dẫn dắt người khác đến với Chúa, Abôlô đã chăm sóc đời sống tâm linh họ, tiếp tục gây dựng cho sự tăng trưởng sau khi tin Chúa nhưng ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG LÀM CHO LỚN LÊN. Điều này có nghĩa là dù Chúa có dùng con cái Chúa làm công cụ trong tay Chúa cho sự truyền giảng, chăm sóc, việc một người lớn lên trong Chúa hoàn toàn là công việc của Thánh Linh Chúa trong đời sống cá nhân người đó chớ chẳng phải là bởi công việc chăm sóc của chúng ta có thành công hay không. Khi xác định điều đó, chúng ta sẽ ý thức rõ hơn vai trò của chúng ta không phải là "làm cho người khác lớn lên" mà là trung tín gây dựng người khác theo đúng lời Chúa và giao phó sự làm cho lớn lên cho Chúa.
Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ đi tiếp đến vấn đề chăm sóc thế nào là đúng theo Lời Chúa. Chúng ta phải ra đi chăm sóc thăm viếng với những công cụ trang bị nào. Kinh Thánh cho chúng ta biết "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình" (2 Timôthê 3:16) "Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng." (Hêbơrơ 4:12) Kinh Thánh nhiều lần khẳng định năng quyền của Lời Chúa trong lòng của người ta. Vì Lời Chúa có năng quyền đặc biệt chớ chẳng phải là một lời bình thường thuần túy hay khôn ngoan như những lời của những vĩ nhân. Lời Chúa là Lời của Đức Chúa Trời với sự hành động của Thánh Linh đồng công khi Lời Ngài được rao ra. Vấn đề chăm sóc là vấn đề gây dựng đời sống tâm linh, khác với công tác tư vấn bình thường ngoài xã hội, vì vậy để làm công tác tâm linh, chúng ta phải dùng "công cụ của tâm linh" là Lời Đức Chúa Trời. Tất nhiên, khi đi thăm viếng, chúng ta có thể thăm hỏi người được thăm, nhưng chúng ta phải xác định rằng trách nhiệm của chúng ta không phải là dùng khả năng nhạy bén của chúng ta để gây thiện cảm, hay "lôi kéo" được một người đi nhà thờ, mà là trung tín nói ra lời Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta quan tâm, lắng nghe người khác chia sẻ nan đề, thắc mắc, ưu tư của họ trong đời sống, đức tin và dùng những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh để hướng dẫn, khích lệ người đó thích hợp với hoàn cảnh của họ. Vấn đề quan trọng của việc dùng lời Chúa hơn là ý của chúng ta là rất quan trọng. Thứ nhất, như chúng tôi có trình bày ở trên, Lời Chúa có quyền năng sống và linh nghiệm. Thứ hai, khi chúng ta dùng sự dạy dỗ của Lời Chúa thì chúng ta không lo nhầm lẫn, lệch lạc... còn nếu chúng ta tự nghĩ ra mà khuyên lơn theo ý riêng mình thì nhiều khi chúng ta đang dẫn dắt người khác đi sai mà không hay. Vì vậy, để thăm viếng chăm sóc được tốt không phải là ở tại chúng ta biết nhiều phương pháp thăm viếng chăm sóc mà ở tại chính đời sống chúng ta có Chúa và có Lời Chúa. Chính chúng ta phải chăm chỉ suy gẫm lời Chúa, "Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong" (Giôsuê 1:8) Nếu bản thân chúng ta chưa hiểu biết Lời Chúa để áp dụng cho đời sống mình thì không thể nào chia sẻ hay gây dựng người khác cho đúng với Lời Chúa được.
