Phan Bội Châu
Xét Gia-tô là người ở nước Do Thái xứ. Người Thái Tây xưng là đấng Cứu Thế, là con yêu Thượng Hoàng. Gia-tô lúc nhỏ có nhiều việc làm kỳ lạ. Chuyên một lòng cứu dân độ thế. Về sau lập ra một tôn giáo. Tôn giáo này chuyên trọng linh hồn, mà không trọng thể xác, phải giữ mười điều răn: kính trọng cha mẹ; không thờ thần tượng; không tham của người; không tà dâm; không lừa dối; điều quan trọng nhất là thương người như thương mình; luôn luôn dạy cho người ta phải biết nhẫn nại, chịu khốn khổ.
Như thế là đạt được mục đích của mình và coi đó là "đệ nhất chủ nghĩa". Lúc bấy giờ các nước châu Âu còn là thời đại dã man thấy một người xướng các điều răn như vậy thì có người chửi mắng dèm chê, có người đánh đập, hãm hại cho đói rét, hoặc bắt phải tội chết. Gia-tô và 12 môn đồ đã bị nhục vì các tai ách đó không biết bao nhiêu lần… Gia-tô bị hại đóng đinh vào cây thập tự. Nhưng cũng chỉ làm cho khí tiết thêm bền chắc, làm cho sự can trường thêm cứng rắn. Đá vàng có thể vỡ, sông biển có thể nhào, nhưng qua nghìn vạn năm con người ấy vẫn được sùng bái thờ phụng. Thật cũng xứng đáng.
Sử chép: Đời Lê Trang Tôn (1533-1588), năm đầu Nguyễn Hoà (1533) có người Hoà Lan tên là I-nê-khu, lần vào xứ Ninh Cương, Quần Anh, huyện Nam Châu, Trà Lũ, huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền Gia-tô tà đạo. Theo sử Tây, năm 1615 và năm 1624, có hai người tên là Francesco Busomi và Alexandre de Rhodes vào Giao Chỉ, mở đầu cho việc Tây giáo truyền vào nước ta.
Sử chép: Từ đời Lê Huyền Tôn (1633-1771), niên hiệu Cảnh Trị đến bản triều Tự Đức (1847-1883), khoảng những năm đầu đều có cái tệ cấm dương giáo, giết giáo đồ. Than ôi! Thời đại chưa khai hoá có những việc như vậy, nay cũng không nỡ nhắc lại nữa [1] .
Nói về lợi ích của Thiên Chúa giáo đối với quốc gia, có bốn điều quan trọng:
1.
Thiên Chúa giáo chú trọng việc tương thân tương ái, biết hợp quần đoàn thể, có cái cảm tình không ước hẹn mà đồng tâm. Đó là lợi ích thứ nhất (xem chỗ quốc dân tụ tập để nghe giảng đạo, thì thấy ngay được sự tương thân tương ái đó).
2.
Thiên Chúa giáo chuyên chú trọng về linh hồn mà coi khinh thể xác, cho nên khi dồn ra làm việc nghĩa thì có được cái phong thái coi nhẹ việc sống mà dám chết. Đó là lợi ích thứ hai (xem lúc giao chiến, nếu có giáo dân tham gia thì thấy họ là những người coi đi đến cái chết như đi về nhà).
3.
Thiên Chúa giáo đều biết: trước hãy lo cho công lợi đã, sau mới đến tư ích, trước lo việc nước, sau mới đến việc nhà. Khi vào làm việc lợi ích công cộng cho xã hội thì toàn thể mọi người tin yêu nhau, nên dễ bề tập họp. Đó là lợi ích thứ ba.
4.
Thiên Chúa giáo chuyên chú trọng về thờ phụng Thượng đế, không thờ thần nào khác, cho nên bớt được tất cả mọi sự tốn kém vô ích về tế tự. Đó là lợi ích thứ tư.
Bậc tiên triết có nói rằng: "Những cử nhân tiến sĩ ngày nay là tội nhân của Khổng Tử, những thầy dòng, trinh nữ ngày nay là tội nhân của Gia-tô". Nói như thế cũng có phần đúng. Nhưng nếu chỉ vì một vài tư nhân mà chỉ trích cả toàn giáo thì chẳng khác gì giận con rận mà đốt cả cái áo, vì có đá mà vất cả viên ngọc, thì thật không thông việc đời quá lắm vậy!
[1]Mỗi khi nói đến thời Tự Đức có cái tệ bắt giáo dân ở tập trung một nơi, thì thấy đó là một hành động bạo ngược, kỳ quái. Chả trách mà nguyên khí nước nhà bại hoại (Lời phê).
Nguồn: Việt Nam quốc sử khảo, tr. 146-149, nxb Giáo dục, Hà Nội 1962, trích in trong phần Phụ lục của cuốn Hẹn thắp lên - Lời chứng hai muơi lăm năm 1975-2000 của Nguyễn Ngọc Lan. Trình Bày xuất bản, Strasbourg – Salt Lake City, 2000. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!