Ví dụ về bốn thứ đất cho chúng ta thấy hột giống "lời Chúa" rao ra cho những tấm lòng khác nhau mang lại những hiệu quả khác nhau. Vì vậy, chúng ta vẫn trung tín đem giống ra rải, nhưng hãy giao sự "làm cho lớn lên" cho Chúa. Chúng ta cũng chuẩn bị tinh thần về những hiệu quả khác nhau thể hiện ra từ những "thứ đất" khác nhau để không lên mình kiêu ngạo trước thành quả cũng không thất vọng trước thất bại. Thật ra, chúng tôi tin rằng nếu một người thật sự được Thánh Linh đụng đến lòng mình, tấm lòng họ được tái sanh, biến cải, họ sẽ tự nhiên khao khát tìm kiếm Chúa. Họ sẽ muốn học biết về Ngài... Thậm chí bạn không cần phải thúc giục thì họ cũng sẽ tìm kiếm Ngài vì Chúa đã trở nên lẽ sống cho đời họ. Đức Thánh Linh trong lòng họ sẽ làm việc và thúc giục họ trong sự tìm kiếm Chúa. Chúa cũng sẽ tể trị, ban năng lực cho họ vượt qua sự cấm đoán của gia đình mà đến với Ngài. Chúa Giêxu phán "Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình. Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta; ai không vác thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta. (Mathiơ 10:25-38) Theo đó, Chúa đã biết trước những thử thách mà người theo Chúa có thể phải đối diện trong gia đình mình. Tuy nhiên, đó cũng là thử nghiệm cho một đức tin thật trong lòng một người xưng nhận mình tin Chúa. Nếu người đó thật có Chúa Thánh Linh trong lòng thì sẽ thấy Chúa là quý hơn mọi điều khác và không có điều gì có thể phân rẻ họ khỏi Chúa được.
Bạn hỏi chúng tôi rằng bạn có nên đi thăm hai người bạn kia nữa không. Chúng tôi không thể trả lời được rằng không hay có. Bởi chúng tôi không biết chắc trong sự trao đổi, hai bạn kia đã bày tỏ lập trường của mình như thế nào. Nếu hai bạn đó đã có ý đề nghị bạn đừng đến thăm nữa thì bạn hãy trao phó mọi điều đó cho Chúa. Nếu hai bạn đó thật có Thánh Linh trong lòng, hai bạn đó sẽ tiếp tục tìm kiếm Chúa dù không thể đi nhóm lại tại hội thánh nữa. Bạn cũng không nên xem việc "đi nhà thờ" là biểu hiện của đức tin. Có nhiều người trong một hoàn cảnh bắt bớ nào đó (chẳng hạn gia đình cấm ngặt, tù đày...) phải tạm thời không đi nhóm lại được nhưng họ vẫn tìm kiếm Chúa bằng sự đọc Kinh Thánh, cầu nguyện riêng tư. Chúng ta tin cậy rằng Chúa có quyền gìn giữ người thuộc về Ngài "Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha." (Giăng 10:29) Còn nếu hai bạn đó tỏ ý muốn gặp bạn để tiếp tục được thông công trong đức tin và khích lệ trong đời sống theo Chúa thì các bạn có thể tìm cách trao đổi với nhau qua điện thoại hay ở chỗ nào đó thuận tiện hơn.
Trong Kinh Thánh có rất nhiều câu Kinh Thánh khích lệ chúng ta hầu việc Chúa như 1Côrinhtô 15:58: "Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu", Côlôse 3:23 "Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta", Mathiơ 28:19-20: "Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế."
Chúng tôi tin rằng không có động lực nào cho chúng ta hầu việc Chúa bằng lòng yêu mến và biết ơn Chúa đã nhân từ tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Chúng ta nhớ lại câu chuyện Chúa gọi Phierơ hầu việc Chúa. Chúa hỏi Phierơ ba lần "Ngươi yêu ta chăng?" Thật vậy, lòng yêu mến Chúa là động lực bền bĩ và chân thật nhất cho chúng ta để chúng ta hầu việc Chúa và cứ hầu việc Ngài vượt qua những thử thách, thiệt thòi, thương tổn cho bản thân mình. Chúng ta thấy tấm gương của Môise, các tiên tri, các sứ đồ... Họ đều hầu việc Chúa dù bản thân họ không được gì ngoài sự phản kháng của người khác. Nhưng họ làm được mọi sự nhờ lòng yêu mến Chúa mà Chúa đã đặt để trong lòng họ.
http://tinlanh.com/doisong/bandoc/thamviengchamsocthenao.shtml
Kính lạy Đức Chúa Trời! Con nhận biết con là người có tội cần được sự tha thứ. Con tin chắc rằng Đức Chúa Giê-su đã giáng thế, sống một cuộc đời hoàn hảo, và chịu chết đền tội cho con trên thập tự giá, Ngài cũng đã sống lại để con được sự sống vĩnh cửu. Con xin ăn năn mọi tội lỗi và đặt lòng tin nơi Chúa ngay giờ này. Con xin Chúa ngự vào lòng con để hướng dẫn con trên bước đường theo Chúa. Con tạ ơn Chúa và cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Cứu Thế Giê-su. Amen.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